Không ai biết điều gì sẽ chờ đợi mình giữa những trang giấy khi đọc một cuốn sách lạ của một tác giả lạ. Tôi cũng không thể ngờ cuốn Imperial Heights (Đỉnh cao đế quốc) của TS Eric Jennings lại khiến mình phải đi tìm tác giả qua Internet và gặp duyên kết bạn với một sử gia Đà Lạt.
Không ai biết điều gì sẽ chờ đợi mình giữa những trang giấy khi đọc một cuốn sách lạ của một tác giả lạ. Tôi cũng không thể ngờ cuốn Imperial Heights (Đỉnh cao đế quốc) của TS Eric Jennings lại khiến mình phải đi tìm tác giả qua Internet và gặp duyên kết bạn với một sử gia Đà Lạt.
|
Đỉnh cao đế quốc
Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp
Tác giả: Eric T. Jennings
Người dịch: Bùi Thanh Châu, Phạm Viêm Phương
Hiệu đính: Trần Đức Tài
Giá bìa: 195.000 VNĐ - 629 trang
Đại học Hoa Sen và NXB Hồng Đức liên kết xuất bản
Vừa phát hành đầu tuần qua ở TP HCM, sẽ lên kệ ở Đà Lạt trong nay mai.
|
Tôi bắt gặp những thông tin về cuốn Imperial Heights trên Internet và không thể không ngạc nhiên. Một pho sử chuyên về Đà Lạt của một sử gia nước ngoài? Điều chưa từng có! Một cuốn sách mới xuất bản năm 2011 và nhà xuất bản lại là ĐH California uy tín? Bản sách điện tử mua trên Amazon đã không làm tôi thất vọng, thậm chí khiến tôi sững sờ. Cuốn sách thể hiện cặn kẽ sự hình thành Đà Lạt thời Pháp thuộc từ mọi góc độ chính trị, kinh tế, quân sự, quy hoạch, giáo dục và thậm chí cả tôn giáo và du lịch. Không những thế, nguồn tư liệu phong phú của tác giả đã cung cấp vô số thông tin mới lạ mà tôi không thể nào tìm thấy ở các tài liệu sẵn có trong nước.
Đọc xong Imperial Heights, tôi lập tức tìm kiếm trên Internet xem TS Eric Jennings là ai vì thán phục tác giả và cũng vì cuốn sách quá tuyệt vời. Sử gia này hiện là giáo sư sử học ở ĐH Toronto, Canada và tôi bất ngờ khi biết TS Jennings sinh năm 1970. Trang web của khoa Sử trường này có địa chỉ email và thế là tôi làm quen qua mạng.
Dòng máu sử gia
Câu hỏi đầu tiên về con đường dẫn ông đến với địa hạt nghiên cứu lịch sử được TS Eric Jennings trả lời thật súc tích:
“Tôi là người Canada nhưng mẹ tôi là người Pháp và tôi sinh ở Mỹ. Do đó, tôi có nhiều quốc tịch. Tôi thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp không chỉ vì tôi lớn lên ở Canada, nơi sử dụng cả hai ngôn ngữ, mà còn vì tôi đi học nhiều năm ở Paris. Tôi yêu thích môn lịch sử từ nhỏ. Cha tôi cũng là một sử gia. Tôi còn nhớ rõ hồi nhỏ đi học tôi toàn bị điểm kém với các môn toán và lý, nhưng điểm môn sử thì luôn xuất sắc. Có lần ông thầy dạy toán nhìn thấy bảng điểm môn sử của tôi và ông cứ tưởng là điểm ghi nhầm vì… cao quá!
Thời trung học, các thầy dạy sử luôn khích lệ tôi đeo đuổi niềm yêu thích của mình, đặc biệt là thầy Taylor, cũng như các giáo sư luôn gợi cảm hứng cho tôi ở ĐH Toronto và ĐH Berkeley ở California. Ở đại học, tôi chọn con đường chuyên về lịch sử thực dân Pháp là do đọc… tiểu thuyết. Nhiều cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh một số thuộc địa Pháp ở vùng biển Carribe đã khiến tôi hứng thú và tôi quyết định làm luận án tiến sĩ ở Berkeley với đề tài Thế chiến II ở ba thuộc địa Pháp là Guadeloupe, Madagascar và Đông Dương”.
Từ luận án tiến sĩ này, Jennings đã viết lại thành một cuốn sách mang tựa đề Vichy in the Tropics (Chính phủ Vichy ở vùng nhiệt đới) và được ĐH Stanford xuất bản năm 2001. Đến nay, Jenning đã viết năm cuốn sách về nhiều khía cạnh của lịch sử thực dân Pháp, tất cả đều được giới sử học quốc tế đánh giá xuất sắc và đều được dịch sang tiếng Pháp. Cuốn sử Đà Lạt Imperial Heights là cuốn sách thứ tư của Jennings. Cuốn sách này được NXB Payot, Paris xuất bản ở Pháp tháng 10/2013 với tựa đề La Ville de l’éternel printemps (Thành phố của mùa xuân vĩnh cửu). Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) ở Việt Nam trong cuốn “Đà Lạt - Et la carte créa la ville” (Đà Lạt - Bản đồ sáng lập thành phố) xuất bản bằng ba thứ tiếng Pháp - Việt - Anh đầu năm 2014 cũng sử dụng tài liệu tham khảo chính là cuốn Imperial Heights và nhờ Jennings đọc lại bản thảo.
Săn lùng Đà Lạt ở năm quốc gia
Câu hỏi trọng tâm của tôi đặt ra cho Eric Jennings dĩ nhiên là về Đà Lạt và về cuốn sách này. Thật thú vị khi nghe ông giãi bày:
“Tôi bắt đầu chú ý đến Đà Lạt ngay từ khi tôi nghiên cứu để làm luận án tiến sĩ. Lúc đó, tôi thấy nhiều bức điện tín từ Pháp gửi cho Toàn quyền Đông Dương nhưng lại gửi tới Đà Lạt. Tôi nghĩ: “Lạ quá! Tại sao toàn quyền này không ở Hà Nội chứ?” Dần dần tôi bắt đầu hiểu ra tầm quan trọng của Đà Lạt đối với Đông Dương. Những nghiên cứu khác của tôi về những thành phố nghỉ dưỡng thuộc địa Pháp ở khắp nơi càng làm cho tôi thấy rằng vai trò an dưỡng lẫn tham vọng quyền lực Pháp có liên quan mật thiết với sự hình thành Đà Lạt.
Để viết cuốn sử Đà Lạt ấy, tôi đã làm việc cả mười năm. Như nhiều sử gia khác, thực tế là cùng lúc tôi đeo đuổi nhiều dự án. Tôi cũng phải tham khảo tài liệu ở nhiều quốc gia. Các trung tâm lưu trữ của Việt Nam ở Hà Nội, Tp.HCM và Đà Lạt là đương nhiên rồi. Nhưng còn ở cả Pháp, Thụy Sĩ, Canada và cả ở Mỹ nữa. Tôi cứ lần theo những manh mối mà các tài liệu hé mở và việc truy tìm đã đưa tôi theo nhiều hướng bất ngờ”.
Đọc sách của Jennings, tôi mới biết bác sĩ Yersin đã… lầm to khi cho rằng khí hậu Đà Lạt tốt cho sức khỏe! Cũng vì sai lầm này mà người Pháp ban đầu đã xây dựng Đà Lạt như một trung tâm an dưỡng cho quân Pháp đang điên đảo vì những căn bệnh nhiệt đới. Trong lúc quân đội Pháp ở Nam Kỳ khổ sở vì bệnh sốt rét thì Đà Lạt thời 1924-1925 cũng có sốt rét. Quanh Khách sạn Palace, “muỗi bay cả đàn quấy nhiễu du khách”! Ủy ban vệ sinh của thành phố này buộc phải cho khai thông những vùng nước tù hãm, cách ly dân bản xứ và tìm cách… ém nhẹm thông tin.
Những chi tiết lạ lùng như thế buộc tôi phải đọc kỹ phần chú thích cuối sách để xem tác giả dẫn nguồn từ đâu. Và Jennings đã “hạ gục” tôi bằng những chú thích đó. Chi tiết “ém nhẹm thông tin” được căn cứ theo những thông tư của chính quyền và những biên bản cuộc họp hội đồng thành phố thời đó. Jennings còn cẩn thận hơn nữa khi ghi rõ thêm: “Tập hồ sơ của Ủy ban vệ sinh đô thị Đà Lạt 1925 trước kia nằm ở Trung tâm lưu trữ 2 ở Tp.HCM với mã số RSA 4091 bây giờ đã được chuyển về Trung tâm lưu trữ 4 ở Đà Lạt và đổi mã số thành RSA 4113”. Mọi thông tin đều được dẫn nguồn với sự cẩn trọng như thế cho dù nguồn nằm rải rác ở năm quốc gia. Với phong cách làm việc đầy khoa học và chu đáo đến mức ấy thì sức thuyết phục của cuốn sách là điều hiển nhiên.
E.J.: “Tôi bắt đầu nghiên cứu cho cuốn sử Đà Lạt ở Pháp. Các hồ sơ thuộc địa đều nằm ở trung tâm Aix-en-Provence, gần Marseille. Đây là một chi nhánh của Trung tâm lưu trữ quốc gia Pháp. Các tập danh mục ở chi nhánh này rất xuất sắc và tôi nhanh chóng quen thuộc với mọi bộ tư liệu khác nhau tại đây. Tuy nhiên, trung tâm này lại không có nhiều văn bản từ Trung Kỳ. Muốn tìm hiểu, tôi phải đến Hà Nội rồi đến Tp.HCM. Bây giờ thì các tài liệu của Khâm sứ Trung Kỳ lại được chuyển về Đà Lạt, quê hương đích thực của nó!
Các tài liệu lưu trữ ở Zurich, Thụy Sĩ, là hồ sơ của Congrès International d’Architecture Moderne (Đại hội Kiến trúc sư Hiện đại Quốc tế). Đồ án quy hoạch Đà Lạt đã được trình bày ở tổ chức uy tín này như một thành phố kiểu mẫu - thành phố “xanh”. Tôi biết thông tin là nhờ một đồng nghiệp ở ĐH Berkeley báo cho. Ở ngoại ô Paris, trong các tàng thư quân đội Pháp ở Vincennes, tôi tìm được những hồ sơ quan trọng về bạo lực thực dân, nguồn tài liệu đó trở thành tiêu điểm của chương 2 trong cuốn sử Đà Lạt. Ngay Paris, tôi may mắn đọc được các hồ sơ của Fernand Bernard, người đã phản đối kế hoạch xây dựng Đà Lạt vào cuối thế kỷ 19. Ông ta cho rằng xây dựng Đà Lạt chỉ phí tiền và khu vực này không có lợi cho sức khỏe như nhiều người tưởng. Ở một trung tâm khác của Paris, tôi tìm ra các hồ sơ của trường nữ sinh Couvent des Oiseaux. Các tàng thư ở Canada là tài liệu của những nhà truyền giáo đã đến Đà Lạt thời kỳ đầu. Còn ĐH Cornell ở Mỹ là nơi tôi tham khảo được nhiều tạp chí và nhật báo đã xuất bản ở Đà Lạt những năm 1930”.
Phong cách nhà sử học
Là người Đà Lạt, tôi luôn quan tâm tìm đọc những gì viết về Đà Lạt. Cuốn sách của Viện EFEO tuy liên kết xuất bản với NXB Trí Thức nhưng lại là sách không bán, chỉ lưu hành nội bộ. Không kể cuốn của EFEO thì thực tế chỉ có một nguồn tham khảo duy nhất đáng tin cậy là tập san Sử Địa số gộp 23+24 chuyên đề về Đà Lạt xuất bản năm 1971 ở Sài Gòn - có thể gọi là một phác họa về sự ra đời của thành phố trẻ này. Tất cả những gì viết sau 1975 về lịch sử hình thành Đà Lạt đều dựa vào mỗi một nguồn tư liệu đó. Tạp chí Xưa & Nay sau này in lại toàn bộ số tập san Sử Địa ấy với tựa đề Đà Lạt Xưa (NXB Thời Đại 2013), có gộp chung vài tư liệu mới sưu tầm tổng hợp được nhưng còn nhiều hạn chế vì không có cơ hội tiếp cận nguồn tài liệu lưu trữ ở nước ngoài. Trong khi đó, một trong những điểm nổi bật của cuốn Imperial Heights chính là sự hấp dẫn của chi tiết. Cuốn sách đầy ắp thông tin từ một nguồn thư tịch vô cùng phong phú. Xử lý được số tài liệu đồ sộ ấy và biến một pho sử tưởng chừng khô khan thành một cuốn sách lôi cuốn là cả một nghệ thuật công phu.
E.J.: “Để viết cuốn sử Đà Lạt, tổng cộng tôi sang Việt Nam ba chuyến và sang Pháp ít nhất là sáu chuyến. Thật khó mà nói chính xác tôi tốn hết bao nhiêu thời gian cho việc đi lại và tiếp cận tài liệu, nhưng tôi biết là nhiều lắm. Vấn đề hệ thống tư liệu về Việt Nam thời Pháp thuộc là một thách thức lớn. Ở Việt Nam, các tư liệu có liên quan nhiều khi không nằm tập trung ở một trung tâm mà rải khắp ba bốn nơi. Nhiều tài liệu lại nằm ở Pháp. Có khi cùng một loạt hồ sơ nhưng lại phân tán ở Phnom Penh, Tp.HCM, Hà Nội và Aix-en-Provence. Biết hồ sơ nào nằm ở đâu cũng rất gian nan mặc dù hiện nay máy tính đã hỗ trợ người nghiên cứu rất nhiều. Nhưng có những ngày khi tôi truy cập vào một danh mục ở Aix-en-Provence, máy tính chỉ hiện ra kết quả: “Rất tiếc, các tài liệu này nằm ở Hà Nội”.
Các thông tin chi tiết trong sách được đối chiếu và rút tỉa từ rất nhiều nguồn. Tôi đã cố tìm mọi cách có thể để chụp ảnh các tài liệu để sau này sử dụng khi tổng hợp thành các chương sách. Vào thời đó, các trung tâm lưu trữ ở Việt Nam không cho chụp ảnh và chưa có dịch vụ photocopy như sau này. Các tài liệu thu thập được tôi đều đọc và dùng một hệ thống phân loại riêng theo chủ đề, cho dù tài liệu đó là bài báo, hồi ký hay hồ sơ lưu trữ. Chẳng hạn tôi có một ký hiệu riêng cho chủ đề “săn bắn” hay “giáo dục” và lập danh mục mọi tài liệu có ký hiệu đó. Đến lúc viết một chương sách liên quan, tôi lại lần tìm các chủ đề theo ký hiệu. Công việc này rất tốn thời gian. Tiền thân của một số chương sách là những bài báo khoa học tôi viết cho các tạp chí chuyên ngành, trước khi đưa vào sách. Trong cuốn sử Đà Lạt, có ba chương đã được công bố đầu tiên dưới dạng những bài chuyên khảo như thế”.
Đọc xong bản điện tử, tôi bèn đặt mua luôn hai bản sách giấy cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp vì quá thích thú. Jennings hoan hỉ báo tin cho biết cuốn Imperial Heights sẽ sớm ra mắt độc giả Việt Nam. ĐH Hoa Sen ở Tp.HCM đã hoàn tất việc dịch pho sử giá trị này sang tiếng Việt và xuất bản. Còn Jennings vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu-giảng dạy của mình, chuẩn bị cho những công trình sử học mới. Trong một email, Jennings viết: “Tôi vừa dạy xong một khóa ở Oxford, và trong các chủ đề tôi giảng, tất nhiên cũng có Đà Lạt.”.
TRẦN ĐỨC TÀI