Trân trọng một di sản quý…

09:12, 03/12/2015

Trước quy luật tất yếu của quá trình tiếp biến văn hóa, ngành văn hóa đang không ngừng tìm kiếm một mô hình bảo tồn mới phù hợp để Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tồn tại với sức sống mạnh mẽ, trường tồn.

Trước quy luật tất yếu của quá trình tiếp biến văn hóa, ngành văn hóa đang không ngừng tìm kiếm một mô hình bảo tồn mới phù hợp để Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tồn tại với sức sống mạnh mẽ, trường tồn.
 
Câu nói “Cái gì cũng có giá của nó” một lần nữa lại đúng khi cùng với sự nỗ lực phát triển kinh tế, đời sống đổi thay, thì kéo theo những giá trị văn hóa các dân tộc bản địa dần bị mai một. Di sản văn hóa cồng chiêng thật sự “khó sống” khi không gian của nó không còn tồn tại. Sẽ không thể đổ lỗi cho sự phát triển, khi những đồi cà phê, ruộng rau, vườn hoa xanh tốt (những sản phẩm hàng hóa ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao) đã thay cho mùa màng dựa vào thiên nhiên, thời tiết, kinh tế săn bắn hái lượm; khi nhà xây khang trang với điện, đường, trường, trạm đến buôn làng đã thay cho những nếp nhà sàn, tranh tre, gỗ mộc, xua đi đói nghèo, bệnh tật và màn đêm thâm u của núi rừng nơi Yang núi, Yang rừng, Yang suối và thần linh ngự trị. Cồng chiêng gắn với đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc bản địa. Đã đến lúc người ta phải chấp nhận một sự thật, rằng sự tiếp biến văn hóa như một quy luật tất yếu; nhưng ta hoàn toàn có thể níu kéo những giá trị vô giá. 
 
Biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội cồng chiêng
Biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội cồng chiêng

Ngành văn hóa Lâm Đồng đã thẳng thắn nhìn nhận hiện nay có 3 yếu tố tác động tiêu cực đến không gian văn hóa cồng chiêng: Đó là, giá trị văn hóa truyền thống đang chuyển hoá mạnh theo hướng hiện đại, các sinh hoạt văn hóa truyền thống đang mất dần môi trường tồn tại, phát triển; sinh hoạt kinh tế hiện đại thay thế dần, hoặc gần như thay thế hoàn toàn sinh hoạt kinh tế truyền thống, các yếu tố từ những vật dụng sinh hoạt đời thường đến không gian cư trú, không gian buôn làng khó tồn tại; tín ngưỡng truyền thống với hệ thống lễ hội nghi lễ về vòng đời con người, vòng đời cây trồng, mùa màng đang dần bị thay thế bởi các tín ngưỡng mới du nhập, có xu hướng sử dụng âm nhạc cồng chiêng vào mục đích khác.
 
Trước những vấn đề tất yếu đó, ngành văn hóa đã không ngừng tìm kiếm một mô hình bảo tồn mới phù hợp để Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tồn tại một cách trường tồn, có sức sống mạnh mẽ. Nếu trước đây, cồng chiêng được dùng trong nghi lễ, lễ hội truyền thống, thì ngày nay, cồng chiêng đang thoát dần ra khỏi môi trường linh thiêng, huyền bí gắn kết thần linh, đưa vào phục vụ đời sống văn hóa của đồng bào. Việc tìm ra một mô hình bảo tồn để vừa phát huy và phát triển phù hợp hài hòa với môi trường văn hóa hiện đại vừa giữ được những giá trị cốt lõi của cồng chiêng (nhịp điệu, tiết tấu, bài bản chiêng, phong cách diễn tấu) là một bài toán khó với những người có trách nhiệm. 
 
Lâm Đồng có khoảng 202.000 đồng bào Mạ, K’Ho, Churu, M’Nông là cư dân bản địa sinh sống lâu đời, chiếm 17% dân số toàn tỉnh. Trong 5 thành tố của không gian văn hóa cồng chiêng (cồng chiêng và nhạc cụ đi kèm, hệ thống bài bản chiêng, người diễn tấu, môi trường truyền thống, thời điểm); trong đó, con người luôn là nhân tố trung tâm, bởi văn hóa cồng chiêng chỉ có thể được bảo tồn và phát huy nếu những giá trị văn hóa ấy được truyền từ đời này sang đời khác. Với rất nhiều thành quả đã làm được qua 5 năm thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng” nhờ chú trọng công tác sưu tầm, nghiên cứu, tổ chức truyền dạy, phục dựng lễ hội truyền thống và các loại hình văn hóa phi vật thể, Không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc bản địa Lâm Đồng được bảo tồn khá tốt, có đủ sức để phát huy và phát triển phù hợp, hài hòa với môi trường văn hóa hiện đại. Bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cho biết: 5 năm tới, ngành tiếp tục kiên trì mục tiêu bảo tồn và phát huy đầy đủ 5 thành phần của không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc Lâm Đồng: cồng chiêng và nhạc cụ đi kèm, hệ thống bài bản chiêng, người diễn tấu, môi trường truyền thống, thời điểm (lễ hội, nghi lễ truyền thống); đồng thời biến những giá trị văn hóa cồng chiêng thành tài sản mang lại hiệu quả chính trị, xã hội và hiệu quả kinh tế. Trong đó, sẽ tập trung vào 11 nhiệm vụ cụ thể: Đầu tư hệ thống nhạc cụ cho ít nhất 50% các địa phương (thôn, buôn, xã) có đông đồng bào dân tộc thiểu số bản địa sinh sống đã có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng theo phương thức được chính các nghệ nhân uy tín của cộng đồng ấy lựa chọn để sử dụng có hiệu quả, phát huy tác dụng nhạc cụ, tránh lãng phí. Khôi phục và truyền dạy 100% bài bản chiêng truyền thống cho tất cả các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng đã được trang bị cồng chiêng. Tổ chức liên hoan diễn tấu cồng chiêng, chỉnh chiêng mỗi năm một lần. Hàng năm phục dựng 2 - 4 lễ hội truyền thống duy trì không gian diễn tấu cồng chiêng. Tiến hành lập hồ sơ xếp hạng các di sản văn hóa vật thể của đồng bào có liên quan đến văn hóa cồng chiêng như: kiến trúc nhà cửa (nhà sàn, nhà dài), khu vực canh tác truyền thống; lập hồ sơ đề nghị công nhận các di sản phi vật thể đối với các loại hình có liên quan đến văn hóa cồng chiêng: các nhạc cụ trống, khèn bầu, múa xoang, các làn điệu dân ca, truyện cổ… Sưu tầm bảo tồn hiện vật có giá trị, tiêu biểu của các nhóm cộng đồng có nguy cơ mai một cao. Nâng cao nhận thức trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ là con em cư dân bản địa. Hình thành và phát triển các đội văn nghệ cồng chiêng gắn với tổ chức các hoạt động cho nhà văn hóa cơ sở. Phát huy hiệu quả văn hóa cồng chiêng thành sản phẩm du lịch, tăng thêm nguồn thu, đầu tư trở lại cho phát triển văn hóa. Nghiên cứu, ứng dụng sản xuất một số mặt hàng đồ lưu niệm có biểu trưng về văn hóa mang bản sắc các dân tộc nhằm tăng cường quảng bá cho du lịch gắn với văn hóa bản địa.
 
Ngành văn hóa sẽ thực hiện đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân dân gian xứng đáng, có chế độ kinh phí đãi ngộ để các nghệ nhân có trách nhiệm với văn hóa cồng chiêng. Về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa là người bản địa, có chế độ ưu đãi để họ thiết tha tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc mình. Tiếp tục truyền dạy cồng chiêng cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; đồng thời xây dựng giáo trình quy chuẩn chuyên đề về văn hóa cồng chiêng đưa vào các trường phổ thông dạy cho con em đồng bào trong những tiết học ngoại khóa. Tăng cường  quản lý, đầu tư nguồn lực, cơ chế chính sách cho những nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa theo hướng du lịch - dịch vụ… Ngành văn hóa sẽ tiếp tục khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu, thống kê để xác định từng làn điệu, từng bản chiêng của từng dân tộc Mạ, K’Ho, Churu riêng biệt. Nghiên cứu, phối hợp để sản xuất ra nhạc cụ đúng âm sắc, cung bậc, gìn giữ nguyên bản những gì có thể về văn hóa cồng chiêng. 
 
Ông Phan Hoàng Anh - Phó Chủ tịch MTTQVN là người tâm huyết với di sản văn hóa cồng chiêng trăn trở: Phải làm thế nào để văn hóa cồng chiêng trường tồn và tiếp tục thành sức mạnh nội lực, động viên khích lệ đồng bào các dân tộc bản địa phát triển đi lên. Làm sao để đồng bào phải coi cồng chiêng là niềm tự hào của dân tộc mình, hiểu được và trân trọng một di sản quý báu như một viên ngọc lấp lánh, chỉ dân tộc mình mới có, từ đó có ý thức trách nhiệm kế tục, gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ sau mình bằng tâm huyết, trách nhiệm, bổn phận và cả đạo lý, như một sự tri ân với tổ tiên mình, những người đã sáng tạo nên văn hóa cồng chiêng. Phải làm sao để chính chủ nhân của di sản phải trân trọng những gì cha ông để lại, làm cho văn hóa cồng chiêng luôn hiện diện trong mọi hoạt động xây dựng đời sống văn hóa mới của buôn làng. Xây dựng đời sống văn hóa mới phải luôn đi song hành với bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc.
 
QUỲNH UYỂN