Thạc sĩ mỹ thuật đầu tiên ở Lâm Đồng

09:11, 12/11/2015

Vừa có phẩm chất của một nhà giáo, vừa có tố chất "lãng tử" của một người nghệ sĩ, lại vừa có một chút gì đó "bụi bặm" và đầy cá tính… thầy giáo Nguyễn Thế Vinh (sinh năm 1970) - hiện là giảng viên, Trưởng bộ môn Mỹ thuật Trường CĐSP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã khắc họa nên chân dung một người thầy thật đẹp và thật đáng kính trong tâm thức của bao thế hệ học trò ở phố núi Đà Lạt.

Vừa có phẩm chất của một nhà giáo, vừa có tố chất “lãng tử” của một người nghệ sĩ, lại vừa có một chút gì đó “bụi bặm” và đầy cá tính… thầy giáo Nguyễn Thế Vinh (sinh năm 1970) - hiện là giảng viên, Trưởng bộ môn Mỹ thuật Trường CĐSP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã khắc họa nên chân dung một người thầy thật đẹp và thật đáng kính trong tâm thức của bao thế hệ học trò ở phố núi Đà Lạt.
 
Truyền niềm đam mê mỹ thuật và kiến trúc cho các em học sinh tại nhà riêng
Truyền niềm đam mê mỹ thuật và kiến trúc cho các em học sinh tại nhà riêng

Một buổi sáng bình yên và thơ mộng bên hồ Xuân Hương - Tp Đà Lạt. Có thể nói, sự gặp gỡ như mối lương duyên đầy thi vị giữa: Chủ thể sáng tạo - Đất trời - Cảnh sắc thiên nhiên nơi đây đã khơi nguồn cho những cảm xúc sáng tạo thăng hoa, để rồi thầy giáo Nguyễn Thế Vinh phác họa nên một bức tranh phong cảnh hữu tình. Có lẽ, từ chỗ vừa có tố chất “lãng tử” của một người nghệ sĩ thực thụ, vừa có phẩm chất của một nhà giáo mà anh trở nên bình dị, dễ gần và thật đáng kính trong tâm thức của bao thế hệ học trò trên mảnh đất ngàn hoa này. 
 
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Tp Hồ Chí Minh năm 1991 và tiếp đó là tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Tp Hồ Chí Minh năm 1998, thầy giáo trẻ Nguyễn Thế Vinh về đầu quân giảng dạy bộ môn Mỹ thuật tại Trường CĐSP Đà Lạt. Tại đây, sau gần 20 năm gắn bó với nghề và với ngôi trường này, thầy giáo Nguyễn Thế Vinh đã thầm lặng “đưa đò” chuyên chở nhiều thế hệ học trò trên “dòng sông tri thức” trở thành những thầy, cô giáo về giảng dạy bộ môn Mỹ thuật từ bậc tiểu học đến THCS tại các trường trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, năm 2007, thầy giáo quê Vĩnh Phúc này đã hoàn tất chương trình sau đại học và trở thành thạc sĩ Mỹ thuật đầu tiên không chỉ riêng của Lâm Đồng mà còn của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tiến sĩ Phan Quốc Lữ - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường CĐSP Đà Lạt cho biết: “Trường chúng tôi hiện có đến 62% giảng viên đạt trình độ thạc sĩ. Nhưng quả thật, chúng tôi rất vui mừng và tự hào khi lần đầu tiên nhà trường vinh dự có một thạc sĩ chuyên ngành Mỹ thuật. Những đóng góp của thầy giáo Nguyễn Thế Vinh suốt những năm tháng qua đối với nhà trường trong việc dìu dắt, phát triển năng khiếu nghệ thuật, khơi dậy ngọn lửa đam mê hội họa cho nhiều thế hệ sinh viên là điều rất đáng ghi nhận”.
 
Không chỉ tích cực trong công tác giảng dạy tại trường, âm thầm sáng tạo và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật mang bản sắc đặc thù của một vùng đất, đồng thời gặt hái được những thành công đáng kể từ các cuộc thi, các cuộc triển lãm mỹ thuật do địa phương và khu vực Đông Nam Bộ tổ chức; mà trước nhu cầu thực tế của xã hội, từ năm 1998 đến nay, thầy giáo Nguyễn Thế Vinh còn mở các lớp luyện thi đại học chuyên ngành mỹ thuật và kiến trúc cho các đối tượng học sinh có nhu cầu. Được biết, trung bình mỗi năm có khoảng từ 30-40 học sinh “tầm sư” luyện thi tại nhà thầy và có khoảng 15-20 học sinh trong số đó thi đỗ vào các trường đại học chuyên ngành. Thạc sĩ Vinh tâm sự: Ở TP Đà Lạt, nhu cầu học bộ môn Mỹ thuật và Kiến trúc của học sinh trước đây ít lắm. Nhưng khoảng vài năm trở lại đây, nhu cầu này là rất lớn, song lại không có trường đào tạo nên ngoài giờ giảng dạy tại trường, thầy Vinh còn mở các lớp bồi dưỡng năng khiếu vẽ cho các em có nhu cầu tại nhà riêng. 
 
Hội họa và kiến trúc là 2 lĩnh vực mà giới trẻ hiện nay đang rất quan tâm và là xu hướng tiếp cận chủ yếu để tự khẳng định thiên hướng sáng tạo nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, đây là 2 lĩnh vực không chỉ đòi hỏi vốn kiến thức chuyên sâu, mà còn đòi hỏi ở người học năng khiếu, tính thẩm mỹ, niềm đam mê và trên hết là một cá tính sáng tạo để dẫn đến thành công. Có thể nói, từ “chiếc nôi” ấy, qua lăng kính thời gian nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành. Và rồi, các học trò cũ không chỉ tìm về “mái nhà xưa” thăm lại thầy giáo của mình trong niềm vui vỡ òa, mà trên hết đó còn là sự kính trọng và tri ân. “Trước đây, từ cuối năm lớp 11 em đã theo học vẽ tại nhà thầy Vinh 9 tháng. Thầy chính là người đã dẫn dắt và giúp em biết sâu hơn về bộ môn Mỹ thuật. Thầy là một người rất vui tính nhưng cũng rất nghiêm khắc… Với em, thầy vừa là một người thầy nhưng cũng được ví như một người cha trong gia đình” - sinh viên Hồ Vĩnh Nghi - hiện đang học năm thứ 4 Đại học Kiến trúc Tp Hồ Chí Minh bày tỏ.
 
Yêu nghề… Say sưa, tận tụy với công việc… Có một chút gì đó “bụi bặm” và đầy cá tính… Tất cả đã làm nên chân dung một người thầy thật đáng kính, dễ gần và rất đáng để cho các thế hệ học trò yêu thích nghệ thuật hội họa và kiến trúc học tập, noi theo.
 
LÊ TRỌNG