Cổ tích

09:10, 22/10/2015

Cây cầu treo lắt lẻo đong đưa ngang trời, quằn quại trong gió giật cứ hú lên từng hồi hê rợn. Có lúc nó oằn mình như con rắn khổng lồ thời tiền sử đang lồng lộn giãy chết. Ấy là dưới nhìn lên, còn trên nhìn xuống chỉ thấy trắng xóa một màu, lũ về thì đỏ lòm cuồn cuộn cuốn phăng đất đá cùng những thân cây cổ thụ mấy người ôm.

Cây cầu treo lắt lẻo đong đưa ngang trời, quằn quại trong gió giật cứ hú lên từng hồi hê rợn. Có lúc nó oằn mình như con rắn khổng lồ thời tiền sử đang lồng lộn giãy chết. Ấy là dưới nhìn lên, còn trên nhìn xuống chỉ thấy trắng xóa một màu, lũ về thì đỏ lòm cuồn cuộn cuốn phăng đất đá cùng những thân cây cổ thụ mấy người ôm. Mùa nước nào cũng có người chết trôi, thường là phụ nữ, xác trắng hếu, lềnh bềnh, luẩn quẩn quay tròn dưới mố cầu. Trời lất phất mưa, dưới ánh trăng lờ mờ giữa đêm thanh vắng, đến người điên cũng không dám bén mảng, vậy mà có bóng người, nhìn kỹ là một cô gái mình trần như nhộng, tay huơ huơ cành lá, vắt vẻo trên lan can cầu, cất tiếng hát:
 
“Anh lên xe trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ…”
(Phạm Tiến Duật)
 
Tiếng hát hòa cùng tiếng sáo vẳng lên từ rừng trúc phía dưới, nơi nghĩa địa của những nấm mồ vô danh. Một cô, hai cô, ba cô… xếp thành hàng hai phía lan can hát đến khản cổ rồi thi nhau nhảy ùm ùm xuống dòng nước xiết.
 
Ma! Ma trăm phần trăm.
 
Còn một “con” vẫn đứng đấy, hệt pho tượng, tóc dài đen óng xõa tung trên nền trời, lồng lộng bay trong gió. Nói đến ma ai cũng mường tượng ra nó phải kinh dị lắm, mặt xanh nanh vàng, làm rởn cả tóc gáy, đứng tim những kẻ nhát gan chẳng may bắt gặp ánh mắt trắng dã chòng chọc nhìn mình. Vong linh các cô gái, nhất lại là gái đẹp, bao giờ cũng rất thiêng, cứ ám ảnh bám riết lấy người đời. Cô này thì khác, khuôn trăng đầy đặn, cặp mắt bồ câu hiền hậu với nụ cười lơ đãng, thơ ngây. Thân hình uốn cong mềm mại, lơi tay chải mái tóc dài như múa bằng một nửa chiếc lược làm từ xác máy bay. Người ta biết được vì sáng ra còn thấy cài lại nơi thành cầu.
 
Ấy là chuyện xưa khi mới bắc cầu dây, dân địa phương gọi là “Cầu Ma”, chứ bây giờ đã thay thế bằng chiếc cầu cao tốc sáu làn xe xuôi ngược này. Hướng dẫn viên du lịch vốn là nhà sử học ngừng kể.
 
- Thế còn trước khi có cầu dây? - du khách hỏi.
 
“Trước khi có cầu dây…”, nhà sử học lẩm bẩm chưa biết nên bắt đầu thế nào vì đó là cả một câu chuyện dài.
 
Minh họa: HT
Minh họa: HT

Ngày xưa, khi nước biển chưa dâng, dòng sông này chỉ là một con suối rộng chừng ba, bốn chục mét. Con suối cắt ngang trục đường huyết mạch vào nam ra bắc như một nhát chém. Trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại, vận chuyển binh lính, quân lương khí tài đòi hỏi cấp bách, máu có thể ngừng chảy nhưng đường phải thông, ngày đêm quân đi rầm rập, máy bay địch trút hàng vạn tấn bom suốt ngày đêm, bất kể giờ giấc. Không thể bắc cầu đành phải đắp tạm đất đá cho xe ngang qua, gọi là ngầm. Hai đầu ngầm có cua chữ S, chữ V, sơ sểnh là lao ngay xuống vực, cái chết ở dưới chân, cái chết ngay trên đầu, vì thế ngầm này mang tên “ngầm hiểm”. Mười cô gái canh giữ ngầm đều từ một vùng quê, thậm chí chung mái trường phổ thông rủ nhau đi Thanh niên xung phong nên hiểu và thương nhau như chị em trong nhà. Họ còn nhớ chuyện tình của “chị cả” có cặp mắt bồ câu vừa tròn hai mươi tuổi.
 
Trong một đám cưới thời chiến, dưới ánh đèn măng-xông tất thảy bừng sáng, mới mẻ. Sân khấu căng tấm phông vải dù đính đôi chim bồ câu cắt giấy với dòng chữ “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Đám cưới tập thể, ba cặp cô dâu chú rể ngồi đối diện nhau hai phía bàn học trò. Trên bàn có khay trầu cau têm sẵn, mấy điếu thuốc lá cuốn với bao diêm Thống Nhất đặt vào cái đĩa nhỏ. Kẹo đường đỏ gói giấy xi-măng rải rác. Nước chè tươi nóng hổi rót ra từ cái bình tích lớn hình như bị sứt vòi. Vật chất chỉ có vậy nhưng vui, vui vì không khí đầm ấm gắn kết. Vui vì những gương mặt trẻ, ánh mắt nhìn nhau, nhất là những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn. Một anh mặc quần áo bộ đội “sô-ô” bài “Trước ngày hội bắn”, thật chẳng ra làm sao, phải thêm một cô nữa cầm ô xoay tròn nhí nhảnh hát đối nhau. Đám đông đùn đẩy cô có cặp mắt bồ câu long lanh đứng ngay cạnh. Xong bài hát anh chị mới làm quen, trước đợt tòng quân đã nên vợ nên chồng. Chiến tranh việc gì cũng gấp gáp nhưng suôn sẻ, tốt đẹp vì mọi người đều hướng về một mục đích “Tổ quốc trên hết”, và hình ảnh anh bộ đội trong quân phục màu cỏ úa là hiện thân của đất nước, đẹp một cách thiêng liêng đầy tin yêu.
 
“Chị cả” tâm sự với đứa em thân nhất:
 
- Chị vẫn còn trinh, em có tin không?
 
Cô em tròn mắt:
 
- Chị không đùa đấy chứ?
 
- Thật! Cưới hôm trước thì hôm sau anh ấy lên đường. Suốt đêm bạn bè, người thân, hàng xóm láng giềng đến chia tay…
 
***
 
- Không có tuần trăng mật à? - Một cô gái trong đoàn du lịch hỏi.
 
- Có. Nhưng mà là mấy tháng sau, trên đỉnh Trường Sơn.
 
Ngay sau khi tiễn chồng ra trận cô gái đã nhập vào Thanh niên xung phong, tuy không phải là lính thực thụ nhưng thực ra có khi còn gian khổ, nguy hiểm hơn nhiều với hi vọng mong manh được gặp anh nơi tiền tuyến. Những đoàn xe quân sự có lá ngụy trang đi qua ngầm, cô lại gọi to tên anh, đáp lại là giọng lính trẻ nhao nhao: “Anh đây! Anh đây!”. Thế rồi một buổi sớm mai, sương trắng như sữa đặc quánh dưới những tán lá ướt sũng giữa rừng già, cô đang vục nước suối rửa mặt thì có tiếng người: “Ai như vợ tôi đấy phải không?”. Đúng anh rồi! Một câu trêu chọc bâng quơ hóa ra thật. Họ ôm chầm lấy nhau, tay anh lủng củng mấy chiếc bi đông đi lấy nước. Đơn vị hành quân bộ đến đây, chờ lên xe tiếp tục đoạn đường còn lại.
 
Lỡ mất đêm tân hôn, trưa hôm ấy cô dâu chú rể mới động phòng hoa chúc trên phiến đá chìa ra mép nước có tán cây lòa xòa phủ xuống tạo một khoảng râm tối lành lạnh. Con cá lòng tong to bằng ngón tay, trong suốt, nhởn nhơ giữa vũng nước lặng. Con chuồn chuồn ớt bay là là rồi đậu trên cành dong khô soi mình trên gương nước. Im lặng quá, từ khi ngầm này thành túi bom muông thú dạt đi đâu hết, vắng cả tiếng chim rừng. Có tiếng lá rơi nghiêng trên đá cứng đanh, không trầm ấm như trên tăng võng giữa đêm rừng Trường Sơn.
 
- Anh có biết tại sao em nhận lời nhanh thế không? - Cô gái hỏi.
 
- Tại anh đẹp trai.
 
- Xì! - Cô gí ngón tay vào chỏm mũi anh.
 
- Vì anh hát hay chứ gì?
 
Cô lắc nhẹ, lọn tóc đen dày, nằng nặng lăn trên bờ vai thon:
 
- Mẹ anh, bà mếu máo nâng vạt áo châm chấm hai đầu con mắt nói với em: “Cháu nhận lời lấy nó thì phúc ba đời cho gia đình bác, lại tòi ra được một đứa cháu đích tôn nữa thì cả họ nhà này phải đội ơn…”. 
 
 Đang rã rời trong vòng tay hăm hở bỗng cô giật nảy:
 
- Ấy, đau anh!
 
- Hình như em bị ung thư…
 
- Viên bi đấy, em mang ba viên bom bi trong người làm kỉ niệm, phải nước lạnh là nhức nhối.
 
- Đau quá em làm thế nào?
 
- Hát! Hát to lên là hết đau anh ạ.
 
Sau phút mê man cuồng nhiệt, cô thả lỏng toàn thân, ngửa mặt nhìn anh nhoẻn miệng cười. Cũng trên tảng đá này, cô em gái thân nhất trong tiểu đội tỉ tê: “Thân hình em chẳng đến nỗi nào, nhưng mặt thì xấu quá, em phải kéo áo lên che đi, trăng sáng như ban ngày mà chẳng rõ mặt anh ấy…”.
 
- Em cười cái gì?
 
Cô không trả lời, ôm ngang người anh, ghì xuống.
 
Những người lính mang dép cao su với chiếc gậy Trường Sơn làm từ đoạn trúc đã băng rừng vượt núi hai ba tháng trời hàng ngàn cây số về đến đây, khi lên xe gậy bỏ lại chất thành đống. Có chiếc khô đi, có chiếc nảy mầm xanh.
 
- Em sẽ vùi gậy của anh bên suối.
 
- Để làm gì?
 
- Người ta nói, gậy của ai mọc lên cây trúc, người đó sẽ trở về.
 
Anh ép mái đầu xanh của vợ vào ngực, ứa nước mắt. Có tiếng ong ong vo vo.
 
- B52! Cô đẩy anh bật dậy theo phản xạ.
 
Mắt bồ câu mở to nhìn trời xanh, một màu xanh da diết mê hồn. Ngày đẹp trời nhìn rõ mục tiêu, bom thù sẽ trút xuống. Quả nhiên, mặt đất rùng rùng chao đảo, cây rừng rào rào đổ xuống, trước mắt họ toang ra một khoảng trống sáng. Những cây cổ thụ bật tung gốc, lộn ngược trơ rễ trên nền trời, đất đá mù mịt và bụi khói khét lẹt, ngạt thở. Hai người nép vào một lèn đá.
 
- Anh đếm tiếng nổ. - Cô ra lệnh.
 
Còn cô đếm những trái bom đen chùi chũi máy bay lần lượt nhả ra lơ lửng trên không trung. Nhìn thấy bom thì chúng sẽ rơi sau lưng mình. Bao nhiêu quả bấy nhiêu tiếng nổ.
 
- Còn hai trái nữa chưa nổ. Em phải về.
 
- Em biết phá bom nổ chậm à?
 
- Bọn em ai cũng biết. Không sợ, trước khi nổ nó phải nóng lên từ từ.
 
Họ vội vã chia tay. Anh bẻ đôi cái lược nhôm máy bay, mỗi người giữ một nửa.
 
***
 
Khi hố bom to bằng cả cái ao làng được san lấp, ngầm mới hình thành thì con đường lại đầy ắp tiếng cười. Trời tối sập, ầm ầm đổ mưa, lũ ập đến xối xả, nước dâng nhanh, lòng suối mở rộng, mênh mang xóa trắng con ngầm. Trong nháy mắt người ta thấy mọc lên những cột mốc cách nhau khoảng 4 - 5m dọc hai bên mép ngầm. Những cô gái mình trần như nhộng, dầm mình dưới dòng suối lũ, làn da ướt loang loáng dưới ánh đèn pháo sáng, tóc thề bết vai trần. Họ đứng đấy như những pho tượng đá, thi gan đương đầu với mưa bom bão đạn cho đoàn xe quân sự đi qua. Xe nọ nối đuôi xe kia, không đèn pha, tắt đèn ngầm, gỉn gỉn lăn bánh mò trên sỏi đá lục cục giữa hai hàng tiêu sống. Những người lính lái xe ôm ghì lấy vô lăng nước mắt ròng ròng.
 
Từng nghe, những cô dân quân mặc áo cánh trắng giơ cao bó đuốc cho máy bay mình định vị hạ cánh khi hệ thống đèn hoa tiêu đường băng bị phá hỏng. Từng nghe, những cô gái gồng vai làm trụ cầu cáng thương binh qua suối. Từng nghe, xa xưa có người vợ bồng con hóa đá ngóng chồng từ mặt trận trở về. Nhưng chưa ai nói đến người vợ với đứa con trong bụng dầm mình dưới mưa lũ làm cọc tiêu sống dẫn đường cho xe chồng ra trận!
 
Nhóm du lịch đứng lặng dưới rừng trúc, bên những nấm mồ vô danh. Có người nói vẫn nghe thấy tiếng hát của các cô gái hòa trong tiếng sáo: 
 
“Anh lên xe trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ…”
 
Hạnh phúc cho những ai còn nghe thấy tiếng vọng lại của lịch sử, những người ấy mới thực sự giàu có! - Nhà sử học kết bằng một lời bình.
 
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM