Em Su đi học về, mặt buồn buồn mách chị Hai, em đi qua đường gặp một em gấu bông đi lạc. Lúc đó trời mưa to, rất to. Em nói bà vú dừng chân ra nhặt em vào nhưng bà không chịu, giục về nhanh kẻo ướt. Bà sợ em sẽ bị ốm. Em muốn tự ra kéo em ấy nhưng không dám, vì em là con nít mà. Con nít thì đâu được tự băng ra đường, rủi xe đâm thì sao?
Em Su đi học về, mặt buồn buồn mách chị Hai, em đi qua đường gặp một em gấu bông đi lạc. Lúc đó trời mưa to, rất to. Em nói bà vú dừng chân ra nhặt em vào nhưng bà không chịu, giục về nhanh kẻo ướt. Bà sợ em sẽ bị ốm. Em muốn tự ra kéo em ấy nhưng không dám, vì em là con nít mà. Con nít thì đâu được tự băng ra đường, rủi xe đâm thì sao?
Lúc em đi về, em cứ ngoái nhìn theo em gấu miết. Em chỉ sợ nhỡ có cô bác nào chạy xe vô tình cán lên em thì em đau lắm. Có khi em lại còn bị gãy lìa tay chân, sứt sẹo tùm lum. Chủ nhân của em gấu ấy chắc cũng cùng tuổi tụi mình hoặc gần gần tuổi mình. Chắc bạn ấy đang rất đau lòng vì lạc mất em gấu… Khi kể cho chị nghe về em gấu bông đi lạc, giọng em như có lửa râm ran. Em ngồi hình dung ra tất tần tật những rủi ro mà em gấu đi có thể gặp phải. Trong phút chốc mẹ ngồi nhặt rau gần đó nghe lỏm được, có suy nghĩ không phải em đang kể chuyện về một em gấu bông mà là về một bạn nhỏ nào đó có tâm hồn đồng điệu, biết đau, biết buồn. Lần đầu tiên mẹ thấy một cô gái 4 tuổi có tâm trạng nóng ruột vì một ai đó như thế nào. Nó khiến cho người lớn mủi lòng tan chảy luôn chứ chẳng chơi.
Mà chẳng phải cứ mủi lòng mà được. Hai chị em đã chụm đầu vào nhau thì thầm, thì thầm, bàn ngay kế hoạch giải cứu em bé gấu càng sớm càng tốt. Dù cơn mưa nối dài từ chiều qua tối vẫn chưa dứt, hai chị em vẫn lúp xúp đội áo mưa ra đường. Hai chị em phải chờ vài phút để dòng xe cộ chạy qua chạy lại bớt đông. Em đứng trên vỉa hè, chị lọ mọ từng bước cẩn thận ra gần giữa đường để cứu em gấu. Sau vài giây cực căng thẳng thì chị Hai cũng “cứu” một em gấu bông chỉ to hơn nắm tay một tẹo.
Trời mưa, gió thổi thông thốc nhưng cảm giác toàn thân chị Hai căng thẳng tới phát nóng trong vài giây băng qua đường để giải cứu con gấu. Khi đã quay ngược lại vỉa hè trao em gấu vào tay em gái, chị cười khoe răng khểnh khi nghe cô nhóc em nói với tất tật sự hãnh diện, yêu thương: “Chị thật là siêu nhân!”. Về tới nhà, chị Hai mới nhìn kĩ con gấu. Rất may nó không bị xe cán lên nhưng hẳn đó là con gấu cũ từ thời Napoleon để lại, những đường may đã bắt đầu cũ sờn…
Bé em dường như không để ý điều đó. Cô nhóc cẩn thận giặt con gấu, cẩn thận sấy khô và ẵm bồng em mãi. Khi đi ngủ, em gái dành một vị trí tươm tất gần mình nhất cho em gấu bởi em nghĩ: Em gấu hẳn nhiên đã rất sợ hãi và bị lạnh từ chiều tới giờ. Em hẳn rất buồn khi bị xa chủ cũ. Vì thế, em cần phải yêu thương em ấy.
Sáng mai ngủ dậy, em gái nhìn chị Hai cười cười rồi nhìn em gấu hỏi thăm: “Lạ nhà, ngủ ngon không gấu ơi?”. Rồi em kể với Hai rằng, tối qua em mơ thấy em gấu đi lạc và hai chị em mình cùng đi lạc. Lạc vô một vùng mênh mông gió mát, nắng tươi và hoa đẹp cỏ êm. Lại có những cành cây chĩu chịt quả chín thơm ngon bên đường. Chị Hai tấm tắc nói, em mơ chi mà khôn.
Mẹ vẫn dõi theo câu chuyện hai chị em, chợt nghĩ tới chương trình tìm người thân đi lạc vẫn thường phát trên một kênh truyền hình vào buổi sáng. Có không ít em bé đi lạc. Chỉ mong trên những bước đường lạ, người tìm được niềm ấm áp.
* * * * *
Lòng trắc ẩn của trẻ con có hay không? Thực sự là có. Có không hề ít. Nó tựa những âm thanh trong veo trong bản nhạc cuộc sống lắm xô bồ, nhiều xáo trộn. Và đôi khi, bỏ qua những tính toán thông thường, cả cô chị lẫn mẹ vẫn bị cô bé con kéo theo vào những việc tưởng như vô cùng gàn dở như là giải cứu một con gấu bông bé xíu đã sờn chỉ. Nhưng chẳng hề hấn gì khi mẹ nhận ra rằng bé con của mẹ đang tăng dần những sự xúc cảm khi bé có lòng trắc ẩn từ những điều tưởng như rất nhỏ ấy. Nhờ những câu chuyện nhỏ xíu xiu như chuyện em gấu bé nhỏ đi lạc mà hai chị em thân thiết nhau hơn. Còn mẹ thì được sống chậm theo từng xúc cảm của con mình.
VÕ THU HƯƠNG