Những "lá thư" thơ của Phan Duy Nhân

08:11, 19/11/2015

Phan Duy Nhân là bút hiệu của một nhà thơ hết sức quen thuộc không chỉ đối với sinh viên trí thức Huế mà còn đối với bạn đọc miền Nam những năm 60 của thế kỷ trước. Nhà thơ tên thật là Phan Chánh Dinh (Nguyễn Chính), sinh năm 1941, quê xã Triệu Ái, Triệu Phong, Quảng Trị, trưởng thành trong phong trào đấu tranh yêu nước của sinh viên Huế và phong trào đô thị miền Nam. 

Phan Duy Nhân là bút hiệu của một nhà thơ hết sức quen thuộc không chỉ đối với sinh viên trí thức Huế mà còn đối với bạn đọc miền Nam những năm 60 của thế kỷ trước. Nhà thơ tên thật là Phan Chánh Dinh (Nguyễn Chính), sinh năm 1941, quê xã Triệu Ái, Triệu Phong, Quảng Trị, trưởng thành trong phong trào đấu tranh yêu nước của sinh viên Huế và phong trào đô thị miền Nam. 
 
Những bài thơ đầu tiên của Phan Duy Nhân được viết lúc tác giả mới 15 tuổi, những bài thơ đó hoàn toàn vô nhiễm trước những day dứt cuộc đời mà chỉ vài năm sau, anh sẽ dấn thân rất sâu vào nó. Nhưng những bài thơ đầu tiên đó, được in trên các tập san yêu nước, đã hé lộ tài năng cho mọi người nhận ra, và cũng bộc lộ khuynh hướng dấn thân đấu tranh cho độc lập tự do của Tổ quốc từ rất sớm của anh. Từ năm 1960, anh vừa học đại học ở Huế, vừa đi dạy, vừa tham gia sáng lập Hội Liên hiệp Thanh niên Sinh viên - Học sinh Giải phóng và là hội viên của Hội Văn nghệ Giải phóng Trung - Trung bộ (1965), là thành viên nòng cốt của nhóm Việt Nam - Việt Nam. Lúc bấy giờ, thơ anh xuất hiện nhiều trên các tạp chí Bách Khoa, Văn học, Văn, Sinh viên Huế… Năm 1968, anh bị bắt giam ở Côn Đảo cho đến 1974 mới được trao trả. Sau ngày hòa bình, anh tiếp tục tham gia cách mạng, từng giữ trách nhiệm Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ…
 
Từ năm 1964, anh đã chuẩn bị bản thảo cho tập thơ đầu tay “Ngậm ngãi tìm trầm” nhưng bởi nhiều lý do không xuất bản được. Năm 2015, những người bạn đã tập hợp một phần trong di sản có thể lên đến trên 600 bài thơ đã thất lạc phần nhiều của anh, in thành tập sách “Phan Duy Nhân - Thơ và Đời”. 
 
Sách chia làm 2 phần. Phần “Thơ”, in lại 150 bài thơ trải dài qua các thời kỳ sáng tác của nhà thơ. Phần “Đời”, in lại một số bài viết của anh trong cương vị là cán bộ phụ trách công tác tôn giáo của Chính phủ và các bài viết của bạn bè, anh em đã từng sống với anh, hoạt động cùng anh…
 
Thơ Phan Duy Nhân, xuyên suốt trong 150 bài thơ, là một dòng chảy thắm thiết, có lúc ngược xuôi day dứt hoài niệm, có lúc ngập tràn lòng nhiệt huyết sục sôi, song tất cả đều hòa chung một dòng chảy của một giọng thơ đầy suy tư…
 
Khá đặc biệt là trong 150 bài thơ này, có một số bài được viết dưới dạng tâm tình như là những lá thư. Những bài thơ “lá thư” phản ánh khá rõ hoạt động yêu nước của thi sỹ.
 
Lá thư đầu tiên, bài thơ “Thư cho mẹ và chị” viết tại Huế tháng 3/1962, là một bài thơ hay mà suốt hơn nửa thế kỷ xuất hiện, nó đã lay động và vẫn còn lay động người đọc. Người ta nhận ra rằng, “trong khoảnh khắc viết bài thơ trên, anh đích thực đã là một thi sỹ, không cần thêm một lý lịch nào nữa” (Phạm Tấn Hầu). Khi Tạp chí Sông Hương xuất bản số đặc biệt đầu tiên, Ban biên tập đã chọn bài thơ này để giới thiệu trong chùm “Thơ Huế ngày ấy”. Bài thơ cho thấy ở tuổi 21, Phan Duy Nhân đã đau đớn đến độ nào khi sống trong bối cảnh chiến tranh dai dẳng trên quê hương, thân phận con người mông lung không biết về đâu, những tâm hồn mỏi mệt và ủ dột: “Đầy nước mắt đi trong chiều biển động/ Thân san hô sóng vỗ một đời tròn”; “Ngã bảy ngã ba hẹn hò bè bạn/ Áo cơm nhau nhờ vả đến bao giờ/ Xương từng ống hút dần theo lũ quạ”…
 
Một lá thư khác, bài thơ “Thư cho mẹ” viết đầu năm 1964, cũng đầy dấu hỏi trăn trở: “Một đời con viễn vọng/ Biết bao giờ mới thôi… Men theo dòng số phận/ Có tìm ra tương lai?... Lòng con giờ đã vậy/ Biết mẹ buồn hay không?”
 
Nhưng chỉ vài tháng sau, mùa hè 1964, chàng thi sỹ ấy đã thoát khỏi sự ủ dột mê mệt, ngôn ngữ thơ lúc ấy bỗng mạnh mẽ, quyết liệt, phong thái của một người đã dấn thân vào thời kỳ hoạt động yêu nước sôi nổi. “Thư gửi các bạn sinh viên” đầy những lời nhiệt huyết, truyền cảm hứng của một người đi trước: “Nỗi căm hờn sôi trong tuổi trẻ/ Trong mắt anh trong tiếng chị kêu gào/ Trong vỗ tay cười trước nỗi thương đau/ ta bừng giận sóng xô trời biển dậy…”. Bài thơ cũng lên tiếng hiệu triệu: “Ta đứng lên thề chẳng đội trời chung/ Điểm từng mặt, vạch từng tên mỗi đứa/ Bán nước cầu vinh tiếng cười nghiêng ngửa/ Chúng muốn xô ta vào phận tôi đòi…” .
 
Đó chính là lý do khiến nhà thơ dấn thân tranh đấu. Năm 1968, trong số những bài thơ vọng theo các chiến thắng của quân cách mạng, bài thơ “Gửi về mặt trận” viết trong Trại thẩm vấn hỗn hợp Việt Mỹ (Đà Nẵng) khi vừa mới bị bắt, đã thể hiện niềm hân hoan ấy: “Lớp lớp quân đi rừng nín thở/ Căm hờn rực pháo núi nghiêm trang/ Sông dài sắp sẵn chồm lên với/ Tiếng thét xung phong trận mở đường”. Cũng thời gian ấy, Phan Duy Nhân viết bài thơ “Không đề” nhưng thực chất là lá thư gửi nhân sinh nhật con gái đầu lòng, thể hiện niềm tin cách mạng: “Ba đi dưới ngọn cờ hồng/ Lòng ba vòi vọi muôn trùng nước non…”.
 
“Thư nhà” là bài thơ tác giả viết vào mùa xuân 1969 khi đang bị cầm tù ở Côn Đảo, là tâm sự một người cha, người chồng bị đế quốc cầm tù, với bao nhiêu yêu thương đau đáu, cuối cùng là một niềm tin diệu vợi: “Sẽ về, để nắm chặt tay nhau/ Để nhìn đăm đắm vào trong mắt/ Xem có ngời vui những ánh sao?”…
 
Về sau này, trong các năm 2005-2008, nhà thơ Phan Duy Nhân có những bài thơ khá thú vị, như “Những vần thơ gửi qua tin nhắn”, gửi cho nhà thơ Đông Trà. Những lá thư thơ phần lớn chỉ 4 câu, nhưng đong đầy kỷ niệm, đong đầy tâm tình, đong đầy suy tư… Ở đó có những câu thơ rất hay: “Thức dậy vầng trăng vừa biến mất/ Ai đâu tìm mộng giữa ban ngày/ Lòng ta như thể dòng sông cạn/ Mong thủy triều lên kịp tối nay”…
 
Còn rất nhiều bài thơ dưới dạng “lá thư” như thế trong thơ Phan Duy Nhân. Đó là một nét khá thú vị khi đọc thơ của thi sỹ. Nhưng suy cho cùng, bài thơ nào mà chẳng để cho nhà thơ nhắn gửi đến một ai đó những tâm tư tình cảm của mình, nhất là một nhà thơ luôn ăm ắp nồng nàn suy tư như Phan Duy Nhân. Ví như bài “Tự tình với Huế”, cũng là “lá thư” gửi cho ai đó đấy chứ: “Mỗi lần về Huế rồi xa Huế/ Anh cứ rưng rưng nỗi tạ từ/ Đâu chỉ chia tay cùng kỷ niệm/ Nồng nàn trong Huế vẫn em xưa…”.
 
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC