Nó ngồi thu lu dưới chân cột điện, hai tay bó gối, úp mặt xuống. Mái tóc xanh đen xõa trên bàn tay trắng ngần với những ngón búp măng mềm mại như tay con gái. Áo quần tươm tất, sạch đẹp, đủ biết con cái gia đình khá giả, không gớm ghiếc, đen đúa bẩn thỉu như bao trẻ ăn xin khác.
|
Minh họa: P.NHÂN |
Nó ngồi thu lu dưới chân cột điện, hai tay bó gối, úp mặt xuống. Mái tóc xanh đen xõa trên bàn tay trắng ngần với những ngón búp măng mềm mại như tay con gái. Áo quần tươm tất, sạch đẹp, đủ biết con cái gia đình khá giả, không gớm ghiếc, đen đúa bẩn thỉu như bao trẻ ăn xin khác. Kia kìa, dưới chân nó là cái mũ vải có mấy đồng tiền lẻ nhàu nát. Thiếu cái mũ ấy ai dám bảo nó là kẻ ăn xin. Trông mái tóc ngắn và kiểu quần áo mới nhận ra nó là con trai, chừng 13 - 14 tuổi.
Không ngửa tay xin, không lời than vãn, nó ngồi im như một pho tượng, không nhúc nhích, không động đậy, mặc cho con ruồi đang bò quanh vành tai bé nhỏ. Người qua đường dừng chân ái ngại. Có những cảnh đời như thế đấy. Nó đánh dấu hỏi vào mỗi người bằng sự im lặng tuyệt đối, không cần phiên dịch, khỏi phải giải thích. Duy có ông già sửa xe đạp bên cạnh thấy được khuôn mặt khôi ngô, trắng trẻo của nó ngẩng lên trả lời người cảnh sát: “Bố chết, mẹ đi lấy chồng!”.
Tôi đấy! Thằng bé ấy chính là tôi. Ngày trước có lần nghe nội nói: “Ăn mày là ai? Ăn mày là ta, đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”. Ngỡ ai khác, ngồ ngộ như đùa mà hóa ra mình thật. Giờ tôi mới hiểu, vì sao những đứa bạn có hoàn cảnh kém may mắn trong lớp thường viết được những bài văn hay, được tuyên dương đọc trước lớp. Hình như có số phận thật, và bây giờ mình mới đúng là mình. Không nơi nương tựa lại thấy vững vàng hơn vì mình là chỗ dựa duy nhất của đứa em gái nhỏ.
Hai năm trước, trong phiên tòa xét xử bố mẹ ly dị nhau, khi người lớn bàn chuyện chia con, em tôi hốt hoảng kêu ầm lên: “Không chia con đâu! Không chia con đâu!”. Nó tưởng người ta sẽ dùng dao chẻ đôi nó ra, chặt chân chặt tay nó. Những người chứng kiến cảnh ấy, kể cả quan tòa đã không cầm nổi nước mắt. Tình yêu của bố mẹ không đủ gắn kết anh em tôi. Con gái lên 5 ở với mẹ, con trai 12 tuổi theo bố. Hai nhà cách nhau không xa, một hôm em sang thăm tôi, bật TV lên nó reo: “Ơ, nhà anh có TV màu”. Ừ nhỉ, bố mẹ giờ đây chỉ là những người cùng phố, hàng xóm láng giềng thôi. Bố mất chưa lâu, mẹ lại sắp đi lấy chồng, anh đến trường đón em đây.
Tiếng trống tan trường thức tỉnh tôi khỏi những ý nghĩ mông lung. Ngẩng lên đã thấy Hoa, bạn gái cùng lớp đứng bên. Hoa sống với bà ngoại từ ngày bố mẹ qua đời trong một tai nạn giao thông. Chính nó đã an ủi tôi khi bị cô giáo xỉ vả trước lớp. Đề tập làm văn ra là: “Em hãy tả bữa cơm chiều của gia đình em”. Người ta viết tới 3 - 4 trang đặc chữ, tôi chỉ nộp mỗi tờ giấy trắng với những giọt nước mắt nhòe nhoẹt. “Ngu thì cũng phải bôi ra được vài dòng, 1 điểm! Phí cơm cha mẹ, đạo đức kém, hạnh kiểm tồi!”. Cô giáo dạy văn đỏ gay mặt nguyền rủa, tôi vẫn lạnh như tiền. Ừ thì điểm 1 điểm 10, đã ra vỉa hè rồi thì còn ý nghĩa gì nữa. Và tôi ngồi đây, dưới cái cột điện ngay trước cổng trường.
Hoa dời mắt khỏi chiếc mũ, bảo tôi:
- Giờ mình phải đi chợ, hai anh em đến sớm kẻo bà đợi. - Nó không nói “bà tớ đợi” như mọi khi, hàm ý là bà chung của cả bạn.
Cánh cổng trường tiểu học mở toang. Bầy trẻ mặc đồng phục, vai đeo cặp sách chạy ùa ra. Các bậc phụ huynh chờ đón con, xe máy vòng trong vòng ngoài. Có đứa đi bộ, đứa leo lên xe máy vẫy tay cười chào tạm biệt, lại có đứa ngồi vào chiếc ô tô bóng loáng. Tôi khoác hộ em chiếc cặp, dắt tay nó qua đường. Hai anh em đi bên nhau không nói một lời. Gần đến nhà mẹ, trao cặp sách cho em mà lòng buồn rười rượi:
- Anh không vào đâu. Em lấy cuốn “Không gia đình” trong tủ sách cũ xuống đây cho anh, rồi cùng đến nhà chị Hoa.
Ngày gia đình còn là tổ ấm, bố mẹ mua cho tôi rất nhiều sách thiếu nhi, nay để lại cho em tập đánh vần. “Không gia đình” trở thành sách vỡ lòng cho cả hai anh em.
Đến nhà Hoa đã thấy hai bà cháu đứng chờ ngoài cửa.
- Các cháu đói rồi phải không? - Bà hỏi.
Em tôi nhìn tôi, nó biết nó không có quyền trả lời. Chính tôi nhiều lần đi học về cũng đói muốn xỉu, quẳng cặp sách gieo mình nằm vật ra giường. Nếu đi với bố, tôi sẽ nói “chúng cháu đói lắm bà ạ”. Nhưng bây giờ tôi là người lớn, tôi phải giữ thể diện:
- Chúng cháu chưa đói bà ạ.
Bà bồng em tôi lên, cười cười xoa bụng nó:
- Hơi hơi đau đây phải không?
Nó gần gật nhè nhẹ.
Mâm cơm bày sẵn, món ăn nóng sốt thơm nức mũi. Nước miếng tôi lập tức ứa đầy miệng, tôi quay mặt đi nuốt vội để khỏi ai nhìn thấy. Bụng bỗng nổi cơn đau quặn, đành ngồi thụp xuống. Bà đặt tay lên trán tôi:
- Chết thật, cháu bị cảm rồi! Hoa ơi, pha cho bà ly sữa nóng.
Bà ép tôi uống hết ly sữa, dìu vào giường nằm, nhẹ nhàng ủ chiếc khăn lạnh lên trán tôi, kéo chăn mỏng phủ ngực.
Dễ chịu quá, cảm giác này tôi chưa lần nào được đón nhận từ mẹ. Nước mắt ở đâu kéo đến, ứ trào ra hai đuôi mắt, chảy xuống thái dương, xuống mang tai rồi xuống chiếu. Sống mũi cay xè. Tôi ghìm lại để khỏi bật ra tiếng khóc khiến cái bụng cứng thót liên hồi. Hoa lấy khăn khô thấm nước mắt cho tôi, ngón tay nhỏ nhắn của bạn áp nhẹ vào đuôi mắt. Em tôi chưa biết gì, thấy anh khóc cũng khóc theo. Chiếc khăn bông trên tay người bạn học ướt sũng nước mắt hai anh em.
Bà đặt cuốn sách “Không gia đình” của tôi lên đầu giường:
- Hồi nhỏ bà đọc cuốn này nhiều lần, hôm nào cháu xem xong cho bà mượn đọc lại. “Không sợ người đọc nhiều sách, sợ nhất người đọc một cuốn sách”. Người xưa nói hay thật. Không đứa nào được bỏ học, đây là chuyện của người lớn, bà sẽ đến làm việc với nhà trường.
Trong sách học của tôi có câu tục ngữ: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, hình như nó không đúng trong trường hợp của tôi. Thế gian này tình thương còn rất nhiều, tôi đã nhận được nó từ những người mới đây còn là xa lạ.
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM