Nhà dài của ký ức

09:02, 14/02/2016

Cách ví von ưa thích giữa các nhà  folklore Tây Nguyên là so sánh nhà dài với tiếng chiêng ngân. Sự ví von nổi tiếng đến độ gần như trở thành một định thức văn hóa: Cứ nói tới Tây Nguyên, lập tức người ta nghĩ ngay đến cồng chiêng và nhà dài. Song, trước những biến cải phồn tạp của đời sống, giờ đây, cả nhà dài và tiếng chiêng đang dần dần... ngắn lại. 

Em khóc khác xưa rồi
Em cười cũng khác xưa
(Olga Bergholz)
 
Cách ví von ưa thích giữa các nhà  folklore Tây Nguyên là so sánh nhà dài với tiếng chiêng ngân. Sự ví von nổi tiếng đến độ gần như trở thành một định thức văn hóa: Cứ nói tới Tây Nguyên, lập tức người ta nghĩ ngay đến cồng chiêng và nhà dài. Song, trước những biến cải phồn tạp của đời sống, giờ đây, cả nhà dài và tiếng chiêng đang dần dần... ngắn lại. 
 
Căn nhà dài còn lại cuối cùng ở buôn Bơ Đăng
Căn nhà dài còn lại cuối cùng ở buôn Bơ Đăng

Trên đường đến buôn Bơ Đăng (thôn 2, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm), tôi rẽ vào Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lâm, tranh thủ nắm sơ lược một vài thông tin. “Cách nay chưa lâu, Bảo Lâm vẫn còn giữ được 2 căn nhà dài. Một căn ở Đạ Tồn (thôn 6, xã Lộc Tân) và căn nữa ở Bơ Đăng (thôn 2, xã Lộc Bắc). Nhưng hiện giờ, huyện Bảo Lâm chỉ còn mỗi căn ở Bơ Đăng. Có lẽ đấy cũng là căn nhà dài cuối cùng còn tồn tại trên mảnh đất Lâm Đồng” - ông Trịnh Xuân Thủy, Phó Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bảo Lâm, thật lòng. 
 
“Nhà dài mà mất, hẳn những tập tục tốt đẹp liên quan chẳng còn lý do để tồn tại. Như thế, sứ mệnh lịch sử của dạng thức văn hóa đặc trưng Tây Nguyên đến đây cũng có thể coi như hoàn tất”- tôi trộm nghĩ. “Mới đây, căn nhà dài ở buôn Bơ Đăng đã được ông Khuất Minh Ngọc, Phó Phòng Quản lý Di sản thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, cùng các cộng sự tiến hành sửa chữa, tôn tạo. Kinh phí thực hiện khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, Phòng Quản lý Di sản còn hỗ trợ kinh phí giúp người Mạ ở Lộc Bắc phục dựng Lễ Mừng lúa mới truyền thống theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa năm 2015 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch” - ông Trịnh Xuân Thủy thông tin. Việc chủ động sửa chữa căn nhà dài ở buôn Bơ Đăng cũng như kế hoạch kéo Lễ Mừng lúa mới về gần hơn với đời sống đương đại của ngành Văn hóa Lâm Đồng đã góp phần “cứu” nhà dài trước nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn.
 
Tôi mang theo tin vui này, nhắm hướng Tỉnh lộ 725 và cứ thế thẳng tiến. Đến 9 giờ 45 phút, sau khi vượt qua quãng đường trên 40 cây số, tôi đã có mặt tại nơi muốn đến.
 
Ông Âu Phương Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc, tận tình dẫn tôi đi khảo sát thực tế. Khác với những lần trước mà tôi có dịp tiếp cận, căn nhà mới được sửa chữa, nên trông tinh tươm và gọn ghẽ hẳn. Bà Ka Dết, chủ nhân căn nhà đi vắng. Con dâu bà chẳng mấy bận tâm trước sự xuất hiện của chúng tôi. Em gái bà lại khá thân thiện, niềm nở mời khách vào nhà. “Tuy không phải là căn nhà đẹp nhất, dài nhất từng tồn tại ở buôn Bơ Đăng, nhưng chắc chắn đây là căn nhà duy nhất còn lại trên vùng đất này tính đến thời điểm hiện tại” - em gái bà Ka Dết quả quyết. Chị Ka Hạnh (gọi bà Ka Dết bằng dì) cũng có mặt ở đấy và cho biết: “Không phải là không thích ở nhà dài mà trên thực tế không còn nhà dài nữa để ở. Bởi, các anh thấy đấy, rừng đâu còn nhiều như trước, thì lấy đâu ra vật liệu nữa mà làm nhà? Với lại, trước kia, nếu ai đó trong buôn có nhu cầu làm nhà, mọi người sẽ xúm tay góp sức mà không hề đòi hỏi tiền nong gì. Còn ngày nay, đó có lẽ là điều khó kiếm nhất!” - Khi tôi hỏi vì sao nhà dài lại ngày một vắng bóng. “Nội cái việc tìm kiếm lá mây, dây mây, tre nứa... thôi cũng đã đủ mệt rồi. Vì giờ đây phải đi kiếm xa hơn, tốn công sức và tiền xăng xe hơn. Trong khi đó, mái nhà cứ 3 năm lợp lại 1 lần. Chưa kể, tuổi thọ trung bình của một căn nhà dài cũng chỉ tầm 10 năm. Chính vì thế, duy trì nhà dài là một công việc hết sức khó khăn” - anh K’Thân, con trai bà Ka Dết, nói thêm. 
 
Theo chị Ka Hạnh, ưu điểm sống trong nhà dài là mùa khô thì rất thoáng mát; còn mùa mưa, lại ấm áp, dễ chịu. Bên cạnh đó, nhà dài còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng và văn hóa của cộng đồng người Mạ. 
 
Vậy đấy! Nhà dài, trong tâm thức cộng đồng Mạ, là nơi thiêng. Chỉ trong căn nhà dài, các nghi thức, lễ thức của người Mạ mới diễn ra bài bản, trọn vẹn. Cũng như cồng chiêng, chỉ thật sự là chính nó, một khi được tấu trong không gian thiêng, không gian đêm đại ngàn, với lửa rừng, suối thác, nhà dài, lễ nghi nông nghiệp cùng những con người Tây Nguyên mộc mạc, thô giản, đậm tín ngưỡng nguyên thủy. Nếu tách rời các yếu tố này, sự vẹn nguyên, nồng nàn, huyễn hoặc của cồng chiêng sẽ không còn. Nhà dài còn là nơi để nuôi cái ché, cái chiêng, nơi để người dân Mạ nuôi lửa, nuôi những bài hát cổ xưa và cùng hướng về miền tâm linh huyền bí, khả kính. Thế nhưng, ngày nay, không gian thiêng ấy đang sụt giảm nghiêm trọng cùng tỷ lệ với độ che phủ của rừng.
 
Trong quá trình tìm kiếm nguyên nhân sự mai một của nhà dài, tôi nghe có người bảo ấy là do phương thức sản xuất thay đổi kéo theo hình thái kinh tế thay đổi. Thêm vào đó, là những biến đổi trong đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của cư dân gốc Tây Nguyên đã tác động tiêu cực đến văn hóa nhà dài. Người thì bảo đấy là do sự giao lưu và đan xen giữa các luồng văn hóa đã vô hình trung tạo nên sự xâm thực về văn hóa, dẫn đến cư dân bản địa không còn mặn mà với nhà dài nữa. Có người lại khẳng định nguyên nhân là vì ý thức về tư hữu làm nảy sinh sự so bì, mâu thuẫn, khiến các thành viên trong gia tộc không thể sống chung được với nhau nữa và thế là nhà dài bị mai một. Cũng có người nói cuộc sống nương rẫy đơn giản ngày xưa đang bị thay thế bằng cuộc sống hiện đại với quá nhiều nhu cầu về vật chất cùng sự phức tạp về tinh thần đã đem đến cho nhà dài những cái chết lâm sàng!... 
 
Nhà sàn của người Mạ ở Đồng Nai Thượng
Nhà sàn của người Mạ ở Đồng Nai Thượng

Cá nhân tôi cho rằng, nhà dài Tây Nguyên là một dạng thức văn hóa đặc trưng của người Tây Nguyên. Nó là phản xạ tự vệ của con người trước môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Trước kia, để chống chọi với thiên tai, thú dữ, địch họa..., con người phải quần tụ, sát cánh bên nhau, nhằm bảo toàn sự sinh tồn của dòng tộc, cộng đồng. Từ đặc tính quần cư này, căn tính tộc người Tây Nguyên cũng dần được hình thành qua năm tháng và nhà dài là một thiết chế văn hóa đặc hữu, mang tính biểu trưng cao nhất cho sự cộng sinh. Nhà dài, ngoài việc thể hiện sự quần cư, tính cộng đồng, còn cho thấy hình thức tổ chức xã hội giữa những thành viên trong gia đình: Cách thức khai thác không gian sinh hoạt, cách thức tổ chức các nghi lễ, bố trí công việc làm ăn, quyết định những vấn đề hệ trọng liên quan đến cả gia đình, kể cả chuyện tiếp đãi khách khứa..., nhất cử, nhất động phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của người đứng đầu. 
 
Tuy nhiên, một khi ý thức hệ đã đổi khác, dạng thức văn hóa nhà dài cũng khó mà giữ nguyên trạng. Nếu có cố công để duy trì (trường hợp tồn tại của căn nhà dài ở buôn Bơ Đăng chẳng hạn), thực chất cũng chỉ bảo tồn về mặt hình thức (thuộc thể), còn nội dung (thuộc linh) rất khó để đem sự sống trở lại cho căn nhà. Nói theo một nghĩa nào đó, căn nhà ấy mới chỉ được bảo tồn ở phần xác, nó cần được thổi hồn vào để trở thành vật thể sống, ấm áp và sinh động. Nhìn tổng thể, căn nhà của bà Ka Dết có chiều dài khoảng 20 mét và vẫn giữ nguyên cách thức bài trí truyền thống. Bếp lửa là nơi gia chủ để nhiều thứ: Thức ăn, xoong nồi, quả bầu giống, gùi, dao, xà gạc... Chiêng, ché, trống, kèn cùng các vật dụng dùng để ủ rượu cần... thì bày biện ở phía vách đối diện với cửa ra vào chính. Sừng thú, lông chim, gốc lúa, cây nêu... đã sử dụng trong lễ cúng, được trưng dụng ở gian giữa của căn nhà. Nhưng tôi không chắc, sự bài trí và cách thức khai thác không gian sinh hoạt này có còn mang lại sự cộng cảm giữa các thành viên trong gia đình nữa hay không? Tôi quan sát thì đã thấy có nhiều xáo trộn. Đơn cử như việc đặt và khai thác tính năng của bếp. Sự khác thường đã xuất hiện: Căn nhà chỉ có mỗi một bếp, trong khi tồn tại 2 gia đình nhỏ sinh sống, đúng ra phải là 2 bếp. Cả những dấu hiệu để nhận biết căn nhà là một vật thể đang sống: Mùi khói bếp, mùi mồ hôi người, mùi rượu cần váng vất... cũng không rõ ràng cho lắm. Cùng đó là ý thức muốn tách bếp, trở thành một gia đình riêng biệt của vợ chồng anh K’Thân, khi có điều kiện. Do đó, những tính toán, lo liệu trong đại gia đình cũng như mối quan hệ giữa các thành viên đã bắt đầu trở nên lỏng lẻo. 
 
Có lẽ do sốt ruột, từ nãy đến giờ, con dâu bà Ka Dết mới cất tiếng nhát gừng: “Sắp về. Gọi điện rồi. Cứ đợi. Cần thì hỏi thêm!”. Quả nhiên, chưa đầy 5 phút sau, tôi đã nghe có tiếng xe gắn máy dừng trước cửa. Tôi mở lời chào, nhưng không thấy trả lời. Chủ nhân căn nhà chậm rãi bước vào trong. Chẳng thèm rời mắt khỏi điếu thuốc rê đang vấn dở, bà Ka Dết thản nhiên: “Có mang tiền theo không mà hỏi?”. Tôi chưa kịp phản ứng, vì quá bất ngờ, chủ nhân căn nhà dài rút bật lửa, lơ đãng châm thuốc, rít một hơi và tiếp: “Nếu không mang tiền, đừng có đến nữa!”, rồi lạnh lùng nhả khói… 
 
Tôi đi tìm văn hóa, rất may là đã gặp. Chưa thể gọi là trọn vẹn, nhưng dẫu sao cũng gợi nhắc đôi điều về một thời dĩ vãng chưa hẳn đã xa, ít ra trên phương diện văn hóa hữu thể. Bởi ở buôn Bơ Đăng, căn nhà của bà Ka Dết vẫn còn giữ được những nét chính về mặt hình thức của 1 căn nhà dài truyền thống: Kiến trúc và cách bài trí không gian sinh hoạt. Tôi không rõ, mối quan tâm của bà Ka Dết là văn hóa hay những thứ khác ngoài văn hóa? Tôi cũng không rõ, nếu văn hóa mà bị lãng quên, nhà dài sẽ còn lại gì? 
 
Thôi thì ngày xuân nói về nỗi nhớ tiếc một loại hình văn hóa, văn hóa nhà dài, một chiều kích bí ẩn của đại ngàn Tây Nguyên, cũng là... một niềm vui rồi. Chẳng phải người Nhật có một phong tục rất đẹp: Ngồi dưới gốc đào trân trọng uống rượu để mừng hoa nở và cuối mùa lại ngồi uống rượu dưới gốc đào, trân trọng tiễn hoa rụng đó sao!
 
Bút ký: TRỊNH CHU