Chúng tôi về miền đất bazan Nam Ban không phải mùa hội, mùa những liền anh, liền chị "mớ ba, mớ bẩy" xúng xính, con mắt liếc ngang. Nhưng, từ đầu ngõ làng đã nghe ai đó "nẩy" khúc tình tang, hừ hội hừ… xốn xang giữa miền đất đỏ…
Chúng tôi về miền đất bazan Nam Ban không phải mùa hội, mùa những liền anh, liền chị “mớ ba, mớ bẩy” xúng xính, con mắt liếc ngang. Nhưng, từ đầu ngõ làng đã nghe ai đó “nẩy” khúc tình tang, hừ hội hừ… xốn xang giữa miền đất đỏ. Có lẽ, hát quan họ đâu mặc định thời gian, hát từ tâm thức chứ đợi chi đến mùa…
|
Các liền anh, liền chị CLB quan họ Hội đồng hương Bắc Ninh tại Lâm Hà |
Chiều Nam Ban mưa đà rây nhạc. Sông cũng không xa, mà núi thì gần. Câu quan họ chảy phía triền đồi như thực, như mơ. “Hôm nay tứ hải giao tình/ Tuy rằng bốn bể như sinh một nhà/ Hôm nay họp mặt giao hòa/ Nguyện xin nguyệt lão giăng già se duyên…” - Chị hai Minh Ngọc cập tuổi lục tuần, má đào lúng liếng mở đầu canh hát bằng giọng lề lối, điệu la rằng. Quan họ là đây. Hư mà thực, như hương rượu nếp nương luồn vào câu hát đượm nồng, như mênh mang đất trời cao nguyên, như áo “mớ ba, mớ bảy”, khăn xếp, áo the của các liền anh, liền chị, những người con uống nước sông Cầu, sinh ra trong câu quan họ vùng Kinh Bắc.
Hương cà phê thoảng đưa. Rượu đã đượm lòng, “đổ đi thì tiếc, uống vào thì say”, rồi ca xướng đến tàn canh, thâu đêm rạng ngày. Cụ Đỗ Văn Ấu (68 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca quan họ Bắc Ninh, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà mở lời: “Chúng tôi là những người con uống nước sông Cầu. Dù mưu sinh, lập nghiệp ở đâu cũng mang theo câu quan họ. Ăn quan họ, ngủ quan họ và chơi quan họ. Quan họ “nảy nòi” ở nhiều vùng quê, tự nhiên như “lên núi”, “xuống sông” (làn điệu quan họ) vậy”.
Mưa vẫn dập dềnh trên giọt đàn bầu. Dòng Cam Ly hiền hòa, lấp loáng vắt ngang vùng kinh tế mới Nam Ban. Nơi những người con Hà Nội, vùng Kinh Bắc hội tụ, quây quần trên miền quê mới. Đêm càng đậm. Câu quan họ quay quắt “người ở đừng về…”, lòng lữ khách trôi về thuở trước. Cách nay gần 40 năm, vùng đất này đầy lau lách, gai “xấu hổ” vướng rách thịt da. Những người con phương Bắc đã đến và gieo những mùa no đủ. Giờ đây, từ đỉnh cao phía thác Voi nhìn về, ngút ngàn màu xanh của nương dâu, chè, cà phê mùa đơm trái. Đi giữa thị trấn nhỏ bé này mà gặp lại Thăng Long, Ba Đình, Hồ Gươm…
Chưa một lần được về Lim để tìm nhau qua câu hát. Tôi ngược về Nam Ban bởi tiếng láy vọng “người ơi…”. Tôi đi tìm anh hai, chị hai để nghe họ hát, để thưởng thức “cái tình” của người Kinh Bắc. Đã qua thuở cơ hàn, nhớ người, nhớ quê, cứ rủ nhau về hát vọng cố hương, trong sự đơn sơ, chân tình theo làn điệu cổ, với “lý thiên thai”, “ngồi tựa mạn thuyền”, “tay tiên chuốc chén rượu đào”… “Đất quê nghèo, người quê mộc mạc. Nhưng câu quan họ vẫn “vang, rền, nền, nẩy”, sóng sánh bên dòng Tiêu Tương cổ tích. Những đêm trăng sáng, quan họ vẫn cất lên tròn vành từ những cụ bà bõm bẽm nhai trầu. Đẹp lắm!” - cụ Trần Đức Quây (70 tuổi), gốc làng Diềm, một trong 49 làng quan họ cổ Kinh Bắc, thổ lộ.
|
Các “liền chị” CLB măng non quan họ thị trấn Nam Ban |
Đêm đã sâu, canh hát càng đượm. Điệu sáo tiêu dao phía Cam Ly Thượng rõ dần. “Hôm nay liền anh đã đánh đường sang thăm đất nước quê mùa chúng em…” - Liền chị Hai Thảo cất giọng mời khách mà ngỡ như đang hát. Lời mời như cởi tấm lòng, ông Phạm Ngọc Tươi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương, thị trấn Nam Ban bắt chuyện: “Câu lạc bộ chúng tôi mới thành lập ba năm. Gồm 25 thành viên, chuyên quan họ 10 người, đủ miền quê. Quan họ không biên giới mà”.
Dừng vỗ phách, châm thêm tuần rượu, anh Hai Nhiễu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca quan họ Hội đồng hương Bắc Ninh tại Lâm Hà vỗ vai tôi: “Quan họ phải mê, phải say mới ngấm. Nên dù không qua trường lớp, nhưng đã là người vùng Kinh Bắc thì ai cũng hát được một vài làn điệu quan họ. Đó như là món ăn hàng ngày…”. Ngày xưa, “chơi quan họ” truyền thống không có khán giả, người diễn đồng thời là người thưởng thức, thưởng thức “cái tình” của bạn hát. Giống như canh ca đêm này. Ngày nay, quan họ đã vượt ra không gian làng xã và đến với nhiều nơi trên thế giới.
Hiện, thị trấn Nam Ban có ba câu lạc bộ quan họ, gồm nhiều thế hệ liền anh, liền chị, người tứ xứ miền quê nối tiếp nhau “bỉ” câu quan họ, và đang “nẩy” thêm câu lạc bộ măng non. Những em bé không được uống nước sông Cầu, nhưng vẫn cất câu quan họ đậm chất giữa miền đất đỏ Nam Ban. Rồi những người K’Ho bản địa, không vào canh hát cũng ngân nga được “Khách đến chơi nhà”… Quan họ không biên giới là vậy. Bởi, văn hóa quan họ là tổng thể hợp thành từ nhiều yếu tố văn hóa, nghệ thuật dân gian, từ cách sinh hoạt, diễn xướng, giao lưu đến lối sử dụng ngữ nghĩa, thanh điệu.
|
Một buổi tập của CLB quan họ Hội đồng hương Bắc Ninh tại Lâm Hà |
“Hát quan họ, chơi quan họ đã không cần mùa, cần tháng, có “dịp” là hát. Nhưng mỗi không gian có lối hát khác nhau. Hát trên đồi là lối hát thoải mái, không cần lề lối, đôi khi là sự tình cờ. Đó chính là không gian đại ngàn...” - anh Hai Nhiễu cho biết. Cũng từ đây, nhiều bài quan họ lời mới tự nhiên nẩy nòi, như “Trên Lâm Hà gặp người quan họ”, “Tình hai quê” và “Xuân về trên quê mới” được chị Hai Ngọc cầm canh: “Lâm Hà quê mới i ì ì ì i i/ Vang khúc ca quan họ/ Tình yêu i tình yêu gửi vào quê mới…”.
Đang lạc vào câu hát, chợt nhớ cuộc chuyện trò với Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban Hoàng Ngọc Trọng, người con đất Hà thành, lớn lên từ nương rẫy nam Tây Nguyên. Anh tự hào: “Đây là vùng đất mới, hội tụ khá đông bà con vùng Kinh Bắc (khoảng 500 hộ, gần 1/5 số hộ của thị trấn). Họ vào đây mang theo cả tên đất, tên làng, truyền thống văn hóa. Giờ đây, trong những ngày hội lớn, nhiều hoạt động của tỉnh, của huyện đến làng xã… quan họ trở thành “món” không thể thiếu”.
Nam Ban bàng bạc sương giăng. Đã đến lúc hát khúc giã bạn của canh ca lề lối, nhưng “gốc gác” quan họ với tôi vẫn như thực, như hư, như ánh mắt lúng liếng của liền chị Ngọc Thúy đang nấn ná: “Đến cao nguyên, người ở… đừng về”, chi mà da diết.
Nhà thơ Hữu Chỉnh quả tài tình khi “Nghe câu quan họ trên cao nguyên”, cái tứ bật lên từ lưng chừng đồi, để rồi giùng giằng khi khúc giã bạn tàn canh. Nhạc sĩ Vũ Thiết đã “bắt” được hồn thơ, tình người quan họ, đưa “xôn xao ư hừ một vùng đất đỏ” vượt Tây Nguyên đại ngàn, để “mà gặp quê hương trên mọi quê hương”…
BẢO VĂN