Mạch nguồn văn hóa dân gian âm thầm tuôn chảy qua lời ca, tiếng hát, điệu múa của các chị em.
Mạch nguồn văn hóa dân gian âm thầm tuôn chảy qua lời ca, tiếng hát, điệu múa của các chị em.
* Chị Quang Thị Phương Lan mê hát dân ca Thái
Là phụ nữ người dân tộc Thái, chị Phương Lan (sinh năm 1969) ở thôn Tân Hưng - xã Tân Thành - huyện Đức Trọng, say mê hát dân ca từ thuở bé. Chị kể gốc gác gia đình mình, bố mẹ rời quê từ Sơn La vào Đà Lạt, sinh chị ở Đà Lạt và chuyển về Đức Trọng lập nghiệp. Ra đi mang theo văn hóa của dân tộc mình qua lời ca, tiếng nói, điệu múa và trang phục, phong tục người Thái, mẹ chị đã truyền lại cho con một cách tự nhiên như hơi thở. Chị Phương Lan cho biết: “Tôi biết hát dân ca từ mẹ tôi hát ru em, ru cháu, bây giờ mẹ tôi đã 83 tuổi. Và tôi dạy hát dân ca cho 3 cô con gái của mình. Những giai điệu mẹ con thường hát: Inh lả ơi! Lời yêu thương gởi Noọng (Lời yêu thương gởi đến cho em)… Các con đều hát hay múa giỏi”. Vừa nói dứt lời, chị Phương Lan gọi ngay một bé gái đến và cả hai cùng say sưa hát một bài dân ca Thái cho tôi nghe. Những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, da diết. Tôi được biết bé gái là con út của chị, tên là Lò Nhật Khánh Linh, mới 6 tuổi đã cùng theo mẹ lên Đà Lạt biểu diễn trong Liên hoan Văn hóa - Nghệ thuật của phụ nữ các dân tộc tỉnh Lâm Đồng năm 2015.
Chị Phương Lan làm nhân viên y tế thôn bản và cộng tác viên dân số. Với năng khiếu múa hát, chị tham gia nhiều hoạt động phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương: dịp lễ hội, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, phong trào văn nghệ của ngành Y tế… Nhưng đây là lần đầu tiên chị lên tỉnh tham gia Liên hoan, mặc trang phục của phụ nữ dân tộc Thái cùng với con gái và các chị trong đội Đức Trọng biểu diễn các tiết mục tập thể, múa, hát, diễn xướng, trình diễn thời trang giới thiệu bản sắc của phụ nữ dân tộc Thái. Chị nói: “Mỗi khi mình mặc trang phục dân tộc của mình thì mình múa, hát rất tự tin. Với các cụ già thì mặc quần áo truyền thống thường xuyên, còn chị em phụ nữ còn trẻ tuổi, vào dịp lễ hội mới mặc đồ truyền thống”.
|
Vũ điệu Tây Nguyên - Ảnh: HÀ HỮU NẾT |
* Chị Hoàng Thị Kẹn gắn bó với cây đàn tính
Người phụ nữ dân tộc Tày mặc áo chàm, tay nâng niu cây đàn tính không rời, kể cả lúc trao đổi với chúng tôi, chị Kẹn - sinh năm 1967, ở xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà cho biết: “Cây đàn tính này mình mua từ quê Cao Bằng đấy! Ở nhà mình có 2 cái. Quý lắm! Phải giữ cẩn thận, vì cái thùng đàn làm bằng quả bầu, mình chơi xong phải treo lên cao. Mỗi khi đi làm về mệt là mình chơi đàn và hát, cảm thấy vui hơn”.
Chị Kẹn tham gia biểu diễn với cây đàn tính và hát bài “Trăng soi đường Bác” theo điệu then tại Liên hoan Văn hóa - Nghệ thuật của phụ nữ các dân tộc tỉnh Lâm Đồng năm 2015. Ở huyện, chị Kẹn thường biểu diễn hát then, chơi đàn tính và đây là lần đầu chị biểu diễn ở cấp tỉnh. Chị Kẹn cho biết: “Từ khi còn là thiếu nữ mình đã biết hát then, chơi đàn tính rồi. Những bài quen thuộc như: Hoa nở độc lập Bắc Nam, Khoảnh khắc cáng lò, Hoa nở bốn mùa, Pắc Bó - Làng Sen… Hồi xưa mình biết ít bài lắm, bây giờ mình lên mạng tải nhiều bài về học nên thuộc nhiều bài hơn”.
Phải có niềm say mê lắm chị Kẹn mới không thể rời cây đàn tính, trang phục (áo vải chàm, kiềng, khăn đội đầu) mua tận Cao Bằng và học hỏi trên mạng nhằm thỏa cách chơi. Để biết chơi đàn tính rất khó. Đã 20 năm từ quê Cao Bằng vào Lâm Hà sinh sống, cùng gia đình chồng cũng người Tày, sinh ra 4 cô con gái (2 con có gia đình, 2 con học Đại học Đà Lạt) nhưng không ai biết hát then, chơi đàn tính cả. Ở trong khu dân cư chị ở cũng chỉ có vài người biết chơi thôi vì hát then và đàn tính khó học. Chị cười nói: “Chơi đàn tính rất khó, nhiều người học không được. Mình thích đàn hát, thích vui vẻ, thích đi giao lưu văn hóa nghệ thuật và lúc ở nhà thường xuyên chơi đàn tính, hát then, cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn”.
* Chị Bùi Thị Niềm say điệu Mường
Sinh năm 1989, ở thôn 7 - xã Tân Lâm - huyện Di Linh, người phụ nữ trẻ xinh đẹp này có chồng cũng là người dân tộc Mường và sinh một bé trai được 3 tuổi. Chị Niềm biểu diễn bài hát “Mời trầu” bằng dân ca của người Mường tại Liên hoan Văn hóa - Nghệ thuật của phụ nữ các dân tộc Lâm Đồng. Chị Niềm khoe: “Mình thuộc dân ca Mường khoảng 8 bài và tham gia trong đội văn nghệ của thôn để biểu diễn giao lưu. Mình không học ở đâu cả, tự nhiên biết hát thôi, nghe mẹ hát rồi hát theo. Nếu có con gái, mình cũng sẽ dạy cho nó biết hát. Nhưng hát hay phải có năng khiếu bẩm sinh, mình dạy con biết hát dân ca Mường để nhớ về nguồn cội”.
Từ vùng Hòa Bình, chị Niềm vào Di Linh sinh sống được 5 năm và đã sớm hòa nhập trên vùng đất mới, hay đi hát với các chị em trong thôn nhưng đây là lần đầu tiên chị lên tỉnh biểu diễn hát dân ca Mường. Chị mặc trang phục rất đẹp của dân tộc Mường mang từ Hòa Bình vào và cho biết: “Tôi rất vui khi là người con xứ Mường Hòa Bình trên vùng đất mới Di Linh đem tiếng hát dân ca của dân tộc mình giao lưu với chị em các dân tộc trên dải đất Lâm Đồng”.
|
Thiếu nữ - Tranh Nguyễn Hoàng Khai |
* Chị Dương Thị Tranh - “cây văn nghệ” của người H’Mông
Đến từ xã Nam Ninh - huyện Cát Tiên, chị Tranh sinh năm 1985, lần đầu lên tỉnh trình diễn trang phục của người H’Mông trắng. Với bộ trang phục đang mặc, chị Tranh tiết lộ đây là trang phục truyền thống của phụ nữ H’Mông được mua từ Cao Bằng trị giá đến 8 triệu đồng (mũ, áo, thắt lưng, dù mèo, váy). Chị còn tham gia hát, múa, diễn xướng tại Liên hoan Văn hóa - Nghệ thuật của phụ nữ các dân tộc tỉnh Lâm Đồng năm 2015.
Chị Tranh có năng khiếu múa hát từ nhỏ. Chị học từ người già là ông Dương Văn Thị và bà Hồ Thị Chẩu, đều đã ngoài 80 tuổi nhưng là những “báu vật” của dòng họ Dương về gìn giữ văn hóa của người H’Mông trên vùng đất mới qua lời hát, diễn xướng. Sống trong môi trường văn hóa văn nghệ dân gian do ông, bà truyền dạy, chị Tranh say mê với những bài hát dân ca H’Mông như: Người Mèo ơn Đảng, Gặp nhau giữa rừng mơ, Thơ tình của núi, Xuân về trên bản Mông; vui theo những điệu múa: Chị Mai xuống chợ, Tình ca Tây Bắc… Chị nói: “Múa dù, múa khèn, múa sạp, các trò chơi dân gian, nấu ăn các món truyền thống của người H’Mông như mèn mén, thịt xông khói…, văn hóa của dân tộc H’Mông rất cuốn hút”. Bà mẹ trẻ này đã có 2 con, thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng tại địa phương. Chị Lưu Thị Vũ - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Ninh (Cát Tiên) cho biết: “Mình và Tranh đều là con cháu của dòng họ Dương rất có năng khiếu văn nghệ, có thể nói là một dòng họ tài tử. Trong đó, chị Tranh là “một cây văn nghệ” tích cực tham gia các phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương”.
DIỆU HIỀN