Xã hội ngày càng phát triển kéo theo quá trình hội nhập, giao thoa văn hóa có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, những nét đẹp mang bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đã và đang bị mai một dần. Nhưng ở đâu đó vẫn còn những con người có tâm huyết, họ luôn âm thầm, miệt mài sưu tầm, duy trì nhằm góp sức lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Xã hội ngày càng phát triển kéo theo quá trình hội nhập, giao thoa văn hóa có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, những nét đẹp mang bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đã và đang bị mai một dần. Nhưng ở đâu đó vẫn còn những con người có tâm huyết, họ luôn âm thầm, miệt mài sưu tầm, duy trì nhằm góp sức lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
|
Ông Bùi Văn Sòn tận tình truyền dạy cách đánh chiêng |
Cao nguyên Di Linh luôn được biết đến là vùng đất có đông đồng bào DTTS sinh sống, chủ yếu là người K’Ho. Trước đây, sống bằng nghề canh tác lúa nước và theo tín ngưỡng đa thần, nên hàng năm, họ thường tổ chức các lễ hội nông nghiệp để thờ cúng, tạ ơn Yàng và trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, những năm qua, nhất là từ năm 1990 trở lại đây, bà con không còn duy trì tốt việc tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống. Nhưng với già làng K’Krêng ở xã Bảo Thuận (Di Linh), văn hóa truyền thống như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Nó như đã ngấm sâu vào máu thịt của ông. Cuộc sống có những lúc thăng trầm và mùa vụ có năm bị thất thu, nhưng già luôn duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống trong phạm vi gia đình, như: Lễ gieo sạ, cúng dưỡng lúa và mừng lúa mới. “Người K’Ho tồn tại đến ngày nay là nhờ thần lúa (Ndu Yàng Kòi). Các lễ hội văn hóa truyền thống của người K’Ho từ thần lúa mà ra. Ngày nay, khi xã hội phát triển, cuộc sống của bà con đã có nhiều tiến bộ, nên họ đã tiếp thu văn hóa ngoại lai mà quên luôn nguồn gốc của mình. Với tôi, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng không thể đánh mất cái bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình” - già K’Krêng nói.
Những lần chứng kiến già tổ chức lễ hội ở cánh đồng cũng như tại nhà, già K’Krêng đều dựng cây nêu và chuẩn bị mọi thứ cần thiết, như: con dê, con gà hay con vịt, cơm nếp, trứng gà và cả chóe rượu cần… để thực hiện các nghi thức cúng Yàng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Di Linh có lẽ chỉ mình già là người còn thuộc nhiều bài khấn Yàng và khấn bài bản nhất. Vì vậy, hàng năm, già không chỉ được bà con ở Bảo Thuận mời tham dự thực hiện các nghi lễ cúng Yàng mỗi khi tổ chức lễ hội, mà còn được huyện, tỉnh mời tham gia liên hoan văn hóa cồng chiêng trong và ngoài tỉnh hoặc chọn đứng ra tổ chức lễ cúng thần lúa tại gia đình. Ngày nay, ở các bản làng vùng đồng bào DTTS đã có nhiều khởi sắc, nhiều nhà xây cao tầng “mọc” lên khắp nơi, nhưng già K’Krêng vẫn giữ lại nếp sống bình dị, đơn sơ trong nhà sàn truyền thống cùng với chiêng, chóe, kho thóc… Già là người duy nhất còn giữ nghề chế tác trống cũng như thường xuyên trải lòng với những câu hát Tam pla, Pơn đík, Đơs long… mượt mà của người K’Ho.
Còn ông Bùi Văn Sòn (người Mường ở xã Tân Lâm) thật đáng quý, trân trọng và khâm phục. Năm 1990, ông cùng gia đình rời Hòa Bình vào Di Linh sinh sống. Những năm đầu ở vùng quê mới, tuy gặp không ít khó khăn, vất vả, nhưng ông luôn động viên vợ con chịu thương, chịu khó để thực hiện những ước mơ mà ông luôn ấp ủ từ bao đời nay, là tạo dựng văn hóa Mường trên cao nguyên đất đỏ bazan trù phú. Bằng những nỗ lực của bản thân và gia đình, khi điều kiện kinh tế đã khá giả hơn, năm 2013, ông Bùi Văn Sòn đã đầu tư trên 800 triệu đồng để làm nhà sàn truyền thống của người Mường. Chưa hài lòng với những gì mình đã làm được, năm 2014, ông còn mua 1 bộ cồng chiêng trị giá 25 triệu đồng; đồng thời, thành lập Đội cồng chiêng của người Mường.
Ông Bùi Văn Sòn cho biết: “Người Mường cũng như các dân tộc anh em khác đều có nét văn hóa truyền thống riêng. Vì muốn duy trì và bảo tồn văn hóa truyền thống cho thế hệ con cháu, nên nhiều năm qua, tôi luôn quyết tâm phục dựng văn hóa Mường tại quê hương thứ 2. Vì lẽ đó mà thời gian qua, tôi thường xuyên vận động con cháu cũng như bà con người Mường cần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Không chỉ bà con dân tộc Mường mà còn nhiều người dân ở địa phương đều rất khâm phục với những việc làm cao quý của ông Bùi Văn Sòn. Theo ông, hiện nay ở các bản Mường tại xã Tân Lâm, nhiều hộ người Mường đã xây dựng các ngôi nhà xi măng theo mô hình nhà sàn truyền thống có trị giá từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng.
|
Già làng K’Krêng tâm huyết với văn hóa truyền thống |
Riêng về cồng chiêng, sau hơn 1 năm từ ngày ra mắt Đội cồng chiêng (9 thành viên), đến nay, ông và các thành viên trong Đội đã truyền dạy cho 23 thanh thiếu nữ dân tộc Mường ở Tân Lâm. Trong những ngày tập đánh cồng chiêng, ông không chỉ tận tình chỉ dạy cho các cháu về cách đánh cơ bản cho đến các bài cồng chiêng phục vụ trong các dịp lễ tết, đám cưới, đám ma…, giải thích cho các cháu hiểu sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống của người Mường, mà còn chăm lo cho họ từng bữa ăn, nên các cháu ai nấy đều hứng khởi, siêng năng tập luyện và luôn quý trọng ông. Từ ngày có Đội cồng chiêng, tại các lễ hội văn hóa và các ngày lễ lớn của đất nước được tổ chức trên địa bàn xã, đều có mặt Đội cồng chiêng người Mường tham gia biểu diễn. Ngoài ra, Đội còn tổ chức các đợt đi giao lưu, biểu diễn với các địa phương trong và ngoài huyện.
Trong xu thế hội nhập, giao lưu văn hóa, việc tiếp thu các dòng văn hóa khác là điều không thể tránh khỏi. Nhưng tiếp thu một cách tích cực, có chọn lọc và vẫn giữ văn hóa truyền thống là điều rất cần. Những việc làm của già làng K’Krêng, ông Bùi Văn Sòn… rất có ý nghĩa trong công tác lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
NDONG BRỪM