Khỉ trong chuyện cổ các dân tộc Tây Nguyên

07:02, 09/02/2016

Khỉ là một loài vật thông minh hơn các loài vật khác và thường hay có thói quen bắt chước. Khỉ xuất hiện trong văn hóa các dân tộc thường tượng trưng cho tinh thần lạc quan, sự nghịch ngợm, láu lỉnh và đôi khi còn mang yếu tố thần thánh như khỉ thần Hanuman trong truyền thuyết Ấn Độ, Tôn Ngộ Không trong truyện Tây Du Ký của Trung Hoa. 

Khỉ là một loài vật thông minh hơn các loài vật khác và thường hay có thói quen bắt chước. Khỉ xuất hiện trong văn hóa các dân tộc thường tượng trưng cho tinh thần lạc quan, sự nghịch ngợm, láu lỉnh và đôi khi còn mang yếu tố thần thánh như khỉ thần Hanuman trong truyền thuyết Ấn Độ, Tôn Ngộ Không trong truyện Tây Du Ký của Trung Hoa. Ở Tây Nguyên hình ảnh con khỉ cũng xuất hiện trong truyền thuyết của một số dân tộc bản địa, nó vừa gần gũi, thân thiện với con người, núi rừng nơi đây nhưng cũng rất nhanh nhẹn, láu lỉnh, vui nhộn.
 
Ảnh: THANH TOÀN
Ảnh: THANH TOÀN
Có một câu chuyện cổ còn lưu truyền trong một nhóm người Mơ-nông, lý giải vì sao người Mơ-nông không ăn thịt khỉ. Chuyện kể rằng: ngày xưa, người Mơ-nông sinh nở rất khó khăn, người mẹ thường bị chết nên phải rạch bụng lấy con. Nên trong buôn làng của người Mơ-nông khi đó hễ có một sinh linh ra đời là lại có một người phải ra đi. Cho đến một ngày nọ, khi trong làng có một phụ nữ sắp đến kỳ sinh con, đang lúc người chồng và dân làng rất buồn và lo lắng, thì chợt có một bầy khỉ đến kiếm ăn và nô đùa cạnh làng. Nhìn đám khỉ con nô đùa hạnh phúc bên mẹ, người chồng của người phụ nữ sắp sinh chạnh lòng nghĩ tới người vợ và đứa con sắp chào đời của mình liền đến gần than vãn và nhờ khỉ cứu giúp vợ con mình. Sau khi nghe xong, khỉ đầu đàn tỏ vẻ thương cảm nhận lời cứu giúp nhưng cũng không quên dặn người chồng và dân làng phải mang tới cho khỉ 7 gùi bắp đầy, 7 buồng chuối chín và các loại hoa quả khác, mỗi thứ phải đủ bảy gùi. Sau khi ăn uống no nê, khỉ đầu đàn ra hiệu cho cả đàn đi vào rừng hái về một loại lá cây có nhớt, vò nát và vắt nước nhớt vào cửa mình của người mẹ rồi xoa bụng giúp em bé sinh ra được dễ dàng, nhờ vậy người mẹ được cứu sống, cả nhà và dân làng rất đỗi vui mừng. Từ đó, để tỏ lòng biết ơn loài vật ân nhân của bộ tộc mình, người Mơ-nông không ăn thịt khỉ.
 
Trong chuyện cổ của người K’Ho, thì khỉ xuất hiện với vẻ ngờ nghệch, thật thà và dễ tin người. Chuyện rằng: Khỉ và rùa kết bạn với nhau, chúng sống gần nhau. Một hôm, rùa rủ khỉ đi hái măng, khỉ mang gùi kín, rùa mang gùi thủng đít. Khỉ đi nhanh nên vượt lên lấy trước, rùa vốn chậm chạp lại đi sau nên chẳng lấy được gì. Trên đường về, rùa bảo khỉ: Mày làm thế gùi mệt, còn tao bỏ thế này nó tự chạy về nhà, đổi gùi cho tao đi. Nghe thế, khỉ đồng ý đổi gùi cho rùa. Dọc đường, khỉ chạy nhanh, hái nhanh bỏ vào gùi thủng, rùa đi sau thủng thẳng nhặt đầy gùi. Khi về nhà, rùa bảo vợ lấy măng làm đồ ăn rồi mang đổ vỏ măng sang nhà khỉ. Khỉ về nhà mắng vợ sao không làm đồ ăn, cho dù vợ nói thế nào khỉ cũng không nghe. Khỉ đi ra sau nhà nhìn thấy vỏ măng khỉ lại càng tức giận quay vào mắng vợ con ăn hết rồi nói dối mình. Rùa tỏ vẻ thông cảm bảo khỉ sang nhà mình lấy đồ ăn. Một lần khác, rùa và khỉ lại rủ nhau vào rừng tìm trứng. Khỉ nhặt trứng gà, rùa nhặt đá và nói với khỉ đó là trứng heo. Rùa bảo khỉ ăn trứng gà thì đẻ con nghịch ngợm, lắt léo, ăn trứng heo thì con mới ngoan. Khỉ tin lời xin đổi trứng cho rùa. Khi về nhà khỉ bảo vợ con ngồi quanh bếp, cột trứng treo trên bếp rồi cắt dây thả vào nồi nước sôi làm nước bắn tung tóe, vợ con bị bỏng kêu ầm ĩ. Khỉ liền bảo: “Mới thả trứng vào nồi đã kêu, để chín mới ăn”. Rùa nghe tiếng chạy sang bảo vợ khỉ lấy trứng của rùa về cho con ăn. Có lần rùa lừa khỉ đi tát hồ cá, khỉ khỏe tát cạn hồ, bắt được rất nhiều cá. Rùa nằm dưới hốc đá giả giọng thần linh hù dọa khỉ: “Không được ăn con cá, con lươn, con ếch, chỉ được nhặt con cua, con ốc đưa về nếu không cả nhà sẽ bị chết”. Khỉ nghe sợ quá đổ hết cá trở về. Rùa chỉ chờ có thế, bò ra nhặt hết cá, lươn, ếch mang về ăn.
 
Trong truyện cổ dân tộc Xơ đăng, khỉ lại xuất hiện với vẻ nghịch ngợm, phá phách như chuyện con khỉ ngỗ nghịch. Một con khỉ luôn có những trò kỳ quái gây phiền toái cho con người và các loài vật khác nhưng cũng rất vui nhộn.
 
Hình ảnh con khỉ trong văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên, khá gần gũi, thân thiện với con người. Một con vật thông minh, nhanh nhẹn hơn các con vật khác, chính vì vậy mà chúng biết bắt chước và biểu lộ cảm xúc gần như con người.
 
Đoàn Bích Ngọ