Anh Năm bước ra khỏi căn lều của Bí thư Huyện ủy được lợp dã chiến trong một khu rừng ở mặt trận tiền phương, nét mặt căng thẳng! Mấy anh em trong đội Mũi đang chờ bên ngoài đứng bật dậy, mọi người tranh nhau hỏi
Anh Năm bước ra khỏi căn lều của Bí thư Huyện ủy được lợp dã chiến trong một khu rừng ở mặt trận tiền phương, nét mặt căng thẳng! Mấy anh em trong đội Mũi đang chờ bên ngoài đứng bật dậy, mọi người tranh nhau hỏi:
- Sao rồi anh Năm? Có súng không?
- Có! Anh trả lời cộc lốc.
- Lấy ở đâu? Lúc nào đi lấy? Mọi người hỏi dồn.
- Ở trong đồn địch ấy, xuống đó lấy!
Mọi người tiu nghỉu, buông thõng tay rồi ngồi phịch xuống đất, anh cũng ngồi xuống với anh em, không dự tính họp nhưng đã thành như một buổi họp. Một người sốt ruột lên tiếng:
- Bộ… Bí thư huyện nói thiệt vậy hả anh Năm?
- Ừ! Mình đã báo cáo, trình bày, năn nỉ rồi cả nóng nảy lớn tiếng nữa, nhưng ông vẫn thản nhiên nói “Các cậu biết rõ là ta không nhận được chi viện từ cấp trên, lực lượng của ta đang phát triển nhanh mà mọi thứ đều thiếu thốn, mình lo cái ăn cho lực lượng huyện cũng đã đuối sức rồi”. Cuối cùng ông nói một câu gọn lỏn: “Các đơn vị tự đi tìm địch cướp lấy súng mà trang bị cho đơn vị mình”.
- Bảy người chỉ có ba cây súng thì đánh đấm cái gì!
Một người khác đía thêm:
- Địch nó ngủ hết cho mình cướp súng chắc?!
Một người nữa chen vào:
- Nhưng thực sự thì chỉ có một cây Carbin M2 là xài được còn 2 cây trường bá đỏ dài như hai cây sào, nặng như gỗ lim lại lặt củ tỏi từng phát một thì chỉ dùng cho xã đội để đánh phòng ngự chứ dân Mũi làm sao vác nó mà chui vô vùng sâu, lẻn ra sau lưng địch được.
Mỗi người một câu, có người gay gắt, có người tiêu cực chán nản.
|
Minh họa: H.T |
Mũi thì phải thật bén nhọn, có khả năng khoan sâu vào vùng địch, quấy rối hậu cứ địch, đánh lẻ, đi ít xuất quỷ nhập thần, bất ngờ xuất hiện rồi bất ngờ biến mất, diệt ác trừ gian, rải truyền đơn, trinh sát địch tình, tuyên truyền cách mạng, xây dựng cơ sở…. Đội Mũi không có căn cứ ở trên rừng mà ở trên mái nhà, ở dưới hầm bí mật, ngồi trong bụi tre, nằm ở bờ mương, ao rau muống, ngoài đồng, dưới bầu, bãi sông… Quan trọng là phải bám được dân để tồn tại và hoạt động. Thực ra đội Mũi không phải là một đơn vị vũ trang chính quy cũng không phải là một tổ chức có quy định chỉ đạo thống nhất trên cả chiến trường miền Nam, mà là do yêu cầu của từng chiến trường và là một sáng tạo của địa phương. Bởi vậy nên ở Tuy Hòa có rất nhiều đội Mũi nhưng ở nhiều nơi khác thì không nghe nói tới danh từ Mũi, cũng có thể có những đơn vị hoạt động tương tự mà họ không dùng từ Mũi. Nhưng cái tên đội Mũi và hoạt động của đội Mũi đã từng làm cho đối phương điêu đứng, hoảng sợ. Chấp nhận đi Mũi là chấp nhận cái chết trong đường tơ kẽ tóc. Anh em của các đội Mũi đã hy sinh rất nhiều. Có những đội lột xác nhiều lần. Vì tính đặc thù của đội nên hầu hết thành viên trong đơn vị đều là những thanh niên gốc nông dân địa phương thoát ly ra, họ quen thuộc từng bờ tre, góc ruộng của làng quê; cha mẹ, vợ con họ ở trong ấp chiến lược nên dù có cả tiểu đoàn địch bao vây một xóm nhỏ thì họ vẫn cứ xuất hiện được ở giữa xóm, có lúc họ bò đến sát chân thằng lính gác mà nó vẫn không hay.
Sau một hồi tranh cãi, một người lớn tiếng ngắt lời:
- Thôi không tranh cãi nữa, đề nghị Mũi trưởng nói xem mình làm ăn ra sao đây!
Anh Năm thủng thỉnh nhưng giọng chắc nịch:
- Nhiệm vụ sắp tới vô cùng khó khăn và nguy hiểm! Ai cảm thấy ngán ngại thì có thể xin về lực lượng võ trang huyện, ở đó lực lượng đông, hỏa lực mạnh, sinh hoạt và chiến đấu chính quy hơn. Ai không sợ thì ở lại đội, chiều nay chúng ta đột ấp.
Mọi người im lặng không ai nói tiếng nào, nhìn vào ánh mắt của họ anh Năm tin rằng đồng đội của anh sẽ không ai rời bỏ đơn vị và tất cả đều một lòng sẵn sàng sống chết có nhau.
Buổi chiều, mặt trời vừa gác đầu núi có bốn người nông dân trên bãi sông, một người gánh cỏ, hai người vác những cây củi mới vớt từ dưới sông lên, một người vác cuốc. Họ đi từ phía bờ sông băng qua những đám dưa, đám cỏ cao đến bụng rồi tách ra làm hai nhóm lần theo những cồn cát, lúc đi lúc nghỉ cho đến khi mặt trời vừa lặn xuống bên kia dãy núi phía tây thì họ cũng vừa nhập vào làng lẫn vào các bờ tre và ẩn mình trong một vườn hoang rậm rạp. Phi tang cỏ, củi ngụy trang xong, ăn một miếng cơm vắt lót dạ, họ ôm súng nằm thiếp đi bên mấy cái mả lạng cây cỏ gai góc um tùm. Xa xa tiếng chó sủa cầm canh vẳng lại trong đêm vắng nghe buồn não ruột.
Nửa đêm, mọi người thức giấc, anh Năm liếc nhìn, chiếc đồng hồ dạ quang trên cổ tay đã chỉ hơn 12 giờ đêm. Họ vuốt thẳng lại các ngọn cỏ, sửa lại lùm cây như cũ rồi xách súng nhẹ nhàng chui rào đi xuyên từ nhà này sang nhà khác và mất hút trong đêm tối dày đặc.
Nằm trên lá mái không thoải mái chút nào. Hai chân phải luôn đạp vào những cây rui mè để giữ cho người nằm được trên mặt phẳng nghiêng mà không bị tụt hoặc lăn xuống. Nhà của cha mẹ anh Năm, một trong vài ngôi nhà lá mái lớn của xã. Nhà lá mái có vách được làm bằng tre ngâm dưới ao bùn lâu ngày rất bền, dẻo được chẻ ra rồi đan lại gọi là mầm trỉ, dùng đất thịt nhão trộn rơm đắp lên mầm trỉ tạo thành vách bao che. Có nhà đắp vách dày cả thước; bên trên cũng đắp đất theo hình mái nhà, do đó nhà lá mái mùa hè mát mẻ mà mùa đông lại ấm. Cây đòn dông được những người thợ có kinh nghiệm lên rừng chọn kỹ, coi ngày giờ để chặt hạ, ngày giờ đem về và chọn cả ngày giờ để đặt lên, gốc hướng đông, ngọn hướng tây. Rui mè bằng tre được đặt sấp, ngửa theo luật âm dương, mái được lợp bằng nhiều lớp tranh, mái tranh và mái đất cách nhau độ một mét đến mét rưỡi tạo ra một khoảng không gian trên trần như một khoảng đệm cách nhiệt cho ngôi nhà. Cột nhà to, ít nhất bằng một người ôm, cây kèo, cây trính cũng bằng gỗ quí khá to, màu đỏ sậm, bóng láng, tất cả kết nối vào nhau bằng mộng hoặc con sẻ cũng theo qui luật âm dương, tất cả vật liệu làm nhà đều lấy từ thiên nhiên. Nền nhà được làm bằng gạch nung đỏ ghép rất khít. Ở nông thôn thời đó không có nhiều gia đình làm được nhà lá mái, phải là những gia đình khá giả cỡ trung nông trở lên mới có được. Tối qua, anh Năm đưa cả nhóm bí mật về gặp riêng mẹ anh, vì thương con mà mẹ anh trở nên rất gan dạ. Đang say ngủ bà bỗng nghe vẳng tiếng con trai gọi khẽ “mẹ” bà tưởng mình đang mơ, nhưng vừa mở mắt đã thấy con trai ngồi bên giường đang nắm lấy tay bà lay nhẹ, bà bật dậy ngạc nhiên vừa mừng rỡ, vừa lo lắng. Anh Năm nhẹ nhàng kéo tay bà đi xuống bếp, ba người trong bóng tối bước ra, người chào thím, người chào cô theo vai vế bà con trong làng xóm. Bà lục đục dọn cơm, họ vừa ăn vừa nghe bà nói chuyện về xóm làng, về bọn lính Bảo An thường nằm phục kích ngoài bìa xóm nhìn ra cánh đồng. Nghe nhiều thông tin về địch từ mẹ, nhưng anh Năm đặc biệt quan tâm đến thông tin về tiểu đội lính nghĩa quân, anh hỏi mẹ rất kỹ về chúng, ăn nhậu ở quán nào? Thường lui tới tán gái ở nhà ai? Qui luật đi lại ra sao? Thường nằm phục ở đoạn đường nào?... Trời gần sáng mọi người leo lên lá mái nằm ngủ cho đến gần trưa, ánh nắng mặt trời xiên qua khe hở của mái tranh rọi vào trong, họ thức dậy bắt tay vào công việc quyết định của đợt đột ấp lần này.
Anh Chín nhỏ nhất trong bọn, được phân công cải trang hợp pháp đi nắm tình hình địch và liên lạc với một cơ sở cũ của anh Năm đã bị mất liên lạc lâu nay. Anh mặc quần xanh áo trắng học trò, kéo sụp chiếc mũ lưỡi trai che phần lớn khuôn mặt, mang cái cặp đã cũ, dùng dây dù buộc ngang hông để giữ trái lựu đạn da láng giấu trước bụng. Giữa trưa hè nắng như đổ lửa, đường thôn vắng lặng. Anh đạp xe lòng vòng quan sát. Cuối cùng anh đạp xe đến xã bên, vào nhà cơ sở cũ của anh Năm đưa thư và bắt liên lạc. Xem xong thư, chủ nhà - một nông dân trạc độ 40 tuổi thay đổi nét mặt có vẻ căng thẳng, ông nói:
- Chú em… mầy là… liên lạc của Việt Cộng hả? Mầy đi lên xã với tao.
Anh Chín nói:
- Có người nhờ cháu đưa thư đến chú, chứ cháu không hề biết Việt Cộng nào cả. Còn muốn đi lên xã thì đi nhưng để cháu đi tiểu đã.
Anh bước nhanh ra sân phốc lên chiếc xe đạp cắm đầu chạy, đàng sau có hai, ba người hô hoán đuổi theo. Chạy một quãng xa, anh chui vào đám mía bên đường một lúc sau anh trở ra ở một hướng khác, đã cởi bỏ chiếc áo chemise trắng và quẳng chiếc cặp học trò. Bây giờ anh là một người đi thăm ruộng về với bộ đồ bà ba đen đã cũ và dính bùn đất. Về đến nhà anh trèo lên lá mái báo cáo anh Năm:
- Cơ sở phản rồi, chắc bị lộ anh Năm ơi.
Mọi người bàn bạc rất lâu để nhận định tình hình, cuối cùng họ chọn khả năng xấu nhất có thể xảy ra để đối phó: “Từ giờ đến trước 5 giờ chiều, địch sẽ kéo đến bao vây, chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng, mỗi người phải diệt được vài tên trước khi hy sinh”. Anh Năm xuống nhà gặp cha, mẹ và người anh cả để làm tư tưởng, anh nói:
- Không chỉ nhà mình mà nhiều nhà trong xóm đều có cách mạng ở, tình hình có thể bị lộ. Có thể địch sẽ kéo đến, sẽ xảy ra đánh nhau lớn. Cả nhà nên đi ra ruộng đến tối mới về. Nếu ngày mai địch bắt thì cứ khai là bọn nó về lúc nào không hề biết, đang làm ruộng nghe súng nổ không dám về. Cứ vậy mà khai. Đó là giả sử tình huống xấu nhất thôi chứ chưa chắc đã bị lộ. Cha mẹ và cả nhà bình tĩnh thì mới được.
Mẹ anh khóc đau lòng vì con trai bà sắp bước vào một trận chiến sinh tử và nhà cửa, tài sản cả đời làm nên giờ sắp tan hoang trong bom đạn, mất hết rồi! Bà ngồi bần thần một lúc rồi lau nước mắt lấy lại bình tĩnh cùng mọi người cất giấu những thứ cần thiết xong cả nhà gồng gánh, lùa bò ra đồng. Bà không quên lấy cơm với món cá đồng kho với lá gừng rất ngon, một món ăn khoái khẩu của dân quê mình để anh Năm đem lên cho mấy anh em no bụng trước giờ quyết tử. Cả bốn người trong tâm trạng hồi hộp lo lắng, bụng không biết đói, miệng đắng nghét không ai ăn miếng nào. Mỗi người ôm súng về vị trí chiến đấu, riêng anh Năm không có súng chỉ cầm 2 quả lựu đạn đứng ở vị trí thuận lợi nhất để quan sát, phát lệnh chỉ huy và sẵn sàng xông vào nơi có đông quân địch nhất bung lựu đạn cùng chết.
Mấy tiếng đồng hồ như nín thở chờ đợi dài phát điên lên được. Từng phút, từng phút trôi qua chậm chạp họ có cảm giác như thời gian đã ngừng trôi. Nhìn chiếc kim giây trên đồng hồ vẫn đều đặn nhích nhắc nhưng hình như nó không liên quan gì đến thời gian bên ngoài thì phải. Buổi xế trời đứng gió, hàng tre sau nhà đứng yên, vườn trầu trước sân vàng lên trong nắng hạ. Đang căng thẳng quan sát bỗng nét mặt anh Năm giãn ra, anh nói với qua đồng đội:
- Trời đang chuyển nồm sắp có mưa, trời ủng hộ mình rồi anh em ơi!
Mây đen kéo dần đến, tụ lại vài hạt nước to lưa thưa rớt trên sân gạch lạch bạch, tiếp theo là một trận mưa rào trút xuống ầm ào trong xóm, mù mịt trên đồng. Cả nhóm xuống nhà tìm nón cời, áo tơi lá, nilong đi mưa, kẹp súng dọc theo người, họ chia làm hai tốp thoát nhanh ra cánh đồng, vừa đi vừa quan sát họ nhận định “Vậy là chưa bị lộ vì không có dấu hiệu gì cho thấy địch điều quân! Khỏe rồi!”. Ra đến mương dẫn thủy, chọn vị trí chiến đấu xong họ đóng vai những người mò cua bắt cá trên các thửa ruộng gần bờ mương nhằm mai phục, đón lõng tiểu đội lính nghĩa quân như kế hoạch đã thống nhất mà cũng là mục đích chính của chiến dịch đột ấp lần này.
Cơn mưa rào đến nhanh rồi cũng dứt nhanh, trời chiều ánh sáng yếu dần, anh Năm nhìn đồng hồ sốt ruột, đã hơn 6 giờ chiều vẫn chưa thấy toán lính nghĩa quân kéo lên đi phục theo qui luật của nó. Đang lo lắng bỗng anh nhẹ người, từ xa một toán lính xuất hiện, chúng vừa đi vừa ca hát và đùa giỡn với nhau một cách chủ quan trong vùng an toàn do chúng kiểm soát. Nét mặt anh Năm đanh lại, anh ra lệnh: “Anh em, về vị trí chiến đấu”. Mọi người tản ra trong tư thế sẵn sàng lấy bốn chọi mười hai.
Lính nghĩa quân một cái tên gọi mới dưới thời Nguyễn Văn Thiệu để thay cho cái tên Dân Vệ dưới thời Ngô Đình Diệm. Một loại lính cấp xã lấy từ địa phương ra được đưa đi huấn luyện quân sự một thời gian, được trang bị quân phục đầy đủ, được trả lương đủ sống. Vũ khí được trang bị chủ yếu là súng carbnine - một loại tiểu liên gọn nhẹ, dễ sử dụng, có độ chính xác khá cao mà bộ binh Mỹ đã sử dụng như là một trong những vũ khí tối tân trong chiến tranh thế giới thứ II; và súng garant không bắn liên thanh nhưng nổ to, bắn xa, có độ xuyên phá mạnh và độ chính xác cao được sử dụng phổ biến trong các sắc lính Cộng Hòa. Như vậy là trang bị hỏa lực của lính nghĩa quân cũng không phải là yếu, chỉ thiếu trung, đại liên và không có các loại cối, pháo lớn nhỏ mà thôi. Lính nghĩa quân ăn lương lính, sống với gia đình, vợ con và làm nhiệm vụ chống Cộng tại chỗ, phần lớn trong số này không muốn xa gia đình, sợ ra trận, nên đăng lính nghĩa quân để khỏi phải đi các sắc lính khác.
Chờ cho tốp lính cuối cùng đi qua khỏi, tất cả lọt hẳn vào ổ phục kích, anh Năm quẳng cái áo tơi lá trên bờ ruộng cầm cây carbin M2 nhảy hẳn lên mặt đường lớn cách tốp lính cuối cùng chỉ độ hai mét anh siết cò, một loạt tiểu liên nổ giòn, đạn bay xẹt qua mang tai đám lính, cùng nhịp với anh ở đầu trước và cánh bên trái 2 cây trường bá đỏ cũng nổ chéo cánh sẻ trên đầu bọn chúng nghe gần và chát chúa như một loạt trung liên nổ. Bọn lính tá hỏa chưa kịp định thần thì đã nghe anh Năm ra lệnh, giọng anh sang sảng: “Chúng tôi là cách mạng đây, các anh đã bị bao vây, tất cả bỏ súng xuống giơ tay đầu hàng. Tiểu đội một hướng tây, tiểu đội hai áp sát hướng nam. Tiểu đội ba điều B40 lên sẵn sàng khai hỏa, nếu có tên nào chống cự thì nổ súng tiêu diệt gọn”. Bờ mương bên kia xuất hiện một người từ dưới ruộng nhảy lên anh quì xuống đúng tư thế ngắm bắn, vai vác khẩu B40 bằng gỗ (súng giả) gắn trái đạn hình bắp chuối, màu xám xanh, đầu đạn được sơn đỏ như sẵn sàng thiêu sống cả đám lính trong tích tắc. Trong cơn hoảng loạn đám lính thấy bốn bề đều có người chĩa mũi súng vào mình rất gần và khẩu B40 lăm lăm phóng đạn, chúng khiếp vía, một tên bỗng khóc rống, kêu lên: “Chết con rồi má ơi!”. Anh Năm lớn tiếng: “Muốn sống về với cha mẹ, vợ con thì tất cả hãy bỏ súng xuống giơ tay đầu hàng, Cách mạng sẽ khoan hồng, đứa nào chống cự sẽ bị tiêu diệt ngay”. Một tên từ từ cúi xuống quẳng súng ra mặt đường, hai tên, ba tên rồi tất cả mười hai tên lính riu ríu làm theo lệnh anh Năm.
Sau khi giải thích một số chính sách của cách mạng, anh Năm khẳng định cách mạng sẽ thắng, Mỹ - Ngụy sẽ thua! Và dặn những thanh niên này hãy đào ngũ, trốn lính lo làm ăn, đừng làm gì có hại cho dân, không được chống lại cách mạng. Cuối cùng anh nói: “Thôi, về với cha mẹ, vợ con đi, và hãy nhớ là có ngày mình còn gặp lại nhau đó!”. Đám lính như từ cõi chết sống lại, tranh nhau cám ơn rối rít.
Mỗi người của anh Năm phải mang 2 khẩu súng, số súng đạn còn lại quấn nilon đi mưa dùng ceinteron bó lại, trong lúc đó một đồng chí lo việc chặn đường bắt xe, đã điều động được số xe máy cần thiết. Bốn chiếc Honda nổ máy phóng nhanh trên con đường tỉnh lộ chở theo bốn chiến sĩ đội Mũi và những chiến lợi phẩm, xuôi về hướng mặt trời lặn, bóng họ mờ dần trong bóng hoàng hôn rồi mất dạng ở cuối đường chân trời!
Buổi họp rút kinh nghiêm trận đánh, anh Năm khen: “Nhờ anh em dũng cảm, mưu trí và đồng lòng nên đã giành được thắng lợi nhanh gọn, bây giờ thì không lo thiếu súng nữa rồi”! Ba người trong đội không tham gia trận đánh được phân công đi trinh sát địch tình ở quanh thị xã để chuẩn bị cho một trận đánh khác cũng đã kịp về dự rút kinh nghiệm. Họ phấn khởi vì bây giờ đã có đầy đủ vũ khí gọn nhẹ nhất phù hợp với hoạt động khoan sâu của Mũi. Một trận mở ra trăm trận thắng tiếp theo của đội Mũi do anh Năm chỉ huy. Cho đến một ngày anh bị một đại đội lính Nam Triều Tiên bao vây khi anh chủ động đánh lạc hướng địch cho nhiều anh em khác chạy thoát, một mình anh chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và bị thương rồi bị bắt làm tù binh.
Ngồi trước mặt tôi một cụ già gần tám mươi, số chiến trận của ông nhiều hơn số tuổi mà ông có. Ông Năm, lưng không còn thẳng nữa, vóc dáng hao gầy, thỉnh thoảng những cơn ho khúc khắc lại đến, có lúc ông ho đến co rút người. Ông bảo:
- Lúc bị bắt giam ở Phú Quốc bị đòn dữ quá! Sống tới giờ này là tốt lắm rồi bởi lục phủ ngũ tạng bị bầm dập nhiều. Sau giải phóng về, mấy mẫu ruộng đều bị đưa vào hợp tác xã rồi đem chia cho những người gọi là nông dân nghèo, thực chất có một số trong họ là những kẻ vừa lười lao động vừa thiếu hiểu biết nông nghiệp nên năng suất rất thấp, thấy tiếc lắm! Phần mình được phân cho một diện tích làm đủ sống! Chế độ chính sách thì cũng đủ động viên an ủi, nhưng không có đủ để lo bồi dưỡng thuốc men nên sức khỏe xuống cấp nhanh. Nhờ ăn uống đạm bạc và nhờ có chút hiểu biết về cây cỏ thuốc nam học được từ ông già vợ nên giành giựt mãi với tử thần mới được tới bây giờ đó!
Ông cười móm mém nhưng ánh mắt vẫn còn đó khí phách ngày nào, những kỷ niệm đẹp của một thời trai trẻ xông pha trận mạc càng gợi lại ông càng say sưa. Tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với thời tuổi trẻ của ông, ông cười hiền: “Trai thời loạn ai mà chẳng phải tham gia chinh chiến. Có điều xã hội thời nay phải tốt thì những cống hiến hy sinh ngày xưa mới đẹp, không thì xương máu cũng chỉ là những cay đắng mà thôi phải không cháu?!”.
Truyện ký: Hoàng Nguyên