Nơi lòng nhân ái nở hoa

09:07, 23/07/2015

Tôi quen thân với nhà thơ, nhà văn Khuất Thanh Chiểu, Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật thành phố Bảo Lộc trong nhiều năm, nhưng mãi đến sau này tôi mới biết anh là kỹ sư Lâm nghiệp. Anh là người lãnh đạo giới cầm viết, cầm máy ảnh và cầm đàn… ở xứ trà B'Lao đúng nghĩa. Vì quản lý giới này phải bằng trí tuệ, hiểu về nghề nghiệp và phong cách giao tiếp uyển chuyển. 

Tôi quen thân với nhà thơ, nhà văn Khuất Thanh Chiểu, Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật thành phố Bảo Lộc trong nhiều năm, nhưng mãi đến sau này tôi mới biết anh là kỹ sư Lâm nghiệp. Anh là người lãnh đạo giới cầm viết, cầm máy ảnh và cầm đàn… ở xứ trà B’Lao đúng nghĩa. Vì quản lý giới này phải bằng trí tuệ, hiểu về nghề nghiệp và phong cách giao tiếp uyển chuyển. Điều tôi quý anh, vào tuổi 70 anh vẫn tiếp tục lao vào công việc từ thiện, tham gia mở trường nuôi dạy các cháu bị nhiễm chất độc màu da cam bằng cái tâm của người lính thời hậu chiến.
 
Kỹ sư Khuất Thanh Chiểu
Kỹ sư Khuất Thanh Chiểu
Tuần trước trên đường đến buôn Bờ Su Mang Ly nay là xã Lộc Tân (Bảo Lâm) để tìm gặp chị em K’Ho, Mạ vượt khó từ nghề trồng chè, nuôi heo rừng lai, đan thổ cẩm… khi phóng xe qua xã Đambri, dọc theo các triền đồi tình cờ phát hiện một cô gái đi xe máy, buộc một em nhỏ vào lưng mình như đòn bánh tét chạy lên đường dốc. Lúc ấy, đầu em bé ngã ngoẹo xuống, mắt mở trừng trừng, nước rãi chảy ra. Vì không biết sự việc thế nào, nên tôi tăng tốc đuổi theo với ý định có thể giúp được gì cho cô ấy. Đến khi tiếp cận, cô gái cho biết đang chở em trai của mình đến trung tâm nuôi dạy nạn nhân chất độc màu da cam và trẻ khuyết tật ở phía tây thành phố Bảo Lộc.
 
Trước mặt tôi là một ngôi nhà mới xây khá đẹp, được thiết kế hình chữ U còn thơm mùi sơn nước, ở giữa là một nhà vòm tạo thêm một không gian khoáng đãng. Tất cả khuôn viên nằm trên triền đồi nhìn xuống thung lũng xanh thơ mộng. Tại đây có hai hình ảnh trái chiều giữa màu thanh thiên của đất trời lại có hàng chục các cháu mặc áo vàng đi đứng xiêu vẹo, nước dãi chảy ra. Đó là hình ảnh của chất độc màu da cam đang còn ở lại.
 
Chị Đỗ Thị Hải 58 tuổi là giám đốc điều hành cho biết, khu nhà chữ U này được khánh thành vào tháng 5/2013, còn Văn phòng Hội ở trung tâm thành phố Bảo Lộc, cách khoảng 5km. Chị Hải nguyên là lãnh đạo Phòng LĐ-TBXH của Tp. Bảo Lộc về hưu, chị tình nguyện đến đây chăm sóc các em, các cháu như người thân trong gia đình mà không đặt điều kiện tài chính. Trong thời gian tiếp chuyện với tôi, chị vừa tranh thủ giới thiệu cơ sở vật chất, những tấm lòng vàng vừa điều hành cho các cháu ăn giữa giờ đến luyện tập thân thể.
 
Nhìn các cháu vươn vai uốn mình với những cánh tay loằng ngoằng, đôi mắt đờ đẫn, cố gượng người theo âm điệu của những bài ca kháng chiến vượt Trường Sơn năm nào, nước mắt tôi chảy ra khi nghĩ đến một thời bom đạn cầy xới mặt đất, nay để lại những hố bom trong lòng người. Anh Nguyễn Cường, sinh năm 1967, là cán bộ quản lý học viên cũng là nạn nhân của chất độc dioxin, anh đến ngôi nhà chung này sống với các em trong quãng đời còn lại của mình. Anh Cường dáng người thấp bé, với gương mặt thông minh nhưng bên trong ẩn chứa nỗi buồn. Được hỏi vì sao anh chọn nơi đây là tổ ấm, anh trả lời với âm sắc buồn buồn: “Ba má em là liệt sĩ, riêng ông già em là anh hùng lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng. Khi em được vài tuổi cả hai đều hy sinh ở chiến trường khu 6 cũ, nên được các cô chú nuôi dưỡng. Sau ngày giải phóng, em được đưa về cơ quan Ủy ban huyện Bảo Lộc xem như đứa con của nhà nước. Sau đó được các chú cho đi học nhưng với vóc dáng như thế này làm sao xin được việc làm, nên cô Sáu An dẫn về đây làm công tác quản lý học viên”, Cường đứng bên cạnh tôi có vẻ rụt rè pha lẫn mặc cảm. Anh đã từng mơ ước một mái ấm gia đình, có vợ sinh con như những người khác nhưng rồi anh chậc lưỡi. Tôi biết nỗi trống vắng của người trung niên này nhưng vẫn còn tin nghị lực của anh, biết đâu đó trong đời thường, vẫn còn những phụ nữ cùng chung số phận.
 
Chị Hải giới thiệu với tôi về hoàn cảnh em Ngũ Tiến Hòa (24 tuổi), đó là em bé được chị ruột của mình buộc dây chở đi. Hòa không nói được cũng không tự mình chăm sóc bản thân. Chị Hải cho biết trước khi đến đây Hòa chỉ nằm ở nhà trông chờ người thân giúp đỡ nhưng chỉ trong thời gian ngắn được bấm huyệt và vật lý trị liệu tại trung tâm, em có thể vịn xe lăn, nhấc chân đi từng bước và bập bẹ vài từ. Điều tôi trân trọng là người chị gái của em là Ngũ Thị Hiền 26 tuổi, tuy đã tốt nghiệp đại học quản trị kinh doanh nhưng tình nguyện ở nhà, hàng ngày luyện tập cho em từng bước đi, từng con chữ. Hình ảnh ấy minh chứng cho tình yêu thương của gia đình hoặc suy rộng ra xã hội vẫn còn hiện hữu, mặc dù ở đâu đó đạo đức con người xuống cấp bởi danh vọng và sử dụng đồng tiền không phải lao động chính danh.
 
Một tiết mục văn nghệ do các cháu bị nhiễm chất độc màu da cam biểu diễn
Một tiết mục văn nghệ do các cháu bị nhiễm chất độc màu da cam biểu diễn

Tiếp tôi tại Văn phòng Hội là ông Khuất Thanh Chiểu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nạn nhân chất độc màu da cam TP. Bảo Lộc; từng nhiều năm là Chi hội trưởng Chi hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bảo Lộc. Ông kỹ sư, quê ở Sơn Tây, Hà Nội, dáng người cao ráo lịch lãm, mang đôi kính trắng với nụ cười buồn buồn như một trí thức lỡ vận. Trong hai tiếng đồng hồ trao đổi, ông đau đáu lo âu cho những phận người mang di chứng chiến tranh. Có lẽ hàng ngày đối mặt với những gia cảnh bi thương đã làm cho ông mất đi nụ cười lạc quan theo lăng kính màu hồng mà ông đã trải qua trong quãng đời trai trẻ. Người có học, có tuổi bao giờ vẫn thế, họ sống đan xen giữa vinh quang và cay đắng của một đời người, vì trong cõi người ta mọi thứ có thể ra đi nhưng ký ức bao giờ cũng còn ở lại.
 
Ông Chiểu là mẫu người sống bằng tâm thức, nói năng nhỏ nhẹ. Ông kể cho tôi nghe quá trình gian khó trong buổi đầu hình thành cơ sở. Ông tâm sự: “Cách đây vài năm, tình cờ gặp một người mẹ đi chân trần, tay bồng một cháu bé dị tật vì chất độc dioxin. Hai mẹ con khoác trên người bộ quần áo cũ mèm lấm tấm bùn đất. Nhìn người mẹ bất hạnh đang cúi đầu, ầng ậng nước mắt, tôi không khỏi chạnh lòng. Tiếng than thở sâu thẳm tận đáy lòng: “Chú ơi! Xin trời cho tôi được sống, nếu tôi chết sớm ai sẽ chăm sóc cho con tôi”, mãi cho đến bây giờ tiếng than khóc tuyệt vọng của người mẹ nghèo vẫn văng vẳng bên tai. Đó là lý do tôi vào làm việc cho Hội và quyết tâm xây dựng trung tâm. Còn một điều nữa, các cháu cũng là con em của những đồng đội của tôi thời chiến. Tại thành phố Bảo Lộc, theo thống kê có khoảng 600 gia đình đang có con cháu như thế! Tôi là một kỹ sư Lâm nghiệp, trước khi về trường đại học, tôi đã mặc áo lính chiến đấu ở Quảng Trị và Huế thời chống Mỹ. Chiến trường này chắc chú đã biết, nơi ấy không những là túi bom đạn mà còn chất độc hóa học rải xuống vàng rừng. Trong số 77 triệu lít chất độc màu da cam rải xuống lãnh thổ Nam Việt Nam, trong đó chứa 170kg dioxin. Theo thông tin mới nhất từ ông John Mc Cain, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ cách đây vài tuần, tại Việt Nam có 45 ngàn mét khối đất bị nhiễm chất độc này”.
 
Ông Chiểu đã mấy lần nâng ly nước lên rồi hạ xuống, dường như nỗi buồn của hệ quả cuộc chiến làm ông không uống nổi. Ông chép miệng: “Công việc của Hội rất nhiều, từ việc vận động lòng nhân ái, cấp phát xe lăn, thuốc men, đến xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình có con em bị chất độc. Tháng 5/2013 chúng tôi xây dựng một trung tâm chăm sóc được 20 em với tổng trị giá hơn 3 tỉ đồng từ các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước. Nhưng thông qua các con số, tôi mới nhận ra rằng: Gần như sự giúp đỡ về tài chính từ cán bộ hay công ty có vốn nhà nước rất thấp so với dân thường hay các công ty tư nhân. Chẳng lẽ người ta quên đi nỗi đau với những người một thời là đồng đội của mình sao chú! Sắp tới Hội sẽ xây dựng thêm một Trung tâm xông hơi giải độc để chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam của tỉnh. Hội đã chuẩn bị xong dự án, đang chuẩn bị mọi thủ tục để xin chủ trương của UBND tỉnh và huy động vốn từ các nhà tài trợ”.
 
 * * *
 
Hơn một tháng nay, anh Khuất Thanh Chiểu bị ốm, có lẽ đây là hậu quả của thời kỳ anh lăn lộn ở chiến trường Quảng Trị. Đêm anh ít ngủ vì đau nhức nhưng anh vẫn cố đến Hội, đến trung tâm thăm các cháu. Lúc tiễn tôi ra cửa, đôi mắt của người cựu sĩ quan già sáng lên: “Chắc chú cũng nên trở lại Văn phòng Hội một lần nữa để gặp chị Sáu An, Chủ tịch Hội. Đây là một người phụ nữ giàu lòng nhân ái, đã dồn hết tâm lực cuối đời dành cho các cháu, một mẫu người như thế rất đáng trân trọng chú ạ!”.
 
TRẦN ĐẠI