Hồi quang

08:10, 29/10/2015

Dừng xe trước vòm cổng giàn hoa giấy quấn quýt đan xen sắc đỏ, trắng, tím, hồng. Hai cánh cửa gỗ im lìm khóa, bấm điện thoại chỉ nghe hồi âm "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được… tút, tút.". Lẽ nào anh Tùng ra Hà Nội, thường lệ trước đi đâu xa chẳng í ới, nhóm họp bạn bè. À, khả năng vợ chồng vào hồ Tuyền Lâm. Độ cuối tuần nào chẳng vậy! Nhất là gần đây, Huyền Linh trỗi dậy đam mê vẽ tranh phong cảnh…

Dừng xe trước vòm cổng giàn hoa giấy quấn quýt đan xen sắc đỏ, trắng, tím, hồng. Hai cánh cửa gỗ im lìm khóa, bấm điện thoại chỉ nghe hồi âm “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được… tút, tút.”. Lẽ nào anh Tùng ra Hà Nội, thường lệ trước đi đâu xa chẳng í ới, nhóm họp bạn bè. À, khả năng vợ chồng vào hồ Tuyền Lâm. Độ cuối tuần nào chẳng vậy! Nhất là gần đây, Huyền Linh trỗi dậy đam mê vẽ tranh phong cảnh…
 
Tôi quen anh Tùng đã mười năm bởi một nhà văn trầm trồ: Lạ cho sự hấp của gã này, cùng quê cậu đấy. Giữa lúc quanh hồ Tuyền Lâm nóng chuyện giải tỏa để quy hoạch xây dựng resort lại đùng đùng vác trên trăm triệu đưa người mới quen ở đấy dựng túp lều gỗ bên bờ sóng vỗ, năm đôi bận hắn hoặc chiến hữu Hà Nội, Sài Gòn lên du lịch, viết lách. Lần gặp đầu, với tôi anh như thần tượng bởi sự phóng khoáng, ngang tàng cố hữu ở cánh văn nghệ sĩ. Hút thuốc píp, diện quần bò, áo carô… Anh hơn tôi gần 10 tuổi song tình thân như anh em. Tập tành theo đuổi văn chương, mỗi lần “Nâng chén tay tiên thơm lừng mặt chiếu/ Đêm Thiên Thai cùng trăng với rượu…” anh thường ngâm nga, tôi cao hứng đọc bài thơ mới viết, Tùng lơ đãng nhìn sợi chỉ khói thuốc vòng vèo trôi ra ngoài khung cửa in cảnh mặt hồ, rừng thông, núi Voi soi bóng đẹp tựa tranh. Nâng chén rượu hạt mít, chậm rãi nhấp ngụm nhỏ, nhẩn nha: “Mới đường xã thôi. Chưa ra được quốc lộ! Nhưng, tứ thơ mới, củ mỉ cù mì như hạt lúa, củ khoai! Có câu viết thật quá, phải thể hiện sao cho giàu tính tượng thanh, tượng hình; từng chữ đắt hơn vàng. Cứ nhen và ủ lửa, thơ sẽ hay, chú sẽ đàng hoàng trên quốc lộ!”. Qua tâm sự, tôi biết: Tùng học Khoa biên kịch Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, xong năm đầu được cử đi Liên Xô học điện ảnh. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, từ chối du học, xin vào bộ đội để được ra chiến tuyến. Theo “chiều dài biên giới, dài theo bước chân chúng tôi” hết giữ chốt Vị Xuyên (Hà Giang), lại lên Cao Bằng, Lạng Sơn. Năm 1982 xuất ngũ, học tiếp và làm biên kịch cho Đài Truyền hình quốc gia. Từng có vài phim truyện về đề tài chiến tranh được công luận quan tâm, đánh giá cao. Cơn lốc thị trường tràn vào khiến lãnh đạo Chương trình Văn nghệ Đài chỉ khát những phim làm kiểu “mì ăn liền” với những tình tiết tình, tiền, tù, tội… Kịch bản anh viết về hệ quả chiến tranh, xung đột trong quá trình đổi mới cứ nằm im lìm trên bàn của sếp… Thế là ít đến cơ quan, vắng họp hành, bị nhận xét “ý thức tổ chức kỷ luật yếu”, “không nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu xã hội trong cơ chế thị trường”… Chán, lẳng lặng bỏ việc chứ không phải viết đơn xin nghỉ việc, về quê núi rừng Yên Thế, Bắc Giang. Lãnh đạo Đài đánh xe lên tìm thì mời rượu song “Các bác cho em viết tự do, biết đâu chẳng có phim nhận giải Cánh diều vàng”. Chén thù chén tạc và đàn đúm thơ phú với cánh văn nghệ địa phương thường vỗ ngực tự hào về khí phách hậu duệ “hùm thiêng Đề Thám”, thấy cũng hay hay cái tiết tháo kẻ “ngọa long cương”. Sang năm thứ ba, vợ tần tảo xoay xở với cửa hiệu tạp hóa ở thị trấn đột ngột qua đời bởi căn bệnh ung thư quái ác. Tùng loay hoay gần năm trời trong gia cảnh “gà trống” nuôi con gái mới hết tiểu học, xo xoáy đồng ra đồng vào… “Cơm áo không đùa với khách thơ”, đang đận chìm tàu, mấy thằng em họ ngồi thù tạc: “Ông từng rèn luyện ở quân ngũ, lính đặc công có số má hẳn hoi, đâu xoàng. Thời này, nhà thơ cũng phải biết đi buôn. Tái khởi nghiệp từ “số mo”, theo mấy thằng chú lên Thái Nguyên đào vàng là có tất!”. Tặc lưỡi, gửi con cho bà nội, Tùng khoác ba lô, nón cối sụp mái tóc dài chấm vai ngược lên Thái Nguyên. Ở đây, quý cả họ chỉ có một bác “văn nghệ sĩ”, anh được chú em là Bưởng trưởng giao làm đầu bếp nuôi cánh thợ khoảng 20 người… Sau chỉ mỗi việc hàng ngày quẩn quanh giám sát, đôn đốc nhân công đào, đãi vàng. Rượu chè ê hề, thậm chí Bưởng trưởng ngỏ ý cung phụng thuốc phiện, dâng gái đẹp… Tùng lườm nguýt, khoát tay: - Các chú liều liệu với những thứ ấy. Kẻo khổ vợ con! Ở chừng năm, mặc Bưởng trưởng nằn nì giữ chân, anh cả quyết: - Bác còn những việc chưa làm, “giang hồ vặt” thế đủ rồi! Về quê, Tùng dồn vốn với mấy người bạn tâm huyết lập công ty TNHH thu mua và xuất hàng đồ gỗ sang Trung Quốc, thiết lập đường dây lên các khu đào vàng mua vàng cám về bán cho hiệu vàng ở Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng. Chỉ 3 năm đã vang danh là tỷ phú, nhà thơ “làng” trung du. Con gái tốt nghiệp đại học và yên bề gia thất, Tùng quay lại nghề làm phim, thơ phú; dành thời gian đi thực tế, thăm thú, rong ruổi hết Tây Bắc, Tây Nam, rồi Tây Nguyên. Lên Đà Lạt, đất trời tinh khiết như rây lọc bớt bề bộn cam go đời thường, anh cảm nhận lòng mình đôi phần nhẹ nhàng, thanh thản. Tùng linh cảm dường như vương duyên phận với thành phố này.  
 
Minh họa: PHAN NHÂN
Minh họa: PHAN NHÂN
 
Khoảng bảy năm trước, cuối năm Tùng bay vào Đà Lạt để hoàn thành kịch bản phim. Một sáng, ngồi viết, tâm trạng không yên, lòng nóng như than hồng, anh lững thững ra dạo ven hồ bỗng nghe vẳng vọng tiếng chuông Thiền viện Trúc Lâm. Sinh trưởng miền đạo Phật phát tích đã ngàn năm, Tùng nhủ lòng phải lên Linh Sơn - ngôi chùa cổ anh thường viếng mỗi lần vào Đà Lạt… Lên chùa, dâng nhang niệm Phật xong, anh ra ghế đá dưới tán cây bồ đề trước lối ra cổng, ngồi thả lỏng người, nhắm mắt như bậc chân tu hướng tới vô vi. Tâm trí bồng bềnh trôi lạc trong thinh không chợt phảng phất thoảng tới làn hương hoa huệ thanh khiết. Vội ngước lên thấy một thiếu phụ mặc áo dài màu hạt dẻ, khoác áo len trắng ngà màu sữa. Ánh mắt anh bị cuốn hút bởi gương mặt thanh tao man mác ưu tư như Đức Mẹ Maria được mái tóc dài ôm ấp, tay giương dù hồng, tay ôm bó hoa huệ trắng muốt. Bước chân nàng chững lại khi đôi mắt huyền vời vợi ưu tư ngỡ hiện từ bức tranh “Người đàn bà xa lạ” của danh họa Nga cuối thế kỷ XIX Nikolaevich Kramskoi nhận thấy sắc diện Tùng khi ấy chắc có nét không bình thường. Ánh mắt người đàn bà ngồi cỗ xe ngựa hở mui sáng mùa đông trắng tuyết phủ trên cầu Anichkov bắc ngang sông Fontaka, Sankt - Peterburg có thể khiến người xem suy tưởng tâm trạng u uẩn, rối bời của thân phận được phác họa, nhưng thăm thẳm ánh nhìn của thiếu phụ choàng áo len trắng lại mơ hồ gợi một tia sáng lấp lánh cuối đường hầm đối với tâm trạng Tùng đang ủ dột. Ngỡ tan ra và lan tỏa như sương mai, nhịp tim người đàn ông ngoài năm mươi tuổi cuống loạn… Mềm mại và uyển chuyển cùng làn hương, nàng bước vào chùa. Bing boong, binh boong, bing boong… Không gian trầm mặc ngân nga nhịp chuông từ bi hỉ xả. Mô Phật, mình chưa bao giờ có cảm giác tựa say sóng thế này! Từ tâm thức gấp gáp lời giục, lời xui Tùng nán lại để thêm lần chiêm ngưỡng nàng. Anh ngẩn ngơ tới lui trên sân chùa, tâm trí thấm đẫm hương huệ ngọt ngào và gương mặt thánh thiện, dịu dàng vừa gặp.
 
- Ấy! Tiếng thốt khiến Tùng đang phiêu diêu, giật mình bởi suýt va vào nàng đang đi ra…
 
- Ô, cô… em thông cảm! 
 
Khẽ nghiêng mái đầu, thoáng bối rối rồi e ấp nụ cười thân thiện, thiếu phụ nhỏ nhẹ: - Không có chi, anh! 
 
Ngồi xuống ghế đá, Tùng dõi theo dáng thiếu phụ thấp thoáng dần khuất cuối hàng dương liễu.  
 
Từ bữa ấy, Tùng mất ăn mất ngủ, phờ phạc vì suy tư về thiếu phụ. Nàng là ai? Cuộc sống thế nào? Người vậy chắc hạnh phúc tràn đầy? Nghĩ tới điều này, Tùng thấy mặt nóng phừng phừng. Anh thầm trách bản thân tại sao vô cớ ích kỷ, nhỏ nhen nếu như nàng hạnh phúc… Ngày mồng 1 tháng tới, Tùng lên chùa từ sớm. Anh ngồi ghế đá trước bậc lên chùa bồn chồn ngóng đợi. Khi thiếu phụ ngang qua ít phút, anh luống cuống ôm bó huệ chậm bước theo sau. Chờ nàng thắp hương xong, anh bước lên. Chắp tay thành kính vái Phật mà tâm trí chỉ hiển hiện đôi mắt thẫm đen diệu vợi, miên man hấp lực… Sáng rằm tháng ấy, ngó gương mặt cương nghị phong trần có phần trẻ trung hơn bởi vừa cạo xong mớ râu ria rậm rì. Căn phòng trỗi dặt dìu lan ra mặt hồ tỏa sóng điệu van-xơ giai âm bản tình ca Nga “Triệu đóa hoa hồng”: Mỗi sáng sớm bên song thưa, em bên hoa cười say đắm/ Sẽ diễm phúc cho ai kia được yêu thương, lòng say đắm/ Sẽ mãi mãi như hoa kia trao cho em suốt cuộc đời...      
 
Kịch bản vào chùa lần sau tái diễn như lần trước. Rời chánh điện, Tùng ngỡ ngàng thấy thiếu phụ đang ngồi trên ghế đá dưới tán bồ đề xanh thẫm. Anh hấp tấp bước lại, ngồi bên, rụt rè đưa tay làm quen và nắm hơi lâu những ngón thon hồng: - Xin lỗi, tôi tên Tùng! 
 
- Anh không phải người Đà Lạt!
 
- Vâng, tôi lên nghỉ và hơn tháng nữa ra Bắc ăn Tết!
 
- Ôi, Tết Bắc giàu tình cảm lắm…! 
 
Thiếu phụ thì thầm, hai người chợt trở nên gần gũi, thân thiết tự bao giờ. Sau mấy câu thăm hỏi vu vơ, họ sánh vai sóng bước rời Linh Sơn. Đến ngoài cổng, nàng tin cậy nhận lời lên tắc-xi ra Thủy Tạ uống cà phê. 
 
* * *      
 
Ba má Huyền Linh cùng mấy em nhỏ xuất cảnh sang Mỹ cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Huyền Linh ở lại vì cô đang học năm cuối Trường Mỹ thuật Sài Gòn và đã có người yêu nặng lời thề thốt. Ra trường, lên xe hoa và năm sau vợ chồng đón con gái đầu lòng chào đời. Cứ ngỡ bản thân sẽ được bù đắp tình cảm khi trở trăn lựa chọn “bên tình, bên hiếu bên nào nặng hơn” để được sống bên người yêu. Thế nhưng đời sống gia đình trẻ chật vật, túng thiếu đã dần bóc trần bản chất “đào mỏ” của kẻ trước đây rắp tâm theo đuổi Huyền Linh bởi hy vọng gia đình nàng xuất ngoại sẽ có nhiều tiền gửi về… Chờ đợi mãi và hắn thất vọng vì ở bên đó ba má nàng cũng phải chạy đôn chạy đáo mới kiếm được việc làm với mức thu nhập thấp, lại còn lo cho các em ăn học nên không giúp được nhiều. Chồng nàng thất thường đi về với vợ con. Sau vương “lưới nhện” do nữ Việt kiều lớn tuổi giăng, hắn ruồng rẫy Huyền Linh, ép nàng ly dị… Chơ vơ giữa Sài Gòn, Huyền Linh đưa con về Đà Lạt ở nếp nhà xưa của ba má. Sau thời gian gắng gượng đứng dậy trước hạnh phúc đổ vỡ, phải vì con mà sống, nàng xin đi dạy mỹ thuật ở trường sư phạm. 
 
- Em yêu hoa huệ?
 
- Dạ! “Dạ lai hương”, “Vũ lai hương” - hương thơm về đêm, hương thơm trong mưa. Hoa huệ gần gũi thiện căn, không phô trương mà dung dị, thầm lặng… Phải chăng vì vậy mà phận em… Hình như có câu thơ: “Bông huệ trắng và bức tường cũng trắng/ Sao bóng hoa trên tường lại đen”? - Ngưng lời thảng thốt, nàng vê vê tà áo len.
 
Tùng đắm đuối soi vào làn mắt hồ thu, trầm ấm chậm đọc: “Em nhìn đi đâu thế em/ Không, anh biết chúng mình không có lỗi/ Nhưng ta cứ băn khoăn tự hỏi/ Sao bóng hoa trên tường lại đen?”. Có lẽ thơ thi sĩ tài hoa Bế Kiến Quốc. Này, đa cảm thế là phụ lòng một sáng đẹp trời! 
 
Gương mặt ửng hồng, nàng bất chợt chuyển hướng: - Còn anh, ngao du thế, chắc làm nghề nhàn tản? 
 
- Cứ cho là vậy! - Tùng nheo mắt cười, nói như đùa: - Trải nhiều việc lắm. Năm 1979, mặc áo lính đánh giặc bảo vệ biên giới phía Bắc, làm phim, làm thơ… và làm “đầu gấu” nữa!
 
Hàng mi dài cong vút khẽ chớp, khúc khích tiếng cười trong trẻo, Huyền Linh áp bàn tay mềm mại lên đôi tay anh đan nhau đặt trên bàn: - Xạo! Anh sống nội tâm, lần đầu gặp em đã nhận ra điều đó. Rồi lần thứ hai, em biết là anh đợi chờ mình lên chùa, khi về lặng lẽ theo sau… “Đầu gấu” trồng “cây si” như thế, cũng đáng mặt anh hào!
 
Sáng ấy, Huyền Linh luôn chuyển từ bất ngờ này sang bất ngờ khác khi nghe Tùng kể về thời gia nhập đội quân “vàng tặc”. 
 
… Chỉ hơn hai tháng được thằng em “Bưởng trưởng” ưu ái giao việc bếp núc nuôi cơm mấy chục nhân công, Tùng sớm vang danh “Tùng phi tiêu” khắp vùng “vàng tặc” Võ Nhai, Đồng Bẩm. Chuyện là, Bưởng thằng chú trúng quả gặp vỉa vàng sa khoáng đậm đặc, tin bùng loang khiến các bưởng xung quanh gầm ghè rắp ranh hất chân! Một trưa, đang lúi húi dọn cơm dưới tán gốc cây xoài rừng to hai, ba người ôm, Tùng nghe những bước chân huỳnh huỵch sau lưng. Ngoái lại thấy 5 tên quần áo rằn ri, mặt mũi đỏ phừng phừng như gà chọi, tay lăm lăm mã tấu, gậy lim, hằm hằm tiến tới dãy lán tranh…
 
- Thằng kia, đàn anh mày đâu? Gọi nó ra đây cho “bố mày”! 
 
- Ấy, các bác… Có chuyện gì vậy ạ?
 
- Bảo gọi là gọi. Đừng có nhiều lời! Có biết khu vực này “bố mày” đã xí phần không?
 
Vừa nói, gã có vẻ toán trưởng cao to, đen cháy như Thiên lôi hùng hổ xấn tới vung gậy quật xuống đầu Tùng. Khi hắn vung gậy, Tùng nhanh nhẹn thoái bộ khiến tiếng vù bổ thịch xuống đất trống. Ra đòn hụt, gã loạng choạng chúi về phía trước liền bị anh gạt chân ngã chổng vó lên trời. Lồm cồm bò dậy, y lồng lộn gầm như hổ dữ: - Giết, giết, giết! Lũ lâu la bủa đội hình như bầy sói đói vây quanh con mồi. Chúng lăm le tấn công, Tùng thủ thế rồi bật người như tia chớp tung cú song phi vào ngực hai thằng đứng gần khiến chúng vội dạt ra… Thản nhiên đối diện toán đầu gấu dàn hàng ngang thận trọng nhích lại, anh xoa tay, hất hàm: - Khố rách mới phải kiếm ăn ở xó rừng này, thế mà còn định chém giết nhau à. Có chuyện cần nói, các đại ca cứ ngồi uống chén rượu nhạt chờ Bưởng trưởng tôi sắp về! 
 
Mắt gã cầm đầu vằn vện những tia máu đỏ lừ, rút xoẹt thanh mã tấu dắt ngang hông lao tới: - Dám mời ông uống rượu nhạt. Mày chán sống à!
 
Tùng khom lưng, hai tay lướt ống đôi giầy cao cổ, vươn dậy vẩy về phía trước. Vèo, vèo. Hai con dao găm phi sát sàn sạt hai bên mang tai gã cầm đầu và phập cắm lút cán thân xoài cổ thụ. Toán trưởng há hốc mồm ngỡ Từ Hải chết đứng. Cả lũ chưa kịp hoàn hồn đã thấy Tùng nhẩy vọt phóng cước chém tay khiến chúng đổ như thân chuối bị phạt.
 
Bộp bộp, bộp…! Một tràng pháo tay rào rào, tiếng cười ha hả. Hóa ra từ khi nào thằng em họ cùng chục tay thước, mã tấu đã xuất hiện và lặng lẽ chứng kiến cuộc thí võ ngoạn mục. 
 
Toán trưởng vội sụp xuống, lậy như tế cha chết: - Cao nhân xá tội! Bọn đệ có mắt như mù nên không thấy núi Thái Sơn! Từ nay, đàn em xin hầu hạ đại sư huynh, không dám thất lễ nữa! 
 
Phá tan thủ đoạn đao búa xã hội đen nhằm đoạt chiếm lãnh địa khiến các đối thủ “vàng tặc” kiềng mặt Tùng, uy danh Bưởng thằng em thêm lẫy lừng, khu vực làm ăn bất khả xâm phạm.
 
- Bạch diện thư sinh mà hảo hán gớm! - Huyền Linh trầm trồ!
 
* * *
 
Tết ấy, Tùng ra Hà Nội, bận việc trao đổi nội dung, ý tưởng kịch bản với Hãng phim trước khi khởi quay vào đầu tháng Ba. Thời gian xa Đà Lạt dài lê thê. Trong ngày, anh và Huyền Linh không thể thiếu hai, ba cuộc điện thoại. Lấn bấn chưa kịp phôn là nghe đầu bên kia giọng nàng thổn thức, lo âu… Có lần nàng thì thầm: “Em sợ lắm, chỉ lo không kiểm soát được người hùng Lương Sơn Bạc khi xa em”!…
 
- Alô… Thứ bảy, anh vào Đà Lạt!
 
- Ôi! Vậy ư! Lâu quá… em nhớ! - Huyền Linh ríu ran. Tùng mường tượng chắc nàng đang nhún nhảy như trẻ thơ.
 
8 giờ tối thứ bảy, Tùng bước ra khỏi cửa sân bay Liên Khương. Đang tìm tắc-xi, một thiếu nữ khoác măng - tô tím, mũ trùm đầu, cầm bó hoa huệ lướt tới: - Tùng, em nè! 
 
- Ôi, Huyền Linh! - Chưa dứt lời, Tùng giang tay ôm choàng bờ vai nàng run rẩy. 
 
Thành phố rực rỡ, lung linh ánh điện trong màn sương mỏng. Ngồi sát, nũng nịu bá vai Tùng, nàng bảo tài xế tắc-xi: - Bác cho chúng tôi về nhà bên hồ Tuyền Lâm nghe! 
 
Dịp nghỉ hè năm ấy, Tùng đưa Huyền Linh ra Hà Nội thăm quê. Trở lại Đà Lạt, anh tìm và mua căn nhà nhỏ hai tầng đúng sở nguyện: Nhà nằm trên con đường yên tĩnh, có tên gọi gợi sự lãng mạn, có khoảng vườn gần 40m2 để trồng chủ yếu là hoa huệ, suối nhỏ sát nhà róc rách ngày đêm. Sửa nhà xong, Tùng và Huyền Linh mời mấy bằng hữu văn nghệ ở Đà Lạt, Hà Nội và người thân đôi bên dự đám cưới tổ chức trên du thuyền kết đầy hoa huệ ngan ngát tỏa hương. Tiệc cưới từ 4 giờ chiều, du thuyền lênh đênh lướt sóng quanh hồ và kéo dài đến 10 giờ một đêm trăng giữa tháng huyền ảo. Trong ánh nến lung linh, ngắm cặp uyên ương sáng ngời nụ cười rạng rỡ, tôi tin rằng chỉ đến bây giờ Tùng và Huyền Linh mới thực sự chạm tới và nắm giữ được hạnh phúc! 
 
Sau đám cưới, đôi vợ chồng thường thu xếp những ngày nghỉ cuối tuần, dịp hè rong ruổi du ngoạn đỉnh Langbian, Thác Voi, Đạ Đờn, Gougar, Đamb’ri… Tình yêu và hạnh phúc gia đình như làn gió Xuân tràn trề sinh lực tươi trẻ ùa tâm hồn Tùng một thuở ngỡ chai cằn, anh say sưa, miệt mài thực hiện các hợp đồng viết kịch bản phim. Giũ bỏ tấm áo từng đôi khi khắc khoải và bế tắc, thơ anh viết hồi quang lấp lánh tin yêu.
 
Thu, 14/10/2015
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH ĐẠM