Phải thừa nhận mình là thằng thông minh! Đứa rách trời rơi xuống, kẻ độc cô cầu bại, không có đối thủ. Tính nước làm ăn thì "Thống bình bịch" này là "nâm bờ oăn" (số 1), dám nghĩ, dám làm và làm được, cả những việc người khác không thể hoặc không dám làm.
Phải thừa nhận mình là thằng thông minh! Đứa rách trời rơi xuống, kẻ độc cô cầu bại, không có đối thủ. Tính nước làm ăn thì “Thống bình bịch” này là “nâm bờ oăn” (số 1), dám nghĩ, dám làm và làm được, cả những việc người khác không thể hoặc không dám làm. Hai mươi hai tuổi trưởng trạm kiểm lâm cửa rừng, đâu phải vừa. Nhắc đến cái tên “Thống bình bịch” lâm tặc chết khiếp, nhưng biết điều, chọn đúng thời điểm giao ca, quay lưng rời trạm gác thì xe reo chất đầy đinh, lim, sến, táu, cẩm lai, pơ mu, hoàng đàn… vù qua luôn. Ai dám bảo không hoàn thành nhiệm vụ? Nổi tiếng liêm chính, ngày đó lương thực vào diện Nhà nước quản lý, vợ phó chủ tịch có mấy bao bắp qua barie, a lê, ách lại. Trước đám đông bà con kinh tế mới vây quanh, “Thống bình bịch” hùng hổ: “A, vợ phó chủ tịch hả? Vợ phó chủ tịch chứ đến vợ ông trời cũng phạt nặng!”. Hắn giở tập biên lai phạt ra. Năn nỉ mãi không xong, bà chị luýnh quýnh thục tay hết túi xách lại túi áo: “Ấy chết, chị hết mất tiền rồi!”. Không tiền nộp phạt thì lột hoa tai nhẫn vàng ra! Một, hai, ba… ba chỉ vàng, ghi vào biên bản. Có mấy bao bắp nuôi heo phạt người ta nhè nhẹ thôi. Cụ già trong đám đông ái ngại, tội nghiệp nhìn vợ phó chủ tịch nói giúp một câu. Nhẹ là nhẹ thế nào? Hắn trợn mắt, luật pháp là luật pháp. Nhưng tối hôm ấy phóng vội đến nhà phó chủ tịch, sục vào tận bếp bà chị đang lúi húi thổi cơm, chìa ra chiếc khăn mùi soa nhàu nát trong lòng bàn tay, lỏng chỏng những hoa tai nhẫn vàng: “Nói vậy thôi, vuốt mặt phải nể mũi chứ, đây, của chị chị lại đeo vào!”.
Ba mươi năm trước, cái thị trấn vùng kinh tế mới này người dân còn gồng gánh đi bộ, ai có cái xe đạp cả “phố” biết, thế mà hắn đã cưỡi bình bịch. “Thống bình bịch”, danh xưng gắn liền chủ sở hữu.
Bình bịch là cái quái gì? Nghe ngồ ngộ. Khổ quá, nó là chiếc xe máy mà dân quê miền Bắc khi xưa gọi theo tiếng nổ. Cũng như bánh mì thằng Tây mới xâm lược nước ta đem sang gọi là “bánh Tây”. “Dân Kờ Tờ Mờ” (KTM - Kinh tế mới) hầu hết đã có tuổi đều từ các làng quê miền Bắc vào đây khai hoang lập ấp. Chiếc bình bịch mà Thống sở hữu có tên Ha bích (Habicht), loại xe đầu bảng của hãng Simsơn (Simson) tận bên Đức, đèn vuông màu lá mạ, bình xăng 9 lít máy 2 thì 50 phân khối chạy xăng pha nhớt trị giá 6 cây vàng, lúc ấy mua được cái nhà 2 tầng mặt phố ở Hà Nội. Ngông cuồng, cưỡi trên cả một dinh cơ! Đã có người quở, nhưng cũng không thiếu kẻ ghen tị mất ăn mất ngủ.
|
Minh họa: H.TOÀN |
Chiều chiều, kính gọng vàng, quần soọc áo phông dong xe ra cửa nổ máy làm một vòng quanh thị trấn cả phố nhìn theo. Như thường lệ, xe dừng lại quán nước ngã ba trung tâm, ở đây dân anh chị có máu mặt và cánh thợ chữa xe đạp đã ngồi chờ “hội thảo”. Chủ quán đâu? Bàn mới dọn ra, cả chiếc khăn lau cũng mới, thuốc lá thơm vô tư. Bao nhiêu cặp mắt dán vào chiếc xe. Một cậu ghé sát tai “Thống bình bịch”:
- Cho em sờ thử vào tay nắm có được không?
- Tưởng gì! - Thống ngửa mặt rạng rỡ cười độ lượng: - Chú thích, anh nổ máy hai anh em mình bát phố.
Chờ cho thằng em đờ đẫn mân mê cái tay nắm bọc nỉ màu xám lấy cảm xúc xong đã, Thống đặt chân lên cần khởi động nổ máy rẹt rẹt rồi păng păng 2 thì nhịp đều, khói thơm phả ra cùng tiếng “than thở phì phào”. Máu nhập xăng đám đông hít lấy hít để. Hai anh em nhìn thẳng, ngẩng mặt đón gió, tóc vuốt dài bồng bềnh bay trong không trung.
Cứ nghĩ lại đã hởi lòng hởi dạ. Ấy vậy mà cái thằng nhãi ranh giờ dám qua mặt mình. Thống cắn môi, cặp môi mỏng tương phản với những cục thịt nổi lên giữa trán và hai bên gò má. Mày đừng quên cái thằng tao này là người đầu tiên đi xe máy ở thị trấn, lẽ ra phải là người đầu tiên xây nhà 2 tầng, đâu đến lượt mày. Chỉ tại con vợ tao nó ngu quá.
Vợ Thống là cô giáo Lan hiệu phó trường tiểu học. Cô giáo giống tính bà mẹ đã qua đời, thích cuộc sống bình lặng và bằng lòng với tất cả. Họ bảo cô không biết sướng. Có nhà để ở, vườn rau ao cá, công việc ổn định gần nhà, vợ chồng khỏe mạnh, con cái 2 đứa sắp tốt nghiệp đại học cả. Sướng thế chứ còn sướng thế nào? Cô thường tâm sự với đồng nghiệp hoặc với chồng những lúc rỗi rãi ngồi đan len buổi tối sau khi chấm bài cho học trò.
- Nói với cô thà nói chuyện với đầu gối còn hơn. - Thống bực dọc: - Ở đời là người ta phải nhìn lên. Kia kìa, mở to mắt ra mà coi!
Chẳng ngẩng lên Lan cũng đủ biết anh lại hất hàm sang ngôi nhà 2 tầng mới xây chắn trước mặt. Từ ngày đóng cửa rừng tuyệt đối cấm khai thác thì kiểm lâm cũng đói luôn. Thống không chịu số phận, lập tức về hưu non bắt mối với lâm tặc lâu lâu làm một chuyến gỗ xuôi sông Đồng Nai. Kín kẽ lắm, chẳng may có vỡ lở cũng vô can. Lâm tặc mà đã kết hợp với kiểm lâm thì có mà trời bắt, hơn nữa lại chỉ lai rai cò con vào mùa mưa lũ. Thằng nhãi xin ngồi sau xe “Thống bình bịch” ngày nào giờ phất lên thành ông chủ, mua ngay mảnh vườn phía trước nhà. Có lần giữa đám cưới giơ tay bắt nó còn ngoảnh mặt đi, nào biết vô tình hay hữu ý. Xưa nay nhà cấp 4 như nhau, giờ nó nghênh ngang chắn gió Đông Nam, che ánh mặt trời buổi sớm. Chiều đến nóng hầm hập, mười chiếc điều hòa “chuồng cu” phả hơi nóng sang chịu không nổi. Thống tức lắm, lăm lăm cầm con dao quắm ra chặt phăng cành ổi chĩa sang phía nhà mình. Cành lá rời khỏi thân chững lại giây lát trước khi đổ ào xuống.
- Cứ để đấy, làm gì phải thế! - Lan nhỏ nhẹ.
- Sợ hả?
Sợ thì Lan không sợ, nhưng mà xót. Cây ổi ấy tay cô trồng làm ranh giới tượng trưng hai nhà với chủ cũ, ngày xưa làm gì có hàng rào, tối lửa tắt đèn còn chạy sang nhau. Chính mẹ cô lên cơn sốt rét không được ông bà hàng xóm cáng lên bệnh viện huyện kịp thời thì cũng chết lâu rồi. Trời nắng chang chang hai ông bà è cổ lồng cây sào tre vào quai võng, phủ vội chiếc chăn chiên Nam Định khiêng đi. Lan cắp nón chạy theo, chốc chốc lại kéo lật chiếc chăn cho mẹ dễ thở. Hơi nóng phả ra hầm hập, trong khoảng tôi tối mẹ vừa rên vừa gượng cười. Ai ngờ mấy ngày sau đến lượt ông hàng xóm lên cơn sốt rét ác tính vật vã đi luôn. Mẹ cô nói với bà vợ khi bà có ý quay về quê: “Thôi, bà ở đây với tôi cho vui, đừng đi! Tôi cho bà mảnh vườn trước nhà, hai mẹ con tôi trống trải sợ lắm”. Kinh tế mới đất rộng người thưa, ngày ấy cho nhau vườn cây thửa ruộng là chuyện thường. Lúc ấy đất không quý, người mới quý. Một thế hệ khai sơn phá thạch đã qua rồi. Vài chục năm nay, kinh tế thị trường mở ra, phố hóa, đất vùng sâu, vùng xa bỗng lên cơn sốt, cái hàng rào trở thành vấn đề.
Ai cũng bảo “Thống bình bịch” thế mà dại, thằng nhãi nó khôn hơn. Nó đào rãnh thoát nước dọc theo hàng rào kẽm gai ngăn cách hai nhà, gom nước đổ vào ao cá phía sau. Đằng thì vì nước chảy, đằng thì vì vét rãnh, mỗi khi có cọc nào nghiêng nó dựng lại là y như rằng chân cọc bị nhích sang bên kia một chút. Kiếm cớ nắn lại hàng cọc gỗ cho thẳng, đẩy nốt những cọc còn lại sang theo. Chưa hết, bờ ao sau nhà cách hàng rào cả mét mà giờ mép nước tấn công vào đến chân cọc, cơ hồ này chẳng mấy mặt nước ao tràn sang bên kia hàng rào nhà cô giáo Lan là cái chắc.
Thấy bên này chặt cây ổi, bên kia cũng “dựng” lại cái cọc ở góc ao cá. Thống kéo vợ ra cửa sổ chỉ chỉ:
- Thấy chưa, thấy chưa…
- Đáng là bao! - Cô Lan chậc một cái, quay lưng.
Thế hóa ra mình là tiểu nhân bần tiện à? Thống ức lắm đành nín nhịn, lòng tức anh ách, càm ràm:
- Đụng đến cái cọc cuối nó khác. Sai một ly đi một dặm, tôi tưởng cô có học cô khôn ngoan lắm kia mà.
- Cái ông này…
- Ông này thế nào? Cô không nói để tôi nói.
- Thôi thôi, tôi xin ông! - Cô đứng chắn ngang cửa dang hai tay can chồng.
Cô Lan mới chỉ biết mình bị lấn một tí đất, còn Thống nghĩ ngay hậu quả lớn hơn nhiều. Ấy là mảnh đất nhà mình không còn vuông vức nữa, đương nhiên vườn nhà nó nở hậu thì nhà mình phải thắt lại.
- Hì, người ta bảo nhà mình dại… - Cô Lan nở nụ cười tươi.
- Ngu thì có! - Thống dập tắt.
- Ông bảo ai ngu?
- Cô ngu, tôi ngu, cả nhà mình ngu! Cô có biết 10 phòng kia đón du lịch homestay ngày nó thu bao nhiêu không?
- Hai triệu.
- Chứ gì, bằng tháng lương của cô đấy.
Nhà người ta có Toyota 12 chỗ đưa đón khách du lịch, cả bao ăn nữa, thế là vơ trọn gói. Nhà mình… Mà cái cây cau kia hết thời rồi, vô duyên đứng chắn ngõ xe con vào thế nào được, mấy lần Thống toan chặt đi đều bị vợ chặn lại. Nó là kỷ niệm ngày xưa mẹ cô đem từ Bắc vào, thấy nó là thấy mẹ. Tiền Thống không thiếu, nhưng nhà Lan một mẹ một con anh về luôn đây, cái mộng xe lên đời, nhà lên tầng khó mà thực hiện. Nó xây 2 tầng thì mình 3, 4 tầng vào, cây cau phải chặt đi, cổng cửa rộng ra xe con mới quay đầu được. Bao nhiêu năm vẫn tường đất mái ranh, Thống nói với vợ:
- Giờ người ta ngói hóa cả rồi, tiêu chí nông thôn mới đấy, nữa là thị trấn.
- Em ở quen cái nhà này rồi, tranh tre nứa lá nó thân thiện, gần với môi trường, xi măng sắt thép em không thích.
Bảo thủ đến thế là cùng, cô giáo ơi là cô giáo ơi! Sống gia cư chết mồ mả, thế này thì bao giờ mới ngẩng mặt lên được. Cái con vợ tôi nó ngu quá!
Thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Một buổi chiều muộn có cặp thanh niên nam nữ người Âu khoác ba lô to đùng đến xin trọ một đêm. Như thường lệ, cô Lan chỉ sang nhà hàng xóm phía trước, nhưng họ nằng nặc xin ở nhà cô, ngay trong bếp cũng được. Cậu con trai có vẻ xuềnh xoàng còn cô gái trắng trẻo diêm dúa như nàng tiên. Ái ngại quá, nhưng họ đã đặt ba lô xuống rồi.
Nhìn qua cửa sổ có tán cây dâm mát, cô gái thò tay ra ngoài sờ trái na sù sì hỏi là quả gì. Cô Lan chỉ cái điều hòa nhiệt độ bám trên tường nhà hàng xóm, ý nói bên ấy đủ tiện nghi. Cậu con trai lắc đầu nói tiếng Việt khá sõi:
- Ở đây thích hơn, thoáng mát, chui vào cái hộp ấy có lỗ thở bằng ngón tay này này.
Thì ra nó cũng quan niệm giống mình, cô Lan thấy hay hay.
- Ở đây có rơm không? - Khách hỏi tiếp.
- Để làm gì?
- Để rải ổ, có lá chuối khô nữa càng tốt!
Thì ra bọn này là sinh viên khoa ngữ văn Đại học quốc gia, đã đọc rất nhiều tiểu thuyết Việt Nam. Chúng khoe bức tranh thêu cô thôn nữ đứng cạnh chum nước dưới gốc cau, có bẹ lá buộc ôm lấy thân cây đang nhỏ giọt nước mưa, cô gái nghiêng người giơ gót chân son hứng nước dội từ chiếc gáo dừa. Nó nói ngày mai bạn gái nó đây sẽ đóng vai cô này để chụp ảnh quay phim gửi về nước.
- Ngủ nhà chị Dậu một đêm, - Cô gái giải thích thêm: - Trong ổ rơm lót lá chuối khô, và… uống rượu Chí Phèo.
- Chị Dậu nào? Đây là nhà cô Lan. - Thống đính chính.
- Chị Dậu vợ anh Pha, trong “Tắt đèn nhà ngói cũng như nhà gianh!”.
Lan rủ hai người khách ra chợ mua thức ăn, tiện thể đi chơi phố. Ba mươi năm trước gọi là “phố” kể cũng hơn ngượng, tự phong lên cho oai thôi. Chính bùng binh ngã tư đèn xanh đỏ, xe con xe lớn nối đuôi nhau như có vẻ tắc đường kia là nơi “Thống bình bịch” khoe chiếc xe máy đầu tiên của thị trấn. Lúc ấy mới chỉ có ngã ba, gọi là Ngã ba Trung tâm, mấy quầy bán tạp hóa, quán nước và ông thợ sửa xe đạp căng bạt ngoài trời. Rìa đường có cái chợ con họp ban ngày, chiều xuống lều trại vắng tanh vắng ngắt, mấy con chó vục đầu vào đống rác, thi thoảng gió lồng thổi bay tứ tung. Con đường đất đỏ nắng bụi mưa bùn dọc Tây Nguyên hoang vu giờ đã được trải nhựa. Nhà lầu mái ngói thi nhau mọc lên hai bên đường. Không còn thấy đoàn người rễu rệt mệt mỏi lê bước với những gùi than củi đè nặng trên lưng, xe hai bánh, bốn bánh phóng vù vù, và trong câu chuyện làm ăn đã nhắc đến tiền triệu, tiền tỷ. Mấy chục năm trước không chịu nổi cơ cực, có người gọi hàng xóm tới cho ngay mảnh đất đang vỡ, quẳng cuốc về thành phố. Không phải ai cũng trụ được ở Sài Gòn, Hà Nội. Những người bám đất, sau mấy mùa cà phê được giá, nuôi con học đại học, tậu nhà thành phố. Người vội bỏ đi giờ tay trắng trở về thì tấc đất tấc vàng, tiếc cũng chẳng được.
Chỉ qua một ngày đêm homestay, hai sinh viên ghi chép được rất nhiều, trước khi chia tay, ép chủ nhà nhận hai tờ xanh mệnh giá trăm đô. Cô Lan cầm một tờ lưỡng lự nhìn chồng.
- Đúng là “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, “Chó ngáp phải ruồi”! - Thống nói riêng với vợ.
Nói vậy chưa đúng hẳn. “Ở hiền gặp lành”, chính cô giáo Lan mới là nhà kinh doanh du lịch có tài, là “nâm bờ oăn”, chứ đâu phải “Thống bình bịch”.
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM