Bôn ba dầu dãi hay cách xa bao lâu trở về, vừa lên tới đầu đèo, loáng qua sắc hồng thắm đỏ của hoa đào dọc suốt các trục đường 3 tháng 2 - Hồ Tùng Mậu - Lê Đại Hành - Trần Phú - Trần Hưng Đạo - Khởi Nghĩa Bắc Sơn - Yên Thế… đến cả người chai lì sắt đá cũng thoáng chút nôn nao bởi Xuân đã đến thật rồi!
Chỉ định môi trường và báo hiệu thời khắc giao mùa vốn dĩ là chức năng của các loài thực vật, trong đó có hoa đào. Bôn ba dầu dãi hay cách xa bao lâu trở về, vừa lên tới đầu đèo, loáng qua sắc hồng thắm đỏ của hoa đào dọc suốt các trục đường 3 tháng 2 - Hồ Tùng Mậu - Lê Đại Hành - Trần Phú - Trần Hưng Đạo - Khởi Nghĩa Bắc Sơn - Yên Thế… đến cả người chai lì sắt đá cũng thoáng chút nôn nao bởi Xuân đã đến thật rồi!
Thời tiết mỗi năm tuy đổi khác, song nếu Dã Quỳ báo hiệu lập Đông thì sắc hồng nồng đượm của đào hoa lại nhắc ta sống cùng tháng Chạp với phút xôn xao rộn ràng của nhịp đời đã điểm màu Xuân. Người Đà Lạt phân biệt rõ các giống đào khác nhau: Hoa mai - mai đào hay mai anh đào chấm đỏ trời đông, ẩn hiện sau từng hiên nhà - dốc phố - non đồi. Lạ lùng một nỗi, loài cây thân gầy nhỏ, cành lá khẳng khiu thế kia suốt quanh năm gánh gồng nắng gió sương mưa phố núi để rồi bất chợt bừng nở lúc tàn đông. Lác đác, lấm chấm vài ba nụ đỏ ban đầu thế rồi loáng bừng trong nắng sớm đã rực đỏ cả một góc đường, góc trời. Loài hoa ấy chỉ đẹp, chỉ tươi khi gắn chặt thân - rễ - gốc - cành nguyên thủy, nếu dứt lìa ra là sẽ nhanh chóng úa tàn. Thành ra với người Đà Lạt, mai anh đào chỉ trồng để ngắm, để thưởng thức thật nguyên vẹn ở ngay góc hè, lề đường, đỉnh đầu con dốc, mé hiên nhà, sau góc vườn, mỏm đồi hay ngay giữa triền thung sâu… Cành nhánh khẳng khiu thanh mảnh nhưng gốc cây lại bám víu rất chặt, rất chắc vào từng thớ đất chênh vênh. Người đi xa biệt Đà Lạt vẫn thường hỏi vọng về mấy câu quen thuộc: “Đào quanh bờ hồ nở chưa? Tết năm nay đào hoa sớm hay trễ muộn?”. Không chỉ có Hoàng Nguyên bị quyến rũ bởi khí sắc nên thơ của hoa đào mà lớp nhạc sỹ thuộc nhiều thế hệ nối tiếp (Thanh Sơn - Song Trà - Mạnh Đạt - Đình Nghĩ - Từ Huy - Nguyễn Quang Nhàn - Quỳnh Hợp…) cũng lưu luyến dòng cảm tác từ sắc màu nồng đượm khó nguôi ngoai đó. Thật ra, Hoàng Nguyên đã đồng hóa sắc thắm hoa đào của đất trời vào xuân với má hồng chúm chím của cô em Đà Lạt “Vì yêu hoa trên má lòng khách lưu luyến nhớ Đà Lạt ơi!”. Ông đã gọi tên Đà Lạt là thơ, là chốn bồng lai, cõi đào nguyên, là xứ hoa đào với nhiều ẩn ý (Ai lên xứ hoa đào, Bài thơ Hoa đào, Đường nào lên thiên thai). Cặp tình nhân đã trở thành giai thoại nổi tiếng một thời, Lê Uyên Phương cũng bật thốt lên “Ô hay mùa đông mà mai đã lên bông!”. Lãng tử Trần Thiện Thanh chấm phá: “Đà Lạt lạnh môi em vừa đủ ấm, bởi chia ly nên đẹp mộng tương phùng, trên dốc nhỏ hoa anh đào lấm tấm, lối sỏi nào hai đứa đã đi chung”. Mạnh Đạt nhìn hoa đào để nghĩ tới “Mùa xuân ở mãi nơi này”. Đình Nghĩ nhập hồn mình vào thế giới cỏ hoa phố núi để xướng tụng lên “Mái phố mùa đông”, “Phố đào nguyên”… thanh mảnh mà ấn tượng; chẳng chói chang, rực rỡ mà ửng đỏ, mặn mà; hoa đào ven hồ Xuân Hương đã đi vào nhiều thước phim nổi tiếng của các nghệ sĩ Nguyễn Bá Mậu - Đặng Văn Thông - Phạm Mạnh Đan - Bá Trung - MPK và hằng bao thi nhân, họa sĩ nối tiếp. Sau tháng hai, tháng ba trở đi khi hoa tàn, những phiến lá mỏng manh xanh um lại phủ đầy thân cây, trái hoa đào nhỏ xinh màu đỏ lộ ra. Mùi trái mai anh đào rất thơm, tuy hạt to và vị thì ngan ngát đắng. Lũ trẻ con phố núi nghịch ngợm thường hái xuống ăn, ăn xong nhăn mặt mà vẫn cứ vui, mấy đứa con gái thì bôi nước quả lên môi làm điệu rồi hỏi nhau xem có đẹp không? Chỉ có mấy bà mấy cô thì biết cách lấy cánh hoa đào để làm mặt nạ cho da thêm đẹp, thêm tươi; mấy ông lớn tuổi thì hái quả anh đào ngâm hòa với rượu để uống bởi mùi vị rất thơm. Mai anh đào đi qua tuổi thơ của bao thế hệ công dân Đà Lạt theo những cách khác nhau, nhưng dù có nặng lòng hay hững hờ thế nào đi chăng nữa hễ thấy sắc hoa chớm đỏ là biết Tết đã lại về…
Ngoài mai anh đào, người Đà Lạt còn sở hữu nhiều chủng đào có thể cắm cành - chơi cây gốc dịp Tết như: đào lông, bích đào, hồng đào, liễu đào… đó là chưa kể các loại đào du nhập từ Nhật Tân (Hà Nội) rồi được lai tạo chiết ghép mới, hoặc các loài hoa đào xuất xứ từ Trung Quốc - Nhật Bản. Đào thất thốn giá bạc triệu mỗi cây là đối tượng săn lùng của nhiều tay chơi sành điệu. Thung lũng Đào hoa Mười Lời quanh năm bình lặng âm thầm là thế nhưng hễ mỗi dịp vào xuân là lại rộn ràng tưng bừng hương sắc với nhiều chủng đào và hoa quả xen ghép làm nức lòng bao khách thập phương.
Theo ông Trương Trổ - Liên hiệp các hội KHKT Lâm Đồng: Mai anh đào (Prumus cerasoides D.Don) là loại cây riêng có của xứ sương mù ở độ cao trên 1.500m, chứ không phải là cây có nguồn gốc châu Âu như nhiều người lầm tưởng. So với hoa đào Nhật Bản và Trung Quốc, hoa đào Đà Lạt nói chung, trong đó có mai anh đào đều sở hữu hình thái, sắc vóc, đặc điểm sinh trưởng khác nhau. Đà Lạt giờ đây đã có hai con đường mang tên hoa: Mimoza, Mai anh đào. Du khách ước ao mai anh đào nhiều hơn, rộ hơn, đậm hơn trên phố núi. Nỗ lực phủ mai anh đào quanh các triền đất thuộc Khu du lịch hồ Tuyền Lâm có lẽ vẫn là chưa đủ để thỏa mãn ước nguyện của bao người. Đà Lạt cần có thêm nhiều đồi hoa đào rộng lớn tập trung để người thưởng xuân chiêm ngưỡng và thư giãn mỗi năm.
Đông đã lại Xuân, dòng người lại nối nhau trảy về phố núi để thưởng ngoạn sắc thắm đào hoa nở dọc các triền đồi thuộc khu vực Trại Hầm - Trại Mát - Phát Chi, hoặc những đường hoa thật ấn tượng quanh hồ Xuân Hương, cung đường biệt thự Nguyễn Du - Trần Hưng Đạo... Cảm ơn Cao nguyên nồng hậu và khoáng đạt, cảm ơn đất Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta không chỉ một vùng trời khí sắc nên thơ của muôn sắc màu hoa, mà ở đó luôn có một chỗ riêng rất riêng cho một loài hoa đặc biệt mang tên mai anh đào…
Xuân Bính Thân
MINH LÂN