Hình ảnh con khỉ trong văn học dân gian

07:02, 09/02/2016

Cái thuở ông bà ta hưởng ứng phong trào Nam Tiến đi mở cõi đất phương Nam thì ở đây rất hoang vu, hình ảnh con khỉ xuất hiện rất nhiều trong khung cảnh và đời sống. Trong lúc con người còn đang ngơ ngác trước cảnh sông nước mênh mông, rừng già âm u bát ngát, thì loài khỉ và các con vật khác ung dung sống trong khung cảnh hoang dã quen thuộc của chúng, dường như tự hào rằng chính chúng mới là chủ nhân nơi đây

Cái thuở ông bà ta hưởng ứng phong trào Nam Tiến đi mở cõi đất phương Nam thì ở đây rất hoang vu, hình ảnh con khỉ xuất hiện rất nhiều trong khung cảnh và đời sống. Trong lúc con người còn đang ngơ ngác trước cảnh sông nước mênh mông, rừng già âm u bát ngát, thì loài khỉ và các con vật khác ung dung sống trong khung cảnh hoang dã quen thuộc của chúng, dường như tự hào rằng chính chúng mới là chủ nhân nơi đây:
 
Chiều chiều én liệng trên trời 
Rùa bò dưới đất khỉ ngồi trên cây
 
Đến khi một số nơi đã được khai phá và xây dựng thì cảnh quan đổi mới, nhưng không đồng đều, có những nơi phát triển nhanh mang dáng dấp của đô thị nhưng một vài nơi khác vẫn còn giữ bộ mặt hoang sơ:
 
Xứ Cần Thơ nam thanh nữ tú 
Xứ Rạch Giá vượn hú chim kêu
 
Miệt Bạc Liêu, Cà Mau có phổ biến câu hò sau đây:
 
Tháng ba khăn gói ra hòn 
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang Mai
 
Hồi đó, tôi không hiểu, tưởng đâu nơi hang ấy mọc thật nhiều cây mai rừng đến mùa xuân trổ hoa vàng thắm, rực rỡ cả hang động, tới chừng đọc cuốn phóng sự Đồng Quê của nhà văn Phi Vân (đoạt giải thưởng của Hội Khuyến học Cần Thơ năm 1943), mới vỡ lẽ ra “mai” tiếng địa phương có nghĩa là “khỉ” và hang mai tọa lạc tại địa thế như sau: “Kinh Hang Mai ở làng Khánh Lâm, Cà Mau, bắt đầu từ kinh Biện Nhi trổ ra Tiểu Dừa... Ở hai bên bờ người ta có thể gặp những con trúc, rái, kỳ đà, chồn, ong mật và vô số cá”. Từ điển phương ngữ Nam Bộ của Nguyễn Văn Ái năm 1994 cũng có chú thích nghĩa của chữ “mai” là “khỉ”. Như vậy, ta suy luận ra rằng nơi hang Mai có rất nhiều khỉ.
 
Không cần có cái nhìn chi li như nhà khoa học, chỉ nhìn đơn giản thì ta cũng có thể biết được khỉ là loài thú cao cấp gần với người, giỏi leo trèo, bàn chân bàn tay có thể cầm nắm được. Khỉ rất thích bắt chước con người. Từ ngữ “khỉ” xuất hiện rất nhiều trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của chúng ta:
 
Khỉ ho cò gáy: Nơi rừng núi xa xăm hiểm trở hoặc thôn quê hẻo lánh, ít người đi đến.
 
Cầu khỉ: Loại cầu đơn sơ bằng tre hoặc cây gỗ bắc qua kênh rạch ở các tỉnh miền Tây Nam bộ.
 
Phá như khỉ: Chỉ những hành động quậy phá tập thể gây nên nhiều tác hại nghiêm trọng như bầy khỉ phá phách nương ngô, rẫy lúa.
 
Thằng khỉ, đồ khỉ: Tiếng rủa thân mật khi bực mình, không vừa ý.
 
Rõ khỉ: Tự trách mắng bản thân khi làm điều gì đó không như ý.
 
Khỉ già: Lời chửi mắng của người phụ nữ khi gặp những gã đàn ông lớn tuổi sàm sỡ với mình.
 
Khỉ gió: Lời phản ứng của các cô gái khi bị người yêu hoặc bạn thân trêu chọc, dĩ nhiên, đây là phản ứng thân thiện mà đối tượng không thấy phật lòng, trái lại còn có thể thích thú. 
 
Khỉ ơi là khỉ: Thành ngữ chế giễu những người có hành động buồn cười. Đôi khi người ta cũng dùng thành ngữ này để tự chế giễu mình. Nhà thơ Tú Xương có các câu thơ phê phán: “Cử nhân cụ ấm Kỷ/ Tú tài con đô Mỹ/ Thi thế cũng đòi thi/ Ới khỉ ơi là khỉ”.
 
Rung cây nhát khỉ: Chế giễu những người làm việc vô ích vì khi rung cây nhát khỉ thì khỉ đâu có sợ, đó chỉ là việc dọa dẫm vô ích, chỉ tổ làm trò cười cho kẻ khác.
 
Mặt nhăn như khỉ.
 
Như khỉ ăn gừng/ Như khỉ ăn ớt/ Như khỉ dính mắm tôm: Vẻ mặt cau có của một người nào đó, ngụ ý chê bai.
 
Khỉ chê khỉ đỏ đít: Mình xấu lại đi chê người khác xấu. Ca dao cũng có câu: “Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ mới trả lời cả họ mày thơm” có ý nghĩa tương tự. Câu ca dao này còn có hàm ý phê phán: những kẻ xấu thường chê bai lẫn nhau.
 
Thường khi nói về khỉ người ta có thành kiến xấu, bởi vậy có một vài người cầm tinh con khỉ phải chịu mặc cảm tự ti: “Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi/ Riêng em ngậm ngùi mang lấy tuổi Thân”. Trong bài vè 12 con giáp, hình ảnh về những người tuổi khỉ không lấy gì khả quan lắm: “Tuổi Thân con khỉ ở lùm/ Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông”. Tuy vậy xin quý bạn tuổi khỉ chớ bi quan vì có một huyền thoại tôn vinh con khỉ, đó là thành ngữ “Con khỉ khô”. Tiến sĩ Trần Văn Nam trong bài viết Xuân Giáp Thân ở Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ có ghi lại huyền thoại về Con khỉ khô ở Đồng Tháp Mười nhắc đến khỉ là một loại thuốc quí. “Truyện kể rằng có một thằng bé đuổi bắn con chim tiu liu tình cờ phát hiện ra xác con khỉ đã khô trong rừng Đồng Tháp. Xác con khỉ chẳng những không hôi thối mà còn thơm phức mùi trầm hương (xác khỉ nằm trên chạng cây trầm hương). Theo lời của một danh y người Hoa trên Chợ Lớn thì đây chính là xác của con bạch lão hầu có tuổi thọ từ 500 năm trở lên. Ông ta (vốn dòng dõi ngự y) đã nài mua xác con khỉ với giá 20.000đ - hai mươi ngàn đồng (thời đó một giạ lúa chỉ có hai cắc). Theo người Hoa nọ thì loại bạch lão hầu này chỉ thích ăn yến lê có ở Cảnh Sơn Dương và Ngũ Đài Sơn của Trung Quốc. Xác của nó từng được dùng làm thuốc cải tử hoàn sinh, thuốc trường sinh. Như thể xác con khỉ là một gia tài đồ sộ mà thiên nhiên đã ban tặng cho cha con người nông dân Đồng Tháp”.
 
Nhân dịp Xuân Bính Thân, kính chúc quý bạn đọc được nhiều may mắn, có thể phát hiện được “con khỉ khô” để làm dược liệu giúp ích cho nhân loại và làm giàu cho bản thân mình.
 
Nguyễn Thanh Lan