Cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức văn hóa thế giới (UNESCO) công nhận. Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị này, những nghệ nhân cồng chiêng trên địa bàn huyện Đam Rông đã không ngừng nỗ lực truyền dạy cho thế hệ trẻ cách đánh cồng chiêng đúng vần, đúng điệu và lưu giữ những bài chiêng cổ truyền thống.
Cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức văn hóa thế giới (UNESCO) công nhận. Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị này, những nghệ nhân cồng chiêng trên địa bàn huyện Đam Rông đã không ngừng nỗ lực truyền dạy cho thế hệ trẻ cách đánh cồng chiêng đúng vần, đúng điệu và lưu giữ những bài chiêng cổ truyền thống.
|
Những thành viên của đội cồng chiêng xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông - Ảnh: PHAN NHÂN |
Già làng Rơ Ông Ha Chung là một nghệ nhân đánh cồng chiêng ở thôn 4, xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông. Tuy đã bước qua tuổi 80, nhưng vì đau đáu với việc giữ tiếng chiêng cho thế hệ mai sau, nên đã mấy năm rồi, già làng Ha Chung đã tập hợp một số thanh niên để dạy đánh cồng chiêng cho đúng bài, đúng điệu. Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của già làng, tiếng cồng chiêng vang xa đã làm cuốn hút đông đảo các thanh niên trong thôn.
Dù thành viên của đội cồng chiêng ai cũng bận rộn với công việc nương rẫy, nhưng cứ đều đặn một tháng từ 2 đến 3 lần, các thành viên trong đội tụ họp lại để cùng nhau tập đánh cồng chiêng. Nhờ sự tận tình hướng dẫn của già làng Ha Chung, hiện đội cồng chiêng đã có thể phục vụ bà con trong thôn cũng như tham dự các hoạt động văn hóa mỗi khi có dịp. Già làng Ha Chung cảm thấy vui khi đám trẻ trong thôn hào hứng với việc học cồng chiêng cũng như biểu diễn loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Cill.
Cùng với già làng Rơ Ông Ha Chung, toàn huyện Đam Rông hiện có trên 10 nghệ nhân am hiểu sâu sắc về cồng chiêng. Trong những năm qua, các nghệ nhân cồng chiêng đã tích cực truyền dạy cồng chiêng cho đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên, trong đó, chủ yếu là giới trẻ. Không chỉ có vậy, các nghệ nhân cồng chiêng còn thường xuyên chú trọng tìm hiểu và bảo tồn các bài chiêng truyền thống của đồng bào mình.
Một trong số những người như thế có ông Păng Ting Ha Thét - nghệ nhân cồng chiêng đồng bào M’nông, ở thôn Liêng K’rắc 2, xã Đạ M’rông. Ông Ha Thét đang tập trung lưu truyền 6 bài chiêng truyền thống của đồng bào M’nông. Ông cho biết, một trong những nét độc đáo của nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng người M’nông là nghệ nhân dùng đôi bàn tay khéo léo của mình để đánh chiêng. Tiếng chiêng của người M’nông ngân lên không giòn giã, rền vang, thúc giục từng hồi như tiếng chiêng của người Êđê, mà tiếng chiêng được đánh bằng nắm tay nên êm dịu, trầm ấm, sâu lắng. Nghệ nhân cồng chiêng Păng Ting Ha Thét, cho biết thêm: “Cồng chiêng của người M’nông mình có 6 cái là một bộ. Chiêng của người M’nông mình đánh trong dịp mừng lúa mới hay đám cưới, đám hỏi. Đồng bào mình sử dụng 6 chiếc chiêng để đánh nhiều bài chiêng”.
Trên địa bàn huyện Đam Rông hiện có trên 250 chiêng bộ cùng gần 180 chiêng lẻ; có 45/52 thôn dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, mỗi thôn đều có từ 1 đến 3 đội cồng chiêng. Để có kết quả này, cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, huyện đã tổ chức các lớp dạy cồng chiêng cho đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên, trong đó, chủ yếu là giới trẻ; các nghệ nhân chiêng đã tích cực dạy cồng chiêng cho con cháu mình. Không những vậy, các nghệ nhân chiêng còn tích cực tham gia giữ gìn các bộ chiêng, đồng thời có ý kiến góp ý để ngành chức năng tổ chức các hoạt động văn hóa cồng chiêng tại địa phương một cách phù hợp. Những nghệ nhân cồng chiêng đang là một trong những nhân tố quan trọng để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Văn Quang - Phó trưởng Phòng văn hóa thông tin huyện Đam Rông, ghi nhận: “Đội ngũ nghệ nhân đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa về cồng chiêng ở địa phương. Trong đó, vai trò thứ nhất là người trao truyền, truyền dạy, tiếp lửa cho thế hệ trẻ để bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng tại địa phương. Bên cạnh đó, các nghệ nhân có vai trò là người giữ lại các bộ cồng chiêng, tránh tình trạng chảy máu cồng chiêng như ở một số địa phương khác”.
Cồng chiêng thường được biểu diễn trong những dịp lễ hội, mừng lúa mới, đón khách, mừng cưới... Vào những ngày đầu xuân mới 2016 này, nhiều hoạt động biểu diễn cồng chiêng cũng đã diễn ra trên địa bàn huyện, những nhịp cồng, tiếng chiêng làm ngất ngây lòng người. Để có được những hoạt động ý nghĩa đó và để những tiếng chiêng mãi vang xa giữa đại ngàn phải nói đến sự đóng góp to lớn của các nghệ nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện Đam Rông.
ĐAM TRỌNG