Nụ cười khuyết

09:01, 14/01/2016

Người ta hay nghĩ thường những gì mà "khuyết" thì nó không toàn vẹn, nó luôn là những thứ gì đó như là sự mất mát, hoặc giả chẳng tròn đầy. Mà lẽ thường thứ gì không tròn trịa thì chẳng bao giờ được sánh so với cái đẹp, cái viên mãn...

“Như thế nào là một nụ cười khuyết? Nụ cười ấy có thiếu sự chân thành?”.
 
Người ta hay nghĩ thường những gì mà “khuyết” thì nó không toàn vẹn, nó luôn là những thứ gì đó như là sự mất mát, hoặc giả chẳng tròn đầy. Mà lẽ thường thứ gì không tròn trịa thì chẳng bao giờ được sánh so với cái đẹp, cái viên mãn. Ngày trước, tôi cũng nghĩ thế. Nhưng lâu dần khi lớn lên qua thời gian, tôi thấy được rất nhiều hình ảnh khuyết, nhưng đều là những hình ảnh khuyết rất đẹp, rất chân thành. Tôi vẫn còn nhớ như in đôi mắt vầng trăng khuyết của Vích, thằng nhóc có cái tên rất lạ ở xóm tôi, đôi mắt ấy nó tròn to đen lay láy nhưng khi cười lại biến thành nửa vầng trăng nằm ngược. Cái hình bán nguyệt ấy bẻ cong theo điệu cười của thằng nhỏ, tưởng chừng đôi mắt nó không thể nào mở ra nổi nữa, và cũng bởi thế ánh mắt ấy trở nên rất nồng đượm, rất tự nhiên và tràn đầy tình cảm. Đôi mắt ấy trở nên rất đẹp bởi chẳng phải trên đời này những gì chân thành nhất đều xuất phát từ những cái gì thoải mái tự nhiên nhất hay sao?
 
Thế nhưng, điểm khuyết tôi chú ý nhất lại là “nụ cười khuyết” trên môi của Ga. Ga và tôi ở cùng một xóm nghèo, từ bé tôi và Ga đã là cặp bạn thân hiếu động luôn chạy theo cánh diều trên những triền đê. Ga có một đôi mắt một mí nhìn rất là yêu, nhưng cậu ấy lại không thích, lúc nào cậu ấy cũng cố hết sức dướn đôi mắt cho thật to lên, thật căng tròn. Nhưng vì một lẽ nào đó tôi lại yêu đôi mắt ấy bởi nó luôn hướng về một điều gì đó thật xa xăm. Nó dường như chứa đựng những hoài bão hay khát vọng thật lớn hơn cả hình hài nó. Và trên hết, tôi yêu nụ cười của Ga, một nụ cười rất đặc biệt: hơi nhếch lên một cách điềm tĩnh, muốn cười một cách tự nhiên, nồng ấm nhưng như có gì ngăn cản lại, thành ra nó chỉ còn nửa miệng.
 
Minh họa: H.T
Minh họa: H.T

Ga và tôi lớn lên cùng nhau. Ấu thơ của chúng tôi là những hôm hái trộm vả của nhà ông Lạc rồi về chấm muối ớt cay xè nhém thèm lũ trẻ chăn trâu không cho chúng tôi đua trâu cùng. Là những hôm vồ ếch để bắt cho được lũ cào cào về rang muối hay đi mót lúa tranh giành những hạt còn vương đầy dưới những thửa ruộng mới gặt xong với những ả vịt. Tôi thích những hôm đi bắt cua cùng Ga, mấy chàng cua thể nào cũng kẹp Ga những cái đau điếng vì anh chàng quá ư hậu đậu. Ga thích ăn nhất là bánh đa cua mà tôi làm, tôi học được từ ngoại. Những khi tôi tráng bánh thể nào anh chàng cũng sẽ ngồi bên ăn vụng những hạt vừng mà tôi vẫn dùng để rải lên mặt bánh. Thể nào cũng thế cho đến khi tôi tức giận lên thì anh chàng lại ngoan ngoãn ngồi lại một góc, gẩy gạch cua vào một cái bát để tôi nấu nước riêu. Ga rất khéo vì đó là món cậu ấy ưa thích, nhẹ nhàng lấy gạch, tỏa nắng vàng ươm, còn những chiếc vỏ thì ở đằng góc sân có những chị gà mái chỉ chực chờ đợi cậu ấy quăng vỏ là tới mổ ngay tắp lự. Ga vẫn hay nói với tôi:
 
- Ngọc này, con gái mà nấu được bánh đa cua là giỏi nhất đấy.
 
Và thể nào cậu chàng cũng bị bà tôi đét cho một cái vào mông:
 
- Cha mi, có món đó món tủ của mi chứ ai mà lấy món đó ra làm món quyết định bao giờ!
 
Và Ga thể nào cũng cười hì hì đúng điệu. Tôi thích nhìn Ga ăn vì trông Ga ăn rất ngon, lúc nào cũng húp xì xụp nhiệt tình, chẳng nề hà gì, riêu hay nước váng dính đầy trên khóe miệng và chiếc bát lúc nào cũng sạch bong, thể nào tôi cũng mắng anh chàng:
 
- Ăn chi mà lắm!
 
Đáng lẽ ấu thơ của chúng tôi cũng sẽ như bao người nếu biến cố không xảy đến với gia đình Ga: ba Ga mất trong một đợt lũ về, nhà sập chôn vùi ông trong đó. Sau lần đó, mỗi khi gặp lại, Ga vẫn hay nói với tôi: “Nếu được mơ ước, Ga mong sẽ trở thành một kiến trúc sư, xây dựng những căn nhà thật vững chãi”. Hoài bão ấy theo Ga đi suốt những tháng năm. Ga là con một, bao yêu thương mẹ giành hết cho cậu, ngày Ga lên phố học nước mắt tôi hóa thành dòng sông. Từng ấy tháng năm Ga đi, chưa bao giờ tôi thôi mơ về một cậu nhóc với nụ cười khuyết ngọt ngào. Tôi hay qua nhà bác Thu, mẹ Ga và nghe bác kể chuyện về cậu con trai đang ở xa nhà. Qua những câu chuyện kể, dường như Ga đang hướng tới ước mơ của mình mỗi lúc một gần hơn. Và tháng năm cứ qua đi, cho đến ngày Ga về quê. Ga về thăm quê cứ như một điều lạ ở phố về với xóm nhỏ. Cũng dễ hơn chục năm Ga đã đi và không quay về, chỉ có người mẹ quay quắt nhớ con thi thoảng lại lặn lội tay xách nách mang lên phố thăm. Chòm xóm nhớ Ga thì ít mà tò mò thì nhiều, chẳng chốc mà con ngõ nhỏ chật kín người đi. Bác Thu cứ sờ nắn tay Ga rồi nước mắt rưng rưng chực trào nơi khóe mắt. Nghe tin Ga về, tôi mừng lắm, bận làm đồng cũng quấn vội mớ tóc sang thăm. Ga ngồi đó, trông rất khác. Thấy tôi, anh nở nụ cười:
 
- Ngọc phải không?
 
Tôi không nói, chỉ cười. Trông Ga rất khác, giọng nói trầm và ấm. Dáng người dong dỏng cao, anh mặc một chiếc áo sơ mi kẻ sọc đóng thùng gọn gàng, chiếc kính trắng trên sống mũi và mái tóc bồng bềnh trông rất ra dáng trí thức. Bác Thu bảo:
 
- Lâu ngày hai đứa mới gặp nhau nhỉ? Ngọc thay bác dẫn thằng Ga đi dạo quanh xóm hít thở khí làng đi con.
 
Tôi bẽn lẽn ầu ơ.
 
- Anh đã thành kiến trúc sư rồi đấy!
 
Ga cười, nụ cười không tự nhiên và có phần che giấu.
 
- Trông Ngọc lớn lắm rồi đấy. Ra dáng thiếu nữ rồi nhé. Lấy chồng được rồi.
 
Tôi nhìn Ga, như có một khoảng trời gì đó rất khác, với cả dáng vẻ và sự ý nhị trong từng câu nói. Tôi cúi đầu im lặng. Trong tôi như có một cái gì đó, nó tựa như một khoảng trắng, khoảng trắng tôi chờ đợi một cậu bạn từ thuở niên thiếu suốt từng ấy năm để rồi giờ nhận ra trong người ta có gì đó thay đổi. Phải chăng gái quê chỉ nên nhớ trai làng, hay bởi chỉ vì khoảng cách và thời gian khiến tôi và Ga đổi khác? Ở vài ngày Ga lại đi, dong ruổi theo ước mơ, câu chuyện tôi nghe bác Thu kể chỉ còn là những món tiền Ga gửi về đều đặn hàng tháng. Tôi thấy nụ cười trên môi bác và cả sự hãnh diện, chỉ có tôi là mất đi một điều gì đó ký ức tuổi thơ mà tôi cứ nghĩ bởi tôi nghĩ suy nhiều.
 
Được ít lâu tôi lên phố, cuộc sống cứ theo nhịp nhảy từng điệu rất nhẹ nhàng. Tôi yêu một chàng trai phố thị, tên Lạc. Tôi là một cô gái nhút nhát nên khi bắt đầu tình yêu cũng chỉ có thể giới thiệu được với một người là Ga. Chúng tôi gặp nhau trong một quán cafe, giới thiệu nhau như lẽ tự nhiên. Lạc hay đùa và kiêu hãnh, anh nhìn Ga và trêu:
 
- Anh Ga, anh không yêu cô ấy đấy chứ?
 
- Không, anh xem cô ấy như em gái vậy.
 
Chẳng hiểu sao câu nói của Ga làm tôi man mác buồn. Lạc và tôi đều là những sinh viên năm đầu, so với người đã tốt nghiệp như anh hãy còn bỡ ngỡ. Lạc cũng là sinh viên kiến trúc nên anh cứ như tiền bối. Anh khẽ bảo:
 
- Ráng học và sau này làm một kiến trúc sư thật tốt em nhé?
 
Vì Lạc có sự kiêu hãnh rất cao nên bỗng chốc câu nói của Ga trở thành một nghĩa khác:
 
- Có vẻ anh là một kiến trúc sư rất giỏi nhỉ? Nói nghe có vẻ kinh nghiệm.
 
Ga có hơi sửng người rồi anh xin phép ra về. Mọi chuyện cứ thế qua đi, cho đến ngày Lạc gửi cho tôi một tin nhắn chỉ vỏn vẹn một địa điểm. Khi tới đó, tôi thấy Ga... Chẳng phải là một chàng kiến trúc sư lịch lãm như hồi còn ở quê hay như những khi chúng tôi gặp nhau nữa. Ga, trên vai là những bao tải cát và chiếc mũ bảo hộ màu vàng trên gương mặt lấm lem bụi. Anh làm khuân vác. Thấy Ga, Lạc cất tiếng gọi:
 
- Chào anh kiến trúc sư, giờ hạ cấp tới mức này sao?
 
Ga có vẻ bất ngờ và sau đó là gương mặt đỏ lừ vì xấu hổ. Thì ra bấy lâu lên phố, anh đã thi đậu kiến trúc nhưng không đủ tiền để học, sau thời gian trôi qua, ước mơ kiến trúc chỉ còn là hoài niệm, anh lăn lộn làm đủ nghề để sống. Thế nhưng, Ga chưa bao giờ can đảm nói với mẹ vì mẹ luôn hy vọng Ga thành danh, nở mày nở mặt khi bao yêu thương dồn hết cho anh. Lạc cười:
 
- Ố ồ cũng là kiến trúc sư nhỉ? Có điều kiến trúc sư này xây nhà trực tiếp, chứ kiến trúc thường thì toàn xây nhà trên bản vẽ nhỉ? Ha ha!
 
Tôi nhìn Ga, cảm giác gì đó rất đau lòng, nó gần như với sự lừa đối. Anh mắt tôi nhíu lại một nỗi đau không thể tả. Cứ như Ga đang lừa dối chòm xóm xung quanh để người ta kính nể mình. Lừa dối mẹ Ga, đã tin tưởng Ga biết nhường nào, kỳ vọng vào Ga, nếu một ngày bác biết thì sẽ như nào? Và,... cả tôi, tôi có là gì trong Ga? Chúng tôi đi qua nhau như hai người lạ. Tôi tốt nghiệp và kết thúc luôn mối tình với Lạc. Thi thoảng tôi lại hỏi thăm về Ga và ngắm nhìn anh đang vất vả từng ngày nơi phố thị. Chẳng hiểu sao trong tôi chẳng có chút gì giận dỗi như ngày xưa nữa cả. Lạc có tình yêu mới, cái kiêu hãnh của chàng trai mới lớn vẫn thích thể hiện mình. Lạc thường dãn người yêu giễu cợt trước mặt tôi, và lúc ấy, thề có lá vàng rơi, tôi chỉ cúi đầu mỉm cười chúc phúc cho đôi bạn. Thế nhưng thi thoảng tôi cũng đau, đau vì một nỗi cô đơn. Tôi với lấy điện thoại nhắn tin cho Ga: “Chỗ lần đầu tiên”. Tôi rảo bước trên Nhà thờ Đức Bà và lạc lối nghe nhạc của những cô cậu sinh viên đang vui thú. Tôi tự cười với chính mình, gớm, cái cách tôi gọi họ là cô cậu sinh viên nghe sao lớn quá, trong khi tôi cũng chỉ mới ra trường. Đằng đẵng cả tiếng trôi qua, bóng dáng Ga như một khoảng sương mù nào đó, tôi lại cười, có thể anh đã thay số, và ừ, có lẽ sau từng ấy năm anh cũng đã có những mối quan tâm khác nào đó ngoài cô bạn bé bỏng ngày xưa. Hoặc giả, anh cũng chẳng còn nhớ nơi đầu tiên anh dẫn tôi tới khi tôi lần đầu tới Sài Gòn. Và tôi lại thênh thang suy nghĩ sao ngày đó tôi lại không bênh vực anh trước Lạc, khi tôi hiểu anh không phải là người như vậy. Suốt khoảng thời gian ấy tôi cứ suy nghĩ những gì anh đã trải qua, những vất vả khi lần đầu tiên anh chạm bước Sài thành. Tôi tìm gặp những người bạn của anh ở đây, nghe họ kể rất nhiều về anh, về việc anh nhận tin báo đỗ nhưng gạt nước mắt bỏ đi cũng chỉ vì không đủ tiền bám trụ, về việc anh làm lụng vất vả như thế nào nuôi người mẹ già ở quê, và cả dành dụm những khoản tiền để đăng ký học lại. Nỗi đau của người gạt nước mắt vì kế sinh nhai đau lắm, bất chợt tôi ngẩng lên, tia nắng nhảy múa trước mặt tôi, bóng dáng Ga chạy tới thở dốc:
 
- Anh xin lỗi, anh bị trễ chuyến xe.
 
Ngay sau đó, Ga nở nụ cười của mình, bên những giọt mồ hôi đang rơi lả tả, tôi thấy Ga cười rất tươi, một nụ cười khuyết điềm tĩnh, chân thành.
 
Truyện ngắn: LÊ HỨA HUYỀN TRÂN