Thêm một hình tượng người lính tạc vào thi ca

09:07, 23/07/2015

Lần đầu tiên biết đến bài thơ, cũng là lúc tôi được nghe chính tác giả Hà Đình Cẩn đọc trong một buổi giao lưu với các văn nghệ sĩ Ninh Thuận, cả Hội trường Nhà sáng tác Đà Lạt hôm ấy đã có những phút giây xúc động, sâu lắng. 

Tiếng “Có”
 
Tiếng “có” là tôi
Giữa đội hình tiểu đội 
Mười hai tiếng “có” là A
Ba mươi sáu tiếng “có” là B 
Một trăm hai mươi tiếng “có” là C 
Từng khối tiếng “có” hóa quân cờ
Trên bản đồ chiến dịch... 
 
Tôi đi giữa hai đầu kéo đẩy
Không thể dừng chân nhặt viên sỏi trong giày
Đánh vài trận bữa cơm lơ ngơ thừa bát đũa 
Những tiếng “có” ngồi im không muốn xua ruồi 
Cả đại đội giờ chỉ còn trung đội 
Những tiếng “có” vô danh nằm lại phía sao rơi. 
 
Sau chiến tranh 
Tôi đem tiếng có về quê không biết để làm gì 
Con gọi bố, tôi vô tình thưa “có”
Tôi hóa kẻ dở hơi trong sum họp gia đình.
Tiếng “có” là tôi - người lính 
Bỗng nghẹn thèm nghe mẹ gọi tên xưa. 
 
Hà Đình Cẩn 
 
Lần đầu tiên biết đến bài thơ, cũng là lúc tôi được nghe chính tác giả Hà Đình Cẩn đọc trong một buổi giao lưu với các văn nghệ sĩ Ninh Thuận, cả Hội trường Nhà sáng tác Đà Lạt hôm ấy đã có những phút giây xúc động, sâu lắng. Là một trong 2 phóng viên chiến trường trong đoàn quân tiến về giải phóng Đà Lạt, Hà Đình Cẩn có mặt tại trung tâm Hòa Bình đúng vào ngày 3/4/1975, rồi ông kịp hành quân về Sài Gòn được sống trong ngày vui thống nhất. 40 năm sau giải phóng, nhà văn Hà Đình Cẩn có một chuyến thực tế sáng tác xuyên Việt, điểm dừng chân lâu nhất của ông là Đà Lạt. Lần đầu gặp nhà văn Hà Đình Cẩn ở Nhà sáng tác Đà Lạt, tôi quý ông ngay bởi sự chân thành, trung thực của nhà báo, sự lãng mạn của nhà văn, nét khiêm nhường, kín đáo của người lính và thơ của ông - “Tiếng có” thì có sức ám ảnh lớn. 
 
Bài thơ viết năm 1998, ban đầu Hà Đình Cẩn đặt tên bài thơ là Người lính, sau ông tự đổi tên là “Tiếng có”. Từng câu thơ như nghiền ngẫm kỷ niệm của một cựu chiến binh, người lính Hà Đình Cẩn trở về sau nhiều thập kỷ chiến tranh dần lùi xa. Tứ thơ, thần thái, cái hồn bài thơ được làm nên từ tiếng “có” của những người lính khi được gọi tên điểm danh trong đội hình tiểu đội, trung đội hay một đại đội nào đó: Tiếng “có” là tôi/ Giữa đội hình tiểu đội/ Mười hai tiếng “có” là A/ Ba mươi sáu tiếng “có” là B/ Một trăm hai mươi tiếng “có” là C/ Từng khối tiếng “có” hóa quân cờ... 
 
Từ những tiếng “có”, những người lính đơn lẻ, kết thành đội hình thành “từng khối” làm nên sức mạnh “hóa quân cờ”. 
 
Tôi đi giữa hai đầu kéo đẩy
Không thể dừng chân nhặt viên sỏi trong giày
 
Đoàn quân trùng trùng ra trận, người sau nối gót người trước như “kéo - đẩy”, người lính không thể dừng lại để giải quyết sự cố riêng “nhặt viên sỏi trong giày”. Đồng đội bước lên phía trước, ta cũng cứ bước, mặc cho viên sỏi có cộm nên gây đau, nhưng không thể dừng lại, cản trở cả đoàn quân. Chỉ bằng chi tiết đơn giản, tác giả đã mô tả sự chấp nhận hy sinh của cá nhân người lính, vì mục đích cao cả, lớn lao. Câu thơ giản dị nhưng đọc lên gây xúc cảm đến trào nước mắt trước quyết định “Không thể dừng chân...” của người lính, sẵn sàng chấp nhận, gạt đi những nhu cầu nhỏ nhoi riêng tư vì tình yêu lớn. Câu thơ như nghẹn lại trước sự hy sinh lớn lao của từng con người, từng tiếng “có” trong bản hùng ca khải hoàn. 
 
Khổ thơ tiếp theo là những đau thương, mất mát đó là sự thật chiến tranh không thể né tránh. Tiếng “có” điểm danh dần dần thưa thớt, cảm xúc như con sóng một lần nữa trào dâng: 
 
Đánh vài trận bữa cơm lơ ngơ thừa bát đũa
Những tiếng “có” ngồi im không muốn xua ruồi
Cả đại đội giờ chỉ còn trung đội
Những tiếng “có” vô danh nằm lại phía sao rơi
 
Cả 4 câu thơ không có từ nào là hy sinh, chết chóc, đau buồn nhưng nói lên tất cả sự bi hùng của chiến tranh, tình đồng chí đồng đội, tình yêu Tổ quốc. Số người ngã xuống được tính qua phép trừ (bữa cơm thừa bát đũa, đại đội chỉ còn trung đội). “Những tiếng “có” vô danh nằm lại phía sao rơi” câu thơ như một tiếng nấc nghẹn lòng trước sự hy sinh của người lính cầm súng vì lý tưởng thống nhất Tổ quốc, và về với đất Mẹ thân yêu không cần ai biết đến tên mình trong trùng trùng điệp điệp hô “có”. 
 
Chiến tranh qua đi, những người lính may mắn trở về, trong họ ký ức về chiến tranh, những thói quen qua những năm dài cầm súng khó có thể phai nhòa. Những câu thơ tiếp theo là niềm thương cho người lính:
 
Sau chiến tranh
Tôi đem tiếng có về quê không biết để làm gì
 
Về với gia đình, dựng xây đất nước, nhưng không thể quên thói quen điểm danh cùng đồng đội những ngày trong quân ngũ:
 
Con gọi bố, tôi vô tình thưa “có”/ Tôi hóa kẻ dở hơi trong sum họp gia đình. Sau giây phút nhầm lẫn đến ngỡ ngàng, lạc lõng, sống ở hiện tại mà cứ như trong quá khứ, người lính xác định lại chính mình, khẳng định lại chân giá trị của mình:
 
Tiếng “có” là tôi - người lính
Bỗng nghẹn thèm nghe mẹ gọi tên xưa
 
Quá khứ là ký ức, là hoài niệm, không quên quá khứ mình là “người lính”, và sẵn sàng đón nhận hiện tại sống với hiện tại, lấy lại thăng bằng giữ vẹn phẩm chất người lính trong hiện tại để cùng xây dựng đất nước xứng đáng với đồng đội - những “tiếng có vô danh nằm lại phía sao rơi”. 
 
Lấy tiếng “có” là tứ thơ cốt lõi xuyên suốt bài thơ, nhà thơ Hà Đình Cẩn đã khai thác một tứ thơ lạ, lời thơ giản dị trong đề tài chiến tranh quen thuộc - Đó cũng chính là nghệ thuật làm nên sự khác biệt của bài thơ. Từ đây, nhắc đến hình tượng người lính trong thi ca, sẽ có thêm một “Tiếng có” của Hà Đình Cẩn. Cảm ơn thi sĩ Hà Đình Cẩn, người đã biết yêu, biết sống, đi trong đội ngũ trùng điệp những người con biết yêu biết sống để viết nên bài thơ hay.
 
Nhà văn Hà Đình Cẩn là nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch, sinh tháng 3 năm 1945 tại làng Tử Du, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Tháng 3 năm 1965, ông tham gia quân đội. Từ người lính bộ binh, Hà Đình Cẩn trở thành phóng viên mặt trận của Báo Quân đội Nhân dân. Ông có mặt trên khắp các chiến trường miền Nam và chiến trường Lào ác liệt, những ký sự chiến tranh vẫn còn nóng hổi khói súng và đạn bom đăng trên Báo Quân đội Nhân dân lúc bấy giờ đã làm nên tên tuổi nhà văn - chiến sĩ Hà Đình Cẩn. Sau chiến tranh, ông trở về Hà Nội, tiếp tục làm báo, viết văn, rồi làm Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu, Tạp chí Nhà văn. Ông là tác giả của những tác phẩm: Vùng rừng âm vang, Quần đảo san hô, Đường rừng gập ghềnh, Vòng lăm vông thứ hai, Ký sự những ngày xưa (tập truyện ký), Cây samu còn lại (tiểu thuyết), Trò đùa người lớn, Thứ phi, Ô cửa sổ bỏ ngỏ (tập kịch), 2 tập thơ: Những câu thơ nhặt được, Ngày đi qua...

THÁI AN