Lâm Đồng - Đà Lạt là vùng đất tươi đẹp, thơ mộng, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng. Đó là cơ sở hiện thực - thẩm mỹ giàu có, muôn đời không vơi cạn để phát triển nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà, trong đó có thơ.
LTS: Hòa trong không khí tưng bừng của ngày hội thơ cả nước, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XIV, 2016 tại Lâm Đồng được Hội VHNT Lâm Đồng và Trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) phối hợp tổ chức vào ngày 22/2/2016 (Rằm tháng Giêng năm Bính Thân) tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (242 Bùi Thị Xuân - Đà Lạt). Nhân dịp này Báo Lâm Đồng trân trọng giới thiệu bài viết về thơ Lâm Đồng của Khánh Thi và một số bài thơ của các tác giả Lâm Đồng tham gia Ngày Thơ.
Lâm Đồng - Đà Lạt là vùng đất tươi đẹp, thơ mộng, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng. Đó là cơ sở hiện thực - thẩm mỹ giàu có, muôn đời không vơi cạn để phát triển nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà, trong đó có thơ.
Từ khi đất nước thống nhất đến nay, trên miền đất lành này đã hình thành và phát triển một đội ngũ những người sáng tác thơ nhiều thế hệ. Có thể kể tên một số tác giả đã quen thuộc với bạn đọc như: Hà Linh Chi, Phạm Vũ, Phạm Vĩnh, Lê Bá Cảnh, Vương Tùng Cương, Phạm Quốc Ca, Hoàng Ngọc Châu, Uông Thái Biểu, Trần Ngọc Trác, Nguyễn Thánh Ngã, Lê Văn Hiếu, Nguyễn Tấn On, Lê Đình Trọng, Thanh Dương Hồng, Túy Tâm, Nguyễn Thanh Hương, Khuất Thanh Chiểu, Diệp Vy, Nông Quy Quy, Đặng Thanh Liễu, Vũ Dậu, Lê Hòa…
|
Đà Lạt mộng mơ. Ảnh: Thụy Trang |
Đặc điểm nổi bật của lực lượng sáng tác thơ ở Lâm Đồng là giàu vốn sống, từng trải qua các cuộc kháng chiến và xây dựng Tổ quốc, gắn bó máu thịt với sự nghiệp cách mạng của Đảng và cuộc sống chiến đấu, lao động của nhân dân các dân tộc anh em trên mảnh đất Nam Tây Nguyên. Lớp trẻ hơn thì được học hành bài bản về văn chương, nhạy bén với nhu cầu thẩm mỹ của thời đại và trăn trở đổi mới thơ.
Về nội dung, thơ Lâm Đồng luôn bám sát những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về văn hóa, văn nghệ. Nội dung trữ tình đậm nét nhất của thơ là tình yêu quê hương, đất nước trong khói lửa chiến tranh, trong hòa bình và những tình cảm nhân bản khác như: Tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình… Vẻ đẹp kỳ diệu của Đà Lạt, vẻ đẹp có tính chất đặc trưng văn hóa Nam Tây Nguyên là những nét riêng đáng quý của thơ Lâm Đồng.
Từ Đổi mới đến nay thơ chuyển dần sang trữ tình cá nhân và cảm hứng thế sự. Thơ Lâm Đồng không ngoài quy luật chung ấy. Nhưng điều dễ nhận ra là thơ trên mảnh đất này luôn giữ được vẻ đẹp trong sáng, không sa vào những tâm trạng cá nhân rối rắm, tối tăm, phi nhân bản.
Về thi pháp , nhìn chung các tác giả thơ Lâm Đồng quen với các lối thơ truyền thống. Bên cạnh đó có một số người như: Uông Thái Biểu, Nguyễn Thánh Ngã, Lê Văn Hiếu… có ý thức viết khác thế hệ trước. Thơ họ không dễ tiếp nhận, thành công đến đâu còn chờ sự thẩm định của công chúng và thời gian nhưng sự nỗ lực đổi mới là đáng được cổ vũ và ghi nhận.
Về thành tích sáng tác đã có một số tác giả đạt các giải thưởng, tặng thưởng thơ cấp trung ương, địa phương và có mặt trong nhiều tuyển thơ cả nước. Được Giải thưởng hàng năm của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam có các tác giả: Phạm Quốc Ca (Giải B), Phạm Vĩnh (Giải C), Lê Hòa (Giải Khuyến khích)… Nhiều tác giả được trao Giải thưởng của VHNT Lâm Đồng lần thứ I, được giải cao trong các cuộc thi sáng tác trong tỉnh và các tỉnh bạn…
Nhưng như thế là chưa đủ so với yêu cầu, kỳ vọng của nhân dân. Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, thơ không chỉ bỏ qua cái chưa hay mà còn bỏ qua cả cái hay đã quen thuộc. Vì vậy, nâng cao chất lượng sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của công chúng là một yêu cầu thường xuyên.
Phần đông các tác giả thơ ở tỉnh ta có tuổi đời cao, có vốn sống phong phú. Đây là lực lượng sáng tác rất đáng quý. Có người trên tám mươi tuổi vẫn say mê sáng tác. Kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sáng tác là rất quý giá. Nhưng không loại trừ ai, để theo kịp nhu cầu thẩm mỹ của thời đại đòi hỏi sự nỗ lực đổi mới nếu không muốn tụt hậu và lặp lại mình.
Sự hẫng hụt về lực lượng sáng tác thơ là điều rất đáng quan tâm.Hội đã làm nhiều việc để tập hợp lực lượng sáng tác thơ trẻ nhưng kết quả chưa như mong muốn. Có thể cách làm chưa đúng với quy luật của văn học nghệ thuật. Có thể tuổi trẻ hôm nay thực dụng hơn, họ không muốn hiến thân cho thơ là lĩnh vực không ai có thể nắm chắc thành công. Có thể đơn giản là thiếu vắng tài năng vì tài năng có một đặc điểm là luôn tìm cách xuất đầu lộ diện.
Bên cạnh đó còn có một thực tế: Đa số các tác giả thơ của chúng ta không phải là người sáng tác chuyên nghiệp, sáng tác chỉ là công việc tay trái. Trong khi đó, thơ đòi hỏi người nghệ sĩ phải “sống toàn thân, sống toàn trí, sống toàn hồn” (Xuân Diệu) cho công việc sáng tác như một tín đồ cuồng tín thì may ra mới có tác phẩm xuất sắc.
Ngoài nguyên nhân thuộc vấn đề tài năng là cái rất khó bàn, còn có những điều đáng cùng nhau suy nghĩ.
Trước hết nâng cao chất lượng sáng tạo là nâng cao tầm tư tưởng tác phẩm.
Chúng ta sống và sáng tác gắn với mảnh đất cụ thể nhưng tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm không chỉ có ý nghĩa địa phương mà còn phải có ý nghĩa quốc gia, dân tộc, thời đại, nhân loại. Nghị quyết 05 (ngày 28/11/1987) của Bộ Chính trị về văn hóa, văn nghệ đã xác định: “Văn nghệ là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần và xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của đất nước, của thời đại, là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị văn hóa, những công trình nghệ thuật được lưu truyền từ đời này sang đời khác, làm giàu đẹp thêm cuộc sống con người”. Như vậy, Đảng đòi hỏi ở văn học nghệ thuật sự kết tinh cao những giá trị tinh thần, những giá trị thẩm mỹ, có giá trị lâu dài.
Là công dân, nhà thơ có nghĩa vụ phải gắn bó với những nhiệm vụ chính trị có tính chất thời sự, giai đoạn của địa phương đồng thời phải hòa nhập vào đời sống của dân tộc và nhân loại để tạo nên những tác phẩm “thể hiện trình độ chung của đất nước, của thời đại”.
Trước đây, do yêu cầu của cách mạng và kháng chiến, chúng ta tập trung vào những vấn đề của quốc gia, dân tộc, ít nói đến những vấn đề mang tính nhân loại. Giờ đây, trong điều kiện mở cửa, hội nhập, nhà thơ vừa phải quan tâm đến những vấn đề của quốc gia, dân tộc, vừa phải quan tâm đến những vấn đề chung của nhân loại.
Nâng cao chất lượng còn là vấn đề sáng tạo cách thể hiện mới trong thơ.
Trong văn học nghệ thuật chúng ta đều biết rằng nội dung nói cái gì đã quan trọng nhưng quan trọng hơn là thể hiện bằng cách nào? Từ bản chất sáng tạo của văn nghệ, Nghị quyết 05 Bộ Chính trị chỉ rõ: “Đảng khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi và sáng tạo, khuyến khích và yêu cầu có những thể nghiệm mạnh bạo và mạnh mẽ trong sáng tạo nghệ thuật, trong việc phát triển các loại hình và thể loại nghệ thuật”. Thơ đồng nghĩa với sáng tạo. Tiếp xúc với tác phẩm thơ thật sự có giá trị chúng ta luôn ngạc nhiên trước khả năng sáng tạo khác thường của thi sĩ. Theo quan sát của tôi nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mức đến tính sáng tạo của thơ.
Như đã nói ở trên, đa số các tác phẩm thơ ở Lâm Đồng được viết với bút pháp truyền thống như lãng mạn, hiện thực, hiện thực xã hội chủ nghĩa theo quan niệm trước Đổi mới, thậm chí còn sử dụng các hình thức thơ Trung đại như thơ Đường. Trong khi đó, bản chất sáng tạo của văn nghệ đòi hỏi: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về nội dung đồng thời là một phát minh về hình thức nghệ thuật” (L. Leonov).
Thực tiễn sáng tác thơ cho thấy không có cái mới chân chính nào cắt đứt với truyền thống. Tiếp nối và phát huy truyền thống thơ ca của ông cha là rất quan trọng, nhưng nếu chỉ thế thôi thì chúng ta tự làm mình nghèo đi bằng sự tự thỏa mãn. Từ thực tế sáng tác, Chế Lan Viên đã nói lên vai trò quan trọng của việc học tập tinh hoa thơ thế giới hiện đại. Lý giải của ông về sự thành công của các nhà thơ Cộng sản Pháp là rất đáng lưu ý: “Xưa Aragon, Eluard là các ông tổ siêu thực. Giờ đây các vị là nguyên soái của hiện thực xã hội chủ nghĩa nhưng là thứ hiện thực đã đi qua siêu thực còn mang trên mình những đốm lân tinh rực rỡ của nó. Hấp dẫn nhờ vậy”.
Từ Đổi mới đến nay, nền thơ của chúng ta đang hiện thực hóa khát vọng tự do sáng tác,chấp nhận và khuyến khích mọi tìm tòi, khám phá về phương pháp sáng tác. Tự làm mới mình là không dễ nhưng không có con đường nào khác.
KHÁNH THI