Tôi biết đến nhà thơ, nhà văn Nguyễn Bình Phương sau những ồn ào khi anh đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2012 với tập thơ Buổi câu hững hờ. Tôi tìm đọc Nguyễn Bình Phương với tất cả sự hào hứng, tò mò, hiếu kỳ và hiểu lý do tại sao thơ anh tạo nên những cơn dư chấn dữ dội như thế giữa làng văn.
Mắt
“Qua con mắt khép hờ
Mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ
Cuối đường gặp một ban mai bàng bạc
Ở đây có Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi bảo cuộc đời là dao và tre trúc
Sau đó im lặng dẫn ông đi xa mãi
Ở đây Hồ Xuân Hương ngừng lại
Bà dựng nhà bằng những cơn mưa
Ngoài hiên
Mùa thu mơ chiếc quạt ngà
Hồ Dâm Đàm rẽ nước để trời xanh bay xuống
Nếu trời xanh bay trượt ra ngoài anh dám đỡ không
Người đeo kính hết mọi nhớ mong
Những quên lãng lại hồi về trí nhớ
Con mắt khép nửa vời là cạm bẫy thờ ơ
Trong giấc ngủ đầy mộng mị
Trăng không thể bay ra...”
Nguyễn Bình Phương
Lời bình
Tôi biết đến nhà thơ, nhà văn Nguyễn Bình Phương sau những ồn ào khi anh đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2012 với tập thơ Buổi câu hững hờ. Tôi tìm đọc Nguyễn Bình Phương với tất cả sự hào hứng, tò mò, hiếu kỳ và hiểu lý do tại sao thơ anh tạo nên những cơn dư chấn dữ dội như thế giữa làng văn. Nguyễn Bình Phương đã hiện thực hóa một châm ngôn viết của mình: “Sống là viết vào đời câu cách ngôn bí ẩn” bằng cách xây dựng lên một thi giới đầy những sự vật, hình ảnh lạ lùng, thậm chí kỳ dị, được kiến tạo từ một nhãn quan độc đáo. Và Mắt là một viên gạch trong công trình đồ sộ ấy, một thanh âm mê dụ, huyễn hoặc lòng người trong bản hòa tấu mang tên Nguyễn Bình Phương.
“Con mắt khép hờ” là ranh giới giữa cõi thực và cõi mơ, là độc đạo dẫn mặt trăng bước vào cuộc phiêu lưu. Men theo rìa của giấc ngủ đến cuối con đường, mặt trăng đã bắt gặp “ban mai bàng bạc”. Với con mắt thẩm mỹ của một họa sĩ và “ngọn bút có thần” (chữ dùng của Ngô Thì Nhậm) của một thi sĩ, Nguyễn Bình Phương “bỏ nhỏ” chỉ đúng bốn chữ ấy mà mở ra cả không gian và thời gian nghệ thuật. Không chỉ có thế, mặt trăng còn được gặp những thi sĩ thời xưa. Đó là Nguyễn Trãi - một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ kiệt xuất, ông trở về từ thế kỷ XV chỉ nói với trăng một điều: cuộc đời là dao và tre trúc, rồi ông bước đi cùng im lặng. Con người sống là phải hiên ngang, kiên cường, mạnh mẽ, chính trực như tre trúc, mặc khó khăn, gian nan, trắc trở như lưỡi dao sắc bén, cho dù có ngã xuống cũng bền bỉ gom góp sự sống vun chồi măng non. Đó là nữ sĩ Hồ Xuân Hương - bà chúa thơ Nôm. “Bà dựng nhà bằng những cơn mưa”, dựng mái ấm từ lạnh lẽo, dựng hạnh phúc bình yên bằng sóng gió, bão tố. Khoảnh khắc gặp gỡ thì ngắn ngủi nhưng những bài học quý giá nhận lại thì dài đến cả cuộc đời.
“Ngoài hiên
Mùa thu mơ chiếc quạt ngà
Hồ Dâm Đàm rẽ nước để trời xanh bay xuống
Nếu trời xanh bay trượt ra ngoài anh dám đỡ không”
Nhà thơ dựng lên hai hình ảnh đối lập nhau, một là hình ảnh mùa thu nũng nịu với lọn heo may mỏng mảnh như làn gió từ quạt ngà phe phẩy, một hình ảnh hùng vĩ, kỳ diệu của thiên nhiên, mà nó chỉ có thể được thêu lên bằng những sợi tưởng tượng chứ không thể có trong đời thực: Hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) dang rộng những cánh tay nước đón lấy cả bầu trời xanh thăm thẳm vào lòng. Rõ ràng, ta thấy rằng, Nguyễn Bình Phương là nhà thơ chăm chỉ tìm tòi, sáng tạo hình ảnh thơ độc đáo, đồng thời rất kĩ tính trong việc chọn lọc chúng. Chính vì điều đó mà những vần thơ của Nguyễn Bình Phương luôn mở ra nhiều chiều kích suy tưởng khi người đọc chạm vào.
Cuối bài thơ xuất hiện hình ảnh người đeo kính, đây có lẽ là hình ảnh của nhà thơ Nguyễn Bình Phương hay nói một cách khách quan hơn là nhân vật trữ tình, chủ thể của “đôi mắt khép hờ”. Khi chiếc lưới suy tưởng được thu vén lại ở những câu thơ kết, con mắt khép hờ trở thành một cái bẫy, cái bẫy được đặt sẵn dành cho những kẻ hiếu kỳ, tò mò. Giữa trập trùng, ngồn ngộn, giăng mắc những điều khó gọi tên, mặt trăng bị mắc kẹt lại ở đó. Hình ảnh mặt trăng hay chính là sự phân thân của nhà thơ muốn làm một cuộc phiêu lưu trong cõi mơ của chính mình, để khám phá bản thể, đào xới những vỉa tầng sâu kín trong ngóc ngách tâm hồn mình. Nhưng rồi chính mình lại kẹt trong bản thân mình.
Sức hút khó cưỡng của bài thơ “Mắt” nói riêng hay thơ Nguyễn Bình Phương nói chung, không đến từ kỹ xảo ngôn từ mà đến từ những hình ảnh thơ đặc quánh hàm lượng trí tưởng tượng, cảm xúc chân thành và triết lý sâu xa.
Đào Mạnh Long