Đó là một không gian để người Đà Lạt tìm về, đắm mình và hoài niệm. Hơn 1.000 hiện vật được sắp đặt vừa ngẫu hứng vừa có trật tự theo 6 chủ đề: nguyên quán, âm trầm, ngược sáng, khoảng lặng, thời ấy và tìm lại. Tất cả tái hiện một Đà Lạt trong quá khứ với đời sống kinh tế, xã hội trong hành trình hơn 120 năm hình thành và phát triển.
Đó là một không gian để người Đà Lạt tìm về, đắm mình và hoài niệm. Hơn 1.000 hiện vật được sắp đặt vừa ngẫu hứng vừa có trật tự theo 6 chủ đề: nguyên quán, âm trầm, ngược sáng, khoảng lặng, thời ấy và tìm lại. Tất cả tái hiện một Đà Lạt trong quá khứ với đời sống kinh tế, xã hội trong hành trình hơn 120 năm hình thành và phát triển.
Sau bao ấp ủ, góp nhặt và sưu tầm, ngày 22/12/2015, Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng đã cho ra mắt bảo tàng mini trưng bày hơn 1.000 kỷ vật văn hóa Đà Lạt xưa nằm ngay trong khuôn viên Trung tâm (số 1 - Lý Tự Trọng - Đà Lạt). Nhà trưng bày cũng chính là tòa biệt thự cổ của người Pháp xây dựng, trước đây là Dinh Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức cũ kiêm Thị trưởng Đà Lạt.
|
Người Đà Lạt từ xưa đã rất quan tâm đến các vật dụng phục vụ tinh thần |
Người Đà Lạt vốn là những người con từ nhiều vùng đất khác nhau trên khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về đây khai hoang, lập ấp. Bắt đầu từ những năm 1930, khi chính quyền Pháp tiến hành mở mang đường sá, xây dựng cơ sở hạ tầng, những người dân di cư đầu tiên từ đồng bằng Bắc Bộ, Thừa Thiên Huế, Nam Ngãi, Bình Phú cũng về đây xây dựng cuộc sống làm nên những ruộng rau vườn hoa, đất ấm hơi người. Trong hành trang ấy, họ không chỉ gánh theo “tên xã, tên làng” mà còn đem theo rất nhiều tư trang, những vật dụng sinh hoạt đời thường mang đậm nét văn hóa của quê hương. Cuộc sống có đổi thay, những vật dụng trở thành vô giá, họ cất giữ, nâng niu như những bảo vật đến tận hôm nay. Mỗi hiện vật là cả một câu chuyện kể, gắn với con người, với số phận cụ thể. Đó là nồi đồng, mâm đồng, bức tranh sơn mài… của bà Bùi Thị Hiếu - người một thời từng là hoa khôi Đà Lạt và là người phụ nữ khá thành công trong việc kinh doanh nhỏ. Đó là đôi câu đối được thêu trên vải điều của gia đình ông Đinh Xuân Nghĩa - hậu duệ của dòng họ Đinh Liễn (một vị tướng của vua Đinh Tiên Hoàng thời Đinh - Tiền Lê). Những kỷ vật của ông Võ Quang Tiềm gồm máy khâu, tủ quần áo của vợ chồng ông gồm cả áo dài lễ hội, những bộ đồ ngủ, áo măng tô; 2 chiếc va ly. Khi mới vào Đà Lạt lập nghiệp, ông Võ Quang Tiềm làm nghề thợ may, sau xoay qua bán rượu và thuốc lá Cẩm Lệ (những loại hàng hóa nhà cầm quyền bấy giờ quản lý rất chặt, có môn bài mới được bán, buôn bán lậu sẽ bị bỏ tù). Ông Tiềm là đại lý lớn chuyên phân phối sỉ và lẻ thuốc lá và rượu cho cả vùng cao nguyên, ông được coi là người giàu nhất Đà Lạt. Tủ áo dài là thường phục của người Đà Lạt xưa của bà Đinh Thị Hiển. Người Đà Lạt xưa coi việc mặc áo dài truyền thống là trang phục thường ngày, không cần lễ, tết, cứ có việc đi ra đường là mặc áo dài, có thể là đi chợ, đi bán hàng, áo dài xanh đen của nữ sinh Bùi Thị Xuân. Các loại tráp vật dụng trong nghi thức cưới hỏi, dựng vợ gả chồng của các dòng họ… Chiếc TV cửa lùa hiệu National của càfe Tùng là tài sản lớn một thời, đàn nguyệt của ông Tôn Thất Trì - người Huế mang theo vào Đà Lạt lập nghiệp…
Trong đó có 3 bộ hiện vật gợi cho người xem nhiều chú ý. Đó là bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Bồng - người dẫn đầu đoàn di dân miền Bắc vào Đà Lạt trồng rau, hoa lập nên ấp Hà Đông, là nhân vật nổi tiếng ở Đà Lạt. Cụ Bồng từng tốt nghiệp ban canh nông Đại học Paris và là cố vấn văn hóa Hội chấn hưng quốc gia Việt Nam thời chế độ cũ. Bộ sưu tập quý giá của cụ là nồi đồng có hoa văn nổi thạch sùng và hoa sen đã hơn 100 năm tuổi, mâm đồng 3 chân cùng thời với nồi đồng, cân bằng đồng, bàn ủi đồng có tuổi 80 - 90 năm của Pháp. Bộ sưu tập của nhà Đà Lạt học Lê Phỉ - trước năm 1975 là hiệu trưởng trường Việt Anh, là một trong những thành viên đầu tiên thành lập nhóm hướng đạo sinh. Ông đã lưu giữ logo Đà Lạt, những bức ảnh chụp Đà Lạt của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Châu, sách về Đà Lạt… Bộ sưu tập của Thượng tọa Thích Viên Thanh (Trụ trì thiền viện Vạn Hạnh) cho thấy trước 1975 ngôi chùa của Thượng tọa nằm ở dốc Đá cũng là cơ sở hoạt động cách mạng. Đây là những hiện vật đi theo Thượng tọa từ bước đường tu tập đến tận bây giờ.
|
Bộ sưu tập xe đạp gợi kỷ niệm đẹp thời bao cấp |
Thiên nhiên tươi đẹp, thành phố lãng mạn và bình yên hình thành nên cốt cách người Đà Lạt: lãng mạn, nhạy cảm, tinh tế. Người Đà Lạt từ xưa không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất mà cả những giá trị tinh thần, trong đó kỷ vật rất gần gũi là những chiếc Radio - một vật dụng không thể thiếu của những người nông dân trồng hoa suốt những năm nửa sau thập kỷ 50/thế kỷ 20. Bộ sưu tập máy hát đĩa cùng rất nhiều đĩa hát của ông Hoàng Mạnh Tiến - một vũ sư đam mê nghệ thuật, yêu âm nhạc mà kỷ vật này gắn với ông thời trai trẻ vào những năm 80. Bộ sưu tập máy chiếu phim trước và sau giải phóng của Công ty chiếu bóng lưu động Lâm Đồng cùng những bộ phim từng được chiếu của 3 rạp chiếu phim trước giải phóng: Hòa Bình, Ngọc Lan, Ngọc Hiệp. Bên cạnh đó, các nhạc cụ từng tấu những bản tình ca ngợi ca thành phố mộng mơ như: đàn Piano trên 80 năm tuổi có từ những năm 30 khi thành lập trường Patyt Luyxe; đàn Accordeon: cây đàn kỷ niệm của nhạc sỹ Trọng Thủy Vi Ấn trong phong trào văn nghệ quần chúng, tập những bài hát cách mạng sau giải phóng; những cây đàn đầu tiên của nhóm ca khúc chính trị Tp. Đà Lạt thập niên 80 của thế kỷ 20…
“Ngược sáng” là không gian của hơn 50 máy ảnh cổ, máy viễn vọng được sắp đặt trong tủ kính, gắn lên tường là những chiếc máy hình của những người yêu Đà Lạt và những thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh cầm máy chụp hình Đà Lạt từ năm 1950 - 1980. Trong đó, đáng chú ý là chiếc máy ảnh đầu tiên của nhiếp ảnh gia nổi tiếng MPK hiệu Fujicompact. Nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK tâm sự: Đây là chiếc máy ảnh đầu tiên khi anh bước chân vào nghề cầm máy từ những năm 70/thế kỷ 20, từ đó làm nên tên tuổi MPK từ ống kính kỷ vật này.
Chỉ cần lật mở những bộ từ điển và sách phủ bụi thời gian, tủ, gương, đèn măng xông, tượng, bình hoa của khách sạn Palace; máy đánh chữ của đội biệt động thành phố Đà Lạt (đã từng đánh những lời hiệu triệu, những truyền đơn, biên bản cuộc họp…!, những thư tịch bằng cấp cũ, giấy hôn thú, bảng vàng danh dự, tấm visa nhập cảnh vào Đà Lạt… cũng đủ gợi lên một Đà Lạt trong thời đã xa.
Không gian “Thời ấy” nhớ về thời bao cấp với những ký ức khó quên: xe đạp Vĩnh Cửu có biển số của ông Hoàng Bá Phổ (nguyên là chi cục trưởng chi cục kiểm lâm), tem phiếu, dép nhựa tiền phong, bút kim tinh, bộ quẹt lửa, hàng chục chiếc xe đạp - phương tiện di chuyển chính ở thời bao cấp được sắp đặt với hoa. Trong đó có chiếc xe phượng hoàng gắn với anh Nguyễn Vũ Hoàng (Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh) suốt những năm tháng sinh viên khi đang học tập ở Hà Nội trong giai đoạn đất nước khó khăn nhất. Anh Hoàng tâm sự: Nhìn lại quá khứ với cái nhìn trân trọng, bởi lịch sử bao giờ cũng có giá trị, để trân trọng hiện tại, dựng xây tương lai. Những câu chuyện kể, hiện vật trở nên sống động, có số phận, khiến người xem thú vị, thích thú. Để tập hợp được hơn 1.000 kỷ vật làm nên một biệt thự đầy ắp hàm chứa thông điệp văn hóa, anh Nguyễn Vũ Hoàng đã dành tâm huyết trong hơn 10 năm, bởi có tiền cũng chưa chắc đã làm được, mà “Chỉ có tình yêu Đà Lạt mới làm được việc này” - anh Hoàng khẳng định. Với “tham vọng” rất chính đáng, Nguyễn Vũ Hoàng mong muốn “biến” ngôi biệt thự xưa (trụ sở của đơn vị mình) thành một “địa chỉ văn hóa”, thành “chốn đi về” cho những người con Đà Lạt muốn “ngắm lại hình ảnh của mình trong quá khứ”. Sẽ là một bảo tàng mở, để người Đà Lạt cùng hợp tác, san sẻ, ký gửi kỷ vật, cùng nhau chiêm ngưỡng, trân trọng, nâng niu, để bảo tàng luôn mới và ngày càng phong phú.
Trong lễ khai trương không gian kỷ vật văn hóa Đà Lạt: ông Nguyễn Thanh Đạm - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, một người con cũng gắn bó với Đà Lạt từ thời trai trẻ (17 tuổi) nhận Đà Lạt làm quê hương thứ 2 đã xúc động khi những người con Đà Lạt đã không quên quá khứ của mình, ông khẳng định: “Chúng ta trân trọng quá khứ, bởi quá khứ là hành trang vô giá để chúng ta tự tin bước vào tương lai”.
QUỲNH UYỂN