Tháng Ba và mẹ

09:03, 10/03/2016

Tháng Ba là khoảng thời gian chùng lại, lắng lại sau Tết, sau mùa tưng bừng lễ hội Giêng hai. Mẹ ta thong thả đi lễ chùa. Vẫn là tấm áo nâu sòng màu đất, vẫn tay lần tràng hạt như lần những tháng ngày đã qua, như lần những tháng ngày đang tới. Mẹ bỏm bẻm nhai trầu. 

Tháng Ba là khoảng thời gian chùng lại, lắng lại sau Tết, sau mùa tưng bừng lễ hội Giêng hai. Mẹ ta thong thả đi lễ chùa. Vẫn là tấm áo nâu sòng màu đất, vẫn tay lần tràng hạt như lần những tháng ngày đã qua, như lần những tháng ngày đang tới. Mẹ bỏm bẻm nhai trầu. Vị trầu đậm đà vị vôi xanh và trắng, chát và ấm làm cho gương mặt mẹ hồng hào giãn những nếp nhăn. Và tháng Ba - tháng Ba của mẹ lại chầm chậm tới gần, tới mình. Màu hoa gạo lập lòe bung nở như một đàn chim lửa. Cây gạo đầu làng trên sườn đê màu hoa báo hiệu tháng Ba đã tới. Sao lại gọi là hoa gạo nhỉ? Cái màu hoa cứu đói chăng. Một nhà thơ đã từng viết: “Trời thổi rỗng tháng Ba ngày giáp hạt/ Nhìn trong nhà rộng rãi đến là lo”. Tháng Ba, nước biển xanh ngăn ngắt, xanh và trong đến thót lòng. Ca dao đã từng: “Tháng Ba trong nước em ơi/ Bớt cơm anh lại mà nuôi mẹ già”. Hình như hầu bao của tháng Ba đã dốc hết giành hết cho tưng bừng ngày Tết, cho mùa lễ hội để rồi mẹ lẳng lặng nhận về một tháng Ba với bao lo toan sấp ngửa như chiếc đòn gánh trên vai vơi đi thúng nặng, chung chiêng thúng nhẹ. Mẹ lại bấm ngón chân vào đất đai ruộng đồng cắm cây mạ xanh trong giá rét để gieo mùa hy vọng.
 
Dáng mẹ. Ảnh: Trương Ngọc Thụy
Dáng mẹ. Ảnh: Trương Ngọc Thụy

Tháng Ba hoa xoan (còn có tên gọi hoa Sầu Đông) li ti nở tím. Ơi cái màu hoa mỏng mảnh lạ thường cứ như muốn giấu mình đi, nhưng giấu làm sao được khi đêm xuống làn hương thấm sương, thấm hồn quê kiểng đất đai ấy mới thoảng nhẹ lan tỏa, dìu dịu. Hoa thả vào đêm những tinh khiết trong veo. Mẹ lại dậy sớm cùng với canh ba gà gáy. Tiếng vo gạo nấu cơm đãi đằng bao hạt sạn. Tiếng dép lê của mẹ ngoài sân cũng mỏng dần đi theo năm tháng. Bậc của mẹ ngồi cũng nhẵn bóng theo nước trầu đỏ đậm của thời gian. Hình dung mẹ, ta hình dung những gì thân thiết nhất, cụ thể nhất. Chỉ có mẹ mới nhận ra giọng nói của ta đã vỡ từ lúc nào. Chỉ có mẹ mới biết trong sâu thẳm lòng ta ngổn ngang điều gì. Mẹ ngồi bấm đốt ngón tay không phải để tính tuổi mà tính từng khắc, từng ngấn đo ta lớn lên không chỉ về thể chất mà cả về những ứng xử, dù là lời nói cử chỉ nhỏ nhất. Lòng mẹ luôn thường trực theo ta đi trên mỗi chặng đời...
 
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết rất hay: “Đêm chong đèn nhớ mẹ”. Vâng, cái quầng sáng đèn ấy tỏa rạng chong chong như một vùng ấm tin cậy, vững chãi rộng ra là cả thăm thẳm đau đáu một miền quê. Tháng Ba bắt đầu nứt vỏ những cành cây khô để ra lộc mầm, lộc mới. Tháng Ba hồi sinh và căng nở dẫu có chút quặn thắt. Có gì lặng lẽ tiềm ẩn một mạch sống dồi dào trong vận hành biến đổi của thiên nhiên. Mẹ ngày càng già đi và ta lại thót lòng khi nhận ra một sự thật mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thấy: “Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí những bầu thì lớn xuống/ Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn/ Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi”. Lòng mẹ, đất mẹ thật bao la nhưng hình dáng mẹ tôi thì ngày càng thu lại. Tháng Ba ơi, hoa gạo đỏ bời bời để mẹ tin vào một mùa no ấm. Hương Sầu Đông tỉ tê để đưa mẹ trở về ký ức xa xăm của những mùa không tuổi...                            
 
NGUYỄN NGỌC PHÚ