Âm vang cồng chiêng Tây Nguyên

02:04, 08/04/2016

(LĐ online) - Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng. Vùng đất bao la, rộng lớn này có gần 5,5 triệu người với 44 dân tộc/54 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó có 20 dân tộc bản địa, chiếm khoảng 30% dân số. 

(LĐ online) - Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng. Vùng đất bao la, rộng lớn này có gần 5,5 triệu người với 44 dân tộc/54 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó có 20 dân tộc bản địa, chiếm khoảng 30% dân số. Nhận định về văn hóa truyền thống Tây Nguyên hình thành chủ yếu trên cơ sở nền “văn minh nương rẫy”, có nhà nghiên cứu khẳng định: “Có thể nói, không cần quá dè dặt và khiêm tốn rằng, Tây Nguyên đã đóng góp vào nền văn hóa Việt Nam và văn hóa thế giới những bản trường ca sử thi, những pho tượng nhà mồ và những sinh hoạt âm nhạc cồng chiêng tuyệt vời”. 
 
Toàn cảnh Đại diễn tấu cồng chiêng
Toàn cảnh Đại diễn tấu cồng chiêng

Âm nhạc Cồng chiêng Tây Nguyên là một loại hình văn hóa độc đáo, tồn tại hàng ngàn năm trong các buôn làng. Âm hưởng cồng chiêng đi suốt vòng đời sinh - tử của con người và ở đâu có lễ hội, ở đó có nhạc chiêng. Nếu mái nhà rông (của đồng bào J’rai), ngôi nhà dài (của đồng bào Êđê, K’ho, Mạ…) là linh hồn; thì âm nhạc cồng chiêng là sinh khí của làng, buôn Tây Nguyên. 
 
Cồng, chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng có núm, chiêng không núm. Dàn cồng chiêng gồm nhiều bộ. Mỗi bộ có số lượng khác nhau và giữ những chức năng riêng trong cuộc hòa tấu. Cồng, chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc đánh theo dàn, mỗi bộ có từ 2 đến 12, 13 chiếc, có nơi tới 18 - 20 chiếc. Chiêng mẹ (chiêng cái) là chiêng quan trọng nhất trong một bộ chiêng. Người Tây Nguyên không chỉ dùng riêng một loại chiêng núm hay chiêng bằng mà thường dùng kết hợp với nhau. Chiêng núm làm bè trầm, chiêng bằng đánh giai điệu. Dàn cồng chiêng không chỉ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hòa tấu nhạc đa âm. Ở Tây Nguyên có nhiều phong cách chơi cồng chiêng phong phú và bài bản. Nếu các nghệ nhân đánh cồng chiêng ở các nước trong khu vực Đông Nam Á luôn ngồi yên tại chỗ thì người đánh cồng chiêng Tây Nguyên lại di động với động tác đa dạng như nghiêng mình, cúi người, khom lưng… Các nghệ nhân Tây Nguyên đánh và di chuyển dàn cồng chiêng từ phải qua trái với ý nghĩa ngược chiều thời gian, hướng về cội nguồn. 
 
Đã trên 10 năm kể từ tháng 11- 2005 khi UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại”, cồng chiêng Tây Nguyên lại thêm phần rộn ràng, trầm hùng và bay bổng trong khắp các buôn làng trên Tây Nguyên. Ở vùng đất Nam Tây Nguyên thơ mộng, từ ngày 31/1 – 1/4/2016, ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã tổ chức Lễ hội văn hóa Cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 10 với chủ đề “Tuổi trẻ và Di sản văn hóa Cồng chiêng”. Lễ hội là dịp để 500 nghệ nhân trẻ dân tộc thiểu số bản địa thuộc 12 huyện, thành phố trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, diễn tấu những bài chiêng cổ. Lễ hội khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc kế thừa, quảng bá, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Tại Lễ hội có 26 nghệ nhân cồng chiêng của tỉnh được tôn vinh, trao bằng chứng nhận.
 
Tòa soạn trân trọng giới thiệu một số hình ảnh diễn tấu cồng chiêng tại Lễ hội Cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 10:
 
Biểu diễn cồng chiêng của người K’ho
Biểu diễn cồng chiêng của người K’ho

Người Chu Ru thể hiện đời sống tín ngưỡng. thông qua nhịp cồng chiêng với điệu múa Ariang nổi tiếng.
Người Chu Ru thể hiện đời sống tín ngưỡng thông qua nhịp cồng chiêng với điệu múa Ariang nổi tiếng

Nghệ nhân Chu Ru tương lai
Nghệ nhân Chu Ru tương lai

Bài và ảnh: Đan Thanh