Chợt Quỳnh

09:05, 19/05/2016

Hẹn hò, rủ rê mãi Tường và Linh mới dành cho nhau được chuyến cùng trở lại Hà Nội. Buổi sáng đầu tiên, Linh đến thắp hương bàn thờ ông bà ngoại của Tường, rồi hai người rảo bộ ngắm Hồ Gươm.

Hẹn hò, rủ rê mãi Tường và Linh mới dành cho nhau được chuyến cùng trở lại Hà Nội. Buổi sáng đầu tiên, Linh đến thắp hương bàn thờ ông bà ngoại của Tường, rồi hai người rảo bộ ngắm Hồ Gươm. Lâu lắm mới được nhìn thấy khói sương giăng mắc vòm cây, đất trời nồng nàn sắc thu vời vợi. Những tia nắng rắc lên cành liễu màu non óng như tơ lụa buông xõa ven hồ, Linh bồi hồi xuýt xoa: 
 
- Bao năm hồ vẫn ngăn ngắt màu ngọc bích, biếc gì đến lạ.
 
Tường đang nheo mắt ngắm Tháp Rùa, quả quyết:
 
- Tớ nghĩ hồ xanh từ lúc chúng mình chưa sinh ra cơ.
 
Câu nói của Tường khiến Linh nhớ về một Tường với khả năng cảm thấu văn chương sâu rộng. Văn phong tiềm ẩn nội lực giàu cá tính. Nhưng ngã rẽ cuộc đời đưa Tường thành giám đốc một doanh nghiệp. Từ lâu và đến tận hôm nay, Linh vẫn tiếc: 
 
- Cứ tưởng bạn đeo đuổi nghiệp văn chương giống ông ngoại?
 
Tường không giấu nỗi niềm: 
 
- Thèm viết lắm… Nhưng đã được thảnh thơi đâu, áp lực triền miên từ công việc, rồi cả gánh nặng gia đình. Có những ngày căng thẳng cảm giác như băm nát hết cảm xúc của mình. 
 
Từng thấu rõ những biến cố đi qua đời nhau, điều Tường nói là rất thật. Nhưng Linh vẫn cố nhắc lại lời của bạn:
 
- Thế sao cứ xúi giục tớ chịu khó viết, viết nhiều mới thành văn?
 
Hai người bạn gái thân từng đọc nhau vanh vách, thuộc nhau tường tận. Giờ họ như trái ngọt chín muộn, dư vị cảm xúc dồn đầy. Lúc này phút giây bên hồ, trong không gian và tâm tưởng an lạc, họ ríu ran bên chiếc ghế đá sát gốc lộc vừng.
 
Trò chuyện một lúc, Tường gọi về nhà: “Cháu ra phố mua giúp cô bó hồng thơm, hồng leo ấy nhé, chờ lát nữa cô Linh về cắm hoa cho”. Tường quay sang dặn: “Trưa về nhà, phần cậu cắm hoa”. Linh thấy lòng vui, như thuở nào, Tường là bạn gái duy nhất luôn hào phóng nhường hoa cho Linh vô điều kiện.  
 
Nhớ ngày đầu vào đại học còn xa lạ. Bạn bè ai cũng cho Linh là đứa lập dị dở hơi. Ở nơi sơ tán, Linh cứ khăng khăng đòi trọ trong ngôi nhà lá tuềnh toàng, tường vách rách nát, nghèo nhất làng. Được vài ngày Linh bật mí với Tường: “Tớ rất thích ngôi nhà này vì có ao hoa súng và cây bưởi nở hoa”. May mắn cả hai tâm hồn đều lãng mạn và thích đủ thứ nên kết thân rất nhanh. Tường là bạn gái sôi nổi có nhiều tài lẻ, giọng hát trong veo cao vút. Sáng nào cũng chu miệng vào bể nước mưa o, u, ư luyện thanh như ca sĩ. Xuất sắc và mê bóng bàn đến mức gần như độc chiếm bàn bóng sau khi hạ tất tần tật đối thủ vào ngày chủ nhật. Vì vậy khoa nào có đại hội hay tổ chức ca nhạc thể thao, Tường được mời làm đại biểu đến giao lưu. Mỗi lần về, Tường mang cho Linh những bó hoa được tặng. Hoặc có khi phải lao vào tranh giành chí chóe, cướp lại của tụi con gái lớp khác rồi tuyên bố: “Chỉ con Linh bạn tao biết thưởng thức hoa thôi”. Linh nghe kể lại cũng hơi ngợp, nhưng thầm biết ơn Tường vì từ đó đến giờ, không một ai dám ngang tàng khen Linh như vậy nữa.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Ông ngoại Tường là nhà văn, có uy tín rất lớn được nhiều bạn văn và độc giả kính trọng mến mộ. Có lẽ nhờ gien di truyền từ ông nên Tường cũng mê đọc sách, cần mẫn viết lách. Hôm hoàn thành truyện ngắn đầu tiên, Tường hăm hở rủ Linh: “Đi với tớ đến Hội Nhà văn gửi bài đăng báo”. Linh ngạc nhiên nên gợi ý: 
 
- Ông ngoại là nhà văn nổi tiếng… Sao Tường không nhờ ông đọc rồi gửi giúp cho?
 
Tường tự tin khăng khăng: 
 
- Không được, mình muốn tự đi gửi bài để dành cho cụ bất ngờ.
 
Lần đầu tiên rủ nhau đến tòa soạn, bước chân rón rén ngượng ngùng. Gặp một người đàn ông đang bước vội ra sảnh, Tường rụt rè hỏi:
 
- Chú ơi có phải gửi bài ở đây không ạ?
 
Người đàn ông không nhìn thấy tay Tường đang chỉ vào cái thùng gỗ rất mới, cao gần một mét đang đặt trước cửa văn phòng. Ông tưởng hỏi địa chỉ của hội thì gật đầu ngay: “Đúng rồi các cháu, gửi bài ở đây”. Thoắt cái, Tường nhét vội truyện ngắn vào thùng gỗ, xong hai đứa líu ríu bước ra cổng.
 
Về nhà Tường cứ dài cổ đợi kết quả. Chờ mãi sốt ruột, mấy lần cứ lẩm bẩm: “Sao không thấy họ hồi âm nhỉ?”.
 
Một buổi chiều Tường ghé đến nhà Linh giọng rất khẽ:
 
- Họ không nhận được bài của tớ.
 
- Sao biết? 
 
- Vừa đến Hội Nhà văn về, họ bảo chúng mình gửi nhầm rồi. Cái thùng hôm trước mình nhét truyện vào là thùng rác của cơ quan, không phải thùng thư.
 
Linh liền “Há” vì kinh ngạc rồi phá lên cười, không để ý mặt bạn vẫn còn đang ngơ ngẩn.
 
Tường chép miệng than:
 
- Mất toi cái truyện ngắn, phí thật.
 
Linh được thể trách: 
 
- Đã bảo có ông ngoại thì nhờ đi, không chịu nghe.
 
Học đến năm thứ hai khoa được chuyển về cơ sở Lê Thánh Tông, Hà Nội. Thỉnh thoảng Tường rủ Linh về thăm ông bà ngoại ở quận Hoàn Kiếm. Trông thần thái dáng vẻ ông ngoại quắc thước, nét mặt nghiêm nghị nên Linh giữ phép tắc ít khi dám lại gần. Thời đó đối với những bậc văn nhân tài hoa, thường thường chỉ dám đứng từ xa ngưỡng vọng. Nói là đến thăm ông bà, mà hầu như chỉ dám gặp bà. Bước rón rén đi thật nhẹ nói thật khẽ lên cầu thang nhỏ, rẽ phải là gian phòng làm việc chứa đầy sách vở của ông. Tường và Linh thường rẽ trái, gặp và trò chuyện với bà ở gian bếp. Lần nào cũng nhìn thấy hình ảnh bà hồn hậu, tỉ mẩn chăm chút kĩ từng món ăn thức uống cho ông.
 
Đầu giờ chiều hôm đó như mọi lần, hai đứa lại ghé thăm nhà ông bà ngoại. Từ cầu thang lộ thiên sắp bước lên ban công, thấy một búp hoa ngộ nghĩnh mướt xanh như hoa loa kèn, vươn ra từ nách lá như lá cây xương rồng. Linh tròn mắt lạ lẫm ngắm. Tường hỏi: “Biết hoa gì không?”. “Cây xương rồng nở hoa?…”. Tường cãi: “Đâu phải xương rồng, hoa quỳnh đó”. Trước nay Linh chỉ nghe qua sách vở, hoa quỳnh như loại kì hoa dị thảo, chỉ trồng trong các cung vua phủ chúa. Giờ gặp nó đang vươn dáng trước mặt mình kia. 
 
Lúc đó, Linh và Tường đã thân nhau như hình với bóng. Bề ngoài từ vóc dáng đến tính nết hai đứa có nhiều đối lập, đã từng dám ví von như “địa trung hải” và “thảo nguyên”. Dáng Tường cao hơn, tính cách mạnh mẽ và trực giác nhạy cảm. Linh thấp bé nhẹ cân có phần yếu đuối nhút nhát hơn. Hai người từng có những quan điểm trái chiều, nổ ra nhiều trận tranh cãi kiểu như đất trời không chịu nghe nhau. Bạn bè nghe âm vọng trên mức bình thường thì đoán: “Chuyến này hai đứa đứt luôn là cái chắc”. Vậy mà ngay hôm sau đã thấy tươi roi rói, lại sáng trưa chiều tối cùng nhau. Nhiều khi Tường muốn tỏ ra đáo để dành phần làm chị. Nhường nhịn “đồ ôn con” hoặc “con khỉ con” là cách gọi âu yếm dành tình thương mến thương cho Linh. 
 
Thấy “đồ ôn con” đang đứng lưng chừng cầu thang mê mải ngắm búp quỳnh, Tường động lòng hào phóng: “Thích lắm à? Tí nữa tớ hái cho”. Hôm ấy, ông ngoại không có nhà. Hai đứa ghé thăm bà ngoại một lát, khi đi về ngang dưới dàn hoa, Tường nhanh tay ngắt búp quỳnh rồi đưa cho Linh dặn: “Nhớ chịu khó đợi đến khuya nó mới nở”.
 
Từng có nhiều dáng hoa loài hoa ám ảnh Linh, ôi ước gì mình có nó, ôi ước gì... Từng không ít lần dám thò tay hái hoa, bứt nụ bên dậu rào hàng xóm. Nhưng khi cầm búp quỳnh hái từ bụi hoa của nhà ông bà ngoại Tường, Linh cứ ngần ngại và bối rối mãi khó quên.
 
Về đến nhà, liền hăm hở cho búp hoa vào lọ thủy tinh cao cổ đổ đầy nước Linh mở máy hát Rigonđa để thả tâm hồn mình ngóng đợi hoa trong nền nhạc êm dịu. Đinh ninh quỳnh giống như hồng, dơn, huệ... lìa cành rồi vẫn nở, Linh ngồi mơ màng chờ quỳnh khoe sắc. Thời gian càng trôi, búp hoa cứ nhợt nhạt dần, nước trong lọ càng đục? Vì biết quỳnh nở rất khuya Linh kiên trì tự nhủ gắng chờ thêm chút nữa… Khi búp quỳnh rũ rượi lả xuống, Linh nhấc cành lên thấy dòng nhớt trong vắt từ cuống chảy ra đặc quánh, biết búp quỳnh đã chết. 
 
Sáng hôm sau Tường vội vã đến nhà hỏi ngay:
 
- Búp quỳnh đâu?
 
- Chờ mãi chẳng nở, tớ vứt vào sọt rác rồi. Tường chép miệng: 
 
- Phí thật!
 
Thấy nét mặt bạn căng thẳng Linh hỏi: “Có chuyện gì phải không?”. “Sáng nay tớ vừa ghé nhà đã nghe bà ngoại cằn nhằn: Ông ngoại về phát hiện mất búp quỳnh, ông hét đứa nào ngắt mất búp quỳnh rồi, đồ trời đánh thánh vật? Bà vẫn bảo không thấy, không biết đứa nào hái cả. Ông càng điên tiết làm sao bây giờ hả giời? Hỏng hết việc của tôi rồi”.
 
Linh giật mình: “Việc gì?”. “Cụ đoán hoa quỳnh nở nên đã đi mời mấy bạn văn thơ, tối đến nhà vừa uống trà vừa ngắm hoa… Rồi cụ hậm hực xách rượu đến nhà bạn tận khuya mới về”. Linh run, lập tức hình dung cơn thịnh nộ của ông. Mấy lần nghe Tường kể, ông ngoại rất cầu kì, tinh tế trong đối ẩm và tiếp đãi bạn hữu. Nhưng thỉnh thoảng ông có những cơn nóng giận thì như núi nghiêng đất lở. Thế là Linh hoảng:
 
- Ông biết chúng mình hái không?
 
- Không, nếu biết cụ chửi cho đến sang năm đấy. May, tối qua tớ không ở nhà ngoại, sáng nay vừa ló mặt về thì biết chuyện. Nhớ im cái mồm nghe chưa?
 
Linh vừa gật đầu vừa thấy ân hận:
 
- Để nó nở trên cây chắc là đẹp, cắm mỗi cái búp trông thật… ngán.
 
- Hai đứa mình ngu thật, phí mất cái hoa.
 
Phải đến mấy năm sau Linh mới có dịp được ngắm hoa quỳnh. Hoa nở rồi hoa lại tàn hoa nào chẳng vậy. Nhưng hoa quỳnh thì kì ẩn đến lạ lùng, cầu kì nở gần 12 giờ đêm. Thời khắc ấy như muốn dành cho những ai ôm sẵn khối hồn mộng mơ, họ biết yêu quý cái gì phải yêu quý đến tận cùng hương nhụy, đam mê điều gì thì phải đam mê đến tuyệt cùng. Hoa bắt phải chờ phải mong, nhưng khi sắc hương bừng dậy không cho ta ngắm mỏi mòn con mắt, không được hít hương thơm no tràn lồng ngực. Phút giây lộng lẫy ngắn ngủi của hoa quỳnh không cho ta cảm giác phù du, mà là sự dâng hiến như muôn năm chỉ có một lần. Khi những cánh hoa lả mềm khép lại, ta ngồi đó thao thức cùng trăng sao đủ gợi để nhớ cả một đời…
 
Bồi hồi bên hồ thu Hà Nội, cảm xúc cộng hưởng từ phía kỉ niệm. Khi Linh vanh vách nhắc từng chi tiết chuyện búp quỳnh, Tường cười tít mắt lườm Linh: “Đồ con khỉ nhớ dai… Công nhận hồi đó hai đứa mình ngốc nhiều thứ nhỉ?”.
 
Truyện ngắn: HUỲNH NGỌC LAN