Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, bên cạnh việc thúc đẩy các hoạt động ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, Lâm Đồng đã tận dụng thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa...
Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, bên cạnh việc thúc đẩy các hoạt động ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, Lâm Đồng đã tận dụng thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quảng bá hình ảnh của tỉnh nhà đến với bạn bè thế giới, góp phần duy trì, giữ vững và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Lâm Đồng với các địa phương nước ngoài nhằm nâng cao vị thế của địa phương đối với các nước trong khu vực và trên thế giới.
|
Giao lưu văn hóa Việt - Hàn tại XQ Sử quán. Ảnh: Q.UYỂN |
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại giao văn hóa tại địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2083/KH-UBND ngày 29/4/2014 về việc triển khai thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 và Chương trình số 5414/UBND-NV ngày 14/10/2014 về hoạt động ngoại giao văn hóa năm 2015. Trong đó, xác định ngoại giao văn hóa nhằm làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng, tăng cường xây dựng lòng tin với các địa phương trên thế giới, đưa quan hệ giữa tỉnh Lâm Đồng với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững.
Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của ngoại giao văn hóa, thời gian qua, Sở Ngoại vụ tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa đối ngoại phong phú và đa dạng như: Tuần lễ phim nước ngoài (Pháp, Hàn Quốc…) tại Lâm Đồng; Các chương trình biểu diễn nghệ thuật với hàm lượng văn hóa Nam Tây Nguyên ngày một đậm nét hơn tại các sự kiện lớn của tỉnh, trong các cuộc lễ tân cấp nhà nước (đón các nguyên thủ quốc gia…); đặc biệt là Festival hoa Đà Lạt được tổ chức 2 năm/lần với sự tham gia của các cơ quan đại diện ngoại giao đến từ nhiều quốc gia trên thế giới - sự kiện mang tầm cỡ quốc tế giành được nhiều sự quan tâm của đông đảo người dân trong nước và quốc tế… Tin vui trong năm 2015, vào lúc 21h (giờ Việt Nam) ngày 9/6/2015, tại Kỳ họp lần thứ 27, Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO (ICC MAB), Khu Dự trữ Sinh quyển Lang Biang đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, đưa tổng số Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới tại Việt Nam lên con số 9. Đây còn là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Thông qua các hoạt động này đã tạo cơ hội cho người dân trong tỉnh tiếp cận với văn hóa, đất nước, con người của các quốc gia trên thế giới, đồng thời giúp cho bạn bè quốc tế hiểu về đất nước, con người Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng, góp phần tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực giữa Lâm Đồng và các địa phương trên thế giới.
Các hoạt động ngoại giao văn hóa đã và đang được thực hiện xen kẽ một cách chủ động và tích cực trong tất cả các hoạt động đối ngoại của địa phương, trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh nhằm hỗ trợ thúc đẩy hội nhập quốc tế, xúc tiến thương mại và giao lưu văn hóa, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của tỉnh; đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Lâm Đồng đến với công chúng trong và ngoài nước. Với nỗ lực xây dựng thành phố trở thành “thành phố sự kiện”, Đà Lạt - Lâm Đồng ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà tổ chức sự kiện quốc tế. Hàng loạt hội thảo, hội nghị quốc tế với các quy mô khác nhau đã được tổ chức tại Đà Lạt trong thời gian qua như: Hội nghị lần thứ 24 của Ủy ban Châu Á Thái Bình Dương về Thống kê Nông nghiệp trong tháng 10/2012; Hội nghị lần thứ 5 nhóm Tư vấn Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA Caucus 5) trong tháng 5/2013; Hội nghị Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan ASEAN trong tháng 6/2014... Hàng loạt sự kiện lớn khác cũng diễn ra tại Lâm Đồng như Festival Hoa Đà Lạt lần thứ V với sự hiện diện của rất nhiều đoàn khách quốc tế; Tuần văn hóa - du lịch 2013 (từ 27/12/2013 - 31/12/2013); Hội thảo lý luận lần thứ 10 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc; Công bố Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014, Lễ vinh danh thành phố Đà Lạt và Huế được ASEAN công nhận là thành phố tiềm năng bền vững về môi trường; Hội nghị các quan chức cao cấp về phát triển y tế (SOMHD) của ASEAN lần thứ 10 do Bộ Y tế tổ chức từ ngày 14-18/9/2015; vinh dự đón Quốc Vương Campuchia Rô nô đôm -xi ha mô ni và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm Đà Lạt từ ngày 19-22/10 vừa qua.
Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa tại Lâm Đồng, các ngành của tỉnh đã tích cực, tranh thủ các diễn đàn hợp tác song phương và đa phương để đưa hình ảnh Lâm Đồng đến với bạn bè quốc tế. Điển hình là việc Sở Ngoại vụ đã xây dựng thành công “Góc văn hóa Đà Lạt - Lâm Đồng” tại Đại sứ quán Việt Nam tại nước CHDCND Lào và Tây Ban Nha. Thời gian tới, Sở Ngoại vụ tiếp tục triển khai việc xây dựng website cập nhật thông tin về các thành tựu liên quan đến văn hóa, kinh tế, điển hình là các di sản văn hóa như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản Triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbian tại một số Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài và một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Cách đây không lâu, tại Đà Lạt cũng đã khai trương Phòng Văn hóa kết nghĩa văn hóa Việt - Hàn, tại XQ Sử quán Đà Lạt với sự tham dự của ngài Park Noh Wan, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, như một minh chứng cho sức hấp dẫn của ngoại giao văn hóa.
Để tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá các chủ trương, chính sách, thành tựu của tỉnh Lâm Đồng cho người nước ngoài tại Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Ngoại vụ đã cho ra mắt Bản tin đối ngoại Lâm Đồng (tiếng Việt & tiếng Anh) hàng quý. Tính đến nay đã có 3 số được xuất bản, mỗi số trung bình có 500 ấn phẩm được gửi đến các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các địa phương, tổ chức quốc tế có quan hệ hợp tác, đặc biệt là các nhà đầu tư đến Lâm Đồng tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Dự kiến trong tương lai sẽ có ấn phẩm bằng tiếng Nhật và tiếng Hàn.
Hiện nay, với gần 1.000 kiều bào gốc Lâm Đồng đang định cư ở các nước: Hoa Kỳ, Canada, Úc,... có thể được xem là hình ảnh thu nhỏ, một tấm gương phản chiếu hình ảnh của Lâm Đồng ở nước sở tại. Chính vì vậy, hàng năm, Tỉnh ủy - UBND tỉnh đều tổ chức gặp mặt Kiều bào về quê ăn tết (có khoảng 200 - 300 kiều bào và thân nhân tham dự), đây là cơ hội để bà con tìm hiểu rõ hơn những nét đặc sắc về văn hóa, giúp bà con duy trì và lưu giữ những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của quê nhà, đồng thời tạo cầu nối để bà con quảng bá, giới thiệu một cách sâu rộng văn hóa, hình ảnh của Lâm Đồng đến gần hơn với người dân của nước sở tại, thu hút bà con về đầu tư, làm ăn và sinh sống tại quê hương Lâm Đồng. Hiện đã có các dự án do kiều bào đầu tư với tổng số vốn trên 20 triệu USD; tiêu biểu có thể kể đến Khu du lịch Edensee của ông Tiêu Như Phương, kiều bào Đức; Khu du lịch làng Bình An của bà Tuyết Mai, kiều bào Pháp; Trung tâm đào tạo ngoại ngữ THT của Giáo sư Nguyễn Công Thành, kiều bào Canada…
Hơn lúc nào hết, văn hóa đang thực sự là cầu nối tin cậy giữa các quốc gia và các dân tộc trên thế giới. Chúng ta cùng hy vọng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, văn hóa Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung đã, đang và sẽ trở thành sức mạnh nội sinh để phát triển con người toàn diện - là một phần không thể thiếu trong bản hòa tấu hội nhập quốc tế đang được các quốc gia yêu hòa bình trên thế giới cất lên trong bộn bề khác biệt.
Ths. Trần Thanh Hoài (Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ)