Ơ… Giao! Cậu cử tân khoa có vóc dáng một cầu thủ bóng đá, vai rộng, ngực nở. Ba lần chạm trán nhau khi đi phỏng vấn xin việc làm, có điều chị thâm niên thất nghiệp đã 10 năm còn cậu thì mới toanh, vẫn ngẩng cao đầu đầy tự tin dù chưa nơi nào nhận. "Giao đấy em?", chị lên tiếng giữa đám đông chen chúc chợ búa.
Ơ… Giao! Cậu cử tân khoa có vóc dáng một cầu thủ bóng đá, vai rộng, ngực nở. Ba lần chạm trán nhau khi đi phỏng vấn xin việc làm, có điều chị thâm niên thất nghiệp đã 10 năm còn cậu thì mới toanh, vẫn ngẩng cao đầu đầy tự tin dù chưa nơi nào nhận. “Giao đấy em?”, chị lên tiếng giữa đám đông chen chúc chợ búa. Cậu ngẩng lên ngơ ngác ngay cả khi chị đứng chắn trước mặt. Không nhận ra chị à? Thoáng buồn và thất vọng, mấy tháng lăn lê ngoài chợ nhặt rau rác về nuôi nhím mà mặt mày đen nhẻm, hai tay mốc mác, nhiều người quen cứ ngỡ là ai khác cơ. Chưa đến bốn mươi đã già, mặt đầy tàn nhang, hai mắt thâm quầng, dấu hiệu làm ăn chẳng ra gì. Thôi, đã không nhận ra thì coi như không gọi, toan quay đi thì Giao cầm tay kéo lại: “A… Chị! Đã có nơi nào nhận chưa?”. “Họ chê chị rồi! Còn em?”. “Cũng vậy thôi”.
Chợ rau về chiều càng đông. Rau đâu mà nhiều thế, cứ ùn ùn kéo chất lên xe tải chuẩn bị đi Sài Gòn trong đêm, ba trăm cây số sáng bảnh mắt dân thành phố đã có rau tươi. Đây là chợ rau đầu mối, trên là trời dưới là rau. Những lá sú già, cuống súp lơ vun đống như núi chờ xe rác bốc đi. Kể cũng phí, có khi người ăn cũng được. Tiếc của, nhiều người nhặt về nấu cám heo, băm cho gà… Gần đây lại có phong trào nuôi nhím, những con nhím như con chuột khổng lồ thích gặm cuộn rau héo. Trong lúc chưa có công ăn việc làm ổn định chị cũng thử nuôi xem sao, bỏ ra mười triệu mua cặp giống, giờ nhân lên cả đàn, tính cung cấp cho các nhà hàng đặc sản.
|
Minh họa: H.T |
Cứ tắt nắng là tối sập, vùng cao vậy đó. Chị khép hai vạt áo len ngoài màu đỏ quạch, chúi đầu run lên nhè nhẹ, hít hà xoa xoa hai bàn tay vào nhau. Trời lại mưa, hai chị em kéo nhau ngồi thụp xuống gánh khoai lang nướng của bà già lấy hơi ấm than hồng.
- Nhìn kìa, - Giao nói với chị. - Mưa mà chẳng thấy ai chạy cả.
- Ở đây mà chạy mưa thì chạy suốt ngày à? Chị em mình cũng thuộc loại “mưa nắng ráng chịu” rồi.
- Em thích mưa lắm, đầu trần lầm lũi dưới mưa nghĩ ngợi thấy hay hay. Cô bạn cùng lớp tưởng em không có tiền, mua tặng chiếc dù em toàn quẳng ở nhà.
- Chị cũng rất thích mưa, từ nhỏ cứ ngỡ chỉ có mình mình thôi.
Giao ghé sát tai chị hạ giọng: “Này, em không có tiền đâu đấy!”. “Yên tâm chị có đây”, vừa nói chị vừa thục tay vào túi:
- Bao nhiêu củ khoai này bà?
- Hai ngàn.
Moi mãi thì ra trong túi còn đúng một ngàn. Giao cũng thử kiểm tra lại túi mình, reo lên:
- Vừa đủ! Đây, bà đã thấy khách xịn chưa?
Bà già phe phẩy quạt than:
- Không sao. Thế là thường.
Củ khoai nướng sém vỏ, rộp thành than đôi chỗ, dậy mùi thơm ấm áp quen thuộc. Nóng! Chị phải lật từ tay nọ sang tay kia, bửa đôi thật nhanh đưa cho Giao một nửa. Hơi bốc nghi ngút, họ ủ trong lòng bàn tay trước khi bóc vỏ. Dưới kia là mặt hồ Xuân Hương tối đen như mực, lấp lánh đèn thành phố đủ màu trộn lẫn với sao trời làm nên một màn pháo hoa tuyệt đẹp. Dưới ánh đèn đường vàng đục, đôi trai gái che dù dìu nhau lên dốc như vừa đi vừa ngủ.
- Đố em, người Đà Lạt gọi mưa này là mưa gì?
Mưa Đà Lạt là mưa vô cớ. Trời đang nắng thích mưa là mưa, chẳng nổi cơn giông gió, chẳng sấm chớp đì đùng báo trước cho người. Mưa đến dễ dàng như một làn gió, thoảng qua rồi thôi, lại nắng, vừa mưa vừa nắng là thường, nắng trong mưa là nắng lạnh, nắng hoa đăng khiến vạn vật trở nên hư ảo. Đôi khi chơi trò ú tim, nắng đấy, đem áo quần ra phơi liền gặp mưa, vội vã rút vào lại hửng nắng. Đúng là một cô gái mít ướt đỏng đảnh, khóc khóc cười cười. Tháng giêng ở Đà Lạt cũng có gió mùa đông bắc, lất phất mưa bay không đủ ướt áo ngoài. Khó mà hình dung một Đà Lạt không mưa, không lạnh giá ướt át, ngày phải ngắn, trời phải âm u buồn buồn, hợp với những địa danh có phần ảo não, thê lương: Ái Ân, Than Thở, Cẩm Lệ, Cam Ly, Vạn Kiếp, Suối Vàng… Mảnh đất du lịch này có tài buộc du khách phải cô đơn hoài niệm, hồi cố tìm lại mình để rồi tìm đến người.
- Sao, chịu à? - Chị không nhắc lại câu đố.
- Mưa bụi hay mưa phùn mưa kim gì đó.
- Người Đà Lạt gọi mưa này là “mưa tình nhân”.
Nói rồi chị ngửa mặt đón những hạt mưa bụi đậu trên má làm dịu làn da nóng ấm đang căng ra vì hơi lửa.
- Ơ… Chị bị nhọ! - Giao phát hiện vết đen trên khóe miệng. - Không…bên kia…bên kia cơ! - Ngón tay cậu phết nhẹ lấy đi, và gương mặt chị ửng một nét thơ ngây.
Mới ngày nào còn cắp sách đến trường, cô thiếu nữ trong chiếc áo dài trắng thướt tha, nói nói cười cười giữa tốp bạn, đời đẹp chỉ muốn bay lên. Lâu nay chị sợ phải soi gương, không dám đối diện nhan sắc mình. Vừa ra trường, vốn liếng con gái dắt lưng có mấy chục triệu, nghe người ta, chạy việc hết sạch. Hợp đồng kế toán ở một cơ quan được hai năm thì thay giám đốc mới, họ không kí tiếp nữa. May mà thời gian đó cũng kiếm được tấm chồng, tòi ra một đứa con, thế là gõ cửa khắp chẳng nơi nào nhận. Mỗi năm lại tung ra một lứa cử nhân mới, trẻ trung nhan sắc hơn, vi tính thì đọ sao được với chúng. Đã thế mẹ chồng lại suốt ngày than vãn: “Nhà này chỉ có miệng ăn chứ không có người làm”. Việc nội trợ, con nhỏ, chăm sóc mẹ già thường xuyên đau ốm, thử hỏi có đáng một ô sin không? Đức ông chồng còn tỏ ra sĩ, chỉ muốn vợ ăn mặc sạch sẽ, sáng đi tối về, lương thấp cũng được, miễn sao đẹp mặt với bạn bè. Rõ rởm, có đi xin việc mới thấy nhục, sao không tìm giúp người ta đi. Ra chợ nhặt rau nuôi nhím có gì là xấu, bươn trải, kiếm kế sinh nhai mà xấu à? Để xem, vài tháng nữa thôi, nhím xuất chuồng được, thu về một lúc ba bốn chục triệu thì bằng mấy lương ông ấy chứ. Bảo đưa con đi học chịu khó tạt qua cửa hàng mua mấy kí thức ăn gia súc thì chối đây đẩy. “Tôi mà lại phải mua thức ăn gia súc à?”. Ái chà! Tôi là ai? Một nhân viên quèn chứ là gì. Như người ta, thấy vợ vất vả cũng xắn tay vào, đằng này… Ừ, tôi thất nghiệp, tôi xấu xí đen đủi đấy, lạnh nhạt cứ như người dưng không bằng. Chị thở dài, Giao tuy vậy nhưng cùng cảnh ngộ, nó còn hiểu được mình…
*
Nhím mau lớn quá, loài gặm nhấm này dễ nuôi thật, những cục xương chó nhằn mà nó gặm được tất, gặm ngày gặm đêm, hình như chúng không cần uống nước, nước trong cuộn rau héo đã đủ cho chúng. Ăn toàn những thứ vớ vẩn mà lớn lên trông thấy, lại mắn đẻ nữa chứ. Thế này thì chẳng mấy mà giàu to! Đến khi bán nhím thịt mới thấy không đơn giản, thực khách chưa quen ăn, có người bảo nó hôi hôi, có người nói đấy là chưa biết chế biến, tẩm gia vị vào xem. Chị ăn thử thấy cũng được, có cái đậm đà của động vật hoang dã, lạ miệng nhưng không thể ăn thường xuyên. Giờ mới vỡ lẽ, chẳng nghe ai nói một kí thịt nhím giá bao nhiêu, toàn quảng cáo bán giống. Thiên hạ khôn thật.
Có một cửa hàng đặc sản tiêu thụ, bảo bao nhiêu cũng mua hết vì họ còn chuyển đi Sài Gòn nữa. Nhím nhân lên như tăng dân số, chuồng trại nào cho đủ, hết sức lớn chẳng lẽ cứ nuôi mãi, cửa hàng đặc sản lại cho người đến tận nhà thì mừng quá, tiền trả sau cũng được, làm ăn lâu dài mà. “Nó lừa rồi!”, mẹ chồng cảnh báo. “Không mà mẹ, người ta có cửa hàng cửa hiệu hẳn hoi”. Chờ tiền mãi rồi cũng phải thú thật với chồng. “Tôi mà đi đòi tiền nhím cho cô à?”. Lại nước mắt lưng tròng, chị nhớ đến Giao: “Giao ơi, cứu chị với!”.
*
Cửa hàng đặc sản đây rồi. Xe máy xe con đậu thành bãi chen chúc nối đuôi nhau. Khoảng mười bàn kê san sát, thực khách lấp đầy, mặt phừng phừng hơi men dzô! dzô! cụng ly như điên. Chị dắt tay Giao kéo vào. Không ai để ý đến ai. Mùi rượu đế, mùi giả cầy và hơi người bốc lên nồng nặc. Nền nhà nhớp nháp, cồm cộm những cục xương nhím vương vãi dưới chân.
- Vào đây, vào đây với chị. Nó thấy chị đàn bà con gái nó không sợ…
- Nó là ai hả chị?
- Chủ quán chứ còn ai. Kia kìa, nó kia kìa. - Chị chỉ lão già còm rom lui cui chạy ra chạy vô.
Giao tuy cao to nhưng hiền quá, không quen việc này, chưa biết nên mở đầu thế nào khi giáp mặt hắn thì có tiếng gọi lớn:
- Ê, thằng Giao, thằng Giao chúng mày ơi!
Thì ra mấy thằng bạn mới kiếm được việc làm đi “rửa” hợp đồng cùng anh em cơ quan. Không hỏi han, chúng níu hai chị em ngồi xuống. Một tên có vẻ là chủ chi, vỗ vỗ ba lô đặt trên bàn, vênh mặt:
- Hôm nay tao thừa tiền! Anh em, cứ giải ngân xả láng!
- Ê! Chủ quán, cho thêm hai cái chén mới… Mang thêm rượu ra đây.
- Dạ dạ, hết rượu rồi ạ! - Hắn có vẻ sợ.
- Hết thì đi mua! Không say không về!
- Chúng tao đốt quán bây giờ!
Sau khi nghe Giao trình bày, chủ chi vỗ vỗ vai bà chị:
- Yên tâm đi, thằng em này khắc có cách.
Cách gì chưa biết nhưng nghe ra chủ quán sợ một phép. Nhím hấp, nhím quay, giả cầy, nhựa mận… tiếp tục bày ra như cuộc nhậu mới bắt đầu, mặc dù đã đầy bàn xương nhím.
Đến lúc tính tiền, chủ chi gọi chủ quán lại trợn mắt:
- Ông còn nợ bà chị tôi đây mười hai triệu tiền nhím phải không?
- Dạ dạ, vài bữa nữa…
Chủ chi liếc nhìn tờ hóa đơn thanh toán cười cười:
- Mười một triệu tám trăm ngàn! Thế này nhé: Thay vì đưa cho ông, tôi trả bà này mười hai triệu. Được chưa?
Nói rồi nó giúi cục tiền vào tay chị, không thèm nhìn chủ quán. Suôn sẻ bất ngờ, cầm đồng tiền trong tay mà ngỡ như bắt được. Chị tin cậy đưa Giao giữ hộ vì áo không có túi. Lửa rượu đã bốc lên đỏ nhừ hai mắt, hàm cứng lại phát ra hai tiếng “chuyện nhỏ”, cậu nhét tiền vào túi quần theo thói quen như đút tập vở sinh viên. Ấy chết, chị ôm ngang người Giao, vòng tay qua sau lưng rút cọc tiền, phanh ngực áo cậu, ấn hẳn vào túi trong. Nhập nhoạng tối, trời bắt đầu đổ mưa, say quá rồi, không thể để Giao đèo chị về bằng xe máy. Quán rượu ngoại ô này có bố trí phòng giã rượu cho thực khách quá chén chờ tỉnh.
Rượu kể cũng lạ, vài ly khai cuộc khiến người ta tỉnh táo, hoạt bát hẳn, minh mẫn và nhanh nhạy, rượu vào lời ra. Tiếp tục dzô! dzô! nữa thì đầu óc trở nên ù lì, nhại đi nhại lại một câu nhừa nhựa, gào lên vẫn tưởng xung quanh không ai nghe, thoát khỏi sự kiềm tỏa ức chế bản năng, cơ hội trỗi dậy của buông thả dễ dãi. Vắt cánh tay mềm rũ của Giao lên vai mình, chị nghiêng người rê cậu đi chầm chậm từng bước. Hơi thở nóng ấm sặc mùi rượu phả bên mang tai, hình như cái cằm lởm chởm râu cọ vào cổ gai gai nhồn nhột. Cảm giác cồm cộm của cọc tiền trên lưng giờ không còn, thay vào đó là vồng ngực to bè nằng nặng ép. Áo khoác ngoài của cậu ủ lấy cả hai chị em. Và, chị nghẹt thở đến ba mươi giây trong vòng tay gọng kìm của Giao siết chặt. Ấy ấy! Kệ! Cậu đánh gót cho cánh cửa phòng sập mạnh như bị gió đẩy.
Ra ngoài không thiếu những ánh mắt đàn ông nhìn mình thèm thuồng, về nhà chồng coi như đồ bỏ đi, chán rồi chứ gì, của trong tay không biết giữ. Có mới nới cũ, cánh đàn ông chỉ chung thủy khi mình chưa phải là của họ. Chị nín thở tận hưởng cảm giác lâng lâng khi thấy mình còn giá trị trong ánh mắt của người khác giới.
Giao ghì cứng lấy chị, và không hiểu bằng cách nào chị đã thấy mình bị nén dưới tấm thân trai trẻ vạm vỡ. Men tình ủ trong chăn ấm tỏa hương. Những giọt mưa tình nhân gõ ô kính cửa sổ nhỏ đang mờ dần vì hơi người. Tiếng thở hổn hển, gấp gáp.
- Không!
Tiếng thét kinh hoàng khi chợt mắt anh hiện ngay đầu chị. Ánh mắt vuốt ve một thời yêu như muốn nuốt lấy chị có lần cụp xuống thảm hại trong cảm giác thua cuộc khi bắt gặp Giao đi bên chị. Ở mỗi người phương Đông gia giáo đều thấp thoáng bóng Khổng Tử. Tình thương và sự sợ hãi đã thắng. Một tiếng thở dài thượt.
“Không!”, tiếng thét tỉnh thức vừa rồi làm Giao giật nẩy, rụt tay lại như phải bỏng giờ nằm yên như chết. Chị xoay người ôm lấy cậu xoa đầu như một đứa trẻ, rót vào tai lời xin lỗi thì thầm…
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM