Nhà báo Phạm Quốc Toàn và "Xứ sở Chùa Vàng"

10:09, 03/09/2015

Nhà báo Phạm Quốc Toàn đã nhiều lần đến Thái Lan, trong các chuyến công vụ báo chí, gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp Thái Lan, bà con Việt kiều, đến những nơi mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đặt chân tới trên đất Thái Lan trong cuộc hành trình vĩ đại tìm đường cứu nước...

Nhà báo Phạm Quốc Toàn đã nhiều lần đến Thái Lan, trong các chuyến công vụ báo chí, gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp Thái Lan, bà con Việt kiều, đến những nơi mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đặt chân tới trên đất Thái Lan trong cuộc hành trình vĩ đại tìm đường cứu nước. Chính những chuyến đi ấy, bằng sự quan sát nghề nghiệp, tinh tế  đã tạo cho ông nguồn cảm hứng vô tận và những kho tư liệu quý giá, cung cấp cho người đọc một lượng thông tin đa dạng để hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, đất nước, con người Thái Lan. 
 
Ảnh: Phan Nhân
Ảnh: Phan Nhân
Cuộc hành trình bắt đầu từ Kanchanaburi và dòng sông “Khoe” hiền hòa nhưng kiên cường, dũng cảm. Dòng sông bắt nguồn từ Myanma chảy qua bốn tỉnh phía Tây nước Thái “đã từng nhuộm đỏ máu và nước mắt của hàng ngàn người trong thời kỳ phát xít Nhật chiếm đóng Thái Lan”. Kanchanaburi được mệnh danh là thành phố Vàng, thành phố rộng thứ hai nước Thái, có nhiều tài nguyên, nhất là các khoáng sản quý. Đây là thành phố “mẫu hình về du lịch nguồn, du lịch văn hóa - truyền thống, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái”, một trung tâm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ nổi tiếng nhờ bàn tay lao động cần cù, sáng tạo của những con người nơi đây. Cũng nơi này ta bắt gặp biết bao nghĩa cử cao đẹp. Một ông Lai người Thái gốc Việt luôn trăn trở muốn làm việc gì đó có ích cho Tổ quốc Việt Nam - người đã “dành một phần tài sản làm từ thiện xã hội, chăm sóc người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn”. Tôi thực sự xúc động, cảm phục trước câu nói của ông: “Hãy CHO, trước khi nghĩ đến NHẬN. Làm việc thiện cho ĐỜI và NGƯỜI, là sự chúc phúc tốt nhất cho cuộc đời”. Bụng có đầy lòng vị tha, nhân ái, miệng mới nói ra lưu loát chí lý, chí tình đến vậy! Một bà mẹ “Vàng” Kim Nay (tên được Vua Thái Lan ban tặng vì bà có trái tim nhân hậu) “đã bán 7 khu đất dự trữ để mở lớp học nghề cho 300 trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Bà làm nhà cho các em ở, tổ chức bếp ăn tập thể, khám bệnh định kỳ, lo thuốc thang đầy đủ khi các em bệnh tật. Khi ra đời các em trở thành người có ích cho xã hội”. Tấm lòng nhân ái của bà thẳm sâu khôn cùng!          
                                                                                                                  
Rời phía Tây, tác giả lại đưa người đọc đến phía Nam nước Thái: “Phuket - đúng là xứ sở của thiên đường du lịch”. Phuket đẹp mê hồn, với 36 hòn đảo, nhiều vách đá, đỉnh núi, hang động; đầy cây xanh và các loài hoa, nhất là hoa hồng, hoa dã quỳ làm du khách ngây ngất. Những bãi biển chạy dài thoai thoải, cát trắng mịn màng, nước xanh biếc - nơi tuyệt diệu để du khách dầm mình trong biển và ngắm cảnh hoàng hôn kỳ ảo. Du khách có thể thả mình vào không gian thoáng đãng, tinh khôi, tận hưởng vị mặn mòi nồng nàn của biển và cảm nhận từng luồng gió mát lành chạm vào làn da.
 
Đến với đóa hoa phương Bắc: “Chiang Mai - thành phố mới”, du khách thỏa lòng tận hưởng. Khí hậu Chiang Mai mát mẻ giống Đà Lạt - Việt Nam. Đây là thành phố của chùa chiền và lễ hội đa sắc màu; thành phố của sự thanh bình yên ả vừa cổ kính, vừa hiện đại đủ các loài hoa đua sắc tỏa hương. Ngồi trên xe “đặc chủng” thăm vườn thú quốc gia, du khách “như lạc vào khu rừng đại ngàn châu Phi, thám hiểm cuộc sống hoang dã của thế giới động vật kỳ thú. Hổ, báo, sư tử, gấu, bò rừng, trâu rừng, lợn rừng, chó sói, các loài tê giác, hươu, nai, ngựa vằn, hươu cao cổ...”. Đến với “vườn thượng uyển, cung điện hoàng gia, công viên thế giới...” tìm hiểu “lịch sử, địa lý, văn hóa, chính trị nơi thâm cung bí sử của hoàng triều...”. Chiang Mai - thành phố sầm uất, khách thập phương đổ về như trẩy hội. Người Thái tự hào về Chiang Mai bởi mỗi khi nắng lên, nó lại thức dậy tươi tắn và căng đầy nhựa sống. Người Thái đón tiếp các nhà báo Việt Nam thịnh tình, chân thật, cởi mở như đón người thân đi xa về làm cho nhiều người “đặc biệt xúc động”. Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng Lý Việt Trung thốt lên: “... Tình bạn, sự thân thiết, gần gũi của các đồng nghiệp Thái Lan nồng ấm đến lạ, chẳng bút mực nào diễn tả hết được tấm lòng, sự mến khách của bạn”. Và chắc hẳn tấm lòng của những con người có “nụ cười thân thiện” với cái bắt tay chào, đầu hơi cúi xuất phát từ trong tim đã níu chân du khách, là công cụ “quảng cáo” hữu hiệu nhất cho ngành công nghiệp không khói của người Thái.
 
Nhằm xây dựng những căn cứ cách mạng trong lòng bà con Việt kiều, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ châu Âu đã đến Thái Lan vào những năm 1928 - 1930. Người đã đi xuyên vùng Đông Bắc nước Thái, lưu lại tại 9 địa phương, ở đâu Bác cũng “mở các lớp học, giáo dục và truyền bá tư tưởng Mác - Lênin”. Với bí danh Thầu Chín, Bác huấn luyện cho kiều bào, móc nối một số thanh niên Việt Nam sang Thái hoạt động. Người chủ trương tuyên truyền cho kiều bào và tổ chức họ vào những hội thân ái, tổ chức những buổi sinh hoạt văn hóa. “Thầu Chín sống, làm việc, sinh hoạt, đào giếng, cuốc vườn, gặt lúa, chăn nuôi lợn gà, lập trại cũng như mọi người; thường tổ chức các buổi nói chuyện về cuộc sống, kinh nghiệm làm ăn, chủ trương vận động sâu rộng tinh thần yêu nước, hướng về cố hương, mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”. Tại bản Mạy, Thầu Chín vận động nhân dân xây dựng nhà hợp tác xã để mọi người có thể sinh sống, tụ họp. Khu nhà hợp tác xã được xây dựng khang trang, sạch đẹp, sân bếp, sân vườn... Nhờ đó, nơi đây đã trở thành một địa điểm tụ họp thường xuyên của người Thái gốc Việt. 
 
Tình cảm, hình ảnh Bác Hồ trong cộng đồng bà con Việt kiều và nhân dân Thái Lan rất sâu đậm. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được bà con Việt kiều xây dựng, tôn tạo khang trang trên khu đất rộng gần một ha ở Nong Khai là địa chỉ tham quan của khách thập phương, đặc biệt là người Việt. “Trên đất Thái nói đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là nói đến sự kính trọng, như nói tới một người thầy, một lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân”. Sự tôn kính của cộng đồng người Việt ở Thái cũng như nhân dân Thái đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt qua cả không gian và thời gian. Ở Thái Lan đâu chỉ có gần 1.000 tài liệu, hiện vật, tranh ảnh, sách báo trưng bày tại khu di tích Bác Hồ, mà còn có một “BẢO TÀNG” về Bác trong tấm lòng, tâm khảm của Việt kiều và người dân Thái.
 
Cảm thấy mình thật có lỗi khi đọc XỨ SỞ CHÙA VÀNG mà không có mấy dòng về vị chính khách - nhà báo Bandhit Rajavadhanin. Dưới ngòi bút của nhà báo Phạm Quốc Toàn chân dung ông hiện lên đẹp biết nhường nào, bạn đọc ai chẳng kính yêu, cảm phục! Mồ côi cha từ nhỏ, nhà báo Bandhit Rajavadhanin đã vượt qua giông bão cuộc đời, tự khẳng định mình bằng ý chí, nghị lực. Ông luôn nhắc nhở mình “Dù ở đâu và làm gì, việc đầu tiên là học - học - và học; thiếu tiền thì vừa làm vừa học”. Suy nghĩ ấy vô cùng quan trọng đối với đời người, song không phải ai cũng làm được! Hết nghĩa vụ quân sự, tốt nghiệp trường luật, ông thử sức ở Báo Bangkok Post - bước quyết định số phận cuộc đời mình. Tại đây, trừ phóng viên thể thao, mảng công việc nào ông cũng làm hết sức mình và đạt hiệu quả cao, được các đồng nghiệp ngợi khen. Lương thử việc ban đầu của ông là 700 bạt/tháng, sau một năm lên tới 2.700 bạt/tháng. Quá lý tưởng! Nhờ đức tính “làm việc không ngày giờ, không mệt mỏi, không bao giờ nghỉ ngơi”, chưa đầy một năm ông đã trở thành cây bút chủ lực chuyên viết về thương mại, công nghiệp, tài chính, chứng khoán, ngân hàng. Một thời gian sau, ông được chọn làm trưởng ban, rồi Phó Tổng biên tập, rồi Tổng Biên tập của tờ nhật báo nổi tiếng này. 
 
Sống tình nghĩa, thủy chung, nhà báo Bandhit Rajavadhanin là biểu tượng của tình hữu nghị báo chí - truyền thông Đông Nam Á. Ông “đóng vai trò trụ cột trong quan hệ báo chí khu vực”. Đối với báo chí Việt Nam và Thái Lan, ông được coi là biểu tượng tiêu biểu, người đặt nền móng cho mối quan hệ báo chí - truyền thông hai nước. Đã hơn 20 lần đến thăm Việt Nam, ông đã rong ruổi dọc ngang trên đất Việt, thông hiểu ngọn ngành nhiều vùng quê, thưởng thức nhiều món ăn mà đâu phải người Việt nào cũng biết! Trong nhật ký đường trường của ông có tên và địa chỉ khoảng 200 nhà báo Việt Nam. Khi nghỉ hưu, bỏ tiền túi của mình đón tiếp không dưới 150 nhà báo Việt Nam và khu vực khi họ đến thăm Thái Lan - một nghĩa cử hiếm thấy.
 
Nhà báo Bandhit và nhà báo Phạm Quốc Toàn đến với nhau, thân nhau, vì mến mộ nhau. Kỷ niệm giữa hai người rất nhiều, rất đậm. Họ từng trải qua những giờ phút thú vị trong nghiệp báo, nghiệp văn. Hai người đều biết và có nhu cầu thưởng thức cái đẹp của báo chí, văn chương, cuộc sống. Nhắc đến những kỷ niệm đó, qua những trang viết của mình, tâm hồn nhà báo Phạm Quốc Toàn như phím đàn rung lên làm sống lại những giờ phút và cảm giác thích thú, là nơi trú chân, dưỡng tâm sau những tháng ngày gò mình trong viết lách. Giữa hai con người này “không có biên giới trong tình bạn”.
 
Đi nhiều, viết nhiều và đặc biệt có vốn quan sát trực tiếp rất mực tài ba, trong khi miêu tả sự vật, sự việc, nhà báo Phạm Quốc Toàn đã vận dụng sự hiểu biết sâu rộng của mình để làm nổi bật chủ đề và thể hiện hết những điều cảm nhận được. Theo những bước chân rong ruổi, đất nước Thái Lan đã đi qua nhiều trang viết của nhà báo Phạm Quốc Toàn: Từ thủ đô Bangkok, các thành phố trung tâm du lịch Chiang Mai, Phu Ket, Krabi, đến Lam Pang, Patlaya... Với tâm hồn luôn khát khao hướng về cái đẹp, dưới ngòi bút của ông, những miền đất đi qua trở nên sinh động, như sinh thể có linh hồn, có tâm trạng. 
 
Đọc XỨ SỞ CHÙA VÀNG, tôi thấm thía câu nói của Hoàng Phủ Ngọc Tường “Nhà văn bút ký luôn tự đặt cho mình trước những kỷ luật nghề nghiệp hết sức khắt khe: phong phú trong tư liệu, chính xác trong hiểu biết và trung thực trong tất cả những gì được rút ra từ thế giới nội tâm của người viết”!
 
Phó GS, TS NGUYỄN THỊ TRƯỜNG GIANG (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)