Tạo hóa không cho chị Vũ Thị Nguyệt Ánh (37 tuổi, ngụ tại thôn Tân Vượng, xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc) đôi chân lành lặn, nhưng đổi lại đã "ban" cho chị đôi tay khéo léo và cả trái tim "nhạy cảm" với thiên nhiên mà cụ thể hơn là loài bướm. Chính loài bướm đã tạo nguồn cảm hứng để giúp chị "dệt" thành hàng ngàn bức tranh độc đáo làm đẹp cho đời.
Tạo hóa không cho chị Vũ Thị Nguyệt Ánh (37 tuổi, ngụ tại thôn Tân Vượng, xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc) đôi chân lành lặn, nhưng đổi lại đã “ban” cho chị đôi tay khéo léo và cả trái tim “nhạy cảm” với thiên nhiên mà cụ thể hơn là loài bướm. Chính loài bướm đã tạo nguồn cảm hứng để giúp chị “dệt” thành hàng ngàn bức tranh độc đáo làm đẹp cho đời.
|
Chị Vũ Thị Nguyệt Ánh (bìa trái) giới thiệu tranh cho du khách |
Thành công nhờ đam mê
Năm lên 4 tuổi, sau một trận bạo bệnh đã làm đôi chân của Nguyệt Ánh bị teo dần và không thể đi lại bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Song, lớn lên Nguyệt Ánh vẫn cố gắng đi trên đôi nạng gỗ để đến trường. Thời đi học, mỗi khi bạn bè vui chơi, đùa nghịch thì Nguyệt Ánh lại tìm đến những vườn hoa, bãi cỏ để ngắm những cánh bướm bay lượn trên cỏ cây, hoa lá. Thời gian, giúp cô hiểu được quy luật “sinh tồn” của loài bướm và đem lòng yêu chúng lúc nào không hay. Để rồi, qua những kiến thức ướp xác côn trùng mà chị học được từ phòng thí nghiệm hóa - sinh tại Trường Trung cấp Kỹ thuật và Dạy nghề Bảo Lộc (nay là Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc) cùng với khả năng nghệ thuật “thiên bẩm” đã giúp chị đưa những cánh bướm vào tranh.
Từ đó, khi có ý tưởng cho một chủ đề, bày tỏ cảm xúc về một hình ảnh, nỗi buồn vui trong cuộc sống là chị liền mượn cánh bướm làm chất liệu để tạo nên những đường nét hội họa “độc nhất, vô nhị”. Tranh bướm của chị đủ các kiểu, từ bức tranh một con bướm cho đến những bức được kết hợp bằng hàng ngàn cánh bướm đủ màu sắc. Đó là một cánh rừng mùa thu, một bếp lửa mùa đông, một người đi trong gió mưa, có bức là những nữ sinh đùa chơi, rồi những bức tranh khỏa thân mỹ miều sâu lắng, chân dung một thiếu nữ bất hạnh đang khóc, một đôi trai gái hẹn hò hay cả không gian phố cổ đầy hoài niệm… Để rồi, “tiếng lành đồn xa” và cứ thế công việc của chị ngày một phát triển và được nhiều người yêu nghệ thuật trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng biết đến.
Để đáp ứng nhu cầu của người yêu tranh, năm 2002, chị đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tranh bướm với tên gọi Tranh bướm Ánh Kim. Chị Vũ Thị Nguyệt Ánh chia sẻ: “Những cánh bướm nhiều màu sắc đã cho tôi sự sáng tạo vô tận. Đến nay, tôi đã sưu tầm được hơn 50 loại bướm và đó là những gam màu kỳ diệu nhất mà thiên nhiên đã ban tặng cho tôi. Chính chất liệu đặc biệt này, là cơ sở giúp tôi tạo nên những bức tranh sinh động...”.
“Hút” khách Tây
Trải qua hơn10 năm khởi nghiệp đến nay, cơ sở Tranh bướm Ánh Kim đã cho ra đời hàng ngàn bức tranh bướm các loại. Tuy mộc mạc, nhưng tranh của chị toát lên nét độc đáo của tự nhiên. Từ những cánh bướm, chị đã kết thành những bức tranh đầy màu sắc và “thổi hồn” vào đó một cuộc sống gần gũi, bình dị của tự nhiên.
Hiện nay, tranh bướm của chị được xuất bán đến các thị trường, như: Đà Lạt, TP. HCM, Nha Trang, Hà Nội... với giá bán từ 200 ngàn đồng đến vài chục triệu đồng/ bức. Chị Ánh tâm sự: “Để tạo ra một bức tranh bướm hoàn chỉnh, phải qua rất nhiều công đoạn như chọn các loại bướm, ướp xác, sấy khô, vẽ mẫu, lên khuôn... Sau đó, tùy vào ý tưởng và nội dung của từng bức tranh mà ta cần phải chọn những cánh bướm cho phù hợp với từng gam màu rồi kết chúng lại với nhau. Có bức tranh chỉ một con bướm, nhưng có tác phẩm cần đến hàng trăm cánh bướm. Mỗi bức tranh là một sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và nghệ thuật, giữa con người và thời gian, giữa dự định và tương lai. Hiện nay, tôi đang nhận dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho 8 lao động tại địa phương, với mức lương từ 2 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng”.
Để giới thiệu sản phẩm tới người yêu tranh, chị Ánh đã liên kết với nhiều công ty du lịch ở Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết và TP. HCM để mở các tour du lịch đưa du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về tranh bướm. Riêng đối với khách nước ngoài, mà đặc biệt là khách Nga, cứ đều đặn vào các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy hàng tuần, chị Ánh tổ chức tiếp đón và giới thiệu sản phẩm của mình với du khách. Khi đến tham quan tranh tại cơ sở của chị Ánh, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian nghệ thuật độc đáo thể hiện qua từng bức tranh, mà họ còn được khám phá về thế giới tự nhiên sinh động của loài bướm.
Anh Ngô Minh Thùy, hướng dẫn viên du lịch đưa khách nước ngoài từ Phan Thiết tới tham quan tranh bướm, cho biết: “Từ đầu năm 2016 đến nay, bản thân tôi đã đưa hàng chục đoàn khách nước ngoài (chủ yếu là khách Nga) đến tham quan và mua sắm quà lưu niệm tại cơ sở Tranh bướm Ánh Kim. Hầu hết những người khách nước ngoài tới đây và biết được chủ nhân của những bức tranh bướm là một người phụ nữ khuyết tật thì họ đều tỏ lòng ái mộ, khâm phục và kính trọng. Chính điều này, đã giúp họ thấu hiểu hơn về ý chí, tài năng và nghị lực phi thường của người dân Việt Nam, đặc biệt là những người phụ nữ Việt. Họ nói, sau khi về nước, họ lại giới thiệu tranh bướm với người thân, bạn bè để quảng bá hình ảnh độc đáo này tới người dân và đất nước của họ...”.
Không dừng lại ở đó, người phụ nữ lãng mạn và nhiều khát khao này còn mang tất cả các loài bướm thường dùng cho hoạt động sáng tác tranh của mình đi đăng ký Cites (công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã) theo nguyên tắc ứng xử và sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong thế giới văn minh ngày nay. Đồng thời, tham gia và đạt nhiều giải cao tại các cuộc triển lãm tranh ở Festival Hoa Đà Lạt và Festival Huế cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, năm 2010, tác phẩm tranh bướm “Chuyện tình Đà Lạt” của chị được tuyển chọn để sản xuất hàng mẫu lưu niệm và quà tặng du lịch đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng.
KHÁNH PHÚC