Không rực rỡ muôn sắc hoa như các chương trình hoạt động khác trong Festival Hoa Đà Lạt 2015, nhưng Không gian Thư pháp, hội họa, nhiếp ảnh và tranh bút lửa tại Công viên Xuân Hương có sức hút kỳ lạ bởi chiều sâu của nghệ thuật.
Hình ảnh các nghệ nhân viết thư pháp |
Góc triển lãm nghệ thuật đã trưng bày 160 tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh về hoa, tượng gỗ điêu khắc, gỗ lũa trải dài ra các thảm cỏ dưới rừng thông là nghệ thuật của màu sắc, đường nét và khoảnh khắc đẹp về các loài hoa Đà Lạt, về thiếu nữ và hoa. 40 bức tranh sống động của các họa sĩ Đắc Huy, Phan Văn Gái, Nguyễn Văn Lại, Vi Quốc Hiệp, Đông Hồ, Trịnh Duy Hiệu, Hoàng Khai, đã đem đến cho người xem những góc nhìn đẹp đẽ về hoa trong cuộc sống đời thường, càng cho thấy hoa là nguồn cảm hứng vô tận của người nghệ sĩ. Trong không gian ấy, nhà điêu khắc trẻ Đỗ Xuân Phòng - một người trẻ hiếm hoi của Hội VHNT Lâm Đồng vừa vinh dự được kết nạp thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam đã trưng bày 15 tác phẩm tượng gỗ điêu khắc. Trong đó, có một số tác phẩm Xuân Phòng từng đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật, giải thưởng các cuộc triển lãm mỹ thuật và cả tác phẩm mới sáng tác. Nghệ sĩ K’Minh Tuấn đã trực tiếp trình diễn tạc tượng gỗ mang phong cách Tây Nguyên, tạo nên không gian sống động thu hút du khách.
Ký họa chân dung du khách |
Cùng với không gian triển lãm, các gian hàng thư pháp, ký họa chân dung, chạm khắc tranh bút lửa luôn tấp nập người thưởng lãm và mua bán tạo thành một không gian “chợ nghệ thuật” đặc sắc ấn tượng, nhưng không ồn ào náo nhiệt. Gian hàng thư pháp của nhóm thủ bút Nguyên Luân - Mưu Lê - Minh Đức rất đông người xem trình diễn, rồi lặng lẽ “mua” chữ. Bên cạnh “ông đồ” trẻ Minh Vương (29 tuổi) đưa những nét bút lông nhuần nhuyễn như vẽ, chỉ chưa đến một phút đã tạo nên bức “tranh” chữ khiến hàng chục du khách xúm quanh thán phục. Các nghệ sĩ ký họa chân dung cũng tài năng không kém, chỉ sau mười phút là một chân dung du khách có hồn được in trên giấy, nhiều du khách nhìn hình mình không tin lại có thể là chính mình giống đến vậy.
Nghệ nhân Huỳnh Thị Hà đang thực hiện một bức tranh bút lửa về con người Tây Nguyên |
Chỉ một cây bút lửa (giống như mỏ hàn) với bàn tay tài hoa, nghệ nhân Huỳnh Thị Hà (33 tuổi) đã khắc những nét bút lên tấm gỗ tùng trắng mịn; bút đưa đến đâu, tấm gỗ hằn vết cháy sém hiện lên những hình ảnh, đường nét, sáng tối như bức tranh thủy mặc, khiến nhiều người trầm trồ ngợi khen. Huỳnh Thị Hà là nghệ nhân nữ hiếm hoi trong làng tranh bút lửa ở Đà Lạt, nhưng cũng đủ để báo hiệu rằng nghề tranh truyền thống của người Đà Lạt đang hồi sinh mạnh mẽ và có một lớp người trẻ gìn giữ phát huy. Chỉ sau một ngày khai mạc, gian hàng treo kín tranh bút lửa của nhóm nghệ nhân Nguyễn Khánh Hoàng (một nghệ nhân có công truyền nghề tranh bút lửa cho nhiều người trẻ tuổi) đã bán cho du khách gần hết số tranh vẽ chuẩn bị cho Festival Hoa từ trước đó. 3 nghệ nhân trong nhóm đã tích cực vẽ không ngừng để đáp ứng nhu cầu mua tranh bút lửa của du khách. Gian hàng của nghệ nhân Huỳnh Hải Vương (Lữ Gia - phường 9 - Đà Lạt) cũng đắt khách không kém với dòng tranh bút lửa thư pháp. Chiếc bút ngòi đồng khá to được nối với dòng điện trong tay, nhưng Vương chỉ coi đó như một cây bút bình thường, anh vẽ nên những dòng chữ nét thanh nét đậm, nét chữ đưa đến đâu, một làn khói nhẹ tỏa ra, từng câu từng chữ về đạo nghĩa, về đức tính cao đẹp, tục ngữ, ca dao răn dạy người đời… hiện lên.