Già làng Ya Hiêng - người giữ hồn dân tộc Chu ru

08:10, 30/10/2015

Với người dân Chu ru (thôn Préh Tiyong, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng), già làng Bơ Yau Ya Hiêng không chỉ là người có uy tín trong cộng đồng mà già còn là người luôn đi đầu trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.

Với người dân Chu ru (thôn Préh Tiyong, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng), già làng Bơ Yau Ya Hiêng không chỉ là người có uy tín trong cộng đồng mà già còn là người luôn đi đầu trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.
 
Già làng Ya Hiêng luôn đi đầu trong việc giữ gìn truyền thống dân tộc Chu ru
Già làng Ya Hiêng luôn đi đầu trong việc giữ gìn truyền thống dân tộc Chu ru
Lúc chúng tôi tới thăm, già Ya Hiêng đang bị bệnh. Nhưng khi biết ý định muốn tìm hiểu về chuyện đan lát, về tiếng cồng, tiếng chiêng của dân tộc Chu ru của chúng tôi, già “gạt” bệnh tật đi để nhiệt tình và say sưa kể. Già bảo, từ khi còn bé, già thường được theo cha tham gia nhiều lễ hội của người Chu ru. Cũng chính vì vậy nên ông biết rõ về đánh chiêng và đan lát - vốn là nét văn hóa rất riêng của người Chu Ru. Năm 1999, ông được tín nhiệm bầu giữ chức già làng ở thôn Préh Tiyong và giữ chức này suốt bao mùa rẫy qua. 
 
Năm nay, già làng Ya Hiêng cũng đã đi qua 60 mùa rẫy trên mảnh đất cha ông này và già cũng đã có thâm niên trên 50 năm biết đến nghề đan lát, đó là từ cái ngày ông vừa tròn 8 tuổi, theo cha vào rừng tìm chặt từng cây lồ ô, cây mây để tỉ mỉ làm nên những chiếc gùi lớn nhỏ, với đủ mọi công dụng, từ gùi lớn (để mang những vật nặng), hay gùi nhỏ (mang cơm, canh), gùi du lịch, hay gùi dùng để đựng đồ trang điểm của các cô gái… Cũng theo già Ya Hiêng, để học đan được một cái gùi hoàn chỉnh không phải là chuyện dễ. Bản thân già hay vợ già cũng phải mất một thời gian mới thành thục những “ngón nghề” đan lát trên. Lúc đầu, già học đan lát để làm những vật dụng trong gia đình sử dụng, sau này, ngoài những buổi lên nương, lên rẫy, già cũng kiếm thêm thu nhập từ nghề này. Vợ và 8 người con, cả trai lẫn gái của già Bơ Yau Ya Hiêng đều học được nghề đan lát trên. Già nói: “Giờ thì các con tôi đều đã thành thục trong việc biết chọn cây lồ ô nào đủ tuổi để chặt rồi và cách đan của từng chiếc gùi, các con cũng đã rành rẽ lắm. Giờ vợ chồng tôi già rồi, chỉ ở nhà tranh thủ đan lát vào những lúc rảnh rỗi trong ngày chứ không còn vào rừng tìm nguyên liệu như hồi còn trẻ nữa, công việc đó giao hoàn toàn cho các con”. Già cũng cho hay, việc truyền dạy cho các con cách đan giỏ, đan gùi không chỉ giúp họ có thêm thu nhập, mà quan trọng hơn, đó là cách để cái nghề truyền thống của dân tộc Chu ru không bị mất đi. Thời gian qua, ngoài việc truyền dạy cho các con, già Bơ Yau Ya Hiêng cũng đã dạy nghề cho người dân trong thôn biết cách đan lát từ sơ cấp cho đến chuyên nghiệp, để họ có thể tự tay đan lát những vật dụng trong gia đình.
 
Và không chỉ biết đan lát, già làng Ya Hiêng còn biết đánh cồng chiêng, làm cây nêu, nấu rượu cần. Ở vào tuổi 60, già đã có 30 năm tham gia sinh hoạt cồng chiêng nên hầu như bài diễn tấu cồng chiêng nào của người Chu ru, già cũng đều thuộc nằm lòng. Già bảo, già yêu những gì thuộc về văn hóa của quê mình nên việc giữ gìn và phát huy chúng là nhiệm vụ mà già phải làm, bởi già rất sợ mai này, khi những người già trong thôn như già không còn, lớp trẻ không mặn mà với truyền thống của cha ông thì những nét văn hóa đặc sắc kia sẽ dần mai một đi. Cũng vì lẽ đó mà những năm qua, già đã tìm mọi cách vận động mọi người trong thôn vào đội cồng chiêng. Và trước hết là bảo con cháu trong gia đình phải tham gia, sau đó con cháu trong gia đình đi vận động những người khác rồi thành lập nên đội cồng chiêng của thôn Préh vào năm 2000. Và không chỉ dạy bà con trong thôn đan lát, già còn tham gia dạy lớp cồng chiêng do Sở VH-TT-DL Lâm Đồng tổ chức cho người dân ở địa phương. Già làng Ya Hiêng còn “bật mí” thêm về cách già thể hiện tình yêu của mình với truyền thống của người Chu ru, đó là tham gia và đoạt giải nhì duy nhất cuộc thi “Tìm hiểu kiến trúc truyền thống” với bài dự thi về chủ đề các dụng cụ để làm nhà sàn và nhà rông của người Chu ru do Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị nông thôn Việt Nam (VIAP) tổ chức vào năm 2011. Động lực để già làng Ya Hiêng tham gia cuộc thi này cũng đơn giản lắm, đó là để con cháu Chu ru biết về nhà sàn - nơi mà cha ông chúng đã sinh ra và lớn lên ở đó!
 
Thy Vũ