Âm vang miền huyền thoại

09:04, 05/04/2016

Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng cuối tháng ba, nắng vàng của mùa con ong đi lấy mật đã đón hơn 500 nghệ nhân cồng chiêng các dân tộc bản địa là người Mạ, K'Ho, Churu cùng với một số dân tộc khác đến từ 12 huyện, thành trong tỉnh về tham gia ngày hội lớn.

Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng cuối tháng ba, nắng vàng của mùa con ong đi lấy mật đã đón hơn 500 nghệ nhân cồng chiêng các dân tộc bản địa là người Mạ, K’Ho, Churu cùng với một số dân tộc khác đến từ 12 huyện, thành trong tỉnh về tham gia ngày hội lớn.
 
Không gian đêm lễ hội
Không gian đêm lễ hội

Với chủ đề “Tuổi trẻ với di sản văn hóa cồng chiêng”, Lễ hội Văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ X - 2016 diễn ra trong 2 ngày cuối tuần vừa qua như đã làm nên một miền huyền thoại, cuốn hút và có sức ám ảnh. Miền huyền thoại ấy có màn đêm, ánh lửa, rượu cần với một rừng cây nêu hoa văn cầu kỳ phất phơ tua rua, leng keng tre nứa là linh hồn của lễ hội; và bao trùm lên là tiếng cồng chiêng vang vọng. Từ xa xưa, cồng chiêng là tiếng gọi của Yàng, là sợi dây giao cảm kết nối con người với đấng siêu nhiên, giúp con người bày tỏ niềm mong ước của mình với thần linh. Đối với đồng bào Mạ, K’Ho, Churu, cồng chiêng là báu vật gắn chặt với lịch sử của cả đời người, của cả cộng đồng. Lửa hồng được thắp, 11 đội cồng chiêng đến từ 11 xã của huyện Đức Trọng tấu lên những âm điệu cồng chiêng và điệu múa xoang cuồng nhiệt mời gọi hơn 500 nghệ nhân của các huyện, thành cùng hòa tấu. Tiếng chiêng lúc trầm hùng, khi ngân nga, lúc như cây rừng, thác reo, gió thổi, làm thổn thức cả một miền văn hóa. Chiêng 3 của người Churu; chiêng 6 của người Mạ, người K’Ho cùng hòa âm tạo nên sự cộng hưởng vang vọng, trong xúng xính váy áo, những bước đi nhún nhảy khỏe khoắn, ánh lửa bập bùng và lòng người hừng hực theo điệu cồng chiêng đầy đam mê... 
 
Hội thi diễn tấu cồng chiêng là hoạt động trọng tâm nhất của lễ hội. Một không gian cồng chiêng đích thực, đó là rừng, là những nghi thức cúng tế, không gian của cây nêu, của linh vật, của hoa văn, của kiến trúc truyền thống... Trong miền huyền thoại ấy, có những câu chuyện kể, những lễ hội không tách rời âm thanh cồng chiêng, những nét đẹp văn hóa, những giá trị di sản được phô diễn. Các nghệ nhân người K’Ho ở Di Linh tái hiện một ngày hội mùa với tiếng chiêng rộn ràng, những bước chân trần khỏe khoắn, hòa cùng điệu múa xoang mô phỏng đời sống lao động sản xuất sống động. Đam Rông trình bày hoạt cảnh gắn liền với sự tích làm cây nêu trong các mùa lễ hội của người Cill với câu chuyện về chàng Tou Bọt; bên cạnh tiếng chiêng gọi thần linh là vũ điệu say mê, đậm chất ngẫu hứng của các nữ nghệ nhân trẻ, hừng hực lửa, tràn đầy sức sống. Cát Tiên mang đến ngày hội nghi lễ trao chiêng. Đạ Tẻh giới thiệu lễ hội mừng lúa mới của người Mạ. Với Lạc Dương là điệu chiêng vui mừng ngày tái ngộ của những người bạn lâu ngày gặp mặt. Đơn Dương gây ấn tượng với tiếng chiêng, khèn, trống hòa trong vũ điệu Arya và lễ hội cúng mộ của đồng bào Churu... Trong ngày hội, đồng bào Churu (sinh sống chủ yếu ở 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng) kể rằng: Cứ vào buổi chiều, khói lam bay tỏa trong cơn gió nhẹ. Đã qua đi một ngày lao động vất vả, những chàng thanh niên bờ vai rắn chắc, những nàng thiếu nữ mềm mại trong những tấm khăn choàng. Trống nổi lên, tiếng chiêng 3 ngân vang, trỗi dậy tiếng rơkel ngây ngất. Nam thanh nữ tú của đồng bào Churu mơ màng trong tiếng nhạc, những đôi tay mềm mại uốn theo nhịp chân trần say sưa với vũ điệu Arya. Arya là một điệu múa cộng đồng dùng trong dịp có lễ hội lớn, bất kể là bao nhiêu người, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, khi đã bước vào vòng tròn ấy, người ta không muốn ngừng lại, những âm thanh cồng chiêng quyến rũ, khiến đôi chân thêm lả lướt, đôi tay thêm dẻo, bước đi chuếnh choáng. Trong vòng tròn Tamya, người Churu được trở về cội nguồn. Điệu múa Arya ngày càng thấm đẫm tình nghĩa của người Churu, là hội tụ những tinh hoa, những gì quý giá nhất mà tổ tiên người Churu để lại làm cho tiếng chiêng 3 của người Churu vang xa. 
 
Đặc biệt, lễ hội lần này đã dành một không gian riêng giới thiệu lễ hội Xên Mường - một nghi lễ văn hóa của đồng bào Thái mang theo từ rừng núi Tây Bắc di cư vào Đức Trọng sinh sống ở các xã Tân Hội, Phú Hội, Tân Thành (quanh khu vực thác Pongour) đã hòa cùng các dân tộc anh em làm nên một vùng đất đa sắc màu văn hóa. Lễ hội Xên Mường là lễ hội cầu an, cúng người đã lập nên làng nên bản, tưởng nhớ các vị thần linh khai sáng ra mường (nơi cư trú của người Thái), cầu mong cho người Thái được ấm no hạnh phúc. Các bà, các chị người Thái đã “trổ tài” qua các món truyền thống với hội thi bày cỗ cúng lễ, rực rỡ sắc màu các món ăn: bánh, xôi, lợn quay... Ngất ngây tiếng khèn, điệu múa xòe, múa sạp với váy áo, khăn piêu rực rỡ xen lẫn sắc trầm thổ cẩm, hòa quyện cùng điệu múa xoang làm nên tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em đang sinh sống trên mảnh đất Lâm Đồng. 
 
Hơn 10 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng luôn được ngành văn hóa quan tâm, coi trọng. 
 
Đêm hội Đại đoàn kết đã khép lại ngày hội nhưng vẫn còn âm vang đâu đây điệu chiêng trầm hùng. Hơn 500 nghệ nhân tham gia lễ hội làm sống dậy một miền huyền thoại, đa số đều còn rất trẻ - tuổi từ 18 đến 30, đã phô diễn đầy đủ bản lĩnh và trách nhiệm của một thế hệ kế tục di sản văn hóa truyền thống. 26 nghệ nhân được tôn vinh trong đêm hội là những người có công trong việc kế thừa, tiếp nối, gìn giữ và truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ sau vẫn đang ở độ tuổi chưa gọi là già. Từ đó, có thể khẳng định sức sống bền bỉ của văn hóa công chiêng; chúng ta có quyền tin rằng, Di sản không gian văn hóa cồng chiêng đã có lớp người kế tục và tiếp nối, dòng chảy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa Lâm Đồng sẽ mãi trường tồn không dứt.
 
QUỲNH UYỂN