Gió mãi thì thầm

09:07, 23/07/2015

Hàng năm cứ vào chiều những ngày lễ, tết, Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 lúc cái nắng xiên khoai sắp tắt, tôi lại đi viếng mộ liệt sĩ, viếng mộ bạn tôi tại nghĩa trang thành phố. Tôi đi một mình để được thì thầm, tâm sự, chia sẻ, nhớ lại những gì chúng tôi đã trải qua trong những năm tháng kháng chiến, chiến tranh ác liệt và trong đời thường.

… “Anh nằm đó mưa buồn chiều xóm núi
Tóc trên mồ che khuất chữ hàng bia
Niềm thương nhớ như năm nào, vẫn thế
Thắp nén hương này mong được sẻ chia…”
 
Hàng năm cứ vào chiều những ngày lễ, tết, Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 lúc cái nắng xiên khoai sắp tắt, tôi lại đi viếng mộ liệt sĩ, viếng mộ bạn tôi tại nghĩa trang thành phố. Tôi đi một mình để được thì thầm, tâm sự, chia sẻ, nhớ lại những gì chúng tôi đã trải qua trong những năm tháng kháng chiến, chiến tranh ác liệt và trong đời thường.
 
Nghĩa trang tĩnh lặng, gió nhẹ. Lá cây rì rào như khúc nhạc du dương, êm ái ru các anh trong giấc ngủ ở cõi vĩnh hằng. Ánh nắng vàng vọt, yếu ớt chỉ còn đủ sức quét thành từng vệt từng vệt trên đám cỏ úa và những bia mộ thẳng hàng. Tôi đi, lần theo từng dãy bia mộ và lần lượt đọc tên các anh: Trần Văn Á sinh ngày… quê quán… hi sinh ngày…tháng… năm… Tôi cứ lần từng bia mộ, vừa thắp hương vừa thầm đọc mãi cho đến khi tôi đứng trước mộ bạn. Một cảm giác khó tả dâng lên trong lòng, buồn và nhớ ngày hắn đi B (trở lại chiến đấu ở chiến trường miền Nam).
 
Minh họa: H.T
Minh họa: H.T

…Gặp tôi bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội vào một ngày chủ nhật năm 1965, hắn bảo chỉ còn vài ngày nữa tao lên đường vào trong ấy, chẳng biết lúc nào và, còn có thể gặp nhau nữa hay không. Mai, mày và tao đến quán bà Béo cạnh cửa hàng kem Long Vân bên bờ hồ Hoàn Kiếm làm chầu hủ tiếu, bánh phồng tôm, để “có đi xa cũng nhớ về Hà Nội”, nhớ ngày chia tay nhau.
 
… Bát hủ tiếu nóng bốc khói thơm lừng. Hai chúng tôi vừa ăn vừa nhắc lại kỉ niệm thời thơ ấu ở làng quê: những ngày đi học trời mưa như trút nước, tấm áo tơi rách không đủ che thân, những buổi chăn trâu nơi gò mả, những ngày đi lấy củi trên núi Cấm, những đêm trăng sáng, những lúc lặn hụp, tắm táp ở dòng sông nước trong xanh quê tôi…
 
Hắn dặn tôi ráng học hành cho thành đạt để sau này về xây dựng quê hương. Tôi dặn hắn giữ gìn sức khỏe. Nếu có dịp về chiến đấu, công tác ở quê làng, khi có điều kiện nhớ thăm những ai, bạn học nào. Nhất định chúng mình sẽ gặp nhau trong ngày vui chiến thắng. Tôi lục túi áo trút hết những đồng tiền còm cõi thời sinh viên nghèo, đưa hắn, hắn chối oai oải, không nhận: “Tao có cần gì đến tiền nữa đâu. Mua, bán gì nơi khỉ ho cò gáy, rừng sâu núi thẳm ấy. Mày ở lại ngoài này cần hơn, hãy giữ lấy”. 
 
Tạm biệt! Hắn ôm choàng lấy tôi: “Mày đẹp trai lắm, lại có mác sinh viên (thời ấy những năm 60 thế kỉ trước sinh viên Hà Nội có giá lắm) nhưng đừng để các cô nàng Hà Nội hớp hồn đi đấy! Các cô gái quê mình cũng đẹp lắm. Vào trong đó, tao sẽ tìm sẵn cho một nàng đẹp như Tây Thi ấy. Chịu không? “Ta về ta tắm ao ta”, nhá”.
 
Hắn cố pha trò cho vui, nhưng cả hai chúng tôi không thể nào vui lên được. “Ôi! Cái cảnh chia ly sao mà buồn vậy”… 
 
Thế mà giờ, hắn lại nằm đây!
 
- Phan ạ! Mày có linh thiêng hãy về chứng giám. Giờ đây, đất nước mình thay đổi nhiều rồi. Chỉ riêng cái làng mình thôi cũng đã khác xưa nhiều lắm. Cái đình làng bị bom Mỹ làm đổ nát, giờ được sửa sang, tôn tạo lại trông rất uy nghi, bề thế. Đến ngày hội làng, con cháu kéo về đông đúc, vui không tả xiết. Cậu còn nhớ không: cái Xuyến, cái Trà, cái Mịch… ngày xưa cùng học với chúng mình ấy, nay đã thành bà nội, bà ngoại cả rồi. Các bà ấy vẫn nhắc đến cậu đấy. Cánh đồng lúa làng ta giờ tốt lắm vì có nước thủy lợi. Duy chỉ có cá, tôm, cua đồng thì chẳng còn mống nào, vì bà con dùng thuốc trừ sâu, hóa học nhiều quá.
 
Cháu Thùy Dương đẹp đẽ, nết na của cậu ấy, năm nay không về thăm nhà được. Nó đang bận làm luận văn tiến sĩ ở Liên bang Nga. Lúc nào cháu về mình sẽ đưa cháu ra đây thắp nén hương cho vong linh cậu. Con cậu đã trưởng thành, thành tài. Hãy yên nghỉ, hãy phù hộ cho những người đang sống “chân cứng đá mềm”.
 
Tôi thắp ba nén hương cắm lên phần mộ bạn mà trong đầu mãi nghĩ về những kỷ niệm cũ, những điều kỳ diệu của lẽ đời, nên không chú ý phía sau lưng, cách vài hàng bia mộ có ba bà cháu cũng đang lầm rầm khấn vái, và trao đổi với nhau về điều gì đó.
 
Tiếng trao đổi mỗi lúc một to, gió đưa tiếng vang xa, nên tôi chú ý lắng nghe. Tôi biết nghe quàng chuyện người khác là điều không nên, nhưng rõ ràng câu chuyện ba bà cháu đang trao đổi đã cuốn hút sự chú ý của tôi.
 
Hoàng hôn dần buông xuống. Không gian thật tĩnh lặng. Có gì đó thiêng liêng lắm. Tôi có cảm giác như âm dương đang giao hòa. Các anh, các chị từ cõi hư vô, cõi âm như đang hiện về vây quanh chúng tôi, cật vấn về cái đạo làm người, về câu ngạn ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”. “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Tôi bỗng có cảm giác ớn lạnh và sợ, nhưng những tiếng trao đổi của ba bà cháu đã kéo tôi về thực tại.
 
- Mẹ đã bảo con hãy đốt chiếc áo trấn thủ chồng con để lại mà con đang mang theo người ấy đi. Con còn trẻ, con nên đi bước nữa. Con phải có hạnh phúc chứ! Ở vậy mãi với mẹ, mẹ chẳng đành lòng. Chồng con nằm xuống cũng đã hơn ba năm rồi. Nó chẳng trách cứ gì con đâu. Con mẹ, nên mẹ biết tính nết của nó.
 
Tôi nghe thấy tiếng khóc tức tưởi và, tiếng nói trong tiếng nấc nghẹn ngào:
 
- Không! Thưa mẹ! Con xin giữ lại chiếc áo này. Đây là kỷ vật của chồng con. Dù sau này có làm gì, đi đâu, con vẫn cứ mang theo bên mình. Con không thể nào quên anh ấy được. Con sẽ mãi mãi ở với mẹ, nuôi cháu khôn lớn nên người, để ở thế giới bên kia anh ấy cũng được yên lòng.
 
- Con ơi! Mẹ đã nói mãi, sao con vẫn chẳng nghe ra. Mẹ cảm ơn con lo cho mẹ, nhưng thời nay khác trước, không có bảng vàng “Tiết hạnh khả phong” để con phải hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình. Con ở vậy thờ chồng, mẹ cảm thấy như mẹ là người có lỗi, với lại chồng con hy sinh vì Tổ quốc, thì nay đã được Tổ quốc ghi công, đền ơn đáp nghĩa vẹn toàn. Con ở vậy thờ chồng ngần ấy năm rồi, giờ con hãy lo cho mình. Đời con còn dài…
 
Tiếng khóc tức tưởi mỗi lúc một to.
 
- Mẹ ơi! Con chưa thể! Con không thể…! Hơi ấm chồng con còn phảng phất, còn vương vấn đâu đây, còn ủ trong chiếc áo này…
 
Tôi bỗng như nghe văng vẳng trong hơi gió lời thơ bi ai của nhà thơ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều tha thiết, thương nhớ người vợ hiền đã mất:
 
…“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
Mối tình muốn dứt 
càng thêm bận
Mãi mãi bên lòng 
cứ chẳng thôi…”
 
Hoàng hôn miền sơn cước xuống nhanh, chim chóc gọi bầy bay về tổ. Cái lạnh và cái cô tịch nơi nghĩa trang như xầm xập kéo đến. Tôi như trông thấy thằng bạn đang đứng trước mặt và nhìn tôi đăm đắm. Tôi thấy ớn lạnh, vội đứng lên và bỗng nghe thấy tiếng đứa cháu nội của bà cụ:
 
- Nội ơi! Đi về thôi! Khóc ở đây, bố cháu nghe thấy đấy, với lại trời đã tối rồi. Cháu sợ!
 
Những tia nắng yếu ớt cuối cùng đã tắt hẳn. Hình ảnh những tấm bia mộ nhạt nhòa, chập chờn… Cái lạnh về đêm miền sơn cước ngấm vào da thịt, khiến nỗi buồn nhớ bạn và những người đã khuất trong tôi như tăng lên gấp bội.
 
Gió vẫn cứ mãi thì thầm, thì thầm…
 
Truyện ngắn: NGUYỄN TÙNG CHÂU