(LĐ online) - Ngày 31.3, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã tổ chức bế mạc trại sáng tác văn học về đề tài Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang tại Đà Lạt. 15 nhà văn, nhà thơ tham dự trại viết là những cây bút đang sung sức, là cộng tác viên tích cực của tạp chí đang sinh sống trên mọi miền, nhiều người từng đoạt giải cao trong cuộc thi truyện ngắn và thơ của Văn nghệ Quân đội, nhiều người là những cây bút có tuổi đời còn rất trẻ.
(LĐ online) - Ngày 31.3, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã tổ chức bế mạc trại sáng tác văn học về đề tài Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang tại Đà Lạt. 15 nhà văn, nhà thơ tham dự trại viết là những cây bút đang sung sức, là cộng tác viên tích cực của tạp chí đang sinh sống trên mọi miền, nhiều người từng đoạt giải cao trong cuộc thi truyện ngắn và thơ của Văn nghệ Quân đội, nhiều người là những cây bút có tuổi đời còn rất trẻ.
|
Những cây bút trẻ được tạp chí Văn nghệ Quân đội phát hiện |
Sau 15 ngày được tiếp xúc với các đơn vị quân đội trên địa bàn Lâm Đồng, tham quan những di tích chiến tranh, gặp gỡ với cựu chiến binh, những nhân chứng lịch sử và miệt mài lao động nghệ thuật, 15 nhà văn nhà thơ đã cho ra đời 58 tác phẩm, gồm18 truyện ngắn, 48 bài thơ.
Chiến tranh là một đề tài lớn đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhưng để có những tác phẩm có giá trị là điều không dễ. Các tác giả sinh ra và trưởng thành trong chiến tranh đã chiếm lợi thế bởi những trải nghiệm thực tế. Các nhà văn dường như đều nhận ra rằng: trong thời đại bùng nổ thông tin, khi viết về chiến tranh, mọi sự cổ suý, tô hồng thái quá hoặc cay cú, hằn học cực đoan đều bất cập. Chỉ có thái độ khách quan trung thực, coi chiến tranh là đối tượng thẩm mỹ để khai thác những giá trị nhân văn, nhân bản mới là cách hữu hiệu để tiếp cận độc giả. Các nhà văn đã nhận ra rằng số phận của dân tộc ta luôn bị buộc vào các cuộc chiến tranh. Viết về chiến tranh là viết về quá khứ của dân tộc. Nhà văn phải viết làm sao để cho độc giả hiểu đúng về quá khứ ấy. Bởi hiểu đúng quá khứ mới biết trân trọng hiện tại và có trách nhiệm với tương lai. Những tác phẩm đã không ngần ngại khi phản ánh những sai lầm, ấu trĩ, những mất mát hy sinh của chiến tranh bằng sự điềm tĩnh cần thiết của người cầm bút. Có thể kể: Làng cửa ngõ mặt trận, Ngàn lau gió cuốn (truyện ngắn Hữu Phương), Đường về còn dài, Một con người, Trong khu rừng yên tĩnh (truyện ngắn Lê Hoài Lương), Rạng đông, Hoa trúc đào ven suối (Trần Thanh Cảnh)...
Một số tác giả trẻ tuổi sinh sống ở nhiều vùng văn hoá khác nhau, họ mới bước vào con đường văn chương nên đã viết về những điều thân thuộc nhất, máu thịt nhất, bằng cảm quan trong trẻo và kỹ thuật tươi mới đầy sáng tạo. Có thể kể: Nhau của núi (truyện ngắn Nguyễn Văn Toan), Ngôi nhà trong sương, Bên kia núi (truyện ngắn Nguyễn Luân), Ông “vua” láu cá (truyện ngắn Đồng Minh Sáng), Giã bạn (truyện ngắn Trần Thanh Cảnh), Hai mẹ con và nhà thơ cùng phố (truyện ngắn Đinh Phương), Vợ vắng nhà (truyện ngắn Hồ Duy Sơn)...
Bên cạnh văn xuôi, nhiều tác phẩm thơ giàu cảm xúc đã ra đời trong không gian gợi mở của xứ ngàn thông, ngàn hoa. Có thể kể: Trên đỉnh núi Voi, Đầy vơi Đà Lạt, Từ vế trăng lăn (Nguyễn Thánh Ngã), Đối thoại với bazan (Ngô Thị Thanh Vân), Vào phòng tranh thêu, Dòng sông không ánh sao, Ngày mắc cạn (Trần Ngọc Mỹ)...
Hơn nửa thế kỷ qua Tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn giữ vững tiêu chí phụng sự văn chương đích thực và là tạp chí văn chương duy nhất dành cho người lính. Mỗi trại viết được mở ra là cuộc tìm kiếm, phát hiện tài năng trẻ, mở rộng lực lượng công tác viên, tìm kiếm bản thảo có chất lượng để đăng trên tạp chí. Việc đánh giá thành công ở mỗi trại viết không tính bằng số lượng bản thảo thu hoạch tại trại, mà tính bằng số tác phẩm được đăng tải trên tạp chí. Với trại viết lần này, chúng tôi rất vui mừng vì tỷ lệ bản thảo có thể in khá cao – Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã cho biết.
QUỲNH UYỂN