Hành trang người lính...

09:12, 31/12/2015

Có lẽ ít có người lính nào lại có hành trang, quân trang giản dị đồng hành trên suốt chặng đường kháng chiến trường kỳ gian lao mà anh dũng như người lính Việt Nam.

Có lẽ ít có người lính nào lại có hành trang, quân trang giản dị đồng hành trên suốt chặng đường kháng chiến trường kỳ gian lao mà anh dũng như người lính Việt Nam.
 
Trong những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ nhà thơ Chính Hữu - một người lính thực sự đã có bài thơ “Đồng chí” viết thật cảm động: “Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày”. Hành trang của người chiến sỹ hồi đó thật giản đơn. Với tấm áo trấn thủ 36 đường may ngang dọc như những chiến hào, chiến trận đã làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh anh giải phóng quân với vành mũ tai bèo đã đi vào lịch sử. Cái vành mũ lá sen mềm mại: “Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành/ Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh/ mà xông xáo mà tung hoành ngang dọc” (Tố Hữu) lại là: “Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng/ Nghe lăn tăn những tiếng chim xuống hầm” (Hoàng Nhuận Cầm). Chính vẻ đẹp lý tưởng, vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp thuần Việt của người chiến sĩ là cội nguồn sức mạnh hơn cả những khí tài sắt thép. Một mái tăng “bầu trời vuông” trong thơ Nguyễn Duy: “Sục sôi bom đạn chiến trường/ Tâm tư yên tĩnh vẫn vuông một vùng”. Một cảnh võng “Ngủ rừng theo đội hình đánh giặc” trong thơ Nguyễn Đức Mậu đung đưa theo câu hát: “Võng theo ra chiến trường/ Võng theo ta giải phóng/ Tổ quốc ơi! Muôn năm bền vững hai đầu” (Nhạc Nguyên Nhung). Khi “Nằm trên võng cứ thèm nghe tiếng võng” (Hữu Thỉnh) đã rút ngắn lại khoảng cách người lính và hậu phương nơi đó có cảnh võng tre kẽo kẹt. Người lính ra trận mang theo chiếc ống cống (Chiếc hăng - gô): “Là bài ca ống cống/ Hành trang quân giải phóng/ đơn giản nhất trên đời” (Thanh Thảo).  Chiếc ống cống đã từng nấu canh rau tàu bay, môn thục xua đi những cơn sốt rét rừng. Và chiếc ba lô con cóc hồi hộp trên lưng: “Chiếc ba lô đựng những gì/ Mà đi cuối đất mà đi cùng trời” (Thanh Thảo). Với chiếc gậy Trường Sơn mang hình đốt tre ngà: “Quê hương tôi làm chiếc gậy hành quân/ Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn - Luyện cho đôi chân ngày đêm không mỏi” (Nhạc Phạm Tuyên) và đôi dép cao su gắn bó với người lính “Đôi dép Bác Hồ” mà: “Bác đi từ thủa chiến khu Bác về” trong ca khúc của nhạc sĩ Văn An. Hành trang của người lính ra chiến trường còn mang theo: “Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh). 
 
Hành trang - hành trình của người lính là cả một chặng đường hành quân không ngơi nghỉ với cành lá ngụy trang trên lưng dập dờn theo gió đồng quê. Các anh vào trận mang theo cả sự tiếp nối bao thế hệ: “Lớp Cha trước lớp con sau/ đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu). Từ hình ảnh người lính Tây Tiến năm xưa: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùng” (Quang Dũng), đến một “Dáng đứng Việt Nam”: “Và anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng” để: “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Lê Anh Xuân). Hình ảnh Bác Hồ với bộ quân phục màu xanh lá cây giản dị “Bác cùng chúng cháu hành quân” vẫn hòa nhịp theo điệp khúc bước chân: “Đời mình là một khúc quân hành/ Đời mình là bài ca chiến sĩ” (Diệp Minh Tuyền) như còn đồng vọng mãi, ngân vang, ngân xa mãi. Từ áo chàm, mũ nan, súng kíp của ngày thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân ở khu rừng Trần Hưng Đạo cách đây 71 năm đến những binh chủng đánh trận hợp đồng “Cả sư đoàn mang gió lốc bay đi” (Phạm Ngọc Cảnh) thì vẫn là người lính thuần Việt “Từ nhân dân mà ra” vẫn là anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã có tứ thơ rất hay “Tiểu đội xe không kính”: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ chỉ cần trong xe có một trái tim”. Vâng, trái tim người lính đẹp mãi với hình ảnh: “Đầu súng trăng treo” (Chính Hữu).
 
Tản văn: NGUYỄN NGỌC PHÚ