(LĐ online) - Trước thềm Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI – 2015, nhà thơ Trần Ngọc Trác, nguyên Chủ tịch Hội VH-NT Lâm Đồng tặng tôi tập sách Duyên nợ Đà Lạt - tập 2 (NXB Văn học 2015). Đây là tập sách thuộc thể loại sưu khảo và cảm nhận, tập 1 xuất bản năm 2013 và tái bản năm 2015.
(LĐ online) - Trước thềm Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI – 2015, nhà thơ Trần Ngọc Trác, nguyên Chủ tịch Hội VH-NT Lâm Đồng tặng tôi tập sách Duyên nợ Đà Lạt - tập 2 (NXB Văn học 2015). Đây là tập sách thuộc thể loại sưu khảo và cảm nhận, tập 1 xuất bản năm 2013 và tái bản năm 2015. Trong lời tâm sự, tác giả Trần Ngọc Trác viết: “Ngoài cố đô Huế - nơi cha mẹ sinh ra tôi, Đà Lạt là thành phố mà tôi đã gắn bó gần bốn mươi năm với rất nhiều kỷ niệm. Tôi muốn dành thời gian còn lại của cuộc đời mình đi tìm những con người cụ thể đã từng được sinh ra và lớn lên ở chốn này; những con người tứ xứ đến đây định cư, lập nghiệp; những con người đã một lần thoáng qua đây nhưng để lại biết bao dư âm hoài niệm”. Vì lẽ đó mà tập sách được tác giả trân trọng “Kính tặng Đà Lạt – thành phố tôi yêu”.
Là nhà thơ và trước hết là một nhà báo nhiều năm gắn bó với Đà Lạt – Lâm Đồng, Trần Ngọc Trác am hiểu sâu sắc về quá trình hình thành và phát triển của thành phố sương mù; vùng đất, con người nơi đây. Anh có thế mạnh về nghiên cứu và sưu tầm tư liệu một cách chuyên nghiệp, khoa học; kiến văn rộng. Có thể bắt gặp trong “Duyên nợ Đà Lạt” những những dòng, những đoạn viết về địa danh, nhân vật từng đăng trên báo, tạp chí ở giai đoạn nào đó… thế nhưng qua sự tổng hợp và phân tích một cách có hệ thống của tác giả, độc giả cảm nhận cuộc đời – sự nghiệp của nhân vật thêm phần sống động hơn.
Với tâm nguyện “làm rõ hơn những địa danh, con người đã từng cống hiến cho mảnh đất yêu quý này. Họ có thể là chính khách, doanh nhân, nhà khoa học… Họ có thế là tao nhân mặc khách đã từng rung cảm trước thiên nhiên, con người Đà Lạt mà viết nên những áng văn hay, những câu thơ tuyệt tác”, Trần Ngọc Trác đã dày công sưu tầm, chắt lọc tư liệu; trực tiếp hay gián tiếp tiếp cận; đối chiếu nhân vật qua nhiều góc độ để thể hiện đúng bản chất sự việc, con người.
“Duyên nợ Đà Lạt” (tập 2) gồm 10 bài khảo cứu và cảm nhận về: Bảo Đại – Vị vua cuối cùng của triều Nguyễn và những dấu ấn ở Đà Lạt, Duy Khánh – Hát với quê hương và Giã từ Đà Lạt, Đoàn Đình Duyệt – Người Việt đầu tiên viết về Đà Lạt, Hoàng Thi Thơ với “Chuyện tình nàng trinh nữ tên Thi”, Hoàng Trọng Phu – Người lập ấp Hà Đông, Nhất Linh – Chủ soái Tự lực Văn đoàn đã sống cùng Đà Lạt, Nguyễn Vỹ với tên gọi Hồ Xuân Hương, Phạm Khắc Hòe – Người đóng “triện son” lập ấp Nghệ Tĩnh, Trần Lệ Xuân – Biệt điện ở Đà Lạt và những câu chuyện kể, Việt Trang – Thơ ca và địa phương chí Đà Lạt. Các bài viết có kèm nhiều ảnh tư liệu quý minh họa sinh động cho nội dung.
Như đã đề cập “Duyên nợ Đà Lạt” (tập 2) sưu khảo và phác thảo một cách sinh động về các nhân vật có liên quan đến Đà Lạt, một trong những tư liệu ấy cần kể đến bài “Đoàn Đình Duyệt - Người Việt đầu tiên viết về Đà Lạt”. Theo Trần Ngọc Trác: “Kể từ ngày bác sĩ Alexandré Yersin tìm ra Đà Lạt (21/6/1893) đến nay, phần lớn những hình ảnh, ghi chép, lưu trữ ở các thư viện đều do người Pháp và phương Tây thực hiện. Thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có bài viết giới thiệu về một người Việt Nam đầu tiên viết về vùng đất này. Đó là Nam tước Đại thần Đoàn Đình Duyệt, Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công, sung chức Cơ mật Đại thần, kiêm Quản đốc Đô sát viện, biên soạn. Tác phẩm có tên “Lâm Viên hành trình nhật ký” ghi chép chuyến công du lên cao nguyên Lâm Viên theo lệnh của triều đình Nhà Nguyễn trong hơn nửa tháng, từ ngày mồng 10 tháng 07 đến 26 tháng 07 năm Đinh Tỵ (1917).
Tháng 03 và 04 năm 1918, tác phẩm này được đăng trên Nam Phong tạp chí bằng chữ Hán – Nôm trong 2 số liền (9 và 10)… Nam Phong tạp chí đã công bố toàn văn tác phẩm này, trong đó có một số đoạn như sau:
“… Đến Eo Gió liền có xe điện của quý toà Đa Lạc [Đà Lạt] xuống đón. Lên xe lúc 11 giờ trưa, đến 12 giờ 50 phút tới Đa Lạc, tức tỉnh lỵ tỉnh Lâm Viên, đường bộ dài 61 ki-lô-mét. Tính từ Eo Gió trở lên thì xe chạy nhanh được trên khoảng đường chừng 50 ki-lô-mét. Đường lúc này bằng phẳng, có chỗ như miền trung châu. Ven đường có độ năm, ba cái sách [xóm có rào] của người Thượng. Nhà lụp xụp, thô sơ. Đất trồng lúa mỗi nơi chỉ được độ một, hai khoảnh nhỏ, còn lại là đất trống mênh mông, nhìn ra thấy hoang vu cả ngàn dặm tới tận cùng tầm mắt. Nếu di dân lập ấp, khai khẩn canh tác thì có thể có được hai, ba trăm thôn. Đó là đất đai ven hai bên đường, mắt có thể nhìn thấy được. Còn những nơi khác cách xa, bên sau non suối, chưa có thể khảo sát được.
Từ 50 ki-lô-mét trở lên xa hơn, lại phải men theo núi mà đi. Trên dưới đồi núi chập chùng, lối đi quanh co. Vùng đất này sản sinh rất nhiều thông, hai bên đường đi nhìn thấy toàn màu xanh, một màu xanh biếc thật đẹp mắt.
Chiều ngày 16, bất kể trời mưa, lên xe kéo ra đi. Nhìn bốn phía thấy núi cao vây bọc, rừng thông rậm rạp, ở giữa có chừng vài ngàn mẫu đều là núi bằng, đồi trọc cao thấp nhấp nhô. Từ các dinh thự, nhà cửa cho đến khách sạn, nhà ở của người dân, thảy đều xây cất trên đồi núi. Dưới chân núi nào cũng có đường cái đan chéo ngang dọc, xe điện có thể chạy được. Lại có những cánh đồng bằng bé nhỏ có thể cày cấy. Từ dưới đồng bằng nhìn lên, thấy trên núi lâu đài sắp xếp như quân cờ, la liệt như sao. Cảnh đẹp giống như tranh vẽ.
… Cách Đa Lạc 14 ki-lô-mét là Lâm Viên, nơi đây có một vườn hoa và một chỗ nuôi thú. Trong vườn đất đai phì nhiêu, bốn mùa đều có rau đậu phương Tây tươi tốt, xứng đáng được gọi là Đàn Hương Sơn trên đại lục. Đàn Hương Sơn thuộc vùng biển Tây bán cầu, đi theo đường biển thì 7 ngày tới châu Mỹ. Bốn mùa cây cỏ đều ra hoa, kết quả, nổi tiếng thế giới.
Cách Lâm Viên phỏng chừng 5 - 6 ki-lô-mét còn có suối Đan Ki [Đăng Kia], tiếng Tây dịch là Ưng-kỳ-du-kiệt-từ [Ankroët]. Dòng suối ấy từ trong lòng đất chảy vọt ra. Từ hai khe đá, nước phun ra giao nhau rót xuống ngay giữa một thạch bàn.
Tục truyền tiên ngồi tắm trên thạch bàn đó. Dưới thạch bàn lại có một hang đá lớn, nước suối chảy qua thạch bàn, trút xuống hang đá ấy từ độ cao trên 40 thước tây. Nước suối chảy rẽ làm 5 mạch. Từ ngoài nhìn vào, nước từ trong thạch bàn trào vọt ra, trút từ trên cao xuống thành 5 dòng như 5 con rồng phun nước. Tục gọi đó là hồ tiên tắm, hình thế thật lạ kỳ.”
Bên cạnh các nhân vật nổi tiếng được sử sách đề cập nhiều như Bảo Đại, Hoàng Trọng Phu, Phạm Khắc Hòe…, qua “Việt Trang – Thơ ca và địa chí Đà Lạt”, Trần Ngọc Trác cũng dựng thành công chân dung ông Phạm Gia Triếp, người núi Ngự sông Hương nhiều năm sống, làm thơ và dày công nghiên cứu địa phương chí Đà Lạt mà chưa nhiều người biết tới. Theo tác giả, từ trước 1975, ông Phạm Gia Triếp đã âm thầm soạn “Địa phương chí Thị xã Đà Lạt” có 8 chương. “Chương I nói về lịch sử. Chương này ông đề cập đến 3 giả thuyết liên quan đến chữ Đà Lạt, như:
“ a/ Giả thuyết thứ nhất: Khi bác sĩ Yersin đến suối Cam Ly ngày nay gặp nhiều thổ dân đang tắm rửa, hỏi tên con suối ấy, họ đáp là DAK LAT. Dak là suối và Lat là một bộ lạc Thượng, và Dak Lat có nghĩa là suối của người Lat.
b/ Giả thuyết thứ nhì: Khi bác sĩ Yersin có ý định lập thành phố, có hỏi ý kiến một người Việt học thức rộng. Ông này đáp: “Giá cất đây một thành phố thì vui lắm, nào là sông, hồ, đồi, suối…”. Vậy, dịch chữ “vui lắm”, đặt tên cho thành phố ấy. Đó là chữ “Đa Lạc”. Đa là nhiều, lạc là vui, do đó, sau này được viết trại ra là Đà Lạt.
c/ Giả thuyết thứ ba: Bác sĩ Yersin vốn biết nhiều về La tinh, nhận thấy Đà Lạt thích hợp với mọi người, Bác sĩ cho là nơi đây “giúp cho người này nguồn vui, kẻ khác một thời tiết tốt” (donner aux uns la joie, aux autres la température) rồi Bác sĩ dịch thành tiếng La tinh “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem”, đoạn lấy những chữ đầu ghép lại thành danh từ Đà Lạt ngày nay.
Trước kia, vùng Đà Lạt đặt dưới quyền cai trị của vị Tù trưởng tài ba tên là Yaguot, đã từng chiến đấu chống lại thực dân trong thời kỳ đô hộ.”
Đặc biệt trong “Chương VI, ông Phạm Gia Triếp ghi là Chương Kinh tế” được viết rất cụ thể. “Lúc đó Đà Lạt có đến 10.944 hécta đất có thể khai thác, trong đó có 9.464 hécta đã đưa vào sử dụng. Nguồn lợi chính của thành phố là rau cải, hoa quả như: Sà – lát, Sú, Bắp cải, Sú- lơ, Cải thảo, Sà – lát cô ron, Cà – rốt, Cresson, Hành ta, Su – hào, Khoai – tây, Artichaut, Poireau v.v.. Mức sản xuất hàng năm khoảng 15. 000 tấn, xuất bán trên 10. 000 tấn. Đà Lạt có đến 90% dân số sống về nghề trồng rau.
Người làm vườn cần cù chịu khó, sản phẩm làm ra vẫn bị các chủ vựa và thương lái bắt chẹt, ép giá. Vì vậy, đến năm 1958 Hợp tác xã rau Đà Lạt được thành lập, quy tụ được 3.434 xã viên tham gia. Tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã nhằm mục đích loại trừ trung gian bóc lột, đem lại sự giúp đỡ về hướng dẫn chuyên môn cũng như về tiếp tế nông phẩm, nông cụ cho nhà vườn. Tuy nhiên hợp tác xã đã bị gian thương tìm cách lũng đoạn, nên dù chính quyền tận tâm giúp đỡ vẫn chưa đem lại kết quả mong muốn. Thêm vào đó, thủ tục vay tiền quá phiền toái, nhà vườn không đủ điều kiện, lại chưa ý thức được rõ rệt về bổn phận và quyền lợi xã viên trong Hợp tác xã, nên có xu hướng trở về lại với nếp sống cũ”...
Vài dòng cảm nhận về tập 2 song tôi tin rằng bộ “Duyên nợ Đà Lạt” là tác phẩm được sưu khảo, cảm nhận rất công phu và khoa học về những nhân vật liên quan đến quá trình phát triển của thành phố sơn nguyên Đà Lạt. Bộ sách cũng là thành quả đáng trân trọng mà Trần Ngọc Trác đã lặng lẽ “tìm hoa gom mật” cho địa danh Đà Lạt vang xa!
ĐAN THANH