Tôi "gặp" rồi mê ca khúc "Tự nguyện" của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từ ngày còn bé xíu xiu. "Tự nguyện" gợi trí tò mò của tuổi thơ tôi bằng ca từ dễ nhớ, giai điệu dễ thuộc và chấm hết. Chỉ đơn giản có thế, không hề có lý luận khúc thức lằng nhằng.
Tôi “gặp” rồi mê ca khúc “Tự nguyện” của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từ ngày còn bé xíu xiu. “Tự nguyện” gợi trí tò mò của tuổi thơ tôi bằng ca từ dễ nhớ, giai điệu dễ thuộc và chấm hết. Chỉ đơn giản có thế, không hề có lý luận khúc thức lằng nhằng.
Sau này, lớn thêm chút nữa, tôi vẫn được nghe giai điệu quen thuộc ấy trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhưng ở câu nhạc đầu tiên, tôi nhận ra đã có tý chút thay đổi. Mặc dù sự thay đổi đó hầu như không làm ảnh hưởng gì đến giai điệu của ca khúc. Tuy thế, trong đầu óc non nớt của tôi, nó vẫn gợn gợn thế nào: “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương/ Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm/ [Nếu] là người, tôi sẽ chết cho quê hương”.
Chữ “nếu” trong câu thứ tư của bốn câu trên đã bị bắt bẻ. Có người chê dùng chữ “nếu” là thừa. Vì “Không là người thì là... gì à. Người sờ sờ đây, sao còn phải giả thiết?”, vẫn được các bậc trưởng lão Văn học Việt Nam cho là ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu? Từ đó, mỗi khi hát bài “Tự nguyện”, các ca sĩ đã tự ý bỏ chữ “nếu” và chỉ còn “[...] là người, tôi sẽ chết cho quê hương”.
Rất tiếc, nghi vấn thuộc về nhà thơ Xuân Diệu mãi mãi không còn cơ hội để kiểm chứng. Bởi nhà thơ yêu quý của chúng ta đã vĩnh viễn ra đi vào năm 1985. Còn nhạc sĩ Trương Quốc Khánh thì mất năm 1999. Tuy vậy, nếu còn sống, tôi tin phản ứng của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh trước việc “Tự nguyện” bị bỏ mất chữ “nếu” cũng chỉ là im lặng và mỉm cười độ lượng. Tôi biết những người trí thức thật thường không có thói quen tranh khôn với thiên hạ. Tôi cũng không nghĩ, “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu lại không đủ trình độ để thẩm chữ “nếu” tinh tế đó. Có lẽ người đời muốn “hạ bệ” nhà thơ chăng?
Thực ra, chả cần đến nhà thơ Xuân Diệu hay nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, người bình thường cũng có thể tri nhận được sự tinh tế của việc sử dụng chữ “nếu” ở câu thứ tư. Trong tiếng Việt, chữ “nếu” được coi là một kết tử trong cặp liên từ “nếu... thì...”. Câu có cặp liên từ này, cũng được gọi là câu điều kiện, tuân thủ theo nguyên lý của phép kéo theo. Một khi cấu trúc câu có chữ “nếu”, tự nó đã đưa ra một giả thiết, cũng có thể là một điều kiện. Nếu giả thiết hay điều kiện đó được thỏa mãn, sẽ dẫn đến kết quả tương ứng. Ngôn ngữ học gọi sự hướng nghĩa như trên là hướng vào nội hàm của từ, nghĩa là hướng vào những thuộc tính của nó.
Ở phần ca từ của câu nhạc đầu tiên, nhạc sĩ Trương Quốc Khánh đã sử dụng bốn kết tử để diễn tả một thông điệp có cùng hướng nghĩa. “Nếu được là một sự vật (chim, hoa, mây...) trong nhóm sự vật cùng loại, thì hãy chọn cá thể xứng đáng nhất”. “Chim”, “hoa”, “mây” đều có thuộc tính hướng vào nội hàm “xứng đáng nhất” đó rồi và cái mạch đi tiếp của câu thứ tư sẽ là “nếu là người xứng đáng gọi là người”, thì “tôi sẽ chết cho quê hương”. Nếu bỏ chữ “nếu” trong câu thứ tư, thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng kỳ thực đã phá vỡ cấu trúc giữa bốn câu nằm trong nhóm có lập luận đồng hướng nói trên. Tệ hơn, nó còn làm cho dụng ý của tác giả bị sai khác đi và không phản ánh đúng cách thức diễn đạt thường có trong tiếng Việt.
Tất cả những cái tinh tế đó ở nghĩa từ cần được tri nhận khi sử dụng. Tùy theo ngữ cảnh, nội dung sự tình nói đến, một nghĩa cụ thể và cả những nét nghĩa tinh tế sẽ nổi lên. Do vậy, người sử dụng nên cân nhắc kỹ trước khi tự ý loại bỏ, dẫu chỉ là một từ.
TRỊNH CHU