Gặp người dũng sĩ diệt xe tăng địch

09:12, 24/12/2015

Tình cờ tôi biết anh từng là dũng sĩ diệt xe tăng địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc. Anh là Đại tá, cựu chiến binh Đào Văn Tiến, đã ngoại lục tuần, cư trú ở 73/2 đường Phan Chu Trinh, TP Đà Lạt, hiện là Phó Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 4, Phường 9. 

Tình cờ tôi biết anh từng là dũng sĩ diệt xe tăng địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc. Anh là Đại tá, cựu chiến binh Đào Văn Tiến, đã ngoại lục tuần, cư trú ở 73/2 đường Phan Chu Trinh, TP Đà Lạt, hiện là Phó Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 4, Phường 9. 
 
Đại tá Đào Văn Tiến
Đại tá Đào Văn Tiến
Một ngày cuối tuần, tôi đến thăm anh. Gia đình anh sống trong con hẻm nhỏ, giản dị và khiêm tốn trước những ngôi nhà cao tầng ngoài mặt phố. Thật mộc mạc, chân quê, anh kể rằng: Vào giữa năm 1970, đang là sinh viên năm thứ hai, Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội), anh cùng nhiều sinh viên “xếp bút nghiên, lên đường tòng quân cứu nước”. Lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta phát triển lên đỉnh cao. Đế quốc Mỹ đưa nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại vào miền Nam, đặc biệt là xe tăng, thiết giáp; âm mưu gây sát thương lớn, đẩy lùi lực lượng chủ lực của Quân Giải phóng miền Nam. Sau thời gian huấn luyện tân binh ở Thanh Hóa, tháng 4/1971, anh được chọn đi học lớp “Đào tạo trắc thủ bắn tên lửa chống tăng B72”. 
 
- B72 là loại vũ khí mới? Tôi hỏi anh.
 
- Đúng vậy! Như chọc đúng miền ký ức sâu thẳm trong anh. Anh sôi nổi hẳn lên. Đó là loại vũ khí hiện đại, nhẹ, cơ động, có thể luồn sâu, áp sát căn cứ địch. Đây là bộ khí tài 9K11 do Liên Xô (Nga) chế tạo, trang bị cho Quân đội Nhân dân Việt Nam đầu năm 1971. Ý định của Bộ Chính trị sẽ đưa vào sử dụng ở chiến trường miền Nam năm 1972, nên gọi là vũ khí B72. Tuy nhiên, sử dụng loại vũ khí này rất khó, đòi hỏi tri thức cao và lòng quả cảm của người chiến sĩ. Phần lớn học viên được chọn học, sử dụng loại vũ khí này là sinh viên các trường đại học đã qua huấn luyện tân binh, có sức khỏe tốt và trải qua thực tiễn chiến đấu. Chỉ một thời gian ngắn khổ công nghiên cứu, học tập và rèn luyện, các anh đã làm chủ được vũ khí mới. Tháng 11/1971, anh là một trong ba học viên xuất sắc nhất, được chọn đi bắn trình diễn báo cáo với Trung ương Đảng và Chính phủ. Kết quả bắn trúng đích 100%, được Trung ương khen ngợi và được chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội trước khi vào chiến trường chiến đấu.
 
Sau hơn 3 tháng hành quân vượt Trường Sơn tới chiến trường Tây Nguyên, Đào Văn Tiến được biên chế vào Đại đội 29 - Tên lửa chống tăng thuộc Phòng Pháo binh, Mặt trận Tây Nguyên. Ngay sau đó, anh tham gia Chiến dịch tiến công mùa khô 1971 - 1972 mà mở màn là trận tiến công căn cứ Tân Cảnh, Kon Tum. 
 
Mặc cho pháo binh địch bắn cầm canh, máy bay lượn lờ săm soi, anh đã cùng đồng đội tiền nhập, chiếm lĩnh trận địa, xây dựng công sự đúng theo phương án đã định. Tình huống chiến đấu diễn biến ác liệt và phức tạp. Đặc biệt trên hướng cửa mở số 1 (Cửa mở là đường mà bộ đội công binh và bộ binh ta phá các lớp rào kẽm gai và dọn sạch bãi mìn của địch để lực lượng ta tiến vào căn cứ của địch). Địch cho xe tăng ra án ngữ cùng các lô cốt dùng hỏa lực bắn chặn quyết liệt. Bộ đội ta bị thương vong và không sao tiến lên được. Theo yêu cầu của lực lượng mở cửa mở, được lệnh của người chỉ huy, Đào Văn Tiến đã bình tĩnh điều khiển đạn B72, lần lượt tiêu diệt các hỏa điểm, lô cốt, xe tăng địch, chi viện tích cực, góp phần để bộ đội ta xung phong đánh chiếm toàn bộ căn cứ địch. Trong trận ra quân này, anh đã trực tiếp bắn (điều khiển) 33 viên đạn B72 thì 32 viên trúng mục tiêu địch. Kết quả, anh đã bắn tiêu diệt 4 xe tăng, 2 khẩu pháo, 6 lô cốt và 7 mục tiêu khác như kho đạn dược, xăng dầu... trong căn cứ Tân Cảnh. Với chiến thắng này, đơn vị anh đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, riêng anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba.
 
Từ chiến công của trận đánh căn cứ Tân Cảnh, Đào Văn Tiến đã tung hoành trên khắp các chiến trường Trung Bộ, tham gia nhiều trận đánh diệt xe tăng, pháo binh địch trong giai đoạn cuối của Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Như các trận tiến công Quận lỵ Mộ Đức (Quảng Ngãi) cuối năm 1972, hai lần đánh địch tái chiếm thị trấn Sa Huỳnh đầu năm 1973, trận đánh trừng trị pháo binh địch ở Ba Tơ, trận đánh diệt xe tăng, pháo binh địch trên núi Thụ, Đức Lân, Quảng Ngãi... Trong đó, anh nhớ nhất là trận tiến công giải phóng Quận lỵ Mộ Đức.
 
Trung tuần tháng 9/1972, đơn vị anh được lệnh hành quân tham gia chi viện cho bộ binh tiến công giải phóng Quận lỵ Mộ Đức. Mấy ngày hành quân thấm mệt. Ngày cuối, khi trời gần tối, bất ngờ anh lên cơn sốt và quỵ hẳn, không thể nào hành quân cùng đơn vị được nữa. Vì hành quân chiến đấu nên ai nấy đều mang vác rất nặng, không thể san sẻ giúp đỡ nhau. Anh đành phải ngồi lại một mình để chờ đồng đội quay lại đón. Giữa rừng già hoang lạnh, anh mông lung nghĩ tới, nghĩ lui nhiều chuyện buồn vui lẫn lộn, sợ nhất là sốt rét kéo dài, không được tham gia chiến đấu cùng đồng đội. May mắn, khoảng 1 giờ sau, anh Phạm Văn Thọ (trung đội trưởng) đã cho người quay lại đón, mang giúp ba lô, bảng điều khiển và dìu anh về vị trí tập kết. Thật may mắn! Chỉ một ngày sau, anh đã hết sốt, khỏe lại gần như bình thường, lại hăm hở cùng đồng đội lao vào làm công tác chuẩn bị cho trận đánh.
 
Chợt có tin báo bão, rồi bão đổ bộ vào đất liền. Mặc dù mưa bão, nhưng cấp trên vẫn quyết định tiến công giải phóng quận lỵ theo kế hoạch. Cả đơn vị để lại hậu cứ toàn bộ tư trang, chỉ mang trên người quần đùi, áo lót, lấy tăng làm áo mưa, lầm lũi đến lạ lùng hành quân vào trận đánh. Chiều tối, xuống đến chân đèo, gió càng to, mưa càng nặng hạt, nước mênh mông ngập tràn các thửa ruộng vừa gặt, các anh bì bõm bám theo hàng lộ tiêu bằng bẹ chuối sáng trắng, bập bềnh trên mặt nước. Thỉnh thoảng ai đó trượt chân ngã chúi xuống mặt ruộng, bật khẽ lên tiếng xuýt xoa, rồi lật đật đứng dậy, bám theo đồng đội. Thương nhất là mấy chiến sĩ vận tải mang trên lưng mỗi người một hòm đạn B72 (nguyên kiện) dài thòng, ngất ngưởng, nặng ba bốn chục ký; vẫn lặng lẽ chịu đựng mưa bão, giá rét. Nhiều lúc gió mạnh làm họ ngã dúi dụi, xong lại dìu nhau lồm cồm bò dậy tiếp tục hành quân, mang đạn ra trận địa.
 
Đến vị trí trận địa, các anh khẩn trương đào hầm, sử dụng ngay những vỏ đạn làm vách hầm kèo chữ A; mọi người nhanh chóng cùng nhau làm công tác chuẩn bị, thiết bị trận địa, chọn vị trí thuận lợi để đặt bảng điều khiển. Trời hửng sáng, gió mưa cũng đã ngớt, mục tiêu địch rõ dần. Khoảng 5 giờ sáng, sau loạt pháo bắn chuẩn bị của các loại pháo binh, súng cối, Đào Văn Tiến được lệnh bắn 3 quả B72 vào 2 lô cốt án ngữ cửa mở. Lô cốt bị diệt, hỏa lực trong lô cốt tắt ngấm, tạo điều kiện cho bộ binh mở cửa, đánh chiếm đầu cầu. Kế đó, anh được lệnh bắn tiếp 2 quả vào trung tâm, tiêu diệt một khẩu ĐKZ90 và một khẩu trọng liên 12,8mm của địch, tạo điều kiện cho bộ binh ta xung phong, phát triển đánh chiếm trận địa địch. Cho đến 9 giờ sáng hôm đó, trận tiến công của ta bị chặn lại, địch tăng cường chi viện, phản kích chiếm lại một phần trận địa đã mất; ta và địch chuyển sang thế giằng co trong quận lỵ…
 
Đêm hôm sau, các anh được lệnh vượt Quốc lộ 1, sang phía đông đường chiếm lĩnh trận địa trên một quả đồi nhỏ thuộc xã Đức Chánh để khống chế trận địa pháo binh địch trên một quả đồi phía bắc quận lỵ; đồng thời sẵn sàng tiêu diệt xe tăng, bộ binh địch tăng cường cho đồng bọn ở quận lỵ. Nhờ tận dụng công sự cũ của quân ngụy, chỉ sau 2 giờ đồng hồ đã hoàn thiện hầm hào và thiết bị xong trận địa. Trời sáng, phát hiện trận địa pháo binh địch trên đồi cao, được lệnh của chỉ huy, Đào Văn Tiến ấn nút, bắn tiêu diệt 1 khẩu pháo 105mm và một lô cốt của địch. Quân địch trên cứ điểm nhốn nháo, bỏ lô cốt xách súng chạy ra các chiến hào. Một lúc lâu, hoàn hồn, chúng leo lên công sự đứng chỉ trỏ về phía trận địa của ta… chắc là cay cú, đang bàn tính tập kích phía sau trận địa ta. Nhờ sự phán đoán nhạy cảm, chính xác, Trung đội trưởng Thọ bàn bạc với anh em và điện đàm xin ý kiến cấp trên… 4 giờ chiều ngày hôm đó, các anh được lệnh rút khỏi trận địa, xuống đến chân đồi, quay lại đã thấy quân ngụy lố nhố, bí mật tiếp cận đến gần trận địa các anh vừa rút. Anh em mừng lắm, vì vừa tránh được một cuộc chạm trán không cần thiết, bảo toàn được lực lượng của ta. Xuống đến chân đồi, mọi người ém quân ở một làng nhỏ. Đêm đó, du kích bố trí cho các chiến sĩ “tên lửa chống tăng” ngủ trong các nhà dân, được các cô bác cho ăn một bữa cơm gia đình “thịnh soạn” có thịt gà, cá hộp, canh cua. Thật là một đêm đầm ấm tình quân dân, cá nước. Sáng sớm hôm sau, đơn vị lại hành quân lên chiếm lĩnh trận địa trên lưng chừng dãy đồi đối diện với trận địa cũ, sẵn sàng trực đón đánh xe tăng địch.
 
Khoảng 8 giờ sáng, lù lù 6 lùm cây di động tiến về hướng quận lỵ. Đó là đám xe tăng địch ngụy trang, tăng chiều cao của xe tăng để tránh tên lửa chống tăng của ta. Đào Văn Tiến ấn nút phóng, phát đầu tiên quả đạn nhằm giữa “lùm cây” lao tới. Oàng! Đạn nổ nhưng chỉ làm tung các cành cây, xe địch vẫn chạy, có lẽ đạn bay hơi cao trên tháp pháo của xe. Anh lập tức ấn nút phóng quả đạn thứ 2, rồi thứ 3, rút kinh nghiệm lần đầu, anh điều khiển đạn thấp hơn một chút, lần này 2 xe tăng địch không thoát được, nổ tung! Thấy một số xe đi đầu bị tiêu diệt, các xe tăng khác chạy lui tán loạn. Cả ngày hôm ấy và hôm sau, địch án binh bất động. Sáng ngày thứ 3, đang quan sát thì đột nhiên phát hiện hai xe tăng M41, không biết bằng cách nào mà vượt qua được cả một đoạn đường gần 800m trống trải do các anh kiểm soát, dừng lại trên Đường 1, quay lưng về phía trận địa ta, dùng hỏa lực bắn vào một chốt bộ binh trong một ngôi làng nhỏ bên tây đường. Lệnh chiến đấu, Đào Văn Tiến ấn nút phóng, lần lượt 2 quả đạn B72 cất cánh bay nhẹ nhàng trong sương sớm nhằm 2 chiếc xe tăng địch lao tới… Oàng! Đạn trúng đích, 2 xe tăng địch nổ tung.
 
Một ngày sau khi bắn cháy những chiếc xe tăng trên Quốc lộ 1, đêm đến, các anh được lệnh vượt Đường 1, quay lại chiếm lĩnh trận địa trên một quả đồi gần trận địa ngày đầu, tiếp tục chờ đón đánh địch… Những ngày trên chốt, địch liên tục dùng pháo bầy, máy bay ném bom nhằm tiêu diệt lực lượng của ta… Các anh vẫn ngoan cường bám trụ, giữ vững trận địa chiến đấu. 
 
Trong các trận đánh ấy, Đào Văn Tiến đã trực tiếp bắn, điều khiển 134 quả đạn B72 thì 130 quả trúng mục tiêu. Đã tiêu diệt 23 xe tăng, thiết giáp, phá hủy 12 khẩu pháo, 27 lô cốt, 17 kho tàng đạn dược và nhiều mục tiêu khác của địch. Đặc biệt, Đào Văn Tiến đã nghiên cứu và mạnh dạn đề xuất và trực tiếp thực hiện nhiều giải pháp, cách đánh sáng tạo, táo bạo không có trong lý thuyết của “Nhà sản xuất vũ khí B72”. Cụ thể như: Thiết bị đạn trên nền đá tảng của hang đá; Bắn diệt xe tăng địch cơ động ngoài xạ giới điều khiển; Bắn xe tăng địch ở góc tà âm, thiết bị đạn ở góc tà dương tới 45 độ; Điều khiển đạn bay qua, trên hàng dừa che chắn, tìm diệt xe tăng, pháo binh địch... Mang lại kết quả và hiệu suất cao trong chiến đấu.
 
Bút ký: NGUYỄN CHÍ LONG