Chẳng rõ nguyên cớ ấy là làm sao, tôi vừa đặt chân vào quán cà phê, cô chủ quán đã cho vang lên giai điệu: "Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu?". Đưa ánh mắt nhìn những tia nắng hắt xéo qua đọt lá non, cô chủ quán cà phê khẽ mở lời chào: "Hè rồi đấy, anh nhỉ!".
Chẳng rõ nguyên cớ ấy là làm sao, tôi vừa đặt chân vào quán cà phê, cô chủ quán đã cho vang lên giai điệu: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu?”. Đưa ánh mắt nhìn những tia nắng hắt xéo qua đọt lá non, cô chủ quán cà phê khẽ mở lời chào: “Hè rồi đấy, anh nhỉ!”. Ừ, hạ nắng về với sắc đỏ phượng vĩ thắp lửa ngày xanh. Qua câu chuyện, tôi biết sắc hạ bồi hồi ngoài kia đang cháy lên trong cô những kỷ niệm không tên của tuổi học trò khờ dại long lanh nơi sân trường im nắng. “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay”.
|
Phượng vĩ nở báo hiệu mùa hè về |
Tôi, tất nhiên không phải Đỗ Trung Quân cũng chẳng là Vũ Hoàng, tác giả phần lời và phần nhạc của ca khúc “Phượng hồng”, nên chắc chắn chả có “em” nào chở mùa hè của tôi đi cả. Song, không vì thế mà nói rằng, tôi dửng dưng trước mùa hè oi nắng. Chí ít, bắt chước cô chủ quán cà phê kia, tôi cũng tự cháy lên theo cách riêng mình trước sắc đỏ phượng hè cùng tiếng ve sầu kêu vang động trên cành cao. Có điều mùa hè của tuổi thơ tôi không tràn ngập những dòng lưu bút chở nặng sự chia ly, luyến nhớ trước khi chia tay chuyển cấp ra trường, cũng chẳng mang lại sự thèm khát, ngưỡng mộ cho bạn bè bởi các câu chuyện kỳ thú xung quanh những chuyến du lịch dài ngày cùng gia đình nơi bãi biển biêng biếc xanh, hoặc những thứ quà xa xỉ mua ở thành phố, hay đơn giản như việc được cô gái nào đó tặng hình cánh bướm ép từ hoa phượng, mà thức đắng đau ký ức về một sự cố... mùa đông.
Chuyện xảy ra khi tôi đang theo học lớp 8 trường làng. Mùa đông năm ấy, ở quê tôi rét cắt da cắt thịt. Khổ nỗi, bố mất sớm, mẹ phải một mình gồng gánh nuôi 5 chị em tôi. Cơ cảnh đó, ăn còn chạy từng bữa, lấy đâu ra tiền mà sắm sửa quần áo. Cố gắng lắm mẹ tôi cũng chỉ kiếm được cho tôi 2 bộ quần áo để đi học. Một bộ tương đối tươm tất và bộ kia thì vá chằng vá đụp. Rét quá, tôi mặc luôn cả 2 bộ quần áo và yên tâm đến trường.
Sau tiết Toán và Sử, đến tiết Văn của cô giáo chủ nhiệm. Cô gọi tôi lên bục giảng. (Chuyện này là bình thường nếu như mục đích của cô giáo là để kiểm tra bài cũ). Kêu tôi lên bục giảng xong, cô chẳng đả động gì đến bài vở, mà nhìn một cách soi mói từ đầu tới chân, rồi nghiêm giọng: “Rõ là học sinh cá biệt! Trời rét căm căm thế này mà chỉ mặc độc mỗi chiếc áo!”. Tôi cứ nghĩ giản đơn vì thương học trò, sợ học trò rét quá sinh bệnh; do đó, đã có lời nhắc nhở, nên mạnh dạn thưa vì nhà không có áo để mặc chứ không phải có mà không chịu mặc và mong nhận được sự cảm thông nơi cô. Thế nhưng, cô lại có cách hành xử rất chi... phản giáo dục: “Đã thế lại còn lắm mồm! 0 điểm! Về chỗ!”. Trong cơn bực dọc cao độ, cô vừa kéo xềnh xệch bộ quần áo tôi đang mặc trên người, vừa cho các bạn cười giễu tôi một cách hể hả và khinh bỉ.
Thật chẳng ra làm sao! Tôi bị cho là học sinh cá biệt chỉ vì nhà nghèo không mua nổi chiếc áo ấm? Từ đó, tôi sống lầm lũi, mặc cảm trong tâm trạng bất phục.
Mặc cảm đó dắt dẫn tôi tìm đến phượng, chỉ dấu đầu tiên báo hiệu mùa hè cùng tiếng ve, đơn giản vì mùa hè đồng nghĩa với rét mướt lui dần, chả có lý do gì để mặc áo ấm; vì thế, tôi không còn bị đánh giá là học sinh cá biệt và lắm mồm. Do vậy, tôi luôn thấp thỏm ngóng đợi cái thời khắc hoa phượng bung nở như lửa cháy loang trên cành và nhận ra có một sự đồng hành mặc định giữa sắc phượng vĩ đỏ rực năm cánh với tiếng hát gọi bạn tìm tình của loài côn trùng kia: phượng càng cháy đỏ, tiếng ve càng da diết, mênh mang. Tiếng ve sầu tự nó đã làm nên một tổng phổ âm thanh và phượng hè rực đỏ đóng vai trò giữ nhịp, lĩnh xướng. Tuy rằng, khúc thức bản tổng phổ mùa hè chỉ đơn điệu một bè, một giai điệu, tiết tấu, nhưng bù lại thời gian trình tấu kéo dài suốt 3 tháng, thành thử nghe riết cũng thấy hoành tráng chẳng kém gì những tổ khúc được xướng riêng cho mùa hè.
Sau này, sống và lang thang khắp quê xứ Lâm Đồng, tôi biết thêm phượng còn có thể trổ bông màu tím, màu trắng và cả màu vàng.
Trên phương diện nguồn gien, những đóng góp này rất đáng trân trọng, vì làm phong phú hơn những loài thực vật Việt Nam, nhưng cả 3 loại phượng nói trên (tím, vàng, trắng), không tiêu biểu và phổ biến bằng phượng vĩ, vốn đã gắn liền với tuổi học trò: cháy khát đam mê, bồng bột nông nổi, rất mít ướt nhưng lại sâu sắc ý nhị vô cùng. Mà chả cứ gì tôi, ngay cả Vũ Hoàng lẫn Đỗ Trung Quân cũng thế: “Cánh phượng hồng ngẩn ngơ/ Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ lên cây/ Và mùa sau biết có còn gặp lại?”. Một khi đã nói đến “mùa sau” cũng có nghĩa là nói đến mùa xưa, mùa của vụt đi không trở lại. Biết thế mà vẫn cứ hỏi, phải hỏi, hỏi cho đỡ nhớ, hỏi cho đỡ đau và hỏi để thêm hy vọng, dẫu rằng sự thể thì ai cũng đã biết: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Tuy thế, đấy vẫn là cách tự ru vỗ lòng chân thật nhất có thể chấp nhận được. Sự ru vỗ xây trên nền tảng bệ đỡ quá khứ, một quá khứ được chưng cất kỹ, nên bao giờ cũng đẹp huyền ảo.
Ru người cũng là tự ru mình. Bởi vậy, chả trách phượng hè cứ thổn thức đỏ và ai kia cũng đỏ mắt vì chia xa.
Tạp bút: TRỊNH CHU