(LĐ online) - Rằm tháng Bảy, thay vì cùng người thân làm cỗ cúng gia tiên, tôi tranh thủ ghé thăm làng Tày (thôn 12, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) để dự Lễ "Pây Tái", một nghi lễ gần giống Lễ Vu Lan trong Phật giáo.
(LĐ online) - Rằm tháng Bảy, thay vì cùng người thân làm cỗ cúng gia tiên, tôi tranh thủ ghé thăm làng Tày (thôn 12, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) để dự Lễ “Pây Tái”, một nghi lễ gần giống Lễ Vu Lan trong Phật giáo.
“Người Tày dù đi bất cứ đâu, sinh sống ở bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không thể quên tục “Pây Tái”. Vì nó hàm chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày” - Ông Bế Đình Lân (người Tày, 62 tuổi) khẳng định về tục “Pây Tái” của dân tộc mình.
Theo ông Bế Đình Lân, “Pây Tái” trong tiếng Tày có nghĩa là “sang nhà ngoại”. Nói “sang nhà ngoại” là vì trước kia người phụ nữ Tày sau khi đi lấy chồng, quanh năm phải chú tâm làm ăn cũng như lo quán xuyến việc hương khói thờ phụng tổ tiên nơi nhà chồng, chỉ có ngày mùng 2 (tháng Giêng) và ngày 15 (tháng Bảy) hàng năm, mới được dịp cùng chồng con mình trở về nhà bố mẹ đẻ, để tự tay được chăm sóc cha mẹ. Từ đêm hôm trước, người phụ nữ Tày đã phải sửa soạn đồ lễ, gồm một đôi vịt béo, một chục bánh gai... và sáng sớm hôm sau, cùng chồng con trở về nhà bố mẹ đẻ. Cùng với ngày mùng 2 (tháng Giêng), Rằm tháng Bảy chính là dịp để người phụ nữ Tày cùng chồng con thể hiện sự hiếu thuận của mình đối với bậc sinh thành.
Khi về tới nhà đằng ngoại, cả nhà quây quần, sửa soạn cỗ cúng tạ ơn tổ tiên, ông bà. Thủ tục và nghi thức cúng bái cũng giống như người Kinh. Món cúng không thể thiếu trong dịp Rằm tháng Bảy của người Tày là món thịt vịt quay lá mác mật ăn với bún trắng; canh thịt vịt nấu măng và món “péng tái” (bánh gai). Cùng với thời gian, món thịt vịt quay lá mác mật trở thành món ăn đặc trưng nhất của người Tày. Vịt sau khi mổ xong, tẩm ướp đầy đủ gia vị, rồi nhồi lá mác mật vào bụng và khâu lại, phết thêm một lớp mỏng mật ong rừng ở ngoài da và sau đó đem quay trên than hồng. Món này giờ đây đã là món ăn đặc sản, được thực khách thập phương hết lời khen ngợi, tán dương. Bởi thế, câu cửa miệng của người Tày khi nói về các món ăn truyền thống của dân tộc mình: “Bươn Chiêng kin nựa cáy. Bươn Chất kin nựa pết”. Nghĩa là “Tết tháng Giêng ăn thịt gà. Tết tháng Bảy ăn thịt vịt”.
Ngoài thịt vịt đã trở thành món ăn truyền thống, bánh gai cũng là một loại bánh đặc biệt, người Tày chỉ làm loại bánh này vào Rằm tháng Bảy. Hầu hết người phụ nữ Tày nào cũng biết gói bánh và dù công việc bận rộn đến đâu thì cũng phải thu xếp để làm bánh gai trong ngày Rằm tháng Bảy. Để có được chiếc bánh gai thơm ngon, ngoài bột nếp và lá gai phải giã thật nhuyễn và tất nhiên nhân bánh cũng được đặc biệt chú ý. Nhân bánh phải đảm bảo độ thơm, bùi, ngọt... Bánh gai thường được người Tày đem đồ (như người Kinh đồ xôi) hoặc hấp cách thủy, để giữ được độ thơm, dẻo và lâu hỏng.
Đến làng Tày dịp Rằm tháng Bảy, nghe người Tày kể những câu chuyện liên quan đến tục “Pây Tái”, chung tay cùng người Tày chế biến các món ăn đặc sắc, chứng kiến những lễ nghi cúng bái và rồi cùng người Tày thưởng thức món thịt vịt, bánh gai cũng là để hiểu thêm một giá trị văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải dài theo thời gian, tục “Pây Tái”, tục báo hiếu cha mẹ bên nhà đằng ngoại, vẫn được hơn 160 gia đình người Tày ở xã Lộc Ngãi gìn giữ, trao truyền. Cùng với Lễ Vu Lan trong Phật giáo, nó chính là phong tục mang đậm tín ngưỡng hiếu kính cha mẹ của người Tày trong ngày Rằm tháng Bảy.
TRỊNH CHU