Những buổi sáng thức dậy ở nhà mẹ / ít dần đi trong đời / điều thân thuộc rồi sẽ thành điều ước / những âm thanh thường nhật rồi sẽ chỉ vang trong kí ức / mẹ ở đây, rồi cũng hóa mây trôi
Thức dậy ở nhà mẹ
Những buổi sáng thức dậy ở nhà mẹ
ít dần đi trong đời
điều thân thuộc rồi sẽ thành điều ước
những âm thanh thường nhật rồi sẽ chỉ vang trong kí ức
mẹ ở đây, rồi cũng hóa mây trôi
Rồi những ngày kế tiếp trong đời
sẽ thức dậy ngắm nhìn ô cửa khác
những bề bộn, đớn đau cũng mang màu sắc khác
của người đàn bà không còn chốn bình yên
Hình dung về mất mát là thứ hình dung
can đảm nhất trên đời
và thật thà đến từng giọt nước mắt
chỉ biết thổn thức khi nỗi đau tưởng chừng bung lồng ngực
ngay cả thứ mình yêu thương cũng đâu thể nắm giữ đến tận cùng
Tiếng bẻ củi lách cách của mẹ ngoài kia
đã đánh thức con khỏi cơn mộng mị
Những buổi sáng thức dậy ở nhà mẹ luôn là đáng quý
từng phút giây chân thực đến vỡ òa!
VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Tôi biết đến nhà văn Vũ Thị Huyền Trang khi may mắn được góp mặt cùng chị trong một vài cuốn sách tuyển tập nhiều tác giả. Những truyện ngắn của chị đã lấy đi của tôi khá nhiều nước mắt. Rồi tôi tìm đọc những tác phẩm của Vũ Thị Huyền Trang nhiều hơn, tôi mới biết chị không chỉ có những mùa gặt bội thu trên cánh đồng văn xuôi mà trên địa hạt thơ chị cũng ít nhiều để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Bài thơ “Thức dậy ở nhà mẹ” trong chùm thơ mới của chị đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên. Tôi ít đọc thơ, có lẽ bởi thơ đương đại ngày càng khó đồng cảm, nhưng “Thức dậy ở nhà mẹ” đã khiến tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Bài thơ giản dị mà đầy chất triết lý và giàu ý nghĩa nhân sinh.
Bài thơ giản dị, mộc mạc như chính con người chị vậy. Giản dị ngay từ nhan đề: “Thức dậy ở nhà mẹ”. Giản dị là thế nhưng giàu sức gợi, dẫn dụ người đọc bước vào cuộc hành trình suy tưởng và đồng hành cùng nhà thơ trong cuộc hành trình đó. Nhà thơ đã khéo léo gieo dự cảm vào hai chữ “nhà mẹ”. Đó là ngôi nhà nuôi dưỡng tuổi thơ, nơi ấy là tổ ấm yêu thương, có bờ vai to rộng vững chắc của cha, có vòng tay ấm áp hiền hòa của mẹ. Nhưng nhà thơ không gọi là nhà mình mà là nhà mẹ, nơi ấy rồi sẽ phải ra đi, sẽ phải rời xa, ta không thuộc về nơi đó mãi mãi, ta không thể neo con thuyền cuộc đời mình vào bến đó mãi mãi. Với giọng thơ tự sự, chị như kể với độc giả một câu chuyện bằng thơ. Có lẽ là một nhà văn có nghề với rất nhiều truyện ngắn ấn tượng nên thơ chị cũng đậm đặc chất tự sự. Chị bắt đầu kể câu chuyện:
“Những buổi sáng thức dậy ở nhà mẹ ít dần đi trong đời”
Buổi sáng khởi đầu một ngày mới. Ấy là khoảng thời gian tinh khôi nhất trong ngày, nắng thủy tinh, sương long lanh, hoa cười, lá vẫy bàn tay xanh, gió ngọt lành, vạn vật chưa nhuốm bụi bặm của cuộc sống xô bồ. Và buổi sáng lại được thức dậy ở ngôi nhà mẹ - ngôi nhà bình yên, ấm áp, hạnh phúc. Nhưng khoảnh khắc yêu thương quý giá trân trọng ấy lại ít dần đi, ít dần đi mà chính nhà thơ đang cảm nhận nó rõ mồn một. Nữ thi sĩ đã khéo léo cắt rất ngọt câu thơ làm đôi, đẩy thành phần vị ngữ: “ít dần đi trong đời” xuống dòng thơ tiếp theo để tạo một khoảng trống đủ để người đọc đắm mình vào khoảnh khắc yên bình kia rồi lại hẫng hụt khi chợt nhận ra hạnh phúc ấy đang vơi đi từng ngày.
“điều thân thuộc rồi sẽ thành điều ước
những âm thanh thường nhật rồi sẽ chỉ vang trong kí ức
mẹ ở đây, rồi cũng hóa mây trôi.”
Điệp từ “rồi” được lặp lại liên tiếp trong ba câu thơ khẳng định quy luật tất yếu của cuộc sống: theo dòng chảy thời gian cuộn siết vạn vật sẽ đổi thay, mọi thứ đều sẽ rơi vào quá khứ, dẫu là những gì thân thuộc nhất rồi cũng trôi qua kẽ tay. Đọc những câu thơ này ta nghe như có tiếng thở dài thườn thượt, nhịp điệu thơ nặng trịch như buộc vào đó hàng trăm khối đá ưu phiền. Những điều bình dị như một bữa cơm gia đình, cả nhà quây quần bên ấm trà hay những âm thanh thường nhật như tiếng củi nổ lép bép, tiếng lợn khua máng, tiếng gà cục tác, tiếng loảng xoảng nồi niêu, tất cả, tất cả rồi sẽ bước về phía ngày hôm qua. Câu thơ “Mẹ ở đây, rồi cũng hóa mây trôi” không còn là tiếng thở dài nữa mà là tiếng nấc nghẹn ngào. Dấu phẩy làm nhịp điệu câu thơ bị đứt đoạn hay chính nhà thơ đang đứt từng đoạn ruột. Còn nỗi đau nào hơn khi ngày ngày chứng kiến thời gian nhuộm bạc tóc mẹ, in hằn những vết chân chim trên khóe mắt, lưng mẹ còng và mắt mờ dần. Một mai này mẹ sẽ không còn bên con nữa, dáng mẹ hao gầy hóa dáng mây trôi.
“Rồi những ngày kế tiếp trong đời
sẽ thức dậy ngắm nhìn ô cửa khác
những bề bộn, đớn đau cũng mang màu sắc khác
của người đàn bà không còn chốn bình yên”
Vẫn giọng thơ đầy chất tự sự, Vũ Thị Huyền Trang dẫn người đọc đi sâu vào những suy tưởng về “những ngày kế tiếp trong đời”. Chị kể về những ngày kia khi thức dậy trong một ngôi nhà khác. Ấy là khi rời xa nhà mẹ, rời tổ ấm bình yên bước về phía bão giông cuộc đời. Hình ảnh “ô cửa khác” ẩn dụ cho một cuộc sống khác, một hoàn cảnh sống khác, một nơi chốn khác ở đó không có vòng tay ấm áp của mẹ, không có bờ vai vững chắc của cha, không có những điều thân thuộc. Chỉ một từ “ngắm nhìn” thôi mà vẽ lên cả dáng hình người phụ nữ, vẽ lên đôi mắt ngơ ngác, lạ lẫm trước những ô cửa xa lạ. Mọi thứ đều khác và cả những đớn đau cũng khác là bởi “người đàn bà không còn chốn bình yên”. Dưới lăng kính tâm hồn tinh tế và từng trải chị nhận ra màu của nỗi đau và sự biến chuyển của nó.
Vẽ hình hài của mất mát trong tim, để nó hiện hữu rõ nét thành hình khối và nó choáng ngợp hồn mình có lẽ còn đau đớn hơn là khi mình thực sự trải qua mất mát ấy. Suy tưởng và đau đớn để rồi nhà thơ rút ra triết lý của cuộc sống:
“Hình dung về mất mát là thứ hình dung
can đảm nhất trên đời
và thật thà đến từng giọt nước mắt”
Ai rồi cũng phải trải qua sự mất mát, nó đã trở thành một phần trong cuộc đời mỗi con người vì thế nên nó chân thật trong từng giọt nước. Từng giọt nước mắt thật thà kể câu chuyện của nỗi đau. Từng giọt nước mắt hình bầu dục soi gương mặt của người phụ nữ đang thất thần trước nỗi đau mất mát trong hình dung của chị. Chị đã dẫn người đọc đi sâu hơn, đến gần hơn, chạm đến tận cùng của nỗi đau “tưởng chừng bung lồng ngực” ấy là nỗi đau của sự bất lực khi những thứ mà mình yêu thương nhất rồi một ngày cũng bước qua đời ta bỏ lại cho ta những khoảng trống không thể lấp đầy! Đọc câu thơ này mà thấy lòng mình như quặn thắt, cuộc sống này mong manh quá, yêu thương cũng quá mong manh.
“Tiếng bẻ củi lách cách của mẹ ngoài kia
đã đánh thức con khỏi cơn mộng mị”
Con tàu chở nhà thơ trong chuyến du hành miền suy tưởng đã cập bến, một âm thanh quen thuộc, bình dị: tiếng bẻ củi lách cách đã cắt đứt dòng suy nghĩ miên man và đưa nhà thơ trở về với hiện thực. Âm thanh ấy không chỉ là đại diện cho cuộc sống hiện thực mà nó còn mang theo bóng dáng thân quen của mẹ. Mẹ vẫn ở đó, vẫn cần mẫn với những công việc thường ngày, vẫn tảo tần vun vén cho gia đình nhỏ. Như vỡ òa khi nhận ra điều ấy chị đã thốt lên:
Những buổi sáng thức dậy ở nhà mẹ luôn là đáng quý
từng phút giây chân thực đến vỡ òa!”
Những tháng ngày còn được nằm trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, được đùm bọc, chở che trong tổ ấm gia đình là khoảng thời gian quý báu nhất của cuộc đời mỗi con người. Đó là hạnh phúc mà không phải ai cũng được tạo hóa ban tặng. Và chị trân trọng từng giây phút ấy, sống trọn vẹn từng giây phút ấy, chạm đến tận đáy từ khoảnh khắc yêu thương.
Chỉ viết hoa chữ đầu mỗi khổ thơ và bài thơ chỉ có một dấu chấm duy nhất kết thúc bài, mạch thơ liền mạch như một dòng suối cảm xúc tuôn trào. Mạch thơ bắt nhịp cùng mạch suy nghĩ miên man không ngừng của nhà thơ. Ngôn ngữ giản dị, không một chút tì vết của dụng công nghệ thuật, không cầu kì ngôn từ mà vẫn đằm vẫn sâu cái tình, cái triết lí sâu xa. Bài thơ đã cho ta một bài học quý giá hãy trân trọng những điều bình dị bên ta vì rồi một ngày nó sẽ chỉ còn là dĩ vãng, chỉ còn là những ước mơ.
ĐÀO MẠNH LONG