Những năm gần đây, trong sự "hẫng hụt" vì thiếu vắng thế hệ trẻ kế cận, làng thơ Lâm Đồng nổi lên Lê Hòa, một người trẻ hiếm hoi làm thơ. Rồi một ngày, Lê Hòa "người trẻ hiếm hoi làm thơ" ấy chuyển về thành phố Hồ Chí Minh vì cuộc mưu sinh, bỗng gieo vào lòng bạn thơ đi trước sự hụt hẫng tiếc nuối. Để rồi bất ngờ gần đây, trong một ngày hửng nắng, Lê Hòa trở về Đà Lạt "khoe" với bạn văn chương đứa con tinh thần đầu tiên của mình - "Hát ru bầu trờ
Những năm gần đây, trong sự “hẫng hụt” vì thiếu vắng thế hệ trẻ kế cận, làng thơ Lâm Đồng nổi lên Lê Hòa, một người trẻ hiếm hoi làm thơ. Rồi một ngày, Lê Hòa “người trẻ hiếm hoi làm thơ” ấy chuyển về thành phố Hồ Chí Minh vì cuộc mưu sinh, bỗng gieo vào lòng bạn thơ đi trước sự hụt hẫng tiếc nuối. Để rồi bất ngờ gần đây, trong một ngày hửng nắng, Lê Hòa trở về Đà Lạt “khoe” với bạn văn chương đứa con tinh thần đầu tiên của mình - “Hát ru bầu trời”.
Tưởng đi quá một dòng sông
Là ra đến biển là không nợ nần
Nào ngờ vướng vít bàn chân
Tháng giêng ngọn gió như dần vào tim
(Bậc thềm tuổi thơ)
Mộc mạc, giản dị, chất phác, cách tân ý tứ trên nền thơ lục bát truyền thống, mà vẫn hấp dẫn người đọc bằng những cảm xúc về mẹ, về quê hương, về những hoài niệm tuổi thơ nghèo khó, về tuổi trẻ. “Lọt lòng biếc một lời ru/ Để ngàn năm cứ mịt mù nhớ thương”. Cả tập thơ 45 bài thơ đầy đặn như một lời ru lớn kể về tuổi thơ, về phận người bằng tiếng “À ơi” trong trẻo lên bầu trời cao xanh đầy khát vọng: Dẫu mà có đến long đong/ Thì ta vẫn ở cánh đồng mẹ ru (Biết rồi sẽ đến ngày xưa). Lâng lâng say tiếng à ơi/ Mẹ ngồi ru. Vã mồ hôi trưa hè (Hành khất)...
Sinh ra từ quê hương Thanh Hóa, những câu thơ chất chứa nỗi niềm của đứa trẻ sớm vắng tình cha: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại...” đắng lời mẹ ru/... À ơi giông bão đi qua/ Giọt mưa. Giọt nắng nuôi ta xanh đời/ Lời ru ướt gió bên trời/ Mẹ tôi nong cạn kiếp người chưa khô (Lời ru cuối mùa).
90% số bài trong “Hát ru bầu trời” được Lê Hòa viết ở Đà Lạt, gửi lại Đà Lạt, đó là khói sương, là những năm tháng chập chững trưởng thành những hồi ức, những kỷ niệm ấu thơ nối tiếp nhau hiện về trong những đêm trực theo ca thức phục vụ du khách ở Khách sạn Palace. Những vần thơ nảy lên từ nhọc nhằn, nhớ về tuổi thơ gian khó như rung lên đồng điệu: Con bọ ngựa đá vào tuổi thơ tôi/Cây mít đơm hoa mùa màng chưa tới/ Củ chuối non nghẹn lòng sống sượng/ Thế rồi, cũng qua tháng ba... (Hoa gạo tháng ba). Bên cạnh miền hoài niệm vui buồn ấy, Lê Hòa luôn dành cho Đà Lạt một góc thương yêu: Tháng năm ngủ giữa đồi sương/ Chân nôn nao nhớ con đường tháng tư/ ... Anh trôi từ ấy đến giờ/ Giữa lòng Đà Lạt. Chạm mùa sương giăng... (Đà Lạt trắng một mùa sương), Bây giờ Đà Lạt phiêu diêu/ Ta xông xênh phố hát điều vu vơ/ Hoa rơi tím nẻo đợi chờ/Mùa thênh thang gọi. Ầu ơ nắng vàng (Bây giờ Đà Lạt)...
Lê Hòa viết nhanh, rung cảm là thành thơ, không cần “lên gân”, không cần nắn nót, cũng chẳng phải “rặn” mới ra từ, ra ngữ; mạch cảm xúc như tuôn trào, mộc mạc, giản dị trong câu chữ, ý tứ. À ơ... Đất tỉnh. Trăng say/ Bàn chân chạm gió đong đầy giấc mơ/ Năm phương, sáu cõi. Một bờ/ Hồi chuông chính đạo vẫn lờ lặng... Ru (Hát ru bầu trời). Thơ Lê Hòa kéo người đọc về trạng thái cân bằng, đưa người đọc về cõi bình yên, cảm nhận vẻ đẹp và yêu hơn cuộc đời. Lâm Đồng Cuối tuần xin giới thiệu với bạn đọc tập thơ đầu tay của Lê Hòa.
|
Tác giả trẻ Lê Hòa cùng các bạn hữu trong ngày ra mắt tập thơ tại Đà Lạt |
Trong buổi ra mắt tập thơ Hát ru bầu trời tại Đà Lạt, nhiều nhà thơ, thế hệ đi trước đã dành tình cảm, những lời động viên cho Lê Hòa bằng trách nhiệm của người đi trước.
Nhà thơ Vương Tùng Cương: Nghe Lê Hòa đọc thơ lần đầu tôi đã cảm nhận người thơ chất chứa hồn thơ. Lê Hòa là người có phẩm chất thi nhân. Phẩm chất thi nhân không phải ở một tập thơ, nhiều bài thơ, mà chỉ cần một bài, một vài câu hay một tứ thơ. Tôi mừng vì có một bạn trẻ hiếm hoi làm thơ. Lục bát thôi - nhưng đọc mà không chán, giản dị mà ám ảnh.
Nhà văn Chu Bá Nam: Cách đây 10 năm, Lê Hòa cùng với một số bạn trẻ thường đến nhà tôi đọc thơ, tôi phát hiện lấp lánh trong những người trẻ tuổi yêu thơ ấy có một hồn thơ. Sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương Đại học Đà Lạt, Lê Hòa đi lao động ở Libi 2 năm, trở về gặp tôi, Lê Hòa không những không làm thơ mà còn quên luôn, không nhớ cả thơ của mình để đọc. Động viên khích lệ, hồn thơ Lê Hòa hồi sinh giữa bộn bề lo toan và cứng cỏi hơn.
Nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm: Từ những vần thơ học trò của Lê Hòa mà tôi được biết, đến “Hát ru bầu trời”, thơ Lê Hòa đã đánh dấu sự trưởng thành, bước dài từ học đường đến cuộc đời, đã có sự gai góc trong suy ngẫm. Thơ Lê Hòa tiếp nối thơ và cách tân trên nền tảng thơ lục bát truyền thống, mà vẫn hấp dẫn người đọc bằng ý, bằng tứ. Nếu biết đào sâu những trăn trở, Lê Hòa sẽ thành công, tiến sâu, tiến xa trên con đường văn chương.
Nguyễn Thánh Ngã: Lê Hòa có tài, tập thơ của bạn chỉ là bước đi đầu tiên, ít nhiều mang dấu ấn. Thành công, nhưng không tự mãn, con đường phía trước, Lê Hòa có những nỗ lực cho những bước dấn thân vào thi ca góc cạnh và vững chãi hơn. Tập thơ này như một lời ru mượt mà, những tập tiếp theo đòi hỏi một sự đột phá mới từ những thành quả bạn đã làm được.
|
THÁI AN