Nghị lực sống phi thường của một cô gái khuyết tật

09:04, 07/04/2016

Hội trường H33 Trường Đại học Yersin Đà Lạt chiều ngày 2/4/2016 chật kín, hơn 300 sinh viên đã có cuộc gặp gỡ, lắng nghe chị Lê Dương Thể Hạnh - một người đa khuyết tật, tác giả cuốn sách "Có một mặt trời không bao giờ tắt" kể về cuộc đời mình.

Hội trường H33 Trường Đại học Yersin Đà Lạt chiều ngày 2/4/2016 chật kín, hơn 300 sinh viên đã có cuộc gặp gỡ, lắng nghe chị Lê Dương Thể Hạnh - một người đa khuyết tật, tác giả cuốn sách “Có một mặt trời không bao giờ tắt” kể về cuộc đời mình. Không gian có lúc lặng đi, xúc động, rồi sôi nổi hẳn lên bởi tiếng vỗ tay trước những câu chuyện của tác giả với số phận nghiệt ngã: Từ một người lành lặn bị xô vào bóng tối, và nỗ lực để vượt qua chính mình, bước ra ánh sáng làm nhiều việc có ích cho xã hội, cho những người đồng cảnh đồng tật. Chị đã truyền cảm hứng sống, nghị lực phi thường, niềm lạc quan tin yêu cuộc sống cho các bạn trẻ.
 
Chị Lê Dương Thể Hạnh giao lưu và truyền cảm hứng sống cho đông đảo sinh viên Đại học Yersin Đà Lạt
Chị Lê Dương Thể Hạnh giao lưu và truyền cảm hứng sống cho đông đảo sinh viên Đại học Yersin Đà Lạt

“Có một mặt trời không bao giờ tắt” là một cuốn tự truyện với hơn 90% câu chuyện của nhân vật Dạ Lý là câu chuyện của chính tác giả Lê Dương Thể Hạnh từ khi sinh ra, lớn lên và trưởng thành, cho đến khi tai họa ập đến từ gần 9 năm nay. Sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, Thể Hạnh có một tuổi thơ hạnh phúc, sôi nổi bên gia đình, lớn lên là một thiếu nữ xinh đẹp, da trắng, tóc dài, cao ráo, năng động, giỏi giang. Sau khi tốt nghiệp ngành Nhật Bản - Khoa Đông Phương học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Hạnh trở thành thông dịch viên kiêm trợ lý giám đốc cho công ty Nhật Bản, được đồng nghiệp, cộng sự tín nhiệm, thăng tiến, lên chức... Tương lai đang rộng mở thì định mệnh giáng xuống đầu cô gái trẻ khi mới 27 tuổi xuân với những cơn đau đầu kinh khủng kéo dài và căn bệnh hiểm nghèo được phát hiện: u não. Ca phẫu thuật đầu tiên không thành công do sơ suất chuyên môn của bác sĩ, chị được gia đình đưa sang Singapore phẫu thuật lần hai, sự sống và cái chết mong manh. Chị đã may mắn sống sót, nhưng hai mắt bị mù, tai trái không nghe thấy, thính lực của tai phải cũng không trọn vẹn, miệng và giọng nói bị méo đi, hệ vận động bị suy giảm nghiêm trọng, phải di chuyển bằng xe lăn, cơ thể bị suy nhược nặng trở thành một người đa khuyết tật. Người chồng sắp cưới của chị đã từng sát cánh bên chị suốt trong những ngày tháng chữa bệnh, giờ đây chị cũng đành quyết định rời xa để cho anh đi tìm hạnh phúc trọn vẹn. Chị trở về Đà Lạt, những buổi chiều tập đi cùng cha, sự tận tụy chăm sóc của mẹ và tình yêu thương của anh chị em, bè bạn, như được tiếp thêm nghị lực chị vượt qua nỗi tuyệt vọng, quyết tâm phải đứng dậy. Tiếp theo đó là những ngày đầu chị đến Hội Người mù Lâm Đồng tập các phần mềm máy tính dành cho người khiếm thị, khó khăn trong từng thao tác đơn giản, bởi một tay gần như buông thõng không điều khiển, chỉ còn lại một tay mò mẫm trong bóng tối trên từng nốt phím nhỏ nhoi…
 
Bìa cuốn sách Có một mặt trời không bao giờ tắt
Bìa cuốn sách Có một mặt trời
không bao giờ tắt
Kể câu chuyện về những khúc quanh đời mình không ít lần chị xúc động, những giọt nước mắt hẫng hụt xen lẫn nuối tiếc. Nhưng ngay sau đó là những câu trả lời dí dỏm, gây cười trước nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên đặt ra với chị. Trong tự truyện 31 chương của mình, chị tâm đắc nhất là chương 13 - ở đó chị đã “chấp nhận” chính mình nhìn thẳng vào sự thật mình một người khuyết tật, tha thứ cho người bác sĩ đã sơ suất trong khi phẫu thuật cho chị, biết “buông” để người chồng sắp cưới của chị đi tìm hạnh phúc. Trong tuyệt vọng nhất, Thể Hạnh vẫn luôn tìm cho mình niềm an ủi: Chị đã từng được sống 27 năm nhìn thấy ánh sáng, được trải qua tuổi thơ lung linh sắc màu, được học hành, mơ ước, có những phút giây huy hoàng và vinh quang. Trải qua tai họa, đối mặt với tử thần mà vẫn được sống, nên phải sống cho ra sống, tàn nhưng không thể phế.
 
Từ chiếc máy tính, câu chuyện của chị đã được kể lên bằng niềm tin khát khao cuộc sống. Năm 2012, chị được giải nhì cuộc thi Chiến sĩ thông tin cơ sở do Bộ VH-TT-DL, Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp cùng Quỹ Bill Gate trong Dự án “Máy tính cho cộng đồng thay đổi cuộc sống” tổ chức. Và được gặp gỡ Tổng Giám đốc thư viện toàn cầu, điều đó như một lần khẳng định cho ý chí vượt lên số phận của chị, tiếp thêm nghị lực để chị vượt qua bóng tối, không nhìn thấy không có nghĩa là mất tất cả. 
 
Qua những trang viết dày hơn 400 trang của chị, được viết bằng phần mềm dành cho người khiếm thị, người ta còn nhận ra nhiều tấm lòng nhân ái, nhiều thầy cô, người bạn khuyết tật đã coi nhau như anh em một nhà. Có mặt trong câu chuyện dài của chị, ông Vũ Xuân Trường - Chủ tịch Hội Người mù Lâm Đồng đã xúc động khi Thể Hạnh nhắc đến mình, gọi mình là người thầy. Với ông Trường, chị Thể Hạnh còn là bạn, là người em gái và là tấm gương sáng cho người đồng cảnh biết đứng dậy làm những điều có ích. 
 
Chị đã thành lập website “Sắc màu hy vọng” như sợi dây kết nối những tấm lòng hảo tâm, nối rộng vòng tay nhân ái của cộng đồng đến với những người kém may mắn bất hạnh. Đã có nhiều hoạt động thiện nguyện được tổ chức bởi nhiều tấm lòng chất chứa tình yêu thương con người. Với tâm niệm, mình không thể thay đổi số phận, nhưng có thể thay đổi thái độ sống; chị đã trở thành cô giáo dạy tiếng Nhật trực tuyến qua mạng cho mọi người trên mọi miền đất nước từ nhiều năm qua. “Có một mặt trời không bao giờ tắt” không chỉ dừng lại một cuốn tự truyện, mà còn là một kế hoạch “dài hơi”: Đó là một phiên bản tiếng Anh cho đứa con tinh thần “Có một mặt trời không bao giờ tắt” đến cho cộng đồng bạn đọc ở khắp nơi trên thế giới; đó là một cuốn từ điển Nhật - Việt đầu tiên ở Việt Nam dành cho người khiếm thị do chị biên soạn. Nếu cho Thể Hạnh một điều ước, chị đã không ước mắt mình sáng lại, mà ước mọi người hãy nhắm mắt lại trong 5 phút để cảm nhận bóng tối, để lắng nghe tiếng lòng và sẻ chia với những người khiếm thị.
 
QUỲNH UYỂN