Cống hiến của Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp (1929-2013) vào nền điện ảnh nước nhà rất dày dặn, đã được chính thức tôn vinh. Bài này chỉ gợi mấy kỷ niệm bạn bè về một tâm hồn nghệ sĩ cuộc đời thanh bạch.
Cống hiến của Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp (1929-2013) vào nền điện ảnh nước nhà rất dày dặn, đã được chính thức tôn vinh. Bài này chỉ gợi mấy kỷ niệm bạn bè về một tâm hồn nghệ sĩ cuộc đời thanh bạch.
|
Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp |
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp và tôi thuộc lớp cán bộ được điều về báo Nhân Dân tiếp quản thủ đô Hà Nội và chuẩn bị xuất bản hằng ngày, tháng 10 năm 1954. Lứa tuổi chúng tôi thời ấy, đời ta rộng thênh thang tám thước, ai cũng thư thái, hồn nhiên, rất dễ thân nhau. Chúng tôi biết Bạch Diệp từng là người yêu của một nhạc sĩ tài hoa, lớp trẻ thời ấy hầu như ai cũng thích những ca khúc dặt dìu của anh. Lại rỉ tai nhau, câu “thì thào lá biếc có thương lá vàng” trong bài hát vốn là “lá trắng”, phổ cập mới nhuộm trắng thành xanh. Lại biết Bạch Diệp từng được một nhà lãnh đạo địa phương trí thức, đẹp trai yêu nhưng chị quyết dứt áo trở về Hà Nội sum vầy gia đình.
Nhà lãnh đạo ấy ít lâu sau tôi có quen thân. Anh làm bí thư một tỉnh đồng bằng, tiêu chuẩn được cấp chiếc xe hơi Moscovich nhỏ xíu. Ngày chủ nhật anh cho tài xế nghỉ, tự mình lái xe đưa phóng viên đi thăm đồng. Gặp con mương chắn ngang đường, anh vào nhà dân mượn hai tấm phản vác ra bắc ngang để đi tiếp sâu vào cánh đồng. Cấp tiến thế, cấp trên biết, khó tránh khỏi cái án phê bình. Vậy mà chàng nhạc sĩ tài hoa và ông bí thư đẹp trai đều không chiếm được trái tim nàng lá trắng, phải chăng định mệnh níu kéo người nghệ sĩ, bảo chờ làm bà hoàng ngắn ngủi của ông vua thơ tình? Tôi cầm đóa dạ lan hương / Trong tay. Đi đến người thương cách trùng...
Buồn làm sao nhớ lại ngày hồ hởi ấy. Mấy phóng viên trẻ chúng tôi dưới sự chỉ chỏ của Thép Mới, hăm hở dọn dẹp lau chùi, xếp bàn ghế, phân công đón khách ở cổng... Lễ thành hôn nàng Bạch Diệp với nhà thơ Xuân Diệu, mà người mai mối đầy nhiệt tình là Tổng biên tập Hoàng Tùng, tổ chức rôm rả tối hôm ấy tại ngôi biệt thự nhìn ra Hồ Gươm, cạnh cây đa cổ thụ. Chẳng được bao lâu, anh em rỉ tai nhau: “Đêm nào nó cũng ra ngồi khóc một mình ở vườn hoa”.
Cuộc chia tay rất lặng lẽ vẫn được nhiều người biết. Liên quan đến vua thơ mà. Một lần tôi được tòa báo cử đi theo đồng chí Trường Chinh về làm việc với một tỉnh đồng bằng. Đoàn đi mỗi một chiếc xe. Thư ký riêng của anh ngồi ghế trước, thủ trưởng cùng nhà báo ngồi ghế sau. Dọc đường anh Năm hỏi thăm anh chị em ở tòa soạn, mà anh là người được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo trực tiếp. Nhắc tới Bạch Diệp, khuôn mặt luôn nghiêm trang của nhà lãnh đạo chợt nở nụ cười. Anh nói thủng thẳng: “Chẳng có ai như anh Hoàng Tùng!”. Ngừng một phút, lại cười: “Chẳng ai như anh Hoàng Tùng. Làm sao lại dám đứng ra cam đoan, bảo lãnh cái chuyện ấy cơ chứ!”.
Một dịp gần đây một người bạn già và tôi hẹn nhau cùng đến thăm Bạch Diệp tại nhà riêng, nơi chị sống cùng một đàn mèo, chị khoe có dạo nuôi tới tám con. Tôi đưa chị xem bài báo viết về Xuân Diệu đăng số Xuân một tờ tạp chí mới ra ở thành phố Hồ Chí Minh. Bài viết gợi lại cảnh tiễn đưa nhà thơ lớn: “... Ngay sau vòng hoa kết toàn hoa trắng với chiếc băng đen mang mấy chữ Thương nhớ Anh, chị Bạch Diệp buồn rầu bước. Sau hôm ấy, Chế Lan Viên ghi vào sổ tay:
Trước tôi và Thông (Hoàng Trung Thông) là người yêu cũ của anh: Bạch Diệp
Họ chia tay nhau lâu rồi
Chỉ hôm nay anh chết
Họ mới thành lứa đôi”.
Chị lặng lẽ đọc, mặt buồn rười rượi. Tôi hỏi: “Có gì sai không?”. - “Thương nhớ Anh, chữ anh Diệp không viết hoa, Phan Quang à”, chị đáp.
Hai năm đầu sau ngày hòa bình lập lại, Hà Nội thật thanh bình. Cô phóng viên đi làm hằng ngày thỉnh thoảng diện áo dài tha thướt. Bạch Diệp dẫn mấy anh em chúng tôi đến hiệu ảnh gia đình chị, cùng dãy nhà phố Hàng Trống, cách tòa báo mấy chục bước chân, nổi tiếng về chụp ảnh chân dung nghệ thuật. Người đứng máy là em gái chị, một nàng vừa đến tuần cập kê xinh tươi hơn hớn, áo dài lả lướt cùng màu với áo chị. Mấy cậu trai chúng tôi đến chơi nhà chị bạn, cậu nào cũng chực nhìn trộm cô em.
Tết Trung thu năm sau, Trung thu đầu tiên của tôi tại Thủ đô, Bạch Diệp dẫn mấy ông bạn quý về thưởng trăng trên sân thượng ngôi biệt thự cuối phố Bà Triệu, nơi gia đình chị sống. Nhấm mảnh bánh Trung thu, nhấp chén trà sen nhẹ, chúng tôi nhẩn nha trò chuyện cho đến khi sương đẫm lạnh hai vai mới chia tay. Cuối phố thời ấy yên tĩnh quá, hầu như không có tiếng ngựa xe, mơ hồ vẳng lại trống ếch các em xa trên khu trung tâm. Chúng tôi dắt xe đạp ra đường, chờ chủ nhà đóng cổng quay vào khuất bóng, thằng bạn tếu táo: “Sao nó không cho con em lên thưởng trăng cùng chúng mình?”.
Đợt cải tạo công thương, cải cách ruộng đất, nhiều phóng viên được phái đi phục vụ phong trào. Bạch Diệp đã thay chiếc áo dài màu bằng cái sơ mi trắng cổ lá sen; nay được phân công về tỉnh nghèo, chị mặc chiếc áo màu nâu cho hợp thời trang.
Tôi về tỉnh khác, làm phóng viên thôi, nhờ vậy có nhiều dịp về Hà Nội. Cán bộ đội Bạch Diệp ở riệt vùng quê, làm tờ nội san của Đoàn cải cách, vậy mà vẫn chưa hết mơ màng: “Diệp xa Hà Nội vừa đúng tám tháng rồi đấy” - chị viết cho tôi (thư ngày 1/4/1956) - nếu ở Hà Nội lúc này chắc D. đã lấy xe đạp đi vòng lên đường Cổ Ngư chơi một mình rồi... Đêm hôm nay sao lặng lẽ thế này. Hình như là đêm chủ nhật. Lâu lắm rồi, đêm nay D. mới thấy nhớ Hà Nội, nhớ đến gần như muốn khóc...
“... Chóng thật. Thế mà bây giờ Diệp đã thành Diệp ngày nay. Đêm nay D. sẽ phải làm việc khuya. Nhưng dù bận mấy, mỗi ngày ít nhất cũng đọc được một bài thơ hoặc vài trang tiểu thuyết... P.Q đã đọc La vie de Kachine chưa nhỉ, trong Femmes Francaises ấy...”.
Ít lâu sau đợt thâm nhập ba cùng, chị Bạch Diệp chuyển sang điện ảnh. Mấy đứa chúng tôi vẫn làm báo. Bạn bè chẳng có dịp gặp nhau. Làm xong bộ phim nào, hôm trình chiếu, chị cũng gửi cho tôi hai cái vé kèm mấy chữ: “Phim mới của B.D, P.Q nhất thiết phải đi xem”. Nhất thiết có gạch chân. Chả là bà đạo diễn biết tính ông bạn, mê xem phim song hơi bị... sùng ngoại. Lẽ đương nhiên tôi nhất thiết phải đi. Để sáng hôm sau còn có mấy lời bình qua điện thoại, trúng trật không sao, nhất thiết không thể không bình.
Nghỉ hưu, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp làm phim màn ảnh nhỏ: “Sức khỏe mình bây giờ chỉ có thể làm đến vậy thôi”. Còn là đọc sách: “Diệp đã xem thì dở hay gì cũng xem kỳ hết. Có đêm đọc một mạch xong cuốn tiểu thuyết mới ra”. Chị dặn, gặp cuốn sách nào hay gửi cho D. xem với, bảo đảm trả lại chủ sách nguyên như mới.
Biết Bạch Diệp mắc bệnh đau khớp chân như nhiều người cao tuổi, chúng tôi năng đến thăm. Có điều muốn vào tận nhà, phải đi bộ một quãng khá xa. Một lần tiễn tôi cùng một ông bạn già nữa ra về, chị nói: “Cảm ơn lắm. Nhưng thôi, các anh ạ. Chúng mình già cả rồi. Diệp ít đi đâu, các anh đến thăm là quý. Bạn bè thi thoảng gặp nhau trên điện thoại đủ vui rồi”.
Bạch Diệp trung thành với lời hẹn. Chị năng gọi điện, không quan tâm lắm giờ giấc, có khi vào lúc gần nửa đêm. “Giọng nói bà cụ tám mươi sao trẻ thế” - nhiều lần tôi trao đổi với bà xã nhà. Một lần, nhận lời giao lưu trực tuyến trên truyền hình, hôm trước chị đã tin cho tôi biết, hôm sau lại điện: “Diệp đang ngồi chờ xe đón đến trường quay. P.Q nhớ mở tivi nhé. Kênh VTV... lúc... giờ”.
Nhớ mới Tết nào, đường Hà Nội thông thoáng. Tôi lững thững dạo quanh bờ hồ. Ngồi nghỉ chân trên ghế đá, gọi điện mừng bà bạn năm mới. Bạch Diệp báo tin, trước tết phải vào viện cấp cứu. “Bệnh gì?”, tôi hỏi. Chị đáp rất thản nhiên. Giọng yếu hẳn đi nhưng vẫn trẻ. Tôi nghe mà sững sờ, dù biết đến tuổi này, chẳng có chi lạ. Chị chuyện tiếp: “Mổ khẩn cấp. Diệp ngần ngại. Nhưng bác sĩ X. - tay ấy là chuyên gia hàng đầu nước ta về bệnh này đấy nhé - bác sĩ X. nói: Cô cứ yên tâm đi, chúng em làm hết mình. Với ai chứ với cô Bạch Diệp, cô cứ tin tưởng chuyên môn đi. Và các cậu ấy làm tốt thật. Mình lại được về nhà... Thế nào, bà N. có khỏe không, hở P.Q.?”
Bà N. nội tướng là người báo cho tôi biết chị B.D vừa qua đời. Rồi mấy hôm liền, sáng nào bà cũng ngóng anh phát hành báo chí, để đón xem bao giờ là ngày tiễn đưa người bạn lâu năm. Và rồi chính bà lại bình: “Chị Bạch Diệp mất hôm mười một, chắc phải chờ sau rằm tháng bảy”.
PHAN QUANG