Khảo cổ học tiền - sơ sử và lịch sử Lâm Đồng, một công trình cần được tiếp nối

09:11, 05/11/2015

Lâm Đồng - vùng đất cổ lâu đời. Trước năm 1975, nơi đây còn là một vùng đất trắng trong bản đồ khảo cổ học Việt Nam. Gần 40 năm qua, một loạt các di tích khảo cổ học trong lòng đất đã được các nhà khảo cổ học phát hiện, khai quật và nghiên cứu, minh họa cho con đường phát triển lịch sử văn hóa liên tục và giàu bản sắc của Lâm Đồng. 

Lâm Đồng - vùng đất cổ lâu đời. Trước năm 1975, nơi đây còn là một vùng đất trắng trong bản đồ khảo cổ học Việt Nam. Gần 40 năm qua, một loạt các di tích khảo cổ học trong lòng đất đã được các nhà khảo cổ học phát hiện, khai quật và nghiên cứu, minh họa cho con đường phát triển lịch sử văn hóa liên tục và giàu bản sắc của Lâm Đồng. 
 
Khách tham quan những vết tích kiến trúc và nghệ thuật tôn giáo ở Khu di tích khảo cổ Cát Tiên. Ảnh: P.N
Khách tham quan những vết tích kiến trúc và nghệ thuật tôn giáo ở Khu di tích khảo cổ Cát Tiên.
Ảnh: P.N
Cuối tháng 10 qua, nhìn nhau tại một hội nghị khoa học, TS Trần Văn Bảo mỉm cười, giơ tay thân thiện chào. Kết thúc cuộc họp, anh đến trao tặng quyển sách dày trên 310 trang: “KHẢO CỔ HỌC TIỀN - SƠ SỬ VÀ LỊCH SỬ LÂM ĐỒNG” (Nxb Khoa học Xã hội, phát hành tháng 3-2015). “Cảm ơn nhiều trước thành quả nghiên cứu, lao động khoa học của anh qua 30 năm gắn bó với Lâm Đồng” - Tôi bắt chặt tay chúc mừng TS Trần Văn Bảo. 
 
Trần Văn Bảo là cán bộ nghiên cứu và giảng dạy bộ môn Cổ sử Việt Nam và Khảo cổ học của Trường Đại học Đà Lạt. Anh đam mê khám phá, giải mã những bí ẩn từ các mảnh vỡ quá khứ xa xưa nhất, bằng cả một chặng đường dài học tập, nghiên cứu: Bắt đầu từ việc theo học Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội… Theo PGS. TS Nguyễn Khắc Sử nhận xét: Trần Văn Bảo đã chủ trì nhiều cuộc điều tra, khai quật khảo cổ học lớn ở Lâm Đồng, quy tụ về đây nhiều nhà khoa học lớn, dưới sự hướng dẫn của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng… Qua quyển sách, người đọc có thể tìm thấy ở đây cách tiếp cận cụ thể cho từng loại đối tượng nghiên cứu, ví như những di tích khảo cổ học tiền sử, sơ sử hay kiến trúc tôn giáo hoặc mộ táng giai đoạn lịch sử. Từ đó, công trình xác định đặc trưng về di tích, di vật và những nét riêng nổi bật ở từng lát cắt thời gian của tiến trình lịch sử văn hóa Lâm Đồng. Bước đầu công trình phác thảo bức tranh kinh tế, văn hóa, xã hội của các cộng đồng dân cư cổ Lâm Đồng từ hàng vạn năm trước cho đến các thế kỷ gần đây. Không dừng lại ở đó, công trình thử giải mã những bí ẩn nằm sâu trong lòng đất, những vết tích kiến trúc và nghệ thuật tôn giáo ở Khu di tích Cát Tiên hay chủ nhân các khu mộ táng Đại Làng và Đại Lào, xác định vị trí văn hóa lịch sử Lâm Đồng trong bối cảnh lịch sử văn hóa các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. 
 
Bìa sách
Bìa sách
Theo Lời nói đầu của TS Trần Văn Bảo tâm sự: “Quyển sách… xuất bản lần này được phát triển từ luận văn Thạc sĩ bảo vệ năm 2001 và luận án Tiến sĩ bảo vệ năm 2008… Có thể nói, quyển sách là một công trình chuyên khảo đầu tiên về khảo cổ học Lâm Đồng, đóng góp vào việc hệ thống hóa toàn bộ khối tư liệu về khảo cổ học hiện có ở tỉnh Lâm Đồng, tổng lược khách quan các luận điểm khoa học và kết quả nghiên cứu của các tác giả khác, vạch ra những vấn đề khoa học chưa được giải quyết thỏa đáng. Bước đầu xác định những đặc trưng cơ bản về di tích, di vật ở từng giai đoạn tiền sử, sơ sử và lịch sử Lâm Đồng; phác thảo bức tranh kinh tế, văn hóa, xã hội của các cộng đồng cư dân cổ đã từng tồn tại ở đây, cũng như xác định vị trí của Lâm Đồng trong bối cảnh văn hóa Tiền - sơ sử Việt Nam và Đông Nam Á. 
 
Công trình “Khảo cổ học tiền - sơ sử và lịch sử Lâm Đồng” gồm 4 phần nội dung (244 trang), kèm 70 trang tài liệu tham khảo và minh họa.
 
Phần thứ nhất, tác giả trình bày khái quát địa lý nhân văn tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh những yếu tố địa lý và tộc người liên quan đến các vấn đề tiền - sơ sử và lịch sử. Về tình hình phát hiện và nghiên cứu, công trình cho rằng, khảo cổ học Lâm Đồng từ sau 1975, đặc biệt là những thập kỷ gần đây đã có nhiều phát hiện, thám sát và khai quật khảo cổ học lớn, có giá trị về mặt tư liệu nghiên cứu tiến trình phát triển lịch sử văn hóa Lâm Đồng từ thời tiền sử đến lịch sử, từ thời đại đồ đá đến thời đại kim khí. Phần thứ hai phân tích những đặc trưng cơ bản về di tích và di vật thời tiền sử, thời sơ sử và thời lịch sử Lâm Đồng. Phần thứ ba bước đầu phác dựng diện mạo lịch sử văn hóa Lâm Đồng từ tiền sử đến lịch sử. Công trình khẳng định, con người có mặt ở Lâm Đồng từ thời đại đồ đá cũ cách đây hàng vạn năm. Thuở bình minh của lịch sử, cư dân nơi đây đã biết đến hai kỹ nghệ chế tác công cụ đá khác nhau… Vào 4.000 năm trước, Lâm Đồng phát triển hết sức nhanh chóng về mặt kỹ thuật và văn hóa, xuất hiện các công xưởng chế tạo rìu tứ giác bằng đá opal, tạo dựng các “làng” nghề, tiến hành phân công lao động và giao lưu trao đổi sản phẩm rộng rãi, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng. Nhờ đó, chỉ một nghìn năm sau đó, cư dân cổ Lâm Đồng đã bước vào nền văn minh chung của khu vực với cuộc sống định cư làm nông nghiệp, luyện kim, chế tác kim loại, phát triển nghề thủ công làm gốm và dệt vải ở trung nguồn sông Đồng Nai trên đất Phù Mỹ (huyện Cát Tiên). Phần thứ tư, công trình đặt Lâm Đồng trong bối cảnh rộng hơn và cho rằng, trong giai đoạn đá cũ và sơ kỳ đá mới, cư dân tiền sử Lâm Đồng có mối quan hệ văn hóa với cư dân cổ ở Bắc Việt Nam và miền Đông Nam Bộ; từ giai đoạn Đá mới muộn có liên hệ với cư dân cùng thời đại ở Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ tạo nên diện mạo văn minh cao nguyên. 
 
Tâm huyết và dày công cho công trình nghiên cứu khoa học song tác giả cũng trở trăn “Lịch sử văn hóa Lâm Đồng từ đầu Công nguyên trở lại đây còn một vài khoảng trống do thiếu tư liệu như giai đoạn 4 thế kỷ đầu sau Công nguyên và từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI”. Chính vì vậy, TS Trần Văn Bảo trăn trở và kỳ vọng: Khảo cổ học Lâm Đồng còn rất non trẻ, song những kết quả thu được rất đáng ghi nhận. Việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu khảo cổ học Lâm Đồng là một yêu cầu bức thiết. Trước hết, chúng tôi đã điều tra tổng thể, bước đầu xác lập bản đồ khảo cổ học Lâm Đồng; cần tiến hành thám sát và khai quật một số di tích tiêu biểu, nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản dưới đây: Có hay không sơ kỳ đồ đá cũ ở Lâm Đồng? Có thể xác lập một văn hóa khảo cổ thời đại đá mới muộn ở Lâm Hà? Chủ nhân và vị trí khu thánh địa Cát Tiên trong cộng đồng dân cư thời đó như thế nào? Lâm Đồng có mối liên hệ gì trong con đường thương mại gốm sứ ở khu vực trong lịch sử? Đây cũng là những vấn đề trọng tâm đã và đang đặt ra cho giới sử học Việt Nam!
 
Hướng dẫn viên giới thiệu các hiện vật tìm thấy tại Khu di tích khảo cổ Cát Tiên, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: PHAN NHÂN
Hướng dẫn viên giới thiệu các hiện vật tìm thấy tại Khu di tích khảo cổ Cát Tiên, huyện Cát Tiên,
tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: PHAN NHÂN
 
Gấp lại cuốn sách của TS Trần Văn Bảo, tôi thở dài tiếc vì sao sách chỉ in 300 cuốn. Số lượng phát hành nhiều hơn có phải giúp ích cho rất nhiều độc giả Lâm Đồng, ngành văn hóa - du lịch và du khách quốc tế muốn tìm hiểu về miền đất kỳ bí Nam Tây Nguyên!
 
ĐAN THANH