"Làng hoa Hà Đông" những nét chấm phá về một vùng đất

09:10, 08/10/2015

Kể từ ngày ông Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Hà Đông cùng với ông Trần Văn Lý, Quản đạo Đà Lạt tổ chức đưa dân lên Đà Lạt lập nghiệp đến nay đã gần tám thập kỷ, có một ý nghĩa vô cùng quan trọng; góp phần hình thành nên Làng hoa Hà Đông bây giờ.

Kể từ ngày ông Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Hà Đông cùng với ông Trần Văn Lý, Quản đạo Đà Lạt tổ chức đưa dân lên Đà Lạt lập nghiệp đến nay đã gần tám thập kỷ, có một ý nghĩa vô cùng quan trọng; góp phần hình thành nên Làng hoa Hà Đông bây giờ.
 
Trải qua bao biến thiên lịch sử, người dân Hà Đông trên quê mới đã trụ lại và tạo được dấu ấn riêng. Việc làm của Ban Biên soạn ấn phẩm “Làng hoa Hà Đông” do ông Phan Hữu Giản chủ biên đã mang đến cho người đọc có một cách nhìn khái quát hơn về một vùng đất đã được định hình qua thời gian. Ấn phẩm gồm 3 phần: Phần văn xuôi, thơ và âm nhạc. Bên cạnh đó, còn giới thiệu một số bức ảnh tiêu biểu của Làng hoa Hà Đông xưa và nay.
 
Người đọc dễ dàng có thêm nguồn tư liệu chính thống về Làng hoa Hà Đông qua những bài viết của nhiều tác giả đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để thu thập tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng, tham khảo sử liệu để hình thành nên những tác phẩm có giá trị. Ở đó, người đọc sẽ biết thêm về cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy” của 35 người được tuyển chọn các làng chuyên canh rau, hoa nổi tiếng lâu đời quanh hồ Tây như Quảng Bá, Tây Tựu, Xuân Tảo, Ngọc Hà, Vạn Phúc, Nghi Tàm... đưa các giống rau hoa lên Đà Lạt. Từ chỗ chỉ có vài chục héc-ta, đến năm 1970, nhân dân Làng hoa Hà Đông đã khai khẩn gần 170 héc-ta, nay chỉ còn 53 héc-ta chuyên canh. Từ chỗ chỉ có 35 người ngày ấy, bây giờ đã có gần sáu trăm hộ với ba ngàn nhân khẩu. Cán bộ và nhân dân Làng hoa Hà Đông đã tích cực tham gia sản xuất, xây dựng vùng đất chuyên canh rau hoa, tham gia đóng góp các hoạt động của thành phố và tỉnh nhà trong những dịp tết đến, xuân về, trong các lễ hội festival hoa và được UBND tỉnh cấp bằng công nhận “Làng nghề truyền thống” đầu tiên của thành phố Đà Lạt (30/12/2009) và thương hiệu “Làng hoa Hà Đông” cũng được ra đời từ đó.
 
Một địa chỉ cụ thể của Làng hoa Hà Đông là Nhà văn hóa. Sau 5 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà văn hóa Làng hoa Hà Đông đã trở thành điểm đến của du khách và cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Ban Quản lý Nhà văn hóa cũng đã tích cực tổ chức vận động sưu tầm, biên tập, trưng bày các tư liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, truyền thống của Làng hoa Hà Đông; tổ chức các hoạt động của Hội đồng hương Hà Nội tại Lâm Đồng, ra mắt ấn phẩm “Người Hà Nội trên cao nguyên xanh” và giao lưu với các văn nghệ sĩ Lâm Đồng - Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng thủ đô.
 
Một thời gian chuẩn bị bản thảo không dài, nhưng với quyết tâm, Ban Biên soạn đã kịp cho ra mắt ấn phẩm “Làng hoa Hà Đông” đúng dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2015) và thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa X (2015 - 2020). Đây thực sự là một món quà vô cùng có ý nghĩa trong những ngày tháng lịch sử này.
 
TRẦN TRỌNG VĂN