Giao liên thành phố

09:01, 21/01/2016

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, ngoài một số máy điện đàm, máy truyền tin thô sơ dùng để thông tin liên lạc, thì việc liên lạc giữa các đơn vị với nhau phần lớn thông qua tổ chức đường dây được thực hiện bởi các tổ, các trạm giao liên, các đơn vị, cá nhân giao liên thời chiến. 

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, ngoài một số máy điện đàm, máy truyền tin thô sơ dùng để thông tin liên lạc, thì việc liên lạc giữa các đơn vị với nhau phần lớn thông qua tổ chức đường dây được thực hiện bởi các tổ, các trạm giao liên, các đơn vị, cá nhân giao liên thời chiến. Ở Đà Lạt ngoài các đơn vị giao liên như thế, còn có những giao liên đặc biệt, đó là những nữ giao liên trẻ đẹp, nhanh nhẹn và gan dạ. Họ như những con thoi thường xuyên đưa thư chỉ đạo từ căn cứ xuyên thẳng vào nội thành và đưa báo cáo từ nội thành ra cơ quan Thị ủy. Họ không được trang bị vũ khí mà chỉ được trang bị khả năng ứng phó thông minh trước mạng lưới dày đặc của các loại công an, cảnh sát, mật vụ, tình báo của địch. Cánh sinh viên, học sinh nội thành Đà Lạt hoạt động từ những năm 1970 đến 1975 đã được bố trí giao liên như thế, và gọi đó là giao liên trực thấu.
 
Chiếc xe đò nội tỉnh dừng lại ở một quãng vắng trên quốc lộ Hai Mươi, chúng tôi xuống xe tay trong tay rảo bước như một đôi tình nhân tung tăng giữa mùa hè trên cao nguyên nhiều nắng và gió. Em mặc chiếc áo pull màu vàng nhạt, chiếc quần jean nhung, đen xốp như trái xay trong rừng già, khoác chiếc áo len màu hồng mà hai chúng tôi mới chọn mua ở một tiệm bán áo len ở trung tâm Đà Lạt. Đẹp! Em có khuôn mặt hiền và đôi mắt sâu hơi buồn, mái tóc dài bồng bềnh che nửa bờ vai bay nhẹ trong gió, trông khỏe khoắn mà mềm mại duyên dáng lạ. Em sinh ra ở một vùng quê nghèo xứ Quảng, vừa học hết bậc tiểu học thì chiến tranh bùng lên ác liệt, cả nhà bỏ xứ phiêu dạt vào Sài Gòn sống ở khu Mả Lạng. Em lớn lên mạnh mẽ trong cuộc sống bươn chải giữa đô thành hoa lệ. Cuộc sống thượng lưu xa hoa, xa lạ và đối lập chan chát với những người cùng khổ đã đưa hàng vạn nông dân khắp các miền quê và hàng ngàn thanh niên ở khu Mả Lạng, khu ổ chuột của Sài thành lên rừng tham gia kháng chiến. Em trong số những người ra đi như thế! Một tổ chức bí mật đã tìm và liên lạc được với nhóm bạn thân của em rồi cả nhóm kéo nhau lên Đà Lạt ra rừng tham gia công tác. Em trở thành một nữ giao liên trực thấu đi từ căn cứ kháng chiến vào đến tổ chức bí mật trong phong trào sinh viên học sinh nội thành Đà Lạt.
 
Minh họa: P.N
Minh họa: P.N

Đang hái mấy bông hoa cỏ dọc con đường mòn, em bỗng dừng tay quay lại bắt gặp ánh mắt của tôi, mắt em chớp nhẹ rồi nở nụ cười rất duyên, giọng kéo dài nũng nịu:
 
- Mặt em bị lọ nồi hả anh? Anh nhìn lâu em mắc cỡ đó! 
 
Rồi em đổi giọng nghiêm nghị:
 
- Bây giờ đã xa thành phố của anh rồi, đây là địa bàn của em, anh phải chấp hành ý kiến của em đó nghe!
 
- Ừ, thì anh vẫn chấp hành ý kiến của em từ khi bước xuống xe đúng như quy ước đó thôi.
 
Đi qua chiếc cầu khỉ vào thôn Bồng Lai, tre hai bên bờ suối đan ngọn vào nhau che ánh mặt trời, không gian mát lạnh, yên tĩnh, dòng suối chảy chậm uốn quanh dưới đáy nước, con chim bói cá lẻ loi lượn qua bên dưới chiếc cầu tre chênh vênh cho ta cảm giác tĩnh mịch, huyền bí.
 
Em vừa đi từng bước một qua cây cầu vừa giải thích:
 
- Giờ này mình qua cầu được nhưng chiều đến mưa nguồn đổ về nước ngập lên tới đầu ngọn tre luôn đó anh.
 
Ra khỏi con suối, chúng tôi như lạc vào giữa một rừng café mênh mông. Em dẫn tôi đi quanh co từ đồi này sang đồi khác, nếu lúc này bắt tôi quay trở lại một mình chắc chắn tôi không thể tìm được đường ra. Cảnh vật thật vắng vẻ chỉ nghe tiếng rì rào của gió và tiếng con chim cu gáy đâu đó xa xa vọng lại. Bỗng xuất hiện trước mắt chúng tôi một tốp người mặc quần áo đen, đội nón tai bèo, chân đi dép râu, tay kẹp súng AK từ cánh rừng phía bên trái xăm xăm đi tới. Rất nhanh em ghé sát tai tôi nói nhỏ:
 
- Bọn lính 302 đó anh! Phải thật bình tĩnh nghe.
 
Tên đi đầu bộ dạng ngang tàng, mũi súng hướng ra phía trước, giơ tay chặn chúng tôi lại và nở nụ cười ra vẻ thân mật:
 
- Xin chào! Hai đồng chí đã liên lạc được với tổ chức của mình chưa, có cần anh em tôi đưa đường không?
 
Em quàng tay ôm ngang lưng tôi, tôi cũng quàng tay qua vai em, siết nhẹ một tí hai đứa cảm thấy ấm hơn, bình tĩnh hơn. Em cười tươi:
 
- Chúng em là sinh viên đi sưu tập mẫu thực vật cho bài thi, và ghé nhà người quen trong này để mời đám cưới. Các anh đi hành quân về hả? Vậy là trong đó không có Việt Cộng phải không?
 
- Đồng chí ăn nói cẩn thận nghe, chúng tôi là quân giải phóng đây.
 
- Em không biết quân giải phóng hay đồng chí gì đâu! Em chỉ biết là đã gặp anh và quen mặt anh rồi.
 
- Vậy hả, đồng chí gặp tôi ở căn cứ Thị ủy hả?
 
Em cười giòn vui vẻ:
 
- Không, em gặp anh ở đường Phan Bội Châu Đà Lạt, lúc các anh nổ súng trên đầu mấy ông quân cảnh làm mấy ổng bỏ cả xe tuần tra chạy thục mạng xuống chợ. Bà con hai bên phố khoái chí khen mấy ông lính 302 của thiếu tá Phong chịu chơi hết mình.
 
Cả bọn cười kha khá vẻ đắc chí:
 
- Ủa! Lúc đó người đẹp cũng có mặt hả?
 
- Thì có và ngưỡng mộ lắm mới nhớ mặt mấy anh chớ bộ, may quá, lúc mới thấy từ xa cứ tưởng Việt Cộng xuất hiện sợ hết hồn.
 
Tôi chen vào:
 
- Vui nhất là hôm nọ mấy ông lính 302 bước vào Thủy Tạ rút chốt lựu đạn quăng xuống hồ, bỏ trái lựu đạn vào ly bia đặt kịch xuống bàn, mấy chục ông sĩ quan cấp úy, cấp tá đang ngồi với gái đứng bật dậy chạy tán loạn ra đường. Vui hết biết luôn.
 
Cả bọn cười vang cả một góc rừng, tên đi đầu có vẻ là chỉ huy vỗ vai tôi nói với giọng đàn anh: 
 
- Biết nhau rồi coi như quen, đi đi rồi trở ra sớm, tụi này mới càn quét trong đó không có bóng tên Việt Cộng nào, nhưng coi chừng nó xuất hiện bất ngờ lắm đó. Dẫn người yêu đi thì phải bảo đảm an toàn cho người yêu nhé chú em.
 
Chúng tôi “dạ” nhanh rồi đi sâu vào rừng café đang trĩu hạt. Vừa đi em vừa kể:
 
 - Bọn lính 302 đánh rất hiểm, chúng thường mặc đồ và sử dụng vũ khí giống hệt anh em mình, gặp nhau trên đường đi công tác, mình cứ tưởng là một đơn vị bạn, nhưng vừa chào nhau là nó chủ động nổ súng liền, anh em mình thiệt hại nhiều lắm. Có hôm nó mò vào đúng nơi ở của đơn vị, ngay lúc em đang dọn bữa cơm chiều. Nó bắn bay nồi cơm hất em té ngược lại phía sau, em chỉ kịp lăn mấy vòng theo phản xạ tự nhiên rồi cứ thế chạy. Cả đơn vị hoàn toàn bị động, các anh vừa bắn cản đường vừa rút chạy, không ai kịp xách bòng (balo tự chế), thế là mất hết cả quần áo tư trang. May nhờ có đơn vị vũ trang đứng chân ở quả đồi bên cạnh nghe súng nổ bên này họ cho lực lượng triển khai sang hỗ trợ. Anh em bên mình cùng phối hợp quay trở lại bất ngờ nổ súng, đến lượt bọn chúng hoảng hốt bỏ chạy. Những đồ trang phục nữ mới toanh của chị em trong đơn vị gửi mua về để dùng khi đi vào thành, bị chúng nó lấy chia nhau chưa kịp bỏ vào balo, cầm chạy vướng vào cây rừng treo lủng lẳng khắp nơi trông buồn cười hết sức, các anh phải giúp đi thu nhặt lại làm tụi em quê quá chừng!
 
Nhà chú Chín y tá ở thôn Bồng Lai nằm giữa vườn café, ổi, mít, sầu riêng rậm rạp cây trái. Chúng tôi đi vào từ con suối nhỏ phía sau vườn, gặp lúc chú đi chích thuốc cho bà con trong thôn vừa về. Dựng chân chống, tắt máy chiếc xe mobilette made in France, chú vui vẻ hỏi chuyện và nói:
 
- Nghề y tá của chú được cái quen biết nhiều và có cớ để đi lại khắp nơi nên nắm tình hình bọn lính, bọn mật vụ và bọn xã ấp cũng dễ. Tình hình hôm nay ổn, chúng nó rút ra quận hết rồi, các cháu vào thay đồ và chuẩn bị cơm chiều. Đêm nay tối trời mấy ảnh về được đó.
 
Đúng hẹn 12 giờ đêm có tiếng cú rúc ngoài vườn café. Bắt tín hiệu xong, trạm bàn đạp bàn giao khách chúng tôi một nhóm 5 người gồm 3 tay súng, một nữ giao liên và một cán bộ nội thành vượt đường 20 lên rừng, đi mãi đến quá trưa thì về đến căn cứ phía nam thị.
 
Rừng cao nguyên mùa này thường có những cơn mưa chiều nặng hạt, mưa rừng đan kín rừng già, con suối dưới chân đồi no nước réo ầm ĩ. Ngồi trong chiếc lều lợp bằng tấm nilon nghe mưa rơi lộp bộp, gió rừng xào xạc trong mưa, mùi lá ủ xông lên ngai ngái, một cảm giác thú vị, ấn tượng. Cả đơn vị chúng tôi ngồi quây quần bên nhau trong căn lều dưới mưa học tập, ca hát và thảo luận về phương thức hoạt động đô thị. Không khí chiến khu thật đầm ấm, thấm đậm tình nghĩa với nhiều kỷ niệm đẹp khi san sẻ thiếu thốn, lúc xẻ chia gian khổ, hiểm nguy. 
 
Một buổi chiều đẹp trời, kết thúc đợt học tập, huấn luyện, chúng tôi thả bộ ra bờ suối. Em mặc bộ đồ bà ba đen may khít người làm nổi bật đường nét khỏe khoắn, mềm mại với nước da trắng hơi xanh của những ngày ở rừng. Chúng tôi ngồi trên phiến đá thả chân xuống giòng suối róc rách chảy, nước suối mát lạnh, nhìn đám mây trắng mồ côi lang thang trên đỉnh rừng xa, em như nói với chính mình:
 
- Tối nay, anh sẽ xa nơi này, ngày mai anh về lại với thành phố của anh, khu rừng này vắng anh rồi! 
 
Em quay sang nhìn vào mắt tôi:
 
- Về thành phố, có nhớ rừng không anh?
 
- Có chớ, nhớ những người dám dấn thân cho lý tưởng của mình, nhớ những tình cảm đẹp mà mọi người dành cho nhau trong gian khổ, hy sinh. Nhớ mưa rừng, nhớ tiếng suối reo, nhớ cả mùi lá ủ và nhớ những lúc mình ngồi với nhau bên bờ suối nữa nè.
 
Em cười hiền:
 
- Trong thành phố xung quanh là địch, không có anh em mình bên cạnh! Hãy cẩn thận nghe anh.
 
Tôi gật đầu và đưa bàn tay ra, em đặt bàn tay em lên tay tôi, tôi nắm lấy bàn tay em mềm mại, ấm áp. Hai bàn tay siết nhẹ như lời hứa của tôi với em, như lời hẹn chúng ta sẽ còn gặp lại. Hai ánh mắt gặp nhau chớp nhẹ rồi quay đi nhìn mãi về phía dãy núi tím mờ, xa lắc có áng mây mồ côi đang lang thang bên đó.
 
Trên chuyến xe đò đông người chạy từ Bảo Lộc về Đà Lạt, người đàn ông mang kính đen ngồi ghế bên cạnh mở lời làm quen, em vừa tiếp chuyện lịch sự vừa giữ khoảng cách nhất định vừa quan sát cố phán đoán xem ông ta thuộc đối tượng nào? Có thể là một gã đa tình mà cũng có thể là một tên mật vụ đang giăng lưới rà tìm đường dây của Việt Cộng. Xe dừng ở bến, em gật đầu chào nhưng anh ta vẫn một mực đòi đưa em về hoặc đưa em đi đến bất cứ nơi nào em muốn. Em quay mặt giấu sự lúng túng một lúc rồi quay lại nhỏ nhẹ:
 
- Cám ơn rất nhiều về thịnh tình của anh, nếu có duyên thì lần sau gặp lại em sẽ mời anh một ly café, còn bây giờ mong anh thông cảm em đã hẹn và người yêu của em đang chờ ở đằng kia.
 
Thoát được anh ta nhưng em phải đi lòng vòng rồi ghé vào tiệm sách đi hết quày này đến quày khác nhìn vào những tấm kính xem phía sau có ai bám theo. Đến chiều em mới về đến nhà trọ của nhóm nội thành nhưng cửa khóa chờ mãi đến tối vẫn không thấy người về, em đánh bạo kêu cửa nhà anh lính Sài Gòn ở sát vách. Đó là một người lính binh nhì, anh làm thợ mộc trong trường võ bị Đà Lạt, chị đi bán hàng rong ở chợ, vợ chồng anh nghèo và rất tốt bụng. Nhóm chúng tôi thường qua lại chuyện trò với anh và dạy mấy đứa con anh học. Em xưng tên là Hiếu, anh lính vui vẻ sắp xếp chỗ nghỉ cho em. Em cũng thân tình, tham gia quét dọn nhà cửa, nấu cơm, nói chuyện với chị và vui đùa với mấy đứa nhỏ. Anh chị chủ nhà quan tâm:
 
- Em là gì với mấy cậu sinh viên bên đó mà thấy thường xuyên lên xuống vậy?
 
- Dạ, em là vợ sắp cưới của anh Nguyên.
 
- Rồi chừng nào làm đám cưới hả em?
 
- Dạ, má ảnh bảo để ảnh học xong rồi mới cưới. 
 
Mấy ngày liền một nữ giao liên Việt Cộng ở trọ trong nhà người lính Sài Gòn an toàn, trong người mang theo thư của Thị ủy Đà Lạt chỉ đạo cho tổ chức nội thành chuẩn bị phối hợp khởi nghĩa và hai nội dung truyền đơn để in và rải trong thành phố tạo sự thối động về tâm lý cho đối phương và gây lòng tin cho đồng bào. Đêm 31/3/1975, kho đạn của các cơ quan quân sự trong thành phố thi nhau nổ xé toang bầu trời đêm. Ngoài đường các sắc lính, cảnh sát và công chức Sài Gòn cùng với gia đình lũ lượt di tản. Chúng tôi cũng ra đường hòa vào dòng người để nắm tình hình. Nón sắt, giày đinh, quần áo lính và cả súng đạn bị ném lại ngổn ngang trên đường phố. Ngay đêm đó hòa vào đoàn quân tháo chạy và đoàn người di tản em đã thoát vào rừng đem thư từ thành phố vào căn cứ báo tin địch đã rút chạy và anh em nội thành đang tập hợp lực lượng khởi nghĩa làm chủ thành phố. 
 
Những ngày đầu tháng tư không khí cách mạng mới tinh khôi trên thành phố giải phóng. Sau khi kết thúc một tuần học tập ở phường, anh lính Sài Gòn tình cờ gặp em trong bộ đồ bà ba đen, đầu đội mũ tai bèo, chân đi dép râu, thắt khăn dù ở cổ và cây súng AK mang chéo trước ngực cùng mấy chị em nữ chiến khu mới về đang rảo bước trên đường phố. Anh ngạc nhiên đứng lặng từ xa, nhưng em đã chạy đến nắm tay anh vui mừng hỏi thăm chị và mấy đứa nhỏ. Anh tò mò:
 
- Vậy cô… không phải là vợ…
 
Em cười giòn tan:
 
- Dạ không, chỉ là… Nhưng mà thôi, em vẫn là Hiếu, em của anh như ngày nào đó mà!
 
Thời gian trôi nhanh thật! Chúng tôi lại tình cờ gặp nhau, mới ngày nào hồn nhiên, phơi phới ở tuổi đôi mươi, giờ đã trở thành ông nội, bà ngoại cả rồi! Xoay xoay ly café nóng trong tay, tôi nhìn em thật lâu, có mấy sợi tóc mai đã chuyển sang màu trắng bay bay trong làn gió nhẹ từ phía Đồi Cù thổi sang! Ngước nhìn lên bắt gặp ánh mắt của tôi, em cười giòn: - Giờ thì em không còn mắc cỡ vì ánh nhìn của anh như ngày xưa, mà mắc cỡ vì anh nhìn lâu sẽ thấy em già lắm đó! Hai chúng tôi cùng cười vang như hai đứa bạn tri kỷ.
 
Truyện ký: HOÀNG NGUYÊN