Lời cám ơn gửi Bảo Lộc

09:12, 18/12/2015

(LĐ online) - Ám ảnh bởi những ca từ của nhiều ca khúc nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã sáng tác trong những năm dạy học ở B'lao xưa, chúng tôi tìm về Bảo Lộc. Đang giữa tháng 12 tây, hoa dã quỳ vàng rực như một lời chào nồng nhiệt, và những đồi chè bao la, những núi rừng xanh thẳm trải mình trong nắng tạo một cảm giác bình yên ngọt ngào. Chỉ chừng đó thôi, đã đủ cho chúng tôi cảm ơn thiên nhiên Bảo Lộc rồi.

(LĐ online) - Ám ảnh bởi những ca từ của nhiều ca khúc nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã sáng tác trong những năm dạy học ở B’lao xưa, chúng tôi tìm về Bảo Lộc. Đang giữa tháng 12 tây, hoa dã quỳ vàng rực như một lời chào nồng nhiệt, và những đồi chè bao la, những núi rừng xanh thẳm trải mình trong nắng tạo một cảm giác bình yên ngọt ngào. Chỉ chừng đó thôi, đã đủ cho chúng tôi cảm ơn thiên nhiên Bảo Lộc rồi.
 
 TP Bảo Lộc nhìn từ trên cao
TP Bảo Lộc nhìn từ trên cao
 
Đón tiếp chúng tôi là những công dân trẻ của Bảo Lộc, vợ chồng kiến trúc sư Đoàn Ngọc Thọ ở Lộc Sơn, vừa ngoài 40 tuổi. Hai vợ chồng đều gốc Huế, thế hệ trẻ nhưng vẫn gìn giữ nếp gia phong rất mực. Đoàn Ngọc Thọ tham gia xây dựng nhiều ngôi nhà đẹp ở đây, anh còn xây dựng một ngôi chùa trên đường dẫn đến thác Dam’ri. Nét Huế thanh thanh cổ kính của cổng chùa nằm trên lưng chừng đồi, khiến du khách nhận ra sự khiêm nhường cần thiết của đời người khi đối diện với thiên nhiên.
 
Thọ lái xe đưa chúng tôi đi thăm thành phố Bảo Lộc, rồi cùng những người bạn là các kỹ sư Hưng, Danh, Sơn chọn cho chúng tôi những góc nhìn thú vị để ngắm thành phố từ trên cao; đãi những món đặc sản Bảo Lộc rất thân quen: cua đồng xúc bánh tráng, cá chép giòn, và cả bánh canh cá lóc nấu kiểu Huế của Mợ Kiều, chè sâm thảo đường nấu kiểu Huế… Vợ chồng Thọ cùng những người bạn một thời cùng học Bách Khoa, giờ nhận Bảo Lộc làm quê hương thứ hai, đều quá đỗi thân thiện và chân tình khiến những vị khách đến xứ sở này vô cùng cảm kích.
 
Đoàn Ngọc Thọ (thứ hai từ phải sang) cùng với nhóm văn nghệ sỹ Huế
Đoàn Ngọc Thọ (thứ hai từ phải sang) cùng với nhóm văn nghệ sỹ Huế
Một trong những mục đích đến Bảo Lộc của chúng tôi là đi tìm những dấu tích còn lại của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khẳng định, B’lao đã đánh dấu một bước ngoặt trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, đó là các ca khúc bắt đầu hướng tới cộng đồng, hướng ngộ về thân phận. Chính Bảo Lộc đã chứng kiến sự ra đời của các ca từ Trịnh Công Sơn: "Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè / ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương" (Xin mặt trời ngủ yên, 1964). Suốt cả mùa hè năm 1965, trong không gian xanh thẳm B’lao, Trịnh Công Sơn soạn những ca khúc chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình như các bài: Gia tài của mẹ, Ca dao Mẹ, Người hát bài quê hương, Du mục, Lại gần với nhau, Người già em bé, Người con gái Việt Nam da vàng . . . 
 
Nhà thơ Trần Ngọc Trác ở ĐàLạt giới thiệu cho chúng tôi thầy Ngọc – đồng nghiệp dạy tiểu học ở B’lao xưa cùng Trịnh Công Sơn những năm 1964-1967, giờ đã ngoài bảy mươi, sống ẩn dật trong một khu vườn ở Bảo Lộc. Rất tiếc là thầy Ngọc vì bận nên không giúp chúng tôi được nhưng cũng nhiệt tình nhờ học trò là thầy H dẫn chúng tôi đi. May mắn thay, thầy H từng là học trò lớp ba của thầy Trịnh Công Sơn năm xưa, ngoài đi dạy còn nghiên cứu văn hóa ở Bảo Lộc. 
 
Thầy H đưa chúng tôi đến từng địa điểm ghi dấu Trịnh Công Sơn: nơi ở, nơi dạy học, cung đường từng in dấu chân Trịnh Công Sơn…Người con gái trong "Lời buồn thánh" và bàng bạc trong những tình khúc sáng tác trong giai đoạn này không ai khác chính là Dao Ánh - nỗi nhớ và tình yêu của Trịnh Công Sơn từ Huế. Ngày đó ở B'lao, Trịnh Công Sơn đã viết cho Dao Ánh: “Những lần về đây đi ngang qua khoảng rừng cao su im tối anh như bao giờ cũng thấy bóng Ánh trắng sáng thủy tinh chập chờn trong vùng cây đen và bãi cỏ xanh màu an nghỉ. Những thân cây bổ nghiêng về phía đường che tối một khoảng dài mà ánh sáng là khoảng trời hẹp và dài giữa hai hàng lá. Anh đã nghĩ đến một hành lang giáo đường trên vùng ăn năn, những thân cây đen là những kẻ hành hương chùm áo sẫm, bãi cỏ non xanh anh nghĩ rằng Ánh có thể mặc áo trắng lụa là đi bằng những bước chân nhỏ nhẹ trên đó. Anh đã cúi mình xuống ý nghĩ và hình ảnh ấy thật lâu như một ám ảnh…”
 
Việc tiếp cận thực tế khiến chúng tôi nhận ra có một số điều sách vở báo chí trước đây nhắc đến quãng thời gian Trịnh Công Sơn ở Bảo Lộc chưa chính xác. Chúng tôi sẽ trở lại việc này trong một bài viết khác. 
 
Sự tận tình của thầy H khiến chúng tôi nhận ra âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn còn vang trong gió Bảo Lộc, trong không gian vàng một màu thiền nơi đây, tiếng guitare dịu buồn đâu đó, những ca khúc Trịnh Công Sơn vẫn như những cơn sóng mang thông điệp về thân phận và tình yêu đến với mỗi người. Không thể không có hình bóng Trịnh Công Sơn ở Bảo Lộc.
 
Những tấm lòng tận tụy như thế, khiến cho những vị khách đã thốt lên lời cảm ơn xứ sở.
 
Nhưng chưa hết, do phải đi đến nhiều điểm, chúng tôi đến thác Dam’ri vào lúc gần 6 giờ chiều. Trời bắt đầu xẩm tối và chúng tôi được thông báo là thang máy xuống thác đã đóng vì có lý do. Một số thành viên nói với cậu bé phụ trách là chúng tôi đã đi cả ngàn cây số để đến đây, hãy cho chúng tôi ngắm thác, và đặt vấn đề “bồi dưỡng”. Cậu bé im lặng dẫn chúng tôi vào thang máy và đưa xuống chân thác, kịp cho chúng tôi ngắm dòng thác kỳ vỹ và có những bức ảnh quý giá trước khi trời tối hẳn. Sau khi đưa chúng tôi trở lại trên đỉnh thác, cậu bé dứt khoát từ chối “phong bì” và nói rành rọt: “Cảm ơn các chú, cho phép cháu từ chối, bởi đây là công việc của cháu, cháu phải làm”.
 
Câu nói từ ý thức tử tế của cậu bé, vang lên trong bóng đêm giữa thời cuộc xô bồ và lắm nhiễu nhương khiến chúng tôi hết sức bất ngờ và xúc động. Vẫn còn đó những lòng tốt để chúng ta có thể tin vào. 
 
Do các điện thoại đều hết pin, chúng tôi không thể ghi lại được tấm hình chụp cùng cậu bé. Nhưng chúng tôi nghĩ, có lẽ cậu bé đã quen từ chối cái đề nghị “bồi dưỡng” khiếm nhã đến nỗi, cậu đã nói điều đó một cách dứt khoát và hết sức rành rọt.
 
Bảo Lộc thật sự đã để lại trong chúng tôi rất nhiều điều, và đó là lý do tại sao, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến con người ở vùng đất ấy.
 
Hồ Đăng Thanh Ngọc